Nguy cơ “tiền mất tật mang” tại dự án One 18
Được quảng bá nằm tại vị trí đắc địa ở quận Long Biên, dự án tổ hợp thương mại văn phòng – chung cư cao cấp One 18 đang là một trong các điểm nóng của thị trường BĐS. Chưa lên hình hài, nhưng sai phạm trong quá trình triển khai thời gian gần đây đã khiến One 18 lập tức thu hút chú ý của người mua.
Trước đó nhiều ngày, chủ đầu tư vẫn hoành tráng ra mắt và rầm rộ tổ chức bán hàng?
Không phép, vẫn thoải mái thi công!
Từ tháng 12, dự án tổ hợp Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ IDB (One 18) bắt đầu được môi giới PR qua nhiều phương tiện truyền thông. Thông tin ban đầu như sau: khu đất dự án (rộng ngót 2.000 m2) đặt tại số 19 ngõ 298 đường Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên do Công ty CP đầu tư và phát triển kinh doanh (IDB Việt Nam) làm chủ đầu tư; dự án có quy mô một công trình 3 tầng hầm, 18 tầng nổi – dự kiến cung ứng tổng cộng 224 căn chung cư cao cấp.
Chủ đầu tư tự quảng bá, One 18 đã triển khai đến hạng mục hầm vào tháng 12.2016 và công trường đang gấp gáp thi công để kịp tiến độ bàn giao nhà vào quý I/2018. Ở một diễn biến khác, ngày 28.11.2016, chủ đầu tư đã thông báo công khai tới người mua về việc nộp tiền đặt chỗ mua căn hộ và ký hợp đồng đặt mua căn hộ One 18. Cụ thể: từ 30.11, sau khi khách đóng 100 triệu đồng, công ty sẽ ký hợp đồng đặt mua căn hộ và thu tiền theo tiến độ (giai đoạn 1 tương ứng là 10% giá trị căn hộ đã bao gồm tiền đặt chỗ). Giá bán căn hộ dao động từ 27- 32 triệu/m2 tùy vị trí, tầng.
Tuy nhiên, cùng thời gian nêu trên, One 18 liên tục bị cơ quan chức năng “gõ đầu”. Ngày 17.11.2016, Thanh tra Sở Xây dựng ban hành Quyết định 99/QĐ-XPVPHC xử phạt số tiền 80 triệu đồng và yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình dự án chung cư One 18 đối với công ty CP Đầu tư & Phát triển kinh doanh làm chủ đầu tư do vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh BĐS, khai thác VLXD, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở.
Vẫn về hoạt động cấp phép xây dựng dự án, ngày 22.12.2016, UBND TP Hà Nội có công văn 7252/UBND-ĐT chỉ đạo Sở Xây dựng hướng dẫn Công ty CP Đầu tư & Phát triển kinh doanh về hồ sơ, thủ tục liên quan đến cấp GPXD theo quy hoạch và phương án kiến trúc đã được Sở Quy hoạch – kiến trúc chấp thuận tại văn bản 1420/QHKT-TMB-PAKT-P3 và công văn 224/QHKT-PAKT ngày 18.1.2016; “giải quyết cấp phép xây dựng cho nhà đầu tư theo quy định”. Tạm hiểu, dự án vẫn chưa được cấp GPXD – một điều kiện tiên quyết để khởi công, triển khai công trường dự án.
Chủ đầu tư lách luật để huy động vốn?
Tìm hiểu từ danh sách các dự án được phép BĐS hình thành trong tương lai (mới công bố từ Sở Xây dựng Hà Nội đầu tháng 2), dự án One 18 cũng không xuất hiện. Điều này chứng minh: những sản phẩm căn hộ cao cấp tại One 18 chưa đủ cơ sở pháp lý để giao dịch dưới dạng hợp đồng mua bán.
Trong giả thiết chủ đầu tư huy động vốn bằng chiêu bài hợp đồng góp vốn, đặt chỗ, ưu tiên quyền mua…, nguy cơ rủi ro cho khách hàng cũng được dự báo. Cơ sở đến từ các quy định pháp luật liên quan.
Điều 55, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi 66/2014/QH13 quy định, chủ đầu tư phải bắt buộc xong móng mới được phép mở bán dự án. Khi dự án chưa xây xong móng, nếu chủ đầu tư cần huy động nguồn lực tài chính, thì phải ký hợp đồng hợp tác đầu tư với các khách hàng. Trong hợp đồng hợp tác đầu tư, chủ đầu tư được nhận vốn góp của khách hàng và trả bằng lãi suất, không được trả bằng căn hộ.
Tiếp đến, dẫn điểm a, khoản 2 Điều 19 Nghị định số 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở quy định: “Chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở”.
Video đang HOT
Vậy, cái gọi là “nộp tiền đặt mua, ký hợp đồng đặt mua căn hộ” mà chủ đầu tư quảng cáo mới đây liệu có giá trị pháp lý khi được thực hiện?
