Nguy cơ ung thư từ chứng trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh diễn ra trong một thời gian dài làm cho niêm mạc thực quản biến đổi tựa như niêm mạc ruột, có thể chuyển thành ung thư thực quản.
Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh khá phổ biến, tỷ lệ ngày càng gia tăng. Bệnh khá thường gặp nhưng nhiều trường hợp không được chẩn đoán đúng. Đây là bệnh mãn tính, vì vậy việc điều trị phải lâu dài, ngay cả khi đã hết triệu chứng.
Bác sĩ Nguyễn Phước Lâm, Trưởng khoa nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Quốc tế Thành Đô cho biết, triệu chứng đặc hiệu của bệnh là chứng ợ nóng. Bệnh cũng có thể biểu hiện dưới dạng các triệu chứng khác như đau ngực, ho kéo dài, đau rát họng… dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý tim phổi, viêm họng. Có khi bệnh không có biểu hiện gì cả, khi nội soi hoặc đến khi có biến chứng thì mới phát hiện.
Trào ngược dạ dày thực quản dễ dẫn đến viêm loét thực quản, nếu nặng và kéo dài đưa đến hẹp thực quản. Viêm loét thực quản cũng có thể gây chảy máu. Bệnh diễn ra trong một thời gian lâu làm cho niêm mạc thực quản biến đổi tựa như niêm mạc ruột, gọi là Barrett thực quản. Barrett thực quản là tổn thương tiền ưng thư, có thể chuyển thành ung thư. Khi đã chuyển thành Barrett thực quản thì không thể điều trị hết bằng thuốc mà cần theo dõi kỹ bằng nội soi, nếu có dấu hiệu nguy cơ cao chuyển sang ung thư thì can thiệp bằng thủ thuật hoặc phẫu thuật.
Ở một số bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em và người già, có thể gây nên viêm phổi do hít dịch trào ngược vào đường thở.
Nhiều trường hợp trào ngược dạ dày thực quản không có biểu hiện gì cả, khi nội soi hoặc đến khi có biến chứng thì mới phát hiện. Ảnh minh họa: T.P.
Dấu hiệu của chứng viêm thực quản trào ngược
Ở trẻ em là dấu hiệu nôn trớ, chất nôn có mùi chua của dịch dạ dày. Ít gặp hơn là triệu chứng khò khè, bé biếng ăn, chậm lớn, viêm phổi.
Ở trẻ lớn và người trưởng thành điển hình là triệu chứng ợ nóng, có vị chua ở họng, nóng rát hoặc đau ở ngực, cảm giác thức ăn bị kẹt lại khi nuốt. Các triệu chứng khác như khàn giọng và rát họng vào buổi sáng, hơi thở hôi. Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn hoặc về đêm. Triệu chứng giảm bớt khi người bệnh dùng các thuốc kháng axit như Phosphalugel hoặc thuốc làm giảm tiết axit như Cimetidine, Omeprazone.
Nguyên nhân làm dịch trong dạ dày trào ngược vào thực quản
Có nhiều giả thiết về nguyên nhân của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Các giả thiết tập trung vào tổ chức có chức năng như cái van ở chỗ nối thực quản và dạ dày. Ở người bị trào ngược dạ dày thực quản thì van này hoạt động không bình thường, áp lực đóng yếu hơn bình thường, van mở vào những thời điểm không phù hợp làm cho các chất chứa trong dạ dày dễ dàng đi ngược vào thực quản.
Bên cạnh van có chức năng suy yếu, các yếu tố tác động góp phần cho tình trạng trào ngược thêm trầm trọng như béo phì, thoát vị dạ dày qua khe thực quản, thức ăn nằm lâu trong dạ dày, mang thai, hút thuốc lá, rượu bia, một số thức ăn và thuốc.
Video đang HOT
Chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản
Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng có thể là dấu hiệu sinh lý bình thường nếu như nó chỉ xảy ra thoáng qua và không gây cảm giác khó chịu. Nếu các triệu chứng này xảy ra thường xuyên, ở một mức nặng hơn, làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu hoặc gây viêm thực quản thì được xem như là bệnh lý.
Triệu chứng điển hình của bệnh là ợ chua, ợ hơi, nóng rát sau xương ức, đau rát họng, vị chua trong miệng. Triệu chứng này trầm trọng hơn vào ban đêm, ở tư thế nằm. Nếu người bệnh có các triệu chứng điển hình này và không có dấu hiệu báo động của bệnh lý nghiêm trọng như là nuốt khó, nuốt đau, sụt cân, chán ăn, thiếu máu, chảy máu đường tiêu hóa, triệu chứng mới xuất hiện gần đây ở người lớn tuổi (trên 50 tuổi), thì người bệnh sẽ được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản và tiến hành điều trị trong khoảng thời gian 4-8 tuần.
