Nguyên nhân Airbus kêu gọi châu Âu không trừng phạt titan của Nga
Lĩnh vực hàng không không phải là ngành duy nhất đang vật lộn với ảnh hưởng từ hàng hóa của Nga.
Xung đột Nga-Ukraine không chỉ tác động lớn đến lĩnh vực năng lượng mà còn ảnh hưởng đến lĩnh vực hàng không của phương Tây. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters ngày 13/4, hãng sản xuất máy bay Airbus (AIR.PA) đã kêu gọi châu Âu không chặn nhập khẩu titan từ Nga, cho rằng các lệnh trừng phạt đối với kim loại chiến lược này sẽ gây thiệt hại cho hàng không vũ trụ, trong khi hầu như không gây tổn hại cho nền kinh tế Nga.
Phát biểu tại một cuộc họp cổ đông thường niên, Giám đốc điều hành của Airbus, ông Guillaume Faury cho biết, việc phương Tây mở rộng hành động trừng phạt Nga đối với titan, được sử dụng trong máy bay và động cơ phản lực, sẽ “không phù hợp”.
“Airbus đang áp dụng và sẽ tiếp tục áp dụng đầy đủ các biện pháp trừng phạt. Nhưng biện pháp trừng phạt đối với titan của Nga hầu như không gây hại cho Nga, vì chúng chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh thu xuất khẩu của Moskva. Tuy nhiên, chúng sẽ gây thiệt hại lớn cho toàn bộ ngành công nghiệp hàng không vũ trụ trên toàn châu Âu”, một người phát ngôn của Airbus nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần kêu gọi các chính phủ phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn hơn đối với Nga.
Đầu tuần này, EU lưu ý các biện pháp trừng phạt bổ sung vẫn là một lựa chọn và Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo các đồng minh phương Tây sẽ tiếp tục tăng cường áp lực với Moskva.
Nga là nhà sản xuất titan hàng đầu thế giới. Đây là một kim loại chiến lược được đánh giá cao về độ bền so với trọng lượng của nó. Cho đến nay, EU đã tránh trừng phạt các mặt hàng của Nga ngoài thép và than đá, và titan vẫn được miễn trừ khỏi các hạn chế thương mại với Nga.
Video đang HOT
Theo ông Faury, Airbus đang đẩy nhanh việc tìm kiếm các nguồn cung ngoài Nga trong dài hạn, trong khi nhu cầu của họ được đáp ứng trong ngắn hạn và trung hạn.
Vào tháng 3, Airbus cho biết họ “đang trực tiếp tìm kiếm titan từ Nga cũng như từ các nước khác” và gián tiếp mua titan của Nga thông qua các nhà cung cấp.
Hôm 12/4, họ đã khẳng định lại điều này với Reuters nhưng từ chối cho biết lần gần đây nhất họ nhận được titan của Nga là khi nào.
Airbus cho biết họ phụ thuộc vào Nga để đáp ứng một nửa nhu cầu titan, trong khi VSMPO- AVISMA (VSMO.MM), nhà sản xuất titan lớn nhất thế giới do nhà nước Nga hậu thuẫn đã cung cấp một phần ba nhu cầu của Boeing theo một thỏa thuận được gia hạn vào tháng 11 năm ngoái. Tháng trước, Boeing cho biết họ đã ngừng mua titan của Nga.
VSMPO-AVISMA do tập đoàn quốc phòng nhà nước Nga Rostec sở hữu 25%, chiếm 3/4 doanh số bán hàng cho lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Hàng không vũ trụ không phải là ngành duy nhất vật lộn với ảnh hưởng hàng hóa của Nga. Hồi tháng 3, ngành công nghiệp điện hạt nhân Mỹ cũng đã vận động Nhà Trắng cho phép tiếp tục nhập khẩu urani từ Nga bất chấp xung đột leo thang ở Ukraine, với nguồn cung cấp nhiên liệu rẻ được coi là chìa khóa để giữ giá điện của Mỹ ở mức thấp.
Theo Mỹ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng và Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Mỹ phụ thuộc vào Nga và các nước Kazakhstan và Uzbekistan để cung cấp khoảng một nửa lượng urani cung cấp năng lượng cho các nhà máy hạt nhân của họ – khoảng 22,8 triệu pound (10,3 triệu kg) vào năm 2020 – do đó sản xuất khoảng 20% lượng điện của Mỹ.
Viện Năng lượng Quốc gia (NEI), một nhóm thương mại của các công ty sản xuất điện hạt nhân của Mỹ như Duke Energy Corp (DUK.N) và Exelon Corp (EXC.O), đã vận động Nhà Trắng giữ nguyên miễn trừ đối với nhập khẩu urani từ Nga.
Thay đổi trong các mối quan hệ quốc tế do xung đột ở Ukraine
Xung đột Nga-Ukraine đang có tác động sâu sắc đến các mối quan hệ quốc tế với những hậu quả tiềm ẩn sâu rộng.
Raghida Dergham, người sáng lập và Chủ tịch Điều hành của Viện Beirut (trụ sở ở Mỹ), bình luận trên trang web Thenationalnews.com mới đây rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang có tác động sâu sắc đến trật tự toàn cầu, với những thay đổi chóng mặt trong mối quan hệ giữa các quốc gia khác nhau và kéo theo nhiều hậu quả.
