Nguyên Chủ tịch nước tri ân anh hùng, liệt sĩ tại Vị Xuyên
Ngày 17-2, tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên ( huyện Vị Xuyên, Hà Giang), nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã đến dâng hoa, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra (17-2-1979 – 17-2-2019).
Tại đây, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu đã thành kính dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ anh linh của các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ trong nghĩa trang cũng như những người đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Tiếp đó, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng phu nhân và các đại biểu đã tự mình thắp hương cho những ngôi mộ vô danh cùng hàng trăm ngôi mộ khác trong nghĩa trang.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương ở đài hương 468, khu tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên. Ảnh: TB
Viết trong sổ tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ Đảng, Tổ quốc, nhân dân đời đời ghi nhớ công lao của các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, bảo vệ biên cương Tổ quốc trong giai đoạn tháng 2-1979 ở biên giới phía Bắc và kéo dài cả 10 năm ròng rã. “Đầy hy sinh nhưng cũng đầy khí phách Việt Nam! Kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các đồng chí!” – ông viết.
Tiếp đó, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dâng hương ở đài hương 468 và khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên. Đây vốn là chiến trường ác liệt trong giai đoạn 1984-1988 và có rất nhiều liệt sĩ đã hy sinh đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt …
Theo PL
Không điện giữa vùng thủy điện
Khó ai có thể tin, sống ngay khu vực nằm giữa 3 nhà máy thủy điện nhưng hơn 260 hộ dân của 4 thôn trong xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Người dân chưa được hưởng ánh sáng văn minh, kinh tế kém phát triển, lạc hậu, không được cập nhật tin tức, những kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp...
Ước mơ được xem tivi, có tủ lạnh
Thuận Hòa là một xã vùng cao của huyện Vị Xuyên, đường vào xã trải nhựa phẳng lì do được các đơn vị xây dựng nhà máy thủy điện đầu tư. Càng đi càng thấy núi non trùng điệp, dốc cao, vực sâu nhưng hai bên cây cối xanh tươi, cảnh đẹp nên thơ. Thế nhưng, ở một nơi chỉ nằm cách TP Hà Giang trên 20km lại có tới 4 thôn với trên 260 hộ dân chưa có điện lưới quốc gia. Thật khó tin khi chúng tôi được biết, ngay trong xã có tới 3 nhà máy thủy điện đã hòa lưới điện quốc gia.
Ông Phàn Văn Hồn, người dân tộc Dao ở thôn Lũng Rầy luôn mơ ước một ngày nào đó người dân trong thôn được hưởng ánh sáng của đèn điện, được xem một chương trình tivi trọn vẹn về "câu chuyện nhà nông" để cập nhật kiến thức vào sản xuất nông nghiệp. Từ khi lập địa, người dân thôn Lũng Rầy chưa biết đến ánh sáng của điện lưới. Thôn có 54 hộ đều là người dân tộc Dao, sống quây quần dọc theo dải núi cao. Mùa đông rét cắt da cắt thịt, mùa hè khí hậu thoáng mát, phù hợp cho phát triển các loại cây công nghiệp, đặc biệt là cây keo, cây mỡ. Thế nhưng do không có điện, cuộc sống của gia đình ông cũng như nhân dân trong thôn vô cùng cơ cực.
Video đang HOT
Nhắc tới điện, ông Hồn buồn buồn nói: "Chúng tôi thiệt thòi đủ thứ, nếu có điện thì có máy xay thóc, xát ngô, xay cám, dùng máy thái rau lợn... Đằng này mọi việc đều phải làm bằng tay".
Báo CAND và Ngân hàng BIDV cùng Công an tỉnh Hà Giang trao quà Tết cho đồng bào nghèo xã Thuận Hòa.
