Nguyên liệu giảm 20% giá sữa đứng yên: Chuyện bình thường?
Từ tháng 4 đến nay, giá chào bán nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới đã giảm 20% nhưng vì điện, lương, tỷ giá tăng nên Bộ Tài chính cho rằng, mức giảm này chưa đủ tác động kéo giá sữa trong nước giảm theo.
Trước nhiều thông tin trên các kênh truyền thông cho rằng, giá sữa tại Việt Nam đang bất thường, Bộ Tài chính vừa phát đi thông cáo chiều tối nay, 21/9 để khẳng định sự bình thường của giá sữa.
Theo Bộ Tài chính, đối với sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi- nhóm sữa thuộc danh mục hàng hoá Nhà nước được quyền can thiệp bình ổn, các loại nguyên liệu sữa chiếm khoảng 40-45% giá bán. Trong đó, loại sữa bột gầy, sữa bột nguyên kem trong tùy loại sản phẩm sữa chiếm khoảng 20-25% giá bán.
Cập nhật thông tin từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và báo cáo của Bộ Công Thương, 3 tháng đầu năm nay, giá chào bán sữa bột gầy, sữa nguyên kem của thị trường Tây Âu, Châu Úc tăng liên tục nhưng từ tháng 4 đến nay, giá lại giảm khoảng 20%.
Tại Việt Nam, các công ty sữa trong nước đang nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu từ khoảng 25 quốc gia với diễn biến giá cả không rõ ràng, lúc tăng, lúc giảm.
Nguyên liệu giảm 20% vẫn chưa đủ kéo giá sữa VN xuống
Video đang HOT
Ví dụ, bột sữa nguyên kem trong tháng 3 giao dịch giá 2,876 USD/kg đã giảm khá mạnh ở thời điểm tháng 6, chỉ còn mức 2,680 USD/kg. Song ngay sau đó, tháng 7 và 8, nguyên liệu này lại tăng lên và chốt ở mức 3,34 USD/kg.
Bột sữa gầy Low Heat vào tháng 4 có mức giá 3 USD/kg, tháng 5 tăng lên mức 5 USD/kg và tháng 8 lại giảm còn mức 2,57 USD/kg.
Một số loại nguyên liệu sữa giảm nhiều so với cách đây 5 tháng, như bột sữa béo giảm từ 3 USD/kg tháng 4, 5 còn 2,7 USD/kg vào tháng 7, 8. Bột sữa bò hàm lượng chất béo trên 1,5% giảm từ 4 USD/kg tháng 3 xuống còn 2,6 USD/kg kể từ tháng 6 đến tháng 8. Bột sữa gầy chưa pha thêm đường có chất béo dưới 1,5% cũng giảm từ 2,7 USD/kg xuống còn 2,3 USD/kg.
Bộ Tài chính cho biết, các loại nguyên liệu nhập khẩu trên còn dùng để sản xuất các mặt hàng khác như bánh kẹo, nước hoa quả, sữa cho phụ nữ mang thai, người già…
Ngoài ra, giá sữa còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác đã tăng lên như lương tối thiểu đã tăng 14%, tỷ giá tăng 4%, giá điện đã tăng 7,5% và chi phí quảng cáo, khuyến mại tăng do quy định khống chế ở mức 15% tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp trước đây đã bị dỡ bỏ.
Do vậy, Bộ Tài chính khẳng định, việc giảm giá nguyên liệu thế giới như trên tác động đến giá sữa thành phẩm trong nước là chưa đáng kể, cộng với các yếu tố tăng nên giá sữa trong nước không giảm.
Mặt khác, vừa qua, cũng có thời điểm thị trường hình thành các chi phí đẩy dẫn đến các doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh giá, song cơ quan quản lý giá đã đề nghị doanh nghiệp phải điều tiết chi phí, giữ bình ổn giá.
Với quyết định áp giá trần từ tháng 6/2014 đến hết năm 2016, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã một mặt bằng giá ổn định trong suốt 15 tháng qua, và dự kiến sẽ còn ổn định cho đến hết năm 2016 nếu không có yếu tố bất thường, Bộ Tài chính khẳng định.
Theo_VietNamNet
Thi đua yêu nước - động lực phát triển ngành công thương
Nhìn lại quá trình 65 năm xây dựng và trưởng thành, ngành công thương Việt Nam luôn tự hào về sự phát triển và khẳng định, công tác thi đua yêu nước luôn luôn là động lực thúc đẩy ngành công thương phát triển. 5 năm qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp do ảnh hưởng sâu sắc của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và thiên tai, dịch bệnh trong nước, song dưới sự chỉ đạo của Đảng, lãnh đạo của Nhà nước, nỗ lực vượt mọi khó khăn, thực hiện sôi nổi các phong trào thi đua, ngành công thương vẫn duy trì phát triển sản xuất công nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao, góp phần vào tăng trưởng GDP của cả nước.
Sản xuất sợi tại Nhà máy Sợi Nam Định (Tổng Công ty CP dệt may Nam Định). Ảnh: Trần Hải
Mặc dù những năm gần đây, giá các loại nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào của nhiều ngành tăng cao, nhưng với tinh thần lao động sáng tạo, các doanh nghiệp ngành công thương đã tích cực, chủ động tìm các biện pháp giảm giá thành, duy trì được tính cạnh tranh của sản phẩm, giữ vững thị trường do từng bước hiện đại hóa công nghệ, thiết bị, tăng năng suất lao động, bảo đảm và tăng thêm việc làm, tăng thu nhập cho công nhân, viên chức, lao động. Các phong trào thi đua của các đơn vị trong ngành đã từng bước được đổi mới, đi vào chiều sâu, chất lượng, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác thi đua, khen thưởng.
Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công thương đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền về việc tiếp tục đổi mới các hoạt động thi đua, khen thưởng, phát hiện, bồi dưỡng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới hoạt động có hiệu quả. Những hoạt động trên đã thật sự làm chuyển biến cả về nhận thức, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai và thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành công thương. Thi đua khen thưởng đã và đang trở thành động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng nhân rộng các điển hình tiên tiến.
5 năm qua, theo thống kê của Công đoàn Công thương Việt Nam, toàn ngành đã có hơn 100 nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi hơn 20 nghìn tỷ đồng; nhiều sáng kiến giải pháp không tính được bằng tiền nhưng có ý nghĩa lớn về mặt xã hội. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc góp phần đạt giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 5 năm 2011-2015 ước tăng khoảng 11,6%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2011-2015 ước tăng 18%/năm (cao hơn mức 12%/năm so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và mục tiêu tại Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 14,4%/năm. Nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn ở hầu hết các ngành đã được thực hiện và một số đã đi vào hoạt động, góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng nhiều sản phẩm công nghiệp, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước, hạn chế việc tăng nhập khẩu và tăng cường xuất khẩu.
Công tác phát triển thị trường xuất khẩu đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Công tác nhập khẩu đã góp phần bảo đảm cho nhu cầu máy móc, thiết bị, vật tư cho đầu tư, sản xuất trong nước cũng như để xuất khẩu. Thương mại nội địa đã bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ với giá cả khá ổn định các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng xã hội cho nên đã giữ cho thị trường khá ổn định; những mặt hàng chính sách cũng được cung cấp đầy đủ cho các đối tượng. Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được tổ chức thực hiện hiệu quả dưới nhiều hình thức khác nhau. Về hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới, từ việc tham gia vào các hợp tác khu vực như ASEAN, APEC, ASEM, đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), cho đến việc tham gia vào hợp tác đa phương... không những đã thể hiện sự chủ động và tích cực của ta trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, mà còn thể hiện chủ trương chủ động đón đầu xu thế lớn của hợp tác kinh tế quốc tế trong khu vực và trên thế giới.
Thực tiễn sinh động của các phong trào thi đua, sự nỗ lực phấn đấu của mỗi cán bộ, công nhân viên đã tạo nên khí thế mới có sức lan tỏa trong các đơn vị của toàn ngành. Thông qua phong trào thi đua, tạo nên sự gắn kết giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với tập thể, đồng thời sự cạnh tranh lành mạnh trong thi đua đã kích thích sự phát triển năng lực, trí tuệ của mỗi cán bộ, công nhân viên. Các đơn vị trong toàn ngành đã đẩy mạnh phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các mô hình mới, nhân tố mới điển hình tiên tiến. Kịp thời cổ vũ, động viên, khen thưởng các cá nhân, tập thể lập được thành tích xuất sắc thông qua việc khen thưởng đột xuất, chuyên đề, thường xuyên. Thông qua các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc; giai đoạn 2011-2015, toàn ngành đã vinh dự được Chính phủ và Nhà nước tặng thưởng: 12 Anh hùng Lao động (11 tập thể, 1 cá nhân); 207 đơn vị được nhận Cờ thi đua của Chính phủ; 954 đơn vị được nhận Cờ thi đua của bộ; 492 tập thể và cá nhân được tặng thưởng (từ Huân chương Lao động đến Huân chương Độc lập); 1.633 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;13.179 tập thể và cá nhân được khen thưởng Bằng khen của Bộ Công thương...
Căn cứ vào mục tiêu phát triển 5 năm 2016-2020 của đất nước, ngành công thương đặt ra những mục tiêu như: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân toàn ngành khoảng 10% - 11%/năm; xuất khẩu tăng trưởng bình quân 10%/năm, phấn đấu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 266 tỷ USD, tốc độ nhập khẩu tăng trưởng bình quân khoảng 9%/năm, cân bằng ổn định cán cân thương mại; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 12-13%/năm; tiếp tục thực hiện chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trên tất cả các bình diện song phương, khu vực và đa phương.
Để đạt được các mục tiêu mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao cho ngành, Bộ Công thương triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, tập trung vào: tiếp tục quán triệt nội dung Chỉ thị số 39-CT/TW, Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến để nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu của cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực hiệu quả. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan không thực chất.
Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng: tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, có chủ đề tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, không hình thức; thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời; việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức các phong trào thi đua; thực hiện đổi mới công tác khen thưởng bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng.
Trong thư chúc mừng gửi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành công thương mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Ngành công thương cần phát huy truyền thống vẻ vang và những kết quả đã đạt được, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là đàm phán, ký kết và thực hiện hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA); phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tăng cường quản lý thị trường, giá cả, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu ngành; tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng tin tưởng rằng, với tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết, nhất trí và nỗ lực, sáng tạo, ngành công thương sẽ có những đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. TÙNG LÂM
Theo_Báo Nhân Dân
PVN muốn ép doanh nghiệp mua xăng dầu nội địa Lo ngại dư thừa xăng dầu khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất hoạt động hết công suất, Tập đoàn dầu khí VN (PVN) vừa có đề nghị Thủ tướng Chính phủ có biện pháp hạn chế nhập khẩu xăng dầu, buộc các doanh nghiệp phải sử dụng sản phẩm của hai nhà máy lọc dầu này. Nhà máy...