Nguyên hiệu phó trường tiểu học lừa đảo xin việc, chiếm đoạt tiền tỷ
Có vợ cũng là một công chức Nhà nước cùng hai đứa con một nếp, một tẻ, hạnh phúc tưởng viên mãn với Nguyễn Văn Hiền (44 tuổi), nguyên Hiệu phó Trường Tiểu học xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ… Nhưng không an phận thủ thường, Hiền lao vào chơi bời, rồi nợ nần.
“Đói ăn vụng, túng làm liều”, Hiền nghĩ đến việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị hại của Hiền có cả những người từng là tri kỷ của anh ta.
Nguyễn Văn Hiền
Ngày 24/8, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, đã tiếp nhận hồ sơ từ Công an huyện Thanh Sơn và đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Bị chính người bạn từng coi là tri kỷ lừa gạt, anh Hà Đức Vụ (trú tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) ngậm đắng nuốt cay. Suốt thời gian dài anh bị trầm cảm vì mệt mỏi. Theo lời kể của anh Vụ tại cơ quan điều tra, anh quen Hiền khi đối tượng này đang là giáo viên Trường Tiểu học khu lẻ ở Quét Tình, xóm Nhổi, huyện Thanh Sơn. Hiền sau đó đã chuyển nhiều vị trí công tác khác nhau nhưng quan hệ giữa anh Vụ và Hiền vẫn gắn bó khăng khít.
Thời gian sau này, ngoài việc làm Hiệu phó, Hiền còn là Phó Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiền, có trụ sở tại khu 4, Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Những lúc trà dư, tửu hậu, Hiền có tâm sự với anh Vụ rằng quen biết nhiều người, có thể xin công chức cho các trường hợp đã học xong trung cấp, trường dạy nghề vào làm cán bộ Nhà nước. Vốn là chỗ bạn bè, lại là Hiệu phó nên anh Vụ hoàn toàn tin vào những lời nói của Hiền.
Khoảng tháng 6/2011, anh Vụ có cháu là Hà Thị Hương, ở xã Đông Cửu, Thanh Sơn, Phú Thọ vừa học xong Trung cấp Y tế, muốn xin vào biên chế của ngành Y tế. Sau khi nghe anh Vụ kể câu chuyện trên, anh Hà Xuân Mai (bố cháu Hương) đã đưa cho anh Vụ 40 triệu đồng để nhờ Hiền xin việc cho cháu Hương. Sau khi nhận tiền, Hiền viết giấy biên nhận và hứa chắc như đinh đóng cột, cháu Hương sẽ được đi làm trong thời gian ngắn nhất… Quá thời gian hứa hẹn không thấy có kết quả, anh Vụ gặp xin lại tiền thì Hiền khất lần.
Đến tháng 6/2012, anh Vụ tìm gặp Hiền đòi tiền thì đối tượng này gợi ý anh đưa thêm tiền để lo chạy cho con của anh Vụ vào học cử tuyển ngành Y tế. Số tiền Hiền đề nghị đưa thêm là 40 triệu đồng… Để lấy lòng tin của anh Vụ, Hiền nói sẽ về thẳng Bộ Y tế để xin chỉ tiêu cho con anh Vụ vào thẳng ngành.
Một lần nữa, anh Vụ lại tin vào những lời lẽ của Hiền nên đồng ý đưa cho anh ta thêm 40 triệu đồng. Ngày 6/11/2012, Hiền lại gọi điện thoại yêu cầu anh Vụ xuống nhà Hiền… Nghĩ rằng công việc của con trai đã “đầu xuôi, đuôi lọt”, anh Vụ khấp khởi mừng thầm. Nhưng khi anh Vụ có mặt tại nhà Hiền thì đối tượng này tiếp tục yêu cầu anh Vụ cho con trai vào học trung cấp Công an chính quy với số tiền 250 triệu đồng.