Kể về nỗi khổ thiếu điện, bà Tẩn Thị Ài ở thôn Lũng Rầy nói tiếng Kinh không sõi nhưng qua câu chuyện của bà tôi được biết, buổi tối bà đều phải dùng đèn dầu, nếu có việc đi lại trong thôn thì đốt đuốc. Sống với người con trai út không được nhanh nhẹn như những thanh niên khác, tuy đã 64 tuổi nhưng bà Ài vẫn phải xay thóc, chăn nuôi, làm nương. Mỗi khi muốn liên lạc, bà phải đi bộ ra tận xã vì không có điện thoại. Nhắc tới điện, bà ao ước lắm. Vì là hộ nghèo, chật vật quanh năm cũng không đủ ăn nên bà không có tiền thuê người ta xay xát ngô, thóc.
Đứng trên đỉnh núi mờ sương, quan sát những ngôi nhà thấp lè tè dưới chân núi, mới cảm thấy cuộc sống nếu không có điện thì thiệt thòi và buồn tẻ cỡ nào. Thôn Lũng Pù có 100 hộ thì cả 100 hộ đều là hộ nghèo và cận nghèo. Không điện, kinh tế trì trệ không phát triển, người dân quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn, dù đã được các cấp quan tâm.
Là hộ nghèo của xã Thuận Hòa, anh Vàng Seo Phềnh (37 tuổi) kể: "Khổ nhất là vào tết không có tủ lạnh dự trữ thức ăn, giết con lợn cũng không có chỗ để, thịt chỉ biết ngâm muối phơi trên bếp. Nếu gặp mưa phùn thì thịt bị mốc, hỏng. Tất cả người dân chúng tôi nhà nào cũng chỉ ao ước có điện để mua tủ lạnh nhỏ về sử dụng".
Theo lời anh Phềnh thì anh phải mang thóc, ngô sang thôn khác xay thuê. Tiền công cao, nhà nghèo, đi lại xa xôi, chờ đợi vô cùng bất tiện. "Nhiều lúc muốn xem chương trình khuyến nông để học tập kinh nghiệm nhưng chỉ là ao ước thôi" - anh Phềnh cảm thán.
Ông Phàn Văn Hồn ao uớc có điện để cập nhật kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp.
Thiếu điện, thiếu nước
Cuộc sống của người dân xã Thuận Hòa trông chờ nhất là vào nguồn nước nhưng xem ra vô cùng khó khăn vào mùa khô, đặc biệt là ở 4 thôn không có điện lưới quốc gia. Lũng Pù là thôn xa nhất trong 4 thôn không có điện, cách trung tâm xã 9km, giáp với huyện Quản Bạ và nhà máy thủy điện Thái An. 100% dân sống ở Lũng Pù là người dân tộc Mông. Do tập quán định canh, định cư ở trên núi cao nên việc thiếu nước càng diễn ra trầm trọng. Một số hộ trong thôn tự lắp máy phát điện mini chạy bằng sức nước, tự mua dây kéo về nhà.
Nhưng, những nhà ở trên núi cao thì việc dẫn nước về khó khăn nhân lên gấp bội. Cả con suối cứ đi một đoạn lại có một máy phát điện mini để bên bờ. Nước vốn đã khan hiếm, vào mùa khô nước càng không có. Theo anh Vàng Seo Phềnh thì một năm mất khoảng 4-5 tháng mùa khô suối cạn, không dùng được điện nước, cả thôn chỉ có ánh sáng leo lét của đèn dầu. Nhìn ra khoảng vườn trước mặt, anh Phềnh nói: "Ra tết là mùa khô, không có nước. Tôi muốn đào ao thả cá cũng đành chịu".
Không có điện lưới, một số hộ dân ở 4 thôn sử dụng điện nước kéo từ suối vào nhưng chỉ đủ thắp đèn. Nhà có tiền mua tivi thì hỏng liên tục do điện chập chờn. "Ti vi loại công suất lớn điện nước không chạy được, chỉ mua công suất nhỏ nhưng điện lúc có lúc không, tivi nhà tôi hỏng lâu rồi" - ông Phàn Văn Hồn cho biết.