Xung đột Nga-Ukraine đang dẫn đến những thay đổi trong quan hệ quốc tế. Ảnh: Reuters
Theo bà Dergham, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến phương Tây trở nên đoàn kết hơn và áp dụng một số biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt nhất nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga.
Trong khi đó, một số vấn đề đã xuất hiện trong mối quan hệ giữa Nga và Iran, khi cuộc xung đột ở Ukraine có tác động đến các cuộc đàm phán được tổ chức tại Vienna (Áo) để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa các cường quốc toàn cầu và Tehran.
Trước khi xung đột nổ ra, Nga là nước ủng hộ chính cho Iran ở Vienna. Gần đây, Tehran được cho là không hài lòng trước động thái của Moskva nhằm gắn cuộc xung đột ở Ukraine với các cuộc đàm phán hạt nhân, điều mà Iran muốn kết thúc càng nhanh càng tốt để các cường quốc phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Cuộc khủng hoảng Ukraine còn làm nổi lên một vấn đề quan trọng: Dầu và khí đốt của Iran có thể đóng vai trò là nguồn bổ sung cho thị trường quốc tế sau khi Mỹ cấm nhập khẩu dầu và khí đốt từ Moskva. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu các cuộc đàm phán với Iran về vấn đề này, với phản ứng sau đó của Iran là nước này sẵn sàng xuất khẩu ngay sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây được dỡ bỏ.
Kết quả là, Mỹ cũng như các cường quốc châu Âu đang tìm cách ký kết thỏa thuận với Iran. Với Mỹ, ông Biden cần một chiến thắng trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay. Với châu Âu, họ đang tìm kiếm các nhà cung cấp năng lượng thay thế khi muốn giảm phục thuộc năng lượng vào Nga.
Có vẻ như Iran đang thấy những lợi ích từ những nhu cầu mới của Mỹ và châu Âu, nhưng nước này sẽ không từ bỏ quan hệ đồng minh chiến lược với Nga. Tehran cho rằng cách tiếp cận thực dụng sẽ giúp họ theo đuổi các mục tiêu chiến lược của mình tốt hơn.
Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến an ninh ở Trung Đông. Có khả năng Iran sẽ nắm bắt cơ hội để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Về mặt logic, việc cải thiện quan hệ giữa Iran với phương Tây sẽ giúp hạn chế bất ổn trong khu vực. Theo đó, Iran và Mỹ có thể sẽ ký các hiệp định nhằm hợp pháp hóa lợi ích của Tehran ở Syria, Liban và Iraq.
Trung Quốc, đối tác quan trọng khác của Nga, cũng đã có những điều chỉnh nhất định về lập trường liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine. Quan điểm của Bắc Kinh là hòa bình trong khu vực mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Trung Quốc đã phản đối phương Tây về sự bành trướng về phía Đông của NATO trong ba thập kỷ qua. Nước này cũng đã bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu của LHQ liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, nhưng không hoàn toàn ủng hộ Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ngay cả Venezuela, vốn trong nhiều năm quan hệ căng thẳng với Mỹ, cũng đang phản ứng tích cực với những nỗ lực xây dựng quan hệ gần đây của Washington. Với việc chính quyền Tổng thống Biden hướng đến nguồn dự trữ năng lượng lớn của Venezuela, Mỹ có thể xem xét dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Caracas cũng như chấm dứt sự cô lập quốc tế của nước này.
Ngoài ra, Washington cũng đang tìm cách cải thiện mối quan hệ căng thẳng với các đồng minh của mình ở Vùng Vịnh. Quan hệ Mỹ-Vùng Vịnh đã xấu đi do các chính sách của Nhà Trắng ở Trung Đông, như việc phản đối đồng minh khu vực thiết lập lại quan hệ với Iran, gây ra mối đe dọa an ninh cho khu vực nói chung và quyết định loại bỏ lực lượng Houthi ở Yemen khỏi danh sách các tổ chức khủng bố năm ngoái.
Nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine có thể dẫn đến việc thiết lập lại quan hệ, đặc biệt cần lưu ý trong bối cảnh nhiều quốc gia vùng Vịnh đã tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc và Nga trong những năm gần đây. Việc thiết lập lại mối quan hệ với Mỹ, cùng với việc tăng giá dầu, có thể làm tăng thêm ảnh hưởng của các quốc gia này trong quá trình ra quyết định quốc tế.
Tóm lại, bà Dergham kết luận, chỉ vài tuần trước, ít ai có thể dự đoán rằng trật tự thế giới sẽ được định hình lại một cách quyết liệt và nhanh chóng như vậy. Nhưng với việc cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, chúng ta có thể sẽ chứng kiến nhiều thay đổi trong quan hệ quốc tế trong thời gian tới.
Xung đột ở Ukraine mở ra cơ hội ngoại giao và năng lượng cho Qatar Qatar đã gợi ý rằng họ có thể cung cấp nhiều khí đốt hơn cho châu Âu trong bối cảnh EU đang tìm các đa dạng nguồn cung nhằm giảm phụ thuộc vào Nga. Theo hãng tin Reuters ngày 20/3, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã mở ra cơ hội ngoại giao và thương mại cho nhà xuất khẩu khí đốt Qatar để tăng...