Nguyên Khang quảng bá du lịch Sapa
Chàng MC The Remix có không ít kỷ niệm đẹp trong chuyến du ngoạn thị trấn nổi tiếng của miền núi phía Bắc.
Mới đây, Nguyên Khang có chuyến đi khám phá Sa Pa trong một chương trình truyền hình nhằm quảng bá du lịch cho địa danh này. Dù đã đặt chân đến không ít địa điểm trên khắp Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên anh đến với Sa Pa.
MC điển trai dành nhiều thời gian trò chuyện với người dân tộc để tìm hiểu về văn hoá địa phương, sự khác biệt trong trang phục truyền thống của các dân tộc.
Nguyên Khang được tận mắt chứng kiến quy trình đan thổ cẩm của người dân tộc. Hầu hết phụ nữ Sa Pa đều biết dệt vải, thêu thùa và tự may quần áo cho cả nhà. Vải thổ cẩm Sa Pa nổi tiếng vì chất liệu độc đáo, mẫu thêu đẹp.
Nguyên Khang cũng tranh thủ học hỏi về ẩm thực của vùng đất nổi tiếng, thưởng thức đặc sản thắng cố – món ăn không thể thiếu ở các bản làng và phiên chợ của người Mông.
Khi đến với khu du lịch Cát Cát, anh được người Dao dạy cách cân bạc, hoá thân thành chàng trai say xỉn trong điệu múa Cướp vợ.
Video đang HOT
Ngoài việc quảng bá du lịch Sa Pa, Nguyên Khang dành thời gian đến thăm trường mầm non và tiểu học của các em học sinh nghèo dân tộc thiểu số. Nguyên Khang chia sẻ: “Với tôi, việc đi đến những vùng đất không chỉ là cơ hội trải nghiệm, tích luỹ kiến thức cần thiết cho công việc, mà còn giúp tôi đồng cảm và chia sẻ sự khó khăn của các em học sinh khi bền bỉ vượt qua khó khăn để đến lớp thường xuyên.Hành trình nuôi con chữ thật không dễ dàng với các em đã khiến tôi thật xúc động”.
Theo Zing
MC Nguyên Khang và sự nếm trải những điều cùng cực nhất
Nguyên Khang từng may mắn gặp một người cho anh cái bụng no và một trái tim ấm, suốt 3 tuần ở xứ Hoa anh đào với hành trang chỉ là 1 thùng mỳ gói và vỏn vẹn 100 USD.
Trụ cột ở tuổi 16
Khán giả truyền hình hẳn không còn xa lạ với một Nguyên Khang tài năng và năng động. Nhưng ít ai biết, 16 tuổi, Khang đã phải trải qua những ngày khó khăn khi mẹ anh bất ngờ bị phát hiện có tế bào ung thư. Ngày ấy, Khang đã có thể một mình túc trực bên giường bệnh để chăm mẹ mà không gặp khó khăn gì, bởi anh được mẹ rèn tự lập từ nhỏ. Lớp 8 đã tự đạp xe đi chợ, nấu cơm và phụ mẹ việc nhà.
Phút trầm tư của MC Nguyên Khang.
"Khi mẹ xuất viện thì cũng là lúc ba rời bỏ căn nhà của chúng tôi để theo tiếng gọi của một người đàn bà khác. Tôi vẫn nhớ ngày ba mẹ chia tay, tan học, tôi đến đón hai em gái trên chiếc xe đạp cũ cọc cạch và tránh chở chúng về nhà. Tôi đưa các em dạo quanh hồ Con Rùa, mua kem, huyên thuyên để các em vui rồi hứa sẽ bảo vệ chúng.
Làm ra vẻ cứng rắn như vậy nhưng tôi thấy tim quặn thắt. Thuở đó, tôi hận ba lắm và thường tự hỏi: "Sao ba lại làm thế? Sao ba lại có thể bỏ mấy mẹ con mà đi?". Và rồi rất lâu sau đó, khi đã gom được nhiều trải nghiệm, tôi rộng lượng hơn khi nhìn vô chuyện của ba và mẹ. Tôi hiểu ra rằng, đó là câu chuyện của số phận và lý do đơn giản chỉ là ba mẹ đã hết duyên, và tôi không còn giận ba nữa. Ba con tôi bắt đầu gặp gỡ chuyện trò, thăm hỏi trở lại, ba thậm chí còn là "fan ruột", thường xuyên xem các chương trình và nhắn tin góp ý cho tôi" - Nguyên Khang chia sẻ.
Sự kiện bố mẹ chia tay khiến Nguyên Khang có thêm động lực để vươn lên. Khang học ngày càng giỏi, có cơ hội sang Mỹ học 1 năm trung học để chuyển tiếp lên đại học nhưng lại từ bỏ cơ hội này để ở lại với mẹ và các em. Sau này, Khang trúng tuyển cùng lúc ĐH Bách Khoa và ĐH Xã hội nhân văn, nhưng đã chọn học Bách Khoa để vui lòng mẹ.