Người dân trong thôn phải tích cóp tiền cả năm mới mua được chiếc máy phát điện mini của Trung Quốc nhưng rất nhanh hỏng. "Nhà tôi phải chở ra thị trấn sửa suốt, mỗi lần sửa vài trăm nghìn" - ông Hồn than thở.
Bà Tẩn Thị Sìu (giữa) đang kể về cuộc sống đổi thay sau khi có điện với bà Tẩn Thị Ài (ngoài cùng bên trái).
Cùng cảnh như gia đình ông Hồn, nhiều hộ dân khác cũng điêu đứng vì để có ngọn đèn thắp sáng, họ phải bỏ ra nhiều chi phí cho máy phát điện. Thế nhưng, có đêm họ mất trắng cả số tiền tích cóp do mưa lũ tràn về bất ngờ. Trận mưa lũ năm 2014, cả thôn có 8 máy phát điện để bên bờ suối bị cuốn trôi trong đêm. Và đau lòng nhất là trận lũ quét vào rạng sáng 2-9-2018, khi tại xã Thuận Hòa mưa rất to.
Lo lắng cho máy phát điện để bên bờ suối bị nước lũ cuốn trôi, vợ chồng ông Vàng Seo Man (62 tuổi, ở thôn Lũng Pù) và con trai ra bờ suối thu máy về. Đúng lúc ông Man và con trai Vàng Seo Út (27 tuổi) lội qua suối thì lũ bất ngờ ập đến cuốn trôi hai bố con. Anh Út trôi theo dòng nước khoảng hơn 10m thì bơi được vào bờ, con ông Man thì bị lũ cuốn mất tích.
Trước đây, vụ xuân nhà ông Phàn Văn Hồn còn cấy được 4-5 ha lúa, giờ không cấy được, ao cá cũng gần như bỏ vì mỗi năm thiếu nước nghiêm trọng kéo dài tới 5-6 tháng. Người dân trong thôn thì cho rằng, nhiều khả năng thiếu nước là do nhà máy quặng đang đóng ở thôn Lũng Cù đào đường hầm xuyên qua đồi giữa Lũng Cù và Lũng Rầy đã ngăn dòng chảy.
"So với thôn bên cạnh có điện, cuộc sống của họ khác chúng tôi một trời một vực. Kinh tế chúng tôi không phát triển, chỉ trồng ngô, sắn bán không được giá. Cái bán được giá cao thì chúng tôi không có điện để sản xuất" - ông Hồn tiếc nuối.
Mong được thắp sáng bản làng
Ông Vi Quốc Trung, Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa cho hay xã có 15 thôn với 1.894 hộ, trong đó hộ nghèo chiếm 41,2% với gần 700 hộ. Người dân Thuận Hòa sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và trồng rừng. Thiếu nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Xã hiện còn 4 thôn với trên 260 hộ dân không có điện là Lũng Cáng, Lũng Rầy, Minh Phong và Lũng Pù, ngoài ra còn các điểm lẻ của thôn khác.
Dân ở 4 thôn hạ sơn từ nhiều năm trước nhưng do không có điện nên đời sống còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm cao nhất của xã. Vì sao xã Thuận Hòa có 3 nhà máy thủy điện nhưng người dân vẫn không có điện?
Theo ông Trung thì nguyên nhân là do các thôn nằm ở xa, sâu, dân cư sống rải rác. Khi chúng tôi hỏi việc xây dựng nhiều nhà máy thủy điện ở xã có ảnh hưởng đến việc sản xuất và cuộc sống của người dân hay không. Ông Trung cho biết, dòng chảy có thay đổi, nguy cơ sạt lở, ngập lụt cao hơn. Trận mưa lũ vào tháng 6-2018 đã gây ngập lụt toàn bộ khu trung tâm vùng lòng hồ thủy điện Sông Miện 5.
