Nguy hiểm việc thai nhi quá ngày sinh
Có khoảng 7% trẻ sinh ra sau 2 tuần trở lên so với ngày dự sinh (vượt quá 42 tuần thai nghén). Việc chờ đợi cơn chuyển dạ để chào đón bé yêu càng kéo dài bao lâu, thai phụ càng cảm thấy khó mà bình tĩnh và thư giãn được, nhất là khi các chị em bầu cùng thời điểm đều đã lâm bồn.
Thế nào là thai quá ngày sinh?
Xác định 1 thai nhi đã thực sự quá ngày sinh hay chưa thật sự khá khó khăn, ngay cả với những mẹ bầu có ngày kinh nguyệt tiêu chuẩn (28 ngày), vì phải căn cứ chính xác vào ngày thụ thai. Trong khi đó, ngày rụng trứng của chị em chỉ được biết 1 cách phỏng chừng, chưa kể tình trạng phát triển ở mỗi thai nhi đều khác nhau. Hơn nữa, vì các cơn chuyển dạ được khởi động do thai nhi sản sinh ra các nội tiết tố trong lúc bé tiến đến giai đoạn trưởng thành đầy đủ, kéo theo ngày sinh được mong đợi có thể bị thay đổi rất nhiều.
Dù vậy, thông thường 1 thai nhi được xác định đã quá ngày sinh khi thai kỳ của người mẹ kéo dài quá 42 tuần lễ, tức hơn 294 ngày so với một thai kỳ bình thường là từ 38 – 42 tuần. Nguyên nhân gây ra tình trạng này vẫn chưa được xác định chính xác, tuy nhiên, những bà bầu nằm trong nhóm sau thường có nguy cơ sinh con già ngày hơn so với bình thường: tiền sử hộ sản gia đình có số thai kỳ dài hơn so với bình thường (43 – 44 tuần), mẹ béo phì, gặp 1 số vấn đề về nhau thai, mang thai lần đầu hoặc mang thai bé trai v.v…
Thai nhi quá ngày sinh liệu có nguy hiểm
Việc mang thai quá dài ngày thường gây nguy hiểm cho thai nhi nhiều hơn cho mẹ. Có 1 số rủi ro mà bé có thể gặp phải nếu thai kỳ của bạn kéo dài hơn 42 tuần lễ:
- Trưởng thành muộn. Thai nhi bị mất đi lớp mỡ khắp cơ thể do nằm trong nước ối quá lâu, nhất là từ bụng của bé. Vì vậy, làn da của bé trông có vẻ đo đỏ, nhăn nhúm như thể lớp da đó không vừa với cơ thể của bé và có thể dần bị tróc ra. Trưởng thành muộn sẽ làm cho việc chuyển dạ diễn ra lâu và khó khăn. Bé to và xương sọ cứng hơn làm việc di chuyển qua đường sinh gây tổn thương cả bé lẫn mẹ. Nguy hiểm hơn là tỷ lệ thai chết trong bụng mẹ cũng cao (tăng gấp 2 lần khoảng trong tuần thứ 43 và 3 lần trong tuần 44 của thai kỳ).
- Suy nhau thai. Nếu cơn chuyển dạ không khởi sự đúng thời gian, có khả năng lá nhau bắt đầu hoạt động kém hiệu quả, bị thoái hóa dần dẫn đến không cung cấp đủ chất dinh dưỡng và oxy cho bào thai. Hậu quả là thai nhi bị sụt cân, giảm khối lượng mỡ dưới da, khối lượng cơ. Khi sinh ra da bé bị nhăn nheo. Nghiêm trọng hơn, thai bị ngưng cung cấp oxy và chất dinh dưỡng, thường xảy ra sau các cơn gò tử cung làm thai chết trước và trong khi chuyển dạ. Các số liệu thống kê cho thấy mang thai quá ngày có tỷ lệ chết chu sinh cao gấp 3 lần mang thai thường.
- Thai quá lớn. Do phát triển thêm 2 tuần lễ trong bụng mẹ nên bé có thể nặng trên 4kg, đặc biệt trong trường hợp mẹ bị béo phì hay bị tiểu đường thai kỳ. Hệ lụy của tình trạng này là việc chuyển dạ gặp trở ngại do thai to, dẫn đến phải sinh mổ, sinh khó. Vai bé to nên khi di chuyển qua đường sinh có thể làm gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay, thậm chí gây tử vong cho cả thai nhi.
- Tim thai gặp vấn đề. Càng quá ngày sinh, lượng nước ối càng có xu hướng giảm dần. Nước ối ít làm cho dây rốn chèn ép thai nhi, gây ảnh hưởng lên tim thai. Tai biến này thường xảy ra đột ngột, dù máy đo tim thai có thể phát hiện bất thường nhịp tim và siêu âm có thể phát hiện lượng nước ối ít.
