Nguy và Cơ từ trái phiếu doanh nghiệp địa ốc
Sự tăng trưởng khá nóng trái phiếu doanh nghiệp địa ốc bên cạnh những cơ hội cũng đặt ra không ít rủi ro cho thị trường và nhà đầu tư.
Theo số liệu thống kê mới đây, trong tháng 1/2020 các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 7.364 tỷ đồng, chiếm 55% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở mức 13.374 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đã có sự gia tăng đáng kể khi con số này của cả năm 2019 là 38% (khoảng 106.500 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó giám đốc, Trưởng bộ phận Nghiên cứu khả thi và định giá, Savills Hà Nội
Trao đổi với DDĐN, ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Nghiên cứu khả thi và định giá, Savills Hà Nội cho rằng, có một số vấn đề cần nhìn nhận và đánh giá trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.
- Ông có nhận định ra sao về sự tăng trưởng nhanh chóng của loại hình trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành tại Việt Nam hiện nay?
Như chúng ta đã biết, vay tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu luôn là các kênh cấp vốn chủ yếu đối với các dự án đầu tư trung và dài hạn, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.
Trong những năm gần đây, các quy định của Ngân hàng Nhà nước về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của Tổ chức tín dụng có xu hướng chặt chẽ hơn đối với việc cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, thể hiện rõ tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN và các thông tư sửa đổi bổ sung mà gần nhất là Thông tư 22/2019/TT-NHNN.
Bên cạnh đó, quy định tại Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng đã tạo hành lang pháp lý khá thông thoáng cho hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Như vậy, có thể thấy khung pháp lý hiện hành đã tạo nên sự tăng trưởng đáng kể của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tại Việt nam trong thời gian qua.
Ngoài ra, về phía các doanh nghiệp cũng có xu hướng phát triển thành các nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp với danh mục các dự án triển khai có quy mô lớn, thời gian thực hiện dài hơn. Do đó, nhu cầu vốn qua phát hành trái phiếu vẫn còn rất lớn.
Trong năm 2020, triển vọng tăng trưởng thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được xem là vẫn tiếp tục khi thông tư 22/2019/TT-NHNN có hiệu lực thi hành, bên cạnh thực tế là quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng khi so sánh với các nước khác trong khu vực.
Video đang HOT
- Ông đánh giá ra sao về những “khoảng hở” nếu có về mặt pháp lý cũng như chuyên môn trong việc định giá các dự án bất động sản làm căn cứ phát hành trái phiếu cũng như việc theo dõi được dòng tiền thu về từ những đợt phát hành?
Đối với các đợt phát hành riêng lẻ, cần lưu ý đến phạm vi các nhà đầu tư tham gia cũng như khả năng đánh giá rủi ro; xem xét chất lượng các đợt phát hành thông qua quản lý sử dụng dòng tiền thu được từ các đợt phát hành, hay đánh giá số lượng và tần suất các đợt phát hành của cùng một doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến mức lãi suất của trái phiếu trong tương quan với mức độ rủi ro đối với nhà đầu tư.
Trong việc thẩm định các dự án bất động sản làm căn cứ phát hành trái phiếu, yếu tố pháp lý và tính thanh khoản của dự án cần đặc biệt lưu ý đối với hiệu quả phương án đầu tư cũng như chất lượng tài sản đảm bảo.
Trên thực tế, các thông tin thị trường thường không đầy đủ hoặc thiếu minh bạch sẽ dẫn đến các kết quả thẩm định mang tính chủ quan, chưa kể việc thẩm định dự án bất động sản thường có yêu cầu cao về kinh nghiệm đặc thù ngành nghề mà không phải đơn vị thẩm định nào cũng có thể đáp ứng được.
- Theo quan điểm của ông, đâu sẽ là những nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn đối với các nhà đầu tư khi lựa chọn trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam phát hành?
Cũng như đa số các hình thức huy động vốn khác, rủi ro cơ bản cho đầu tư trái phiếu là doanh nghiệp phát hành không thực hiện đầy đủ những cam kết với nhà đầu tư như trả gốc, lãi hay mua lại. Ngoài ra, có thể có những rủi ro như thông tin thiếu minh bạch dẫn đến nhà đầu tư không đánh giá được đầy đủ những vấn đề liên quan trong quá trình đầu tư.
Đối với các dự án bất động sản, các rủi ro cụ thể như năng lực triển khai dự án, thay đổi pháp lý dự án, sử dụng vốn không đúng mục đích, thị trường suy giảm… đều có thể ảnh hưởng đến hiệu quả và tính thanh khoản của dự án.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, bên cạnh rủi ro thường có những cơ hội kèm theo. Với đặc thù rủi ro ngành nghề, trái phiếu bất động sản thường có mức lợi suất cao hơn. Ngoài ra, với những trái quyền kèm theo, nhà đầu tư sẽ có cơ hội tiếp cận việc tham gia sở hữu, điều hành dự án hoặc doanh nghiệp phát hành.
- Vậy theo ông, cần có những lưu ý gì về hành lang pháp lý để thị trường này phát triển lành mạnh, bền vững?
Như đã đề cập, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có bước tăng trưởng đáng kể từ sau khi nghị định 163/2018/NĐ-CP được ban hành và dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2020.