Được biết, trong trường hợp ký hợp đồng về vốn (người góp vốn) hay hợp đồng mua bán (đối với người mua nhà), các chủ thể hợp đồng vừa phải tuân theo pháp luật dân sự, vừa phải chấp hành pháp luật về nhà ở. Với dự án BĐS, đối tượng của hợp đồng mua bán được hợp đồng đặt cọc bảo đảm lại là tài sản hình thành trong tương lai. Điều này có nghĩa: tại thời điểm đặt cọc thì tài sản này chưa được hình thành và chưa được phép giao dịch. Trong khi đó, pháp luật dân sự lại chưa có quy định đối với việc đặt cọc để bảo đảm cho việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán tài sản theo hình thức này.
Do đó, việc đặt cọc trong trường hợp này tỏ ra rất “mong manh” với khách hàng!? Theo ông Ngọc Minh, một nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, với các loại hợp đồng đặt cọc quyền mua căn hộ kể trên, nếu xảy ra tranh chấp giữa khách với chủ đầu tư, tòa án có thể tuyên là hợp đồng vô hiệu.
Theo Danviet
Vụ cần cẩu sập đè chết 1 học sinh: Công trình chưa được cấp phép
Sáng 15/11, toàn bộ học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật (Nghệ An) nghỉ học để cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ việc liên quan đến cái chết của em Trần Văn Hải do sự cố sập cần cẩu. Sở Xây dựng Nghệ An đã yêu cầu UBND TP Vinh đình chỉ thi công công trình chung cư và biệt thự liền kề Trường Thành 2 do chưa có giấy phép xây dựng.
Vụ đổ cần cẩu khiến dãy nhà học 3 tầng của Trường THPT Lê Viết Thuật bị hư hỏng nặng.
Tạm dừng sử dụng dãy nhà học bị cần cẩu sập đè hỏng
Sáng ngày 15/11, ông Phan Xuân Phàn - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh, Nghệ An) - cho biết, hôm nay học sinh toàn trường nghỉ học, mọi hoạt động liên quan đến chuyên môn của trường cũng tạm ngừng để cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của đơn vị thi công xung quanh cái chết của em Trần Văn Hải (học sinh lớp 10A7).
Như Dân trí đã thông tin, vào khoảng 17h chiều qua (14/11), chiếc cần cẩu phục vụ thi công công trình chung cư Trường Thành 2 (ngay sát trường) bị đổ, vắt qua gây hư hỏng mái nhà tầng 3 của khu nhà học A4, rơi xuống sân trường. Thời điểm này, một nhóm học sinh đang có mặt tại sân thể dục để chuẩn bị luyện tập bóng rổ. Đầu cần cẩu rơi trúng em Trần Văn Hải khiến học sinh này tử vong tại chỗ.
Hiện trường xảy ra cái chết thương tâm của học sinh Trần Văn Hải chiều ngày 14/11 (ảnh chụp sáng ngày 15/11).
Sự việc diễn ra ngay trước mắt nhiều học sinh khiến các em bị chấn động tâm lý, hoảng loạn, 1 số học sinh ngất xỉu phải đưa đến bệnh viện. Nhà trường phải gọi điện cho các phụ huynh đến đưa các em về nhà.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan hữu quan đã có mặt, bảo vệ, khám nghiệm hiện trường phục vụ điều tra. Đến tối 14/11, thi thể em Trần Văn Hải được bàn giao cho gia đình để an táng.
"Đây là sự cố hết sức đau lòng đối với gia đình em Hải và nhà trường. Trường cũng đã cử cán bộ, giáo viên tới nhà, cùng gia đình chuẩn bị cho lễ an táng em Hải và động viên bố mẹ, người thân của em vượt qua nỗi đau này.
Ông Phan Xuân Phàn - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Viết Thuật trao đổi với phóng viên các báo sáng ngày 15/11.
Quá trình Công ty TNHH Trường Thành thi công công trình này đã gây ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học của nhà trường như bụi, tiếng ồn... Trường cũng đã nhiều lần kiến nghị Công ty TNHH Trường Thành ngừng thi công để không ảnh hưởng đến hơn 1.000 giáo viên, học sinh trong trường tuy nhiên không nhận được sự hợp tác của đơn vị này", ông Phan Xuân Phàn cho hay.
Do thời gian thi công công trình làm ảnh hưởng đến giờ học của học sinh và nhân dân xung quanh nên sau đó công trình đã bị chính quyền lập biên bản. (Ảnh: Nguyễn Duy)
Được biết, gần đây nhất, vào ngày 2/8/2016, Ban giám hiệu Trường THPT Lê Viết Thuật đã có văn bản gửi Công ty TNHH Trường Thành ghi rõ: "Trong quá trình thi công luôn có 18 lớp học tại nhà học 3 tầng sát với khu chung cư cao tầng. Khí thải độc hại, bụi vật liệu trong quá trình thi công tác động trực tiếp đến sức khỏe của học sinh trong quá trình học tại trường. Vì công trường xây dựng sát với nhà học 3 tầng thường xuyên có gần 1.000 học sinh tham gia học tập và tu dưỡng tại khu vực này, có chỗ các học sinh ngồi học chỉ cách công trường chưa đến 2m nên các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh khi thực hiện công tác thi công là khó khả thi....".