Cậu sinh viên năm nhất bắt đầu vừa học vừa kiếm việc làm thêm. Khi đi dạy gia sư, Khang có thể phụ mẹ 700.000 đồng/tháng, rồi làm MC đám cưới, dẫn các đám cưới bằng tiếng Anh. Như được trời thương, Nguyên Khang kiếm mỗi ngày một khá để giúp mẹ trang trải tiền học cho các em và sinh hoạt gia đình.
Thùng mì tôm và ân nhân người Nhật
Năm thứ nhất đại học, Khang và nhiều sinh viên xuất sắc nộp hồ sơ xin học bổng đến Hội khuyến học Việt Nam. Hồ sơ được cơ quan này chuyển đến Hội khuyến học TP HCM. Theo giới thiệu của Hội khuyến học thành phố, một người Nhật giúp đỡ cùng lúc cho 3, 4 sinh viên. Khang là một trong số này, nên được ông gợi ý tìm cơ hội để đi nước ngoài giao lưu và học tập.
Ông hỏi: "Con muốn đến đất nước nào nhất?" và lúc đó Khang không ngại ngần nói rằng rất muốn tới Nhật. Ông gợi ý Khang viết thư cho Đại học tư nhân Keio lâu đời ở Nhật Bản xin tham dự một chương trình giao lưu. Khang bị từ chối, nhưng rồi một năm sau, lại bất ngờ nhận được cú điện thoại mời từ Nhật, tiếc là khoản tài trợ chỉ đủ mua vé máy bay.
Chuyến đi Nhật đầu tiên ấy, Nguyên Khang chỉ có vỏn vẹn 100 USD để sống trong 3 tuần. Anh kể: "Tôi được ông người Nhật mời đến nhà ở tuy nhiên vì sợ phiền nên tôi mang theo từ Việt Nam rất nhiều mì gói để mỗi khi đến bữa, tôi tự úp mì ăn.
Một hôm ông đi làm về muộn, bắt gặp tôi ăn mì, ông gọi ra ăn cơm cùng. Những ngày sau đó, có lúc ông bảo lấy mì Nhật mà ăn, mì Nhật ngon lắm, có lúc ông bảo vợ nấu cơm dành phần cho tôi. Thế là tôi không bị đói suốt 3 tuần ở Nhật".
Mười mấy năm qua, Khang luôn cảm nhận được tình thương yêu của ân nhân người Nhật và gia đình ông dành cho anh. Đã có lúc anh nói: "Con ước gì có cách nào đền đáp ân tình của gia đình chú...". Vị ân nhân trả lời: "Con không phải đền đáp gì cả. Con chỉ cần làm những điều nhỏ nhặt ấy với những người khác". Vì vậy Nguyên Khang đã cố gắng làm nhiều việc thiện như tham gia xây bếp, nhà vệ sinh trường học ở Thái Nguyên, hoặc hay ghé bệnh viện Ung bướu để thăm hỏi trao quà cho trẻ nhỏ...
Nguyên Khang trong lần làm từ thiện tại Hà Nội gần đây.
Trải qua nhiều may mắn - vất vả với nhiều vui - buồn, thành công - thất bại Nguyên Khang thấm thía giá trị của sự cố gắng và tình thương yêu.
"Ai từng nếm trải những cùng cực nhất của đời sống, mới thấy quý giá sự tử tế của người khác dành cho mình. Ai từng chịu đựng thật nhiều khắc nghiệt của đời sống, mới có thể ngộ ra: Chiến thắng bản thân là chiến thắng nhọc nhằn nhất" - Nguyên Khang luôn tìm đến chiến thắng nhọc nhằn ấy, bằng cách lao vào hành trình tìm kiếm các cơ hội.
Chàng trai săn tìm cơ hội
Kết thúc những năm tháng đại học, Nguyên Khang xin vào làm một công ty truyền thông: "Thử việc 3 tháng thì mới chỉ làm được 2 tháng tôi đã bỏ cuộc vì không quen với kiểu làm việc công sở theo giờ hành chính. Tôi bắt đầu lên mạng tìm những cuộc thi với hi vọng nắm bắt những cơ hội công việc tốt hơn" - Nguyên khang chia sẻ.
Cuộc thi đầu tiên Nguyên Khang tham gia là gameshow Nốt nhạc vui do MC Thanh Bạch dẫn. Khang kể trước đó khi lên mạng tìm hiểu về chương trình thì thấy các thí sinh đã trải qua vòng thi tuyển đầu tiên. Nhưng vì tò mò nên anh vẫn tới buổi quay hình. Rồi đến khi tới lượt một thí sinh tên Sơn phải vào thi nhưng giám thị gọi hai lần không thấy ai thưa Khang bạo gan nói "có". Nhưng khi bước vào phòng trước lúc casting, Khang thành thật: "Xin lỗi anh, em không phải tên Sơn, em vì yêu thích chương trình nên muốn mình được thử sức".