Cũng như 2 lần trước, anh Vụ lại tặc lưỡi đồng ý. Lần này, anh Vụ đưa tiếp cho Hiền 100 triệu đồng. Sau đó vài ngày, anh lại đưa thêm cho Hiền 16 triệu đồng… Cả 4 lần này, Hiền đều viết giấy biên nhận tiền. Thời gian sau này, anh Vụ nhiều lần liên lạc và xuống nhà đối tượng này đòi tiền nhưng Hiền khất lần không trả.
Video đang HOT
Căn cứ vào lời khai của Hiền và các chứng cứ thu thập được, cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Hiền về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đến ngày 23/8, vụ án đã được chuyển đến Phòng PC45 Công an tỉnh Phú Thọ thụ lý theo thẩm quyền.
Theo lời khai của đối tượng Nguyễn Văn Hiền tại cơ quan điều tra thì Hiền không có khả năng xin việc vào công chức Nhà nước cũng như chạy vào các trường như lời đã hứa. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được của những người bị hại, Hiền đều dùng để chi tiêu cá nhân, không có khả năng hoàn trả. Anh Vụ chỉ là một trong các nạn nhân của Hiền trong vụ lừa đảo này.
Tính đến ngày 24/8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã nhận được hàng chục đơn của người bị hại với số tiền lừa đảo lên tới gần một tỷ đồng. Với mác giáo viên, hiệu phó của một trường học, Hiền dễ dàng lấy được lòng tin của những người bị hại.
Một trong số đó có trường hợp của anh Nguyễn Tuấn Đức (trú tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Anh Đức nhờ Hiền lo cho vợ, vừa tốt nghiệp Khoa Kế toán, Trường Đại học Hùng Vương vào biên chế tại một cơ quan Nhà nước. Số tiền Hiền yêu cầu là 150 triệu đồng, anh Đức đã đặt trước cho Hiền 100 triệu đồng…
Hết thời gian thỏa thuận, anh Đức liên lạc với Hiền thì thuê bao của Hiền luôn trong tình trạng không liên lạc được. Hiện vụ án đang được Phòng PC45 Công an tỉnh Phú Thọ điều tra mở rộng
Theo X.M.
Nữ hiệu phó vay hàng trăm tỷ đồng để làm gì?
Theo thông tin ban đầu, số tiền mà nữ hiệu phó trường THPT dân lập Phương Nam vay nợ lên đến hơn 268 tỷ đồng và 16 quyển "sổ đỏ", trong đó người cho vay nhiều nhất lên tới 140 tỷ đồng. Vị nữ hiệu phó này vay tiền để làm gì?
Choáng váng vì vữ hiệu phó vay tiền khủng
Chiều 24/8, Cơ quan CSĐT (Công an Hà Nội) đã khởi tố và bắt tạm giam, khám xét nhà ở và nơi làm việc của bà Trương Thị Hải Yến - Chủ tịch HĐQT, Hiệu phó Trường THPT dân lập Phương Nam.
Trường THPT dân lập Phương Nam.
Cùng bị khởi tố với bà Yến còn có Trương Thị Kim Dung (SN 1962 - em gái bà Yến) và Mai Huy Thành (SN 1985 - con trai bà Yến), tất cả cùng bị điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước khi bị khởi tố 1 ngày, bà Yến đã được cơ quan CSĐT triệu tập làm việc với nội dung liên quan tới việc bà này nợ hàng trăm tỷ đồng của nhiều người. Tính tới thời điểm hiện tại có 18 chủ nợ đứng đơn tố cáo bà Trương Thị Hải Yến vay nợ họ với số tiền lên tới hơn 268 tỷ đồng và 16 quyển "sổ đỏ", trong đó người cho vay nhiều nhất lên tới 140 tỷ đồng, còn người ít nhất là 700 triệu đồng.
Vào đầu tháng 8/2013, hàng chục chủ nợ tụ tập ở cổng Trường THPT dân lập Phương Nam (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) treo băng rôn, bắc loa chửi bới yêu cầu bà Yến phải trả khoản tiền vay đã quá hạn. Theo thông tin ban đầu, hành vi lừa đảo của các bị can đang lộ sáng.