Sau giai đoạn điều trị nếu không hết người bệnh sẽ được nội soi thực quản dạ dày để chẩn đoán. Các phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng được dùng đến nếu người bệnh có triệu chứng không rõ ràng, nghi ngờ về chẩn đoán, không đáp ứng với điều trị hoặc có dấu hiệu báo động bệnh lý nghiêm trọng. Phương tiện xét nghiệm thường dùng chẩn đoán bệnh là nội soi thực quản dạ dày. Đo áp lực cơ vòng dưới thực quản, đo pH thực quản chỉ áp dụng cho các trường hợp đặc biệt.
Một số lưu ý khi điều trị bệnh
- Thay đổi lối sống là bước điều trị đầu tiên và quan trọng nhất. Cần thay đổi chế độ ăn, kiêng rượu bia, cà phê, thuốc lá, thức ăn có nhiều dầu mỡ, thức ăn chua, cay, nước uống có ga.
Không ăn bữa ăn quá no, nên chia làm nhiều bữa ăn ít hơn, không ăn muộn vào buổi tối, không nằm trong 2 giờ sau khi ăn, không uống quá nhiều nước trong khi ăn.
Ngủ nằm đầu cao 15 cm so với chân. Giảm cân nếu thừa cân, béo phì, ngưng các thuốc kích thích dạ dày.
- Dùng thuốc: Người bệnh được cho sử dụng các loại thuốc tăng cường co thắt cơ vòng thực quản, thuốc làm dạ dày mau trống, thuốc làm giảm axit dạ dày, thuốc kháng axit dạ dày…
- Phẫu thuật thường dành cho các trường hợp viêm loét thực quản nặng, không đáp ứng với điều trị thuốc, có kèm theo thoát vị qua khe thực quản hoặc trào ngược dạ dày thực quản có biến chứng.
Những thức ăn người bị chứng trào ngược dạ dày thực quản không nên ăn:
- Thức ăn có nhiều dầu mỡ. Những thức ăn này làm sức co của cơ vòng dưới thực quản giảm, làm cho thức ăn tồn đọng lâu trong dạ dày do đó làm trào ngược dễ xuất hiện.
- Trái cây tốt cho sức khỏe nhưng cũng có một loại làm cho trào ngược dạ dày thực phẩm nặng thêm do có chứa thành phần axit nhiều như cam, chanh, bưởi, cà chua, cóc, me… Người bệnh nên hạn chế ăn, đặc biệt là trái cây chua.
- Chocolate: Có chứa chất là methyxanthine chất này làm giảm co thắt cơ vòng dưới thực quản do đó trào ngược dịch dạ dày vào thực quản.
- Tiêu, ớt, hành, tỏi, bạc hà.. gây kích thích dạ dày làm tăng khả năng trào ngược.
Các thức ăn dưới đây có thể làm bớt triệu chứng trào ngược:
- Sữa chua.
- Bơ làm từ đậu phộng.
- Các thực phẩm giàu chất xơ như đu đủ, các loại đậu, táo, bơ, bông cải, atiso.. tốt cho sức khỏe, tốt cho vấn đề tiêu hóa và làm giảm trào ngược dạ dày thực quản.
Lê Phương
Theo VNE
Các loại thực phẩm tốt nhưng nguy hiểm nếu ăn quá nhiều
Chúng là thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng ăn nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe. Bạn không cần từ bỏ, mà chỉ cần ăn với số lượng chừng mực.
Cam và cà chua
Không nên ăn quá nhiều hai loại trái cây ngon nhưng có tính axit cao này, bác sĩ Gina Sam, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa Vận động Mount Sinai tại Bệnh viện Mount Sinai, Mỹ, khuyên. Lượng axit tăng do ăn quá nhiều cam hoặc cà chua có thể dẫn đến trào ngược. Ăn quá nhiều cam và cà chua trong một khoảng thời gian dài, có thể gây ra bệnh Barrett thực quản, một rối loạn khi các tổn thương tiền ung thư hình thành trên lớp niêm mạc thực quản. Bác sĩ Sam gợi ý không nên ăn quá hai quả cam hoặc cà chua nhỏ mỗi ngày. Hoàn toàn tránh những thực phẩm này nếu bạn đã có triệu chứng trào ngược.