Video đang HOT
- Giảm chức năng hô hấp do thai hít nước ối. Hội chứng hít nước ối có phân su (phân bé tạo ra lúc còn trong bụng mẹ) chiếm hơn 25% trường hợp sinh quá ngày. Nguyên nhân là do từ tuần 32 trở đi, lượng phân su tống ra nước ối tăng dần cho đến cuối thai kỳ. Nước ối ít làm phân su đặc sệt, thai nhi hít vào làm tắt nghẽn đường hô hấp, làm giảm sức căng bề mặt của các phế nang dẫn đến giảm chức năng hô hấp.
Ở người mẹ, việc mang thai quá dài ngày so với bình thường gây nên các căng thẳng và sức ép về tâm lý. Ngoài ra, do sinh bé quá to có thể làm người mẹ bị rách cổ tử cung, âm đạo, làm giãn sàn chậu, tiểu không tự chủ sau sinh và dễ bị suy yếu cổ tử cung gây sinh non ở các lần sinh tiếp theo.
Khắc phục tình trạng thai nhi quá ngày sinh
Dù sẽ khá lo âu và căng thẳng khi rơi vào trường hợp không mong muốn này, nhưng thay vì quá nôn nóng để rồi áp dụng đủ mọi kiểu chữa mẹo truyền miệng có thể gây hại cho 2 mẹ con, bạn nên tuân thủ nghiêm tất cả các chỉ định của bác sĩ, bao gồm cả việc khám thai thường xuyên và theo dõi cử động của thai nhi.
Dấu hiệu chính xác nhất cho biết tất cả đều ổn với thai nhi là có thể nhận ra các chuyển động đều đặn của bé, và bạn chính là người theo dõi tốt nhất. Ngoài việc theo dõi của mẹ, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra tình trạng của thai nhi qua mỗi lần thăm khám, gồm đo nhịp tim thai qua máy điện tử và đánh giá lượng nước ối bằng siêu âm. Các can thiệp y khoa có thể bao gồm:
- Nếu thai được 41 tuần lễ, các điều kiện sản khoa thuận lợi như cổ tử cung mở 2 – 3cm, mềm mại, dễ giãn, đầu thai nhi đã xuống khá sâu trong âm đạo v.v… bác sĩ sẽ khởi phát chuyển dạ. Khi điều kiện sản khoa không thuận lợi hay mẹ kèm các bệnh lý khác như tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, thai quá to …, bác sĩ sẽ can thiệp để làm cho cổ tử cung mở lớn bằng thuốc biệt dược, sau đó mới khởi phát chuyển dạ.
Trong tình huống sản phụ không đồng ý khởi phát chuyển dạ, điều kiện sản khoa không thuận lợi nhưng không có vấn đề bất thường gì khác kèm theo thì có thể theo dõi sát cử động thai nhi 3 lần/ngày, siêu âm tuần 2 lần, thực hiện các xét nghiệm đánh giá nhịp tim thai, tình trạng thiểu ối, cử động hô hấp và trương lực cơ thai nhi. Nếu lượng nước ối thấp đến mức nguy hiểm thì sẽ được khởi phát chuyển dạ (giục sinh) hoặc chỉ định sinh mổ.
- Trong quá trình theo dõi, nếu tim thai bất thường hay nhịp tim thai không đáp ứng, xuất hiện thiểu ối, nước ối có màu, thai giảm cử động, bác sĩ cũng sẽ chỉ định sinh mổ, bởi càng kéo dài thời gian thì tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở thai nhi càng cao, ngoài ra các rủi ro cho sản phụ cũng sẽ tăng.
Mang thai 3 tháng đầu nên ăn gì và kiêng gì?
3 tháng đầu thai kỳ là thời điểm "nhạy cảm" của các mẹ bầu. Vì đây là giai đoạn ốm nghén nhiều nhất thai kỳ và dễ gây sẩy thai nhất nếu không được chú ý về chế độ dinh dưỡng và chăm sóc đặc biệt.
Vậy trong 3 tháng đầu, các bà bầu nên ăn gì và không nên ăn gì?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong 3 tháng đầu thai kỳ, bà bầu chỉ cần duy trì mức năng lượng bình thường. Theo đó, các bà bầu hãy chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày thành nhiều bữa (khoảng 5 -6 bữa) để tránh hiện tượng nôn và buồn nôn do ốm nghén.