Nhằm tăng cường tính minh bạch và ổn định thị trường, ngoài những quy định cụ thể về điều kiện phát hành, tôi cho rằng cần có hệ thống đánh giá khách quan về mức tín nhiệm của các tổ chức phát hành, trong đó thông tin về các đợt phát hành trong quá khứ được thể hiện đẩy đủ, từ kết quả đợt phát hành, quản lý sử dụng vốn, hiệu quả phương án đầu tư cũng như việc thực hiện các cam kết.
Ngoài ra, chế độ thông tin, báo cáo về các đợt phát hành cũng cần đầy đủ hơn và theo hướng có thể kiểm chứng được để nhà đầu tư có thể đánh giá được chất lượng đợt phát hành và rủi ro liên quan.
Về phía nhà đầu tư, đối với các đợt phát hành riêng lẻ, phạm vi phát hành nên hướng tới những nhà đầu tư chuyên nghiệp, đủ năng lực để đánh giá các vấn đề liên quan tới đợt phát hành và có khả năng chấp nhận rủi ro tương ứng.
- Cuối cùng, ông có thể chia sẻ một vài lời khuyên để các nhà đầu tư “khôn ngoan” hơn khi quan tâm đến loại hình trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành tại Việt Nam hiện nay?
Sẽ không có một công thức đầu tư đúng cho tất cả mọi người. Lợi suất của trái phiếu bất động sản thường đi kèm với rủi ro đặc thù của ngành nghề. Tuy nhiên, mỗi sản phẩm của dự án cụ thể, của một doanh nghiệp cụ thể sẽ có ưu nhược điểm nhất định và vì thế nó phù hợp với từng đối tượng.
Tôi cho rằng các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ không quá e ngại về mức độ rủi ro, cũng như không quá tham lam về mặt lợi suất của trái phiếu. Điều quan trọng là thực sự hiểu được sản phẩm và doanh nghiệp mình đang đầu tư vào, cũng như hiểu rõ mong muốn, khả năng kiểm soát và chấp nhận rủi ro của chính mình.
Ngoài ra, trong một thị trường thông tin đôi khi còn thiếu minh bạch, tôi cho rằng việc quan sát lịch sử phát hành, lịch sử sử dụng vốn, việc thực hiện các cam kết trong quá khứ của các doanh nghiệp phát hành sẽ là cơ sở quan trọng nhất để có thể đặt niềm tin.
- Vâng! Xin cảm ơn ông.
LÊ SÁNG
Theo enternews.vn
Tồn kho bất động sản leo thang
Hiện tổng giá trị tồn kho của các doanh nghiệp địa ốc niêm yết lên đến hơn 223.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa công bố bản kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, trong đó đề cập đến ảnh hưởng tiêu cực của lượng hàng tồn kho tăng nhanh. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều lực cản và suy giảm 2 năm liên tiếp (2018-2019), năm 2020 lại chịu thêm tác động của Covid-19 nên tính chất khó khăn càng trầm trọng hơn.
HoREA cho rằng, điều đáng quan ngại hiện nay là tổng giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán đang tăng quá nhanh. Đến cuối năm 2019, tổng giá trị núi hàng tồn kho đã vọt lên đến 223.474 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tài chính của nhóm doanh nghiệp địa ốc niêm yết cho thấy có đến 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng, 4 tập đoàn tồn kho từ 4.200 tỷ đồng đến 7.397 tỷ đồng. Riêng 2 tập đoàn hàng đầu chiếm 63% tổng tồn kho toàn thị trường.
Thị trường bất động sản phía đông TP.HCM. (Ảnh: Quỳnh Trần)
Lượng hàng tồn kho bất động sản tăng lên sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Hàng tồn kho nằm trong nhóm dự án vướng mắc về pháp lý, bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay ngày càng lớn. Còn hàng tồn kho đã ra thành phẩm nhưng chưa bán được sẽ làm mất tính thanh khoản, có thể dẫn đến nguy cơ phá sản.
Hầu hết doanh nghiệp bất động sản niêm yết đều có kết quả kinh doanh sụt giảm do không bán được hàng hoặc không có hàng để bán. Kết thúc năm tài chính 2019, đa số các doanh nghiệp địa ốc niêm yết có mức tăng trưởng doanh thu bình quân 7% và lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 11%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 47% của năm 2018.
HoREA cho rằng, để giải nguy cho thị trường bất động sản trước núi hàng tồn kho này, các cơ quan có thẩm quyền của trung ương và địa phương cần giải quyết nhanh các vướng mắc về pháp lý và quy trình thủ tục hành chính.
Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan trung ương phối hợp với UBND TP HCM khẩn trương rà soát, sớm có kết luận xử lý các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành.
Nếu tháo gỡ được vướng mắc này, các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước. Mặt khác, doanh nghiệp được tiếp tục triển khai thực hiện dự án sẽ bớt khó khăn, tiếp tục bổ sung sản phẩm cho thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân.
(Nguồn: VnExpress)
Doanh nghiệp BĐS rộng hầu bao, dân vẫn mơ nhà giá rẻ Khi mức lãi suất mà doanh nghiệp bất động sản phải trả để phát triển dự án cao, rất khó để mơ về nhà giá rẻ... Không chỉ nhằm vào việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản (BĐS), dự thảo sửa đổi Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang khiến giới BĐS xôn xao. Trong...