Về trường hợp của nạn nhân Ngô Thị Anh Thư (Khu đô thị Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội), hành vi lừa đảo của bà Yến được làm rõ như sau: Từ năm 2008, qua quen biết, ban đầu, bà Yến ngỏ ý với chị Thư muốn vay tiền lãi ngày với mức lãi 2.000 đồng/triệu/ngày. Chị Thư đồng ý cho bà Yến vay 400 triệu đồng nhưng chỉ lấy lãi 1.500 đồng/triệu/ngày. Số tiền 400 triệu cả lãi và gốc được trả sòng phẳng. Bà Yến hỏi vay tiếp 600 triệu, 800 triệu, 1 tỷ đồng... rồi lên tới hơn 100 tỷ đồng. Chị Thư không những dồn hết tiền ở nhà mà còn đi huy động để ăn lãi chênh lệch.
Sau khi thấy bà Yến nợ mình quá nhiều, chị Thư muốn thoái thác nhưng bà Yến đưa ra một "miếng mồi" mới: Hứa hẹn sẽ đưa chị Thư vào làm cổ đông của Trường THPT dân lập Phương Nam với điều kiện phải được vay thêm tiền. Nhưng tiền đưa mà mãi không thấy bà Yến thực hiện cam kết, chị Thư đến đòi thì bà Yến tiếp tục đưa ra một "sổ đỏ" photocopy chưa điền ngày tháng và nói rằng đã sắp xin cấp được "sổ đỏ" cho trường. Và bà đang cần tiền để làm "thủ tục" cấp sổ đỏ, sau đó sẽ mang thế chấp ngân hàng để lấy 600 tỷ đồng thanh toán hết cho các chủ nợ. Chị Thư tiếp tục chạy vạy tiền cho bà Yến vay với hy vọng thanh lý được khoản nợ.
Tháng 9/2011, bà Yến gọi cho chị Thư nói mua giúp một ngôi nhà vì đến hạn phải trả ngân hàng. Thấy ngôi nhà hơn 100m2 bà Yến rao bán 6,5 tỷ đồng nên chị Thư đi vay mượn nộp vào ngân hàng chuộc giấy tờ ngôi nhà ra. Con trai bà Yến là Mai Huy Thành đã viết giấy bán nhà cho chị Thư. Chị Thư cầm sổ đỏ yêu cầu bà Yến đi công chứng sang tên thì lúc này bà Yến mới nói thật đó là nhà mượn của một hộ dân, chỉ còn cách chị đưa lại sổ cho bà ấy đi vay tiền ngân hàng. Bà Yến hứa nếu vay được 6,5 tỷ đồng sẽ dùng để trả cùng với 5 tỷ nợ cũ nữa. Chị Thư chấp nhận giao lại nhưng sau đó bà Yến mất hút cùng sổ đỏ.
Theo thông tin ban đầu, bà Yến lừa và vay của chị Thư khoảng 140 tỷ đồng (trong đó, 130 tỷ chị vay của người khác. Chị Thư đã phải bán 7 căn nhà để trả nợ, hiện vẫn còn nợ người khác 60 tỷ). Với hành vi tương tự, bà Yến đã lừa hàng chục nạn nhân khác khoảng 168 tỷ đồng và 16 sổ đỏ. Hiện danh sách nạn nhân đang dài ra sau khi cơ quan CSĐT bắt giữ bà Yến.
Chồng cũng lên tiếng tố cáo vợ
Trao đổi với báo chí, ông Mai Thanh Hòa (59 tuổi, ở tổ 37, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội), nguyên là Phó hiệu trưởng, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Dân lập Phương Nam và là chồng bà Yến phải thốt lên: "Bà Yến đã phá tan ngôi trường mà tôi mất bao nhiêu công sức gây dựng".
Theo lời ông Hòa, Trường THPT Dân lập Phương Nam trước kia chỉ là Trường Tiểu học Dân lập Phương Nam. Năm 1996 khi Nhà nước chủ trương xã hội hóa giáo dục, ông Hòa cùng với một người bạn cùng lớp đại học với vợ tên là Cấn Hữu Hải (ở Khu tập thể Sơn Tây, quận Đống Đa, Hà Nội) đã đứng ra thành lập Trường Tiểu học Dân lập Phương Nam và thuê trụ sở trên đường Trường Chinh.