Ngoài ra, các chuyên gia này cũng cho rằng, quá trình mang thai là thời gian hạnh phúc nhưng cũng nhiều thử thách đối với người phụ nữ. Lúc này bà bầu có "đặc quyền" được đòi hỏi bất cứ đồ ăn, thức uống gì và vào bất cứ thời điểm nào (kể cả nửa đêm) mà người nhà vẫn phải chiều vì "chứng ăn dở" của bà bầu.
Tuy nhiên, lời khuyên dành cho chị em là nên tạm thời hoãn những sở thích ăn uống nếu những thực phẩm đưa vào cơ thể không tốt cho bé hoặc cho chính mẹ, vì ăn vào ngon miệng một người mà tới hai người "khổ". Có một số trường hợp, mẹ bầu phải cố gắng ăn ngay cả những thứ mình không thích chỉ để có đầy đủ dưỡng chất cho thai nhi.
Bên cạnh đó, các mẹ bầu cũng nên cân nhắc và lựa chọn những loại thực phẩm xanh, sạch, tốt cho bé cũng như cho mẹ cùng quá trình chuyển dạ. Bởi một chế độ ăn uống phù hợp với những dưỡng chất thiết yếu sẽ là "bàn đạp" giúp bé nhà bạn chào đời được khỏe mạnh và thông minh hơn.
3 tháng đầu thai kỳ là khoảng thời gian "nhạy cảm" nên các mẹ bầu cần đặc biệt chú ý
Thực phẩm nên ăn trong 3 tháng đầu thai kỳ
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực sản khoa, 3 tháng đầu thai kỳ thường là giai đoạn khá khó khăn với những phụ nữ lần đầu mang thai vì có thể bị nghén, ăn không được, ói... Trong khi đó dinh dưỡng hấp thụ vào cơ thể bé chưa nhiều. Trong giai đoạn này, khi ăn uống mẹ bầu chỉ cần duy trì mức năng lượng bình thường. Hãy chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày thành nhiều bữa (5-6 bữa) để tránh hiện tượng nôn và buồn nôn do ốm nghén. Có thể bổ sung thêm thuốc bổ (sắt, acid folic, B12)
Trong 3 tháng đầu, thai phụ chỉ cần tăng 0,9 kg tới 2,3 kg. Riêng các mẹ đã béo phì thì không nên để tăng cân. Đây là giai đoạn cơ thể mẹ sẽ có những biến đổi sinh lý để thích nghi, đồng thời là thời gian quan trọng cho sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của bé. Vì vậy dù mẹ kém ăn nhưng cũng phải chú ý tăng thêm lượng chất đạm, nhất là những protein chất lượng cao dễ tiêu hóa, dễ hấp thu như: trứng, sữa các loại, các loại thịt gia cầm, cá và đậu...
Thai phụ cần lưu ý ăn đủ bữa trong ngày: 3 bữa chính 3 bữa phụ.
Sau 3 tháng đầu thai kỳ người mẹ mới hết buồn nôn, ăn ngon miệng, thèm ăn vặt. Đây là giai đoạn mẹ dễ dàng tăng tốc để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cao hơn. Vì thế cơ thể mẹ cần thêm năng lượng, song không phải chỉ ăn nhiều hơn về số lượng, mà nên chú trọng những chất dinh dưỡng cần thiết như:
- Chất đạm (protein): Có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu đỗ... giúp phát triển các tế bào mô của thai (bao gồm cả tế bào não), giúp cho tuyến vú và mô tử cung của mẹ phát triển suốt thai kỳ, đồng thời tăng thể tích tuần hoàn của mẹ. Thai phụ cần bổ sung thêm 10-18g protein mỗi ngày (tương đương 50-100 gr thịt cá tùy loại, 100-180 gr đậu hũ, hay 1-2 ly sữa mỗi ngày).
Thai phụ cần lưu ý ăn đủ 3 bữa chính và 3 bữa phụ trong ngày
- Chất sắt: Có nhiều trong thịt, gan, tim, cật, rau xanh và các loại hạt... giúp tăng thể tích máu và phòng ngừa thiếu máu. Nếu thai phụ thiếu máu sẽ làm giảm lực co bóp của tử cung khi chuyển dạ, giảm lượng sắt dự trữ của em bé trong 6 tháng đầu đời. Vì thế thai phụ cần bổ sung thêm ít nhất 15gr sắt mỗi ngày.
- Canxi: Có nhiều trong sữa, trứng, tôm, cua, cá, rau xanh, đậu đỗ... giúp hoạt động hệ thần kinh và đông máu bình thường cho mẹ, hình thành hệ xương và răng vững chắc cho bé. Nếu thiếu canxi mẹ dễ bị vọp bẻ, đau nhức xương, bé có thể bị còi xương ngay trong bụng mẹ. Do đó, cần bổ sung canxi cho bé ngay từ những tháng đầu để bé phát triển một cách toàn diện nhất nhé.