Cá ngừ đóng hộp
Cá ngừ đóng hộp có thể là một món ăn rất hấp dẫn. Tuy nhiên, ăn quá nhiều cá ngừ đóng hộp có thể gây nguy hiểm, vì hàm lượng thủy ngân từ cá ngừ thường cao hơn so với những loài cá khác. Lượng thủy ngân cao quá mức có thể dẫn đến các vấn đề về thị lực, suy giảm thính lực và ngôn ngữ, hoạt động của cơ thể thiếu nhịp nhàng và yếu cơ. Bạn không nên ăn nhiều hơn 3-5 hộp cá ngừ một tuần, Sam nói. Có thể lựa chọn thêm một số loại cá có lượng thủy ngân thấp hơn như cá hồi, tôm và cá tuyết.
Nước
Đủ nước là chìa khóa để có sức khỏe tốt, nhưng uống quá nhiều nước có thể gây nhiễm độc, bác sĩ Alan R. Gaby, tác giả của cuốn sách giáo khoa Dinh dưỡng Y học cho biết. Điều này xảy ra khi lượng nước uống làm loãng natri trong cơ thể, dẫn đến mức độ natri trong máu thấp bất thường, có thể dẫn đến suy giảm chức năng của não và thậm chí tử vong.
Uống bao nhiêu nước sẽ gây ra vấn đề? Điều này thường chỉ nghiêm trọng với những vận động marathon đường dài hoặc những người tự ép mình uống quá nhiều. Tuy nhiên, bạn không nên uống nước quá nhiều, hãy kiểm tra nước tiểu của mình, nếu nó luôn trong suốt thì hãy giảm uống nước.
Đậu nành
Đậu nành có thể giúp kiểm soát lượng cholesterol và huyết áp khi tiêu thụ ở mức vừa phải. Nếu tiêu thụ quá mức, đâu nành sẽ ức chế sự hấp thu sắt gây ra thiếu máu. Tiêu thụ đậu nành lâu dài với số lượng lớn có thể làm tăng sản nội mạc tử cung, sự gia tăng của nội mạc tử cung có thể dẫn đến ung thư tử cung. Trong khi chưa có thông báo chính xác về lượng đậu nành ở ngưỡng an toàn, bạn có thể ăn 2 cốc sữa đậu nành hoặc ít hơn.
Rau chân vịt (cải bó xôi)
Tươi ngon và tốt lành, rau chân vịt chứa rất nhiều protein, chất xơ, và các vitamin và khoáng chất khác nhau. Rau chân vịt cũng giàu lutein, một chất carotenoid có thể giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi (nguyên nhân phổ biến gây mất thị lực và mù lòa), Gaby nói. Rau chân vịt cũng chứa lượng oxalate cao, một hợp chất có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận. Vì vậy, bệnh nhân sỏi thận không nên ăn loại rau này quá nhiều.
Đạm động vật ít béo
Nếu bạn chủ yếu chỉ tiêu thụ các loại protein ít béo như thịt ức gà hoặc lòng trắng trứng, thì nên thay đổi. Fuhrman nói rằng việc tiêu thụ quá nhiều protein nạc động vật có thể nguy hiểm vì nó làm cho cơ thể tăng sản xuất hormone yếu tố tăng trưởng giống insullin 1 (IGF-1), thúc đẩy sự lão hóa và làm tăng nguy cơ ung thư (đặc biệt là ung thư vú).
Trong thực tế, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Metabolism cho thấy có sự gia tăng gấp bốn lần các ca mắc bệnh ung thư dẫn đến tử vong, gia tăng 75% số người tử vong với những người tiêu thụ ít nhất 20% lượng calo từ protein nạc động vật. Bạn nên thay thế bằng cách tiêu thụ thêm các loại protein từ thực vật, chẳng hạn như đậu, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt, Fuhrman nói.
Quỳnh Trang (Theo womenshealthmag)
Xúc xích, nước có ga gây ung thư nghiêm trọng Là thực phẩm thông dụng nhưng lại nguy hại cho sức khỏe của bạn vô cùng thậm chí gây ung thư. Có những món ăn rất phổ biến, được chúng ta vô cùng ưa chuộng, nhưng đôi khi lại ẩn chứa những mối nguy hại khôn lường cho sức khỏe. Chất nitrit có trong xúc xích gây thiếu máu và ung thư Nitrit...