Nguy cơ sức khỏe bị ảnh hưởng khi nghe “bác sĩ mạng” tự chữa Covid-19
Theo Thông Tin Chính Phủ, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện những hướng dẫn không rõ nguồn gốc về cách tự chữa Covid-19 tại nhà.
Đáng chú ý trong đó có bài thuốc khuyên sử dụng paracetamol liều cao mà nếu làm theo sẽ dẫn đến nguy cơ ngộ độc cho người dùng.
Paracetamol là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt mức độ trung bình. Thời gian gần đây, rất nhiều người đã tìm mua với mục đích dự trữ để tự chữa các biểu hiện của Covid-19.
Bài thuốc tự chữa Covid-19 trong 7 ngày tại nhà lan truyền trên mạng. (Ảnh: Thông Tin Chính Phủ)
Tuy nhiên, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, lạm dụng thuốc, dùng sai, dẫn tới quá liều sẽ gây ra tình trạng ngộ độc. Các biểu hiện ngộ độc paracetamol lại kín đáo, thậm chí trong vài ngày đầu nếu không xét nghiệm, theo dõi thì khó có thể biết được. Vì vậy, nhiều trường hợp khi phát hiện ra thì đã quá muộn, gan bị tổn thương, suy gan… dẫn đến không qua khỏi.
Paracetamol lại là thuốc thuộc diện không phải kê theo đơn nên mọi người đều có thể dễ dàng mua tại các hiệu thuốc. Và khi nghe theo các chỉ dẫn qua mạng, cứ có biểu hiện ho, sốt là người bệnh lại sử dụng paracetamol.
Paracetamol là loại thuốc không thể lạm dụng vì có nguy cơ gây ngộ độc. (Ảnh: Playtech)
Trên thực tế, các bác sĩ khi kê đơn thuốc cho người bệnh trưởng thành chỉ kê 2-3 viên hàm lượng 500mg cho mỗi 24 giờ. Song tốt nhất vẫn là dùng liều thấp nhất có thể.
Thế nhưng theo như chỉ dẫn của 1 bài thuốc trên mạng, với tình trạng sốt nhẹ đi kèm ho và khó thở được khuyên dùng paracetamol ngày 3 lần, mỗi lần 2 viên, tức là gấp 3 lần chỉ định thông thường của bác sĩ.
Đặc biệt đối với những người có thể trạng gầy yếu, suy nhược, ăn kém… nếu áp dụng theo chỉ dẫn bừa bãi trên mạng thì nguy cơ ngộ độc là rất cao.
Bác sĩ đang điều trị cho 1 người bệnh lạm dụng thuốc. (Ảnh: Bệnh Viện Bạch Mai)
Video đang HOT
Không chỉ paracetamol mà gần đây rất nhiều người còn truyền tay nhau công thức pha nước chanh sả gừng cùng với “niềm tin” chữa khỏi Covid-19. Trên thực tế, cách chữa bệnh này không có căn cứ và cơ sở khoa học. Các nguyên liệu trên chỉ có tác dụng hỗ trợ giúp phòng ngừa viêm nhiễm hô hấp mà thôi.
Theo Giáo Dục Thời Đại, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho rằng mọi người nên cẩn trọng về loại thức uống đang được “thần thánh hóa” tác dụng này.
Nước chanh sả gừng cũng không có tác dụng chữa Covid-19 như đồn thổi. (Ảnh: Foody)
Cùng với đó, bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ chia sẻ trên Sức Khỏe Đời Sống cho biết, bài thuốc dùng chanh sả gừng vẫn có thể cải thiện được sức khỏe nhưng nên dùng theo chỉ định. Nếu sử dụng vô tội vạ trong thời gian dài, uống thay nước lọc cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trước những cảnh báo này, cư dân mạng cũng đã cảnh giác hơn về các bài thuốc chữa Covid-19 đang lan truyền. Phần lớn mọi người cũng ý thức được rằng sử dụng thuốc bừa bãi, không theo chỉ dẫn của bác sĩ đều có thể mang lại hậu quả khó lường.
Nhiều người kêu gọi không chia sẻ các bài thuốc không rõ nguồn gốc. (Ảnh: Chụp màn hình)
- Cái trò uống paracetamol cả đống thế này nhiều người hưởng ứng lắm. Phải cho họ thấy những gì bác sĩ cảnh báo mới tỉnh ngộ được.
- Đến cơm hay nước lọc còn cần có liều lượng mà thuốc lại uống vô tội vạ thì sức khỏe nào chịu được.
- Phương thuốc này có mà dẫn cả người bệnh lẫn Covid đến thiên đường luôn.
- Toàn những người nghĩ mình giỏi hơn bác sĩ rồi khuyên linh tinh. Mọi người đừng có nghe theo nhé.
Đã có không ít trường hợp sức khỏe bị ảnh hưởng do tin tưởng vào các “bác sĩ mạng”. Do đó, thay vì nghe theo những phương thuốc không được kiểm chứng này thì hãy thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch mà Bộ Y tế đưa ra nếu muốn tránh xa Covid-19.
Bác sĩ cảnh báo nguy cơ ngộ độc với "bài thuốc" trị Covid-19 trên mạng
Bác sĩ cảnh báo, "bài thuốc" điều trị Covid-19 được lan truyền trên mạng, với liều tối đa paracetamol rất có nguy cơ quá liều, ngộ độc.
"Bài thuốc" 7 ngày khỏi Covid-19?
Trên mạng xã hội đang lan truyền "bài thuốc" trị Covid-19, với ghi chú "xông và uống thuốc đều trong 7 ngày sẽ khỏi".
Theo "bài thuốc" ngày, ngay từ ngày một khi cơ thể xuất hiện mệt mỏi, đau nhức chân tay là phải uống paracetamol (thuốc hạ sốt) ngày 3 lần, mỗi lần 2 viên.
2 ngày tiếp theo, khi xuất hiện thêm các triệu chứng như sốt nhẹ hoặc sốt cao, đau nhức, tiếp tục duy trì liều paracetamol ngày 6 viên chia 3 lần, kết hợp xông ở những ngày tiếp theo.
Nhìn vào "bài thuốc" đang lan truyền này, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cảnh báo, nguy cơ quá liều và ngộ độc paracetamol rất dễ xảy ra, do hướng dẫn khuyên liều sử dụng tối đa. Hơn nữa, đây cũng không phải là bài thuốc chính thống. Bộ Y tế đã ra phác đồ điều trị Covid-19 với từng giai đoạn bệnh cụ thể.
TS Nguyên cho biết, paracetamol (tên gọi khác