Lúc đó, người trông thi nói rằng sẽ cho Khang thi thử cùng 4 bạn khác và không ngờ Khang đã được chọn. Sau đó, anh là thí sinh đặc biệt chiến thắng 3 kỳ nốt nhạc vui liên tiếp trong một năm nên được đặc cách vào buổi quay hình đặc biệt với 2 ca sĩ nổi tiếng Lam Trường và Cẩm Ly năm 2006 (Nguyên Khang xuất sắc 2005). Đến giờ mỗi khi nhắc lại lần nói dối đầu tiên Khang vẫn rất ngượng ngùng nhưng nhờ thành công lần đó anh đúc kết ra rằng, phải biết nắm bắt khi cơ hội đến, chưa nói đến việc mình phải biết tự tạo cơ hội.
Bước ngoặt lớn nhất làm thay đổi cuộc đời Khang đó là dự thi Người dẫn chương trình truyền hình năm 2006 do HTV tổ chức và anh đã lọt vào top 10 thí sinh xuất sắc nhất. Từ đó, Khang nhận được nhiều lời mời làm MC cho các gameshow, các cuộc triển lãm quốc tế. Nhưng thú vị nhất là Khang được chọn là MC cho chương trình Xone FM. Với cách dẫn chuyện hài hước, thông minh, Khang thu hút được rất nhiều thính giả. Anh khoe bí quyết trở thành một trong những MC được yêu thích nhất Xone FM đó là tìm đọc thật nhiều truyện cười và những câu chuyện về hôn nhân gia đình...
Cơ hội đến với Khang khi đoạt giải nhất Cầu vồng lĩnh vực Người dẫn chương trình năm 2009 và MC Vân tay trước đây (là chuyên mục Chuyên cơ số 6 sau này) rút lui. Thật ra ê-kíp của VTV6 đang nhắm đến một gương mặt mới, phong cách năng động hơn cho chương trìn. Họ nghĩ ngay đến Khang, một chất giọng Nam Bộ, một phong cách tếu táo, hài hước và có khả năng ngồi 'tám' hàng giờ với các người đẹp. Thế là Khang được chọn.
Từ sân chơi này, Khang mới được những chương trình khác như Trò chơi âm nhạc, chương trình trò chuyện với người nước ngoài Việt Nam trong tim tôi trên VTV3 hay gameshow hot: Hòa âm ánh sáng, Bước nhảy hoàn vũ, Ngôi sao thiết kế Việt Nam, Nhân tố bí ẩn... hay mới nhất là truyền hình thực tế Không giới hạn - Sasuke (dẫn cùng nhà báo Lại Văn Sâm)...
MC Nguyên Khang và MC Lại Văn Sâm trong chương trình Sasuke.
"Dám liều lĩnh, dám thất bại và dám làm lại", đó là tiêu chí về nghề nghiệp mà Nguyên Khang tự đặt ra với bản thân. Anh nói, đôi khi chính những sự liều lĩnh, thất bại ấy lại là kinh nghiệm quý giá cho mỗi người mà không trường lớp nào dạy được. Nguyên Khang từng bị góp ý trong những lần đầu xuất hiện trên truyền hình vì cách dẫn còn teen quá, giọng nói khó nghe hay bệnh nói dài... Nhưng thay vì bảo thủ, Khang gạt bỏ cái tôi cá nhân để lắng nghe và sửa đổi mình dần dần.
Việt Nam chưa có trường lớp đào tạo MC chính quy. Vì vậy thay vì đợi đến khi mở lớp, Nguyên Khang tâm niệm rằng cần tự học hỏi bằng cách xem nhiều chương trình của MC thế giới. Bởi từ đó cũng sẽ học được một vài điều hay ho từ họ. Nhưng để tiếp thu tốt những chương trình nước ngoài, Nguyên Khang cho rằng mình cần trau dồi khả năng tiếng Anh thật tốt. Cách đơn giản nhất là tự học. Khang vẫn dành thời gian hàng ngày nghe VOA news, đọc báo tiếng Anh và đi các CLB tiếng Anh khi rảnh.
Chia tay Nguyên Khang lòng tôi chợt ấm. Tôi tin anh là người hiểu rõ nhất thế nào là hạnh phúc, khi mà trong tâm không còn chút oán giận bận lòng. Chỉ còn những những đam mê cháy bỏng cùng thật nhiều yêu thương, giữa một đời an yên.
Theo Sơn Hà/Vietnamnet
Những kỷ niệm ấm áp của sao Việt dưới mái trường Nếu Nguyên Khang được cô giáo khâu nút áo bung thì Dương Cẩm Lynh được thầy dạy thêm, bù lại những ngày nghỉ vì bị ốm... Dương Cẩm Lynh Đối với tôi, thầy cô không chỉ là người cho mình kiến thức, còn là ân nhân. Nếu không có thầy cô, một cô bé bị thiếu máu não, một tuần đi học 5...