Không chỉ xã Thuận Hòa mà vào thời điểm tháng 6-2018 ở TP Hà Giang và nhiều địa bàn khác cũng bị ngập lụt nghiêm trọng. Người dân sống ở TP Hà Giang thì cho rằng, hơn 50 năm qua họ mới chứng kiến một trận lũ lớn gây ra ngập úng như vậy. Dù chỉ là một phụ lưu của sông Lô nhưng sông Miện hiện đang phải "cõng" 6 thủy điện, trong đó có 3 thủy điện là Sông Miện 5A, Sông Miện 5 và Thuận Hòa nằm trên xã Thuận Hòa. Những dòng sông cuồn cuộn đã bị ngăn lại thành những hồ đập khổng lồ, lòng sông bị thắt khúc như túi nước đe dọa đến an toàn của người dân vùng hạ lưu.
Suối Lũng Pù, nơi ông Vàng Seo Man bị lũ cuốn trôi.
Ông Trung cho biết, năm 2014 Thuận Hòa có 8 thôn và nhiều nhóm hộ gia đình không có điện lưới. Trong một chuyến làm việc với tỉnh Hà Giang năm 2014, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã giao cho Điện lực Hà Giang đầu tư, xem xét làm đường điện cho 4 thôn của xã Thuận Hòa. Năm 2015 điện lưới đã về đến 4 thôn này, người dân rất phấn khởi. Năm 2018, Điện lực Hà Giang cũng cấp điện cho 2 nhóm hộ gia đình ở thôn Pồng Trằm và thôn Mịch B với 40 hộ dân.
Theo ông Trung thì xã đã nhiều lần kiến nghị tới Điện lực Hà Giang về 4 thôn còn lại và nhận được trả lời trước sau sẽ có nhưng phải thực hiện theo lộ trình từng giai đoạn, khoảng năm 2020 sẽ làm xong.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên di dời dân ở 4 thôn Lũng Cáng, Lũng Rầy, Minh Phong, Lũng Pù đến vùng có điện để thay đổi cuộc sống. Nhưng theo chính quyền xã Thuận Hòa thì phương án đó không khả thi do dân đông, hầu hết đều hạ sơn từ huyện Quản Bạ về, xã không đủ quỹ đất để cho các hộ làm nhà và canh tác.
Theo ông Trung, mỗi năm xã phấn đấu giảm từ 4-5% hộ nghèo nhưng để đạt được mục tiêu thoát nghèo ở 4 xã không có điện là rất khó khăn. Khoe với chúng tôi việc gia đình mới được cấp điện lưới vào năm 2018, bà Tẩn Thị Sìu, ở thôn Mịch B vui vẻ: "Trước không có điện nhọc lắm, giờ có máy băm rau lợn, có máy xát ngô nên đỡ vất vả hơn nhiều. Tối đến còn được xem thời sự, biết thêm nhiều tình hình của đất nước, có điện thoại để gọi".
Có điện là mơ ước chính đáng của người dân, có điện không chỉ mang lại ánh sáng mà còn mở ra cả một cuộc sống văn minh cho những con người bao đời chịu tăm tối, để không xảy ra những câu chuyện đau lòng như gia đình ông Vàng Seo Man, vì "cứu" máy phát điện mà thiệt mạng. Lại một cái tết sắp về, thêm một năm người dân ở 4 thôn tiếp tục chưa có điện lưới. Hy vọng trong một ngày gần đây, người dân ở xã Thuận Hòa, nơi chỉ cách TP Hà Giang không bao xa sẽ được ngành điện đầu tư mang điện về tới thôn, bản.
Trần Hằng
Theo ANTG
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc tết Đảng bộ, nhân dân Đức Thọ Nhân dịp chuẩn bị đón tết cổ truyền dân tộc, sáng 24/1, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã về thăm, chúc tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đức Thọ. Cùng đi có Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vui mừng trước sự...