Năm 2003, sau một thời gian hoạt động, lượng học sinh tăng, ông quyết định thuê trụ sở ở đường Đại La (quận Hai Bà Trưng). Cũng từ đây, HĐQT Trường tiểu học Dân lập Phương Nam quyết định thành lập thêm cả Trường THCS và THPT Dân lập Phương Nam. "Năm 2005, chúng tôi báo cáo UBND TP và Sở GD&ĐT Hà Nội xin cấp đất xây dựng trường, chính là khu đất mà Trường THPT Dân lập Phương Nam hiện nay" - ông Hòa cho hay.
Trong quá trình xây dựng trụ sở trường học mới, ông Cấn Hữu Hải đã góp 2,8 tỷ đồng, vợ chồng ông Hòa, bà Yến góp 20 tỷ đồng. Lúc này, bà Yến cũng đã xin nghỉ công tác ở Sở GD&ĐT, do là người góp vốn nên được Ban quản trị giao nhiệm vụ giữ chức Phó hiệu trưởng, kiêm Ủy viên Hội đồng quản trị nhà trường.
Theo ông Hòa, đầu năm 2007, ông nghỉ phép để vào miền Nam thăm đồng đội và chiến trường cũ, khi quay về trường thì ông phát hiện toàn bộ lực lượng bảo vệ đã bị vợ mình đuổi việc. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì ông bị lực lượng bảo vệ mới "tóm cổ" ném ra khỏi trường. Không dừng lại ở đó, ông Hòa còn bị vợ mình ra quyết định đuổi khỏi HĐQT, dán thông báo cấm không được vào trường và bảo vệ được "dặn" đánh gãy chân nếu ông cố tình xông vào trường.
Bà Yến vay tiền để làm gì?
Khi sự việc bao vây trường học để đòi nợ được thông tin rộng rãi trên báo chí, dư luận rất tò mò về việc bà Yến vay số tiền rất lớn để làm gì. Vì sao, bà Yến còn kéo cả em gái và con trai vào vòng xoáy tiền nong này?
Theo điều tra ban đầu, không có tiền nhưng chạy được cơ chế thành lập trường từ năm 2008, bà Yến đã đi tìm cách dụ mượn sổ đỏ của nhiều người để thế chấp vay ngân hàng và vay tín dụng đen bên ngoài với lãi suất cắt cổ từ 6-10%/tháng để lấy tiền chạy dự án, xây trường và mua sắm thiết bị.
Đến hạn không có tiền trả ngân hàng, bà Yến lại tìm mọi cách vay tín dụng đen để lấy tiền đáo hạn ngân hàng. Ngân hàng thu hồi nợ nhưng lại dừng không cho vay tiếp dẫn tới việc bà Yến không có tiền trả nợ cho khoản vay tín dụng đen với lãi suất cắt cổ. Bà Yến đã tìm cách vay nóng của người này để trả nợ cho người kia, thậm chí còn tìm cách lừa mượn sổ đỏ của nhiều người để đi vay hoặc bán lấy tiền.
Chỉ riêng với tài sản hiện có của chị em bà Yến là trường THPT dân lập Phương Nam và tiểu học Bình Minh cũng đã cùng lúc được hứa hẹn, cầm cố, bán cùng một lúc cho nhiều người. Những hoạt động trên có sự tham gia của em ruột và con trai của Bà Yến.
Một nguồn tin cũng cho biết, sau thông tin bà Yến bị bắt, đã có thêm nhiều người cho bà Yến vay tiền lên tố cáo với cơ quan công an TP Hà Nội.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.
Trúc Dân
Theo_VnMedia
Chồng hiệu phó bị tố quỵt nợ tiết lộ thông tin bất ngờ Ngay trong chiều tối ngày 24/8, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nơi cư trú và nơi làm việc của nữ Hiệu phó Trường THPT Dân lập Phương Nam Trương Thị Hải Yến. Đến khoảng 20h cùng ngày, công tác khám xét đã được hoàn tất, rất nhiều giấy tờ, tài liệu liên...