Ngày 2/8/2016, Ban giám hiệu Trường THPT Lê Viết Thuật đã có văn bản gửi Công ty TNHH Trường Thành. (Ảnh: Nguyễn Duy)
Từ ngày mai việc dạy và học của thầy và trò Trường THPT Lê Viết Thuật sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, vụ việc cũng gây hư hỏng dãy nhà học A4. Bởi vậy, để đảm bảo an toàn cho các em học sinh, tạm thời nhà trường sẽ không sử dụng dãy nhà học này. Toàn bộ các lớp học thuộc dãy nhà A4 sẽ chuyển đến dãy nhà phía trước. Để khắc phục tình trạng thiếu lớp, trường sẽ bố trí học 2 ca/1 ngày.
Công trình chưa có giấy phép xây dựng
Công trình chung cư và biệt thự liền kề Trường Thành 2 (khối 5, phường Trường Thi, TP Vinh, Nghệ An) do Công ty TNHH Trường Thành làm chủ đầu tư và xây dựng. Theo thiết kế, công trình này có diện tích 2.900 m2, gồm khu nhà ở thấp tầng 10 lô và khu chung cư thương mại 21 tầng (20 tầng nổi và 1 tầng hầm) với 190 căn hộ.
Công trình đã triển khai xây dựng từ tháng 6/2016. Tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn sập cần cẩu, đơn vị thi công đang triển khai xây móng.
Cái chết của em Trần Văn Hải gây chấn động mạnh về tâm lý của nhiều học sinh chứng kiến vụ việc.
Ông Nguyễn Tất Thiện - Chủ tịch UBND phường Trường Thi - cho biết, trong quá trình Công ty TNHH Trường Thành triển khai thi công, phường nhận được nhiều kiến nghị của người dân và Ban giám hiệu Trường THPT Lê Viết Thuật về việc đơn vị thi công công trình trong khu dân cư, sát trường học, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của trường cũng như đời sống của người dân xung quanh. Tới thời điểm ngày 15/11, chủ đầu tư và đơn vị thi công vẫn chưa trình giấy phép xây dựng cho UBND phường Trường Thi.
Ông Thiện cho biết, liên quan đến công trình "Dự án Trung tâm thương mại và biệt thự liền kề Trường Thành 2", phường đã một lần ra văn bản đình chỉ khi đơn vị này đang làm hệ thống tường rào bao quanh công trình.
Dù đã triển khai thi công từ tháng 6/2016 nhưng hiện công trình chung cư và biệt thự liền kề Trường Thành 2 vẫn chưa được cấp phép xây dựng.
Sáng 15/11, ông Nguyễn Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An - cho biết công trình chung cư và biệt thự liền kề Trường Thành 2 chưa có giấy phép xây dựng. Sau khi xảy ra sự việc, Sở Xây dựng đã yêu cầu UBND TP Vinh đình chỉ thi công công trình nói trên.
Quyết định phê duyệt nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. (Ảnh: Nguyễn Duy)
Một cán bộ Sở Xây dựng cho biết thêm, quá trình xác minh, Sở được biết đến nay, Dự án này mới chỉ được tỉnh Nghệ An phê duyệt về đánh giá tác động môi trường và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng.
Cụ thể, tại văn bản số 2443/QĐ - UBND của tỉnh Nghệ An do ông Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ UBND tỉnh Nghệ An ký ngày 31/5/2016 quyết định Phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu chung cư - biệt thự liền kề tại khối 5, phường Trường Thi.
Dự án này chỉ mới được tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng và Phê duyệt báo cáo tác động môi trường, chứ chưa được cấp phép xây dựng. (Ảnh: Nguyễn Duy)
Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 của Quyết định này, UBND tỉnh còn yêu cầu, đơn vị chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng, chính quyền địa phương, cơ quan tư vấn và các cơ quan liên quan tổ chức cắm mốc, lấy ý kiến nhân dân, đầu tư đúng quy hoạch. Chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục liên quan để khởi công xây dựng.
Hiện các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm của đơn vị thi công công trình đối với cái chết của em Trần Văn Hải.
Hoàng Lam - Nguyễn Duy
Theo Dantri
Vụ nhà 8B Lê Trực: Cần sự minh bạch và trách nhiệm! Hà Nội cần công bố rõ căn cứ pháp lý trong việc xác định sai phạm tại dự án nhà 8B Lê Trực để tìm tiếng nói đồng thuận của dư luận và để chủ đầu tư. Tòa nhà 8B Lê Trực Sở dĩ chúng tôi đề cập như vậy bởi thời gian gần đây, câu chuyện xử lý, cưỡng chế nhà 8B...