- Acid folic (vitamin B9): Giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh cho trẻ, tật nứt đốt sống trong bào thai. Vitamin này có trong các loại rau màu xanh thẫm như rau muống, cải xanh, súp lơ xanh, cải bó xôi, ngũ cốc hoặc một số loại hạt như vừng, lạc... Ngoài ra acid folic còn có trong thịt gia cầm và nội tạng động vật như gan, tim...
- Vitamin D: Có trong trứng, sữa và ánh nắng mặt trời. Ngay từ trong bào thai, bé cần phát triển hệ xương và hình thành mầm răng sữa, vì vậy ngoài việc bổ sung thực phẩm nhiều canxi, người mẹ phải kết hợp phơi nắng để tăng cường vitamin D giúp hấp thu canxi tối ưu. Thai phụ cần phơi nắng khoảng 15 phút mỗi ngày (tránh ánh nắng quá gay gắt), nên để ánh nắng chiếu trực tiếp vào cơ thể, không nên đeo găng tay, đi vớ và cũng không nên phơi nắng sau cửa kính.
- Vitamin C: Giúp hỗ trợ phát triển xương sụn, cơ và mạch máu cho bào thai, tạo bánh nhau bền chắc. Nó cũng là một chất chống oxy hóa giúp người mẹ tăng cường sức đề kháng. Vitamin C có trong các loại rau xanh, trái cây...
Hạn chế và tránh những thực phẩm bất lợi cho thai nghén 3 tháng đầu
Trước và trong khi mang thai, bà mẹ cần thay đổi một số thói quen và sở thích ăn uống không tốt. Ví dụ thói quen ăn mặn vì phụ nữ có thai ăn nhiều muối sữ dẫn đến huyết áp cao và phù, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe mẹ và con.
Trong thời gian này các mẹ bầu nên chú ý đến sức khỏe cũng như có một chế độ ăn uống hợp lý nhất
Phụ nữ mang thai không nên ăn hoặc hạn chế sử dụng các loại cá có nguy cơ chứa thủy ngân cao (cá thu, cá mập, cá kiếm). Thủy ngân nhiễm trong cá nếu tích lũy quá nhiều có thể gây tổn thương đến não của thai nhi.
Phụ nữ có thai không nên sử dụng những thực phẩm đã được xác nhận là gây nguy hiểm cho thai nhi. Ví dụ như một số loại củ, quả mọc mầm (như khoai tây) vì chứa nhiều chất độc, gây ảnh hưởng đến thai nhi. Các sản phẩm sữa, bơ, phomat chưa qua tiệt trùng; cá, thịt, trứng còn tái; thức ăn ôi thiu, mốc, có mùi lạ cũng không được sử dụng vì chúng chứa nhiều vi khuẩn và mầm bệnh gây tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và con. Nên lựa chọn những thực phẩm an toàn, rau quả cần rửa sạch, gọt vỏ trước khi ăn và chế biến để tránh nhiễm khuẩn. Ăn ít hoặc không ăn những loại thực phẩm có khả năng gây động thai, sinh non như đu đủ xanh, táo mèo, long nhãn, đào, gừng, ớt, rau sam...
Phụ nữ có thai không nên uống rượu và dồ uống có cồn. Cồn trong rượu sẽ vào cơ thể mẹ và qua nhau thai xâm nhập vào bào thai, trực tiếp gây hại cho thai nhi, có thể làm cho bé phát triển chậm hoặc có bộ phận bị dị dạng.
Phụ nữ có thai cũng không nên dùng nhiều đồ uống có ga, có chứa cafein và cocain. Chất cafein có trong cà phê và đồ uống có ga có hại với phôi thai, có khả năng gây sảy thai. Ngoài ra cafeincos thể làm phá vỡ các vitamin dẫn đến triệu chứng thiếu vitamin B1 mà biểu hiện là mệt mỏi, chán ăn, táo bón. Cafein cũng kìm hãm sự hấp thu của sắt và kẽm, làm nặng hơn tình trạng thiếu máu của phụ nữ có thai.
Theo Duocanbinh
Thực phẩm "vàng" dành cho các mẹ bầu Chuyên gia dinh dưỡng Carina Norris cho biết, một chế độ ăn uống lành mạnh quan trọng hơn bao giờ hết bởi chúng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của các bà bầu mà còn ảnh hưởng đến cả thai nhi. Do đó, các thai phụ cần đặc biệt chú ý đến một chế độ ăn khoa học và hợp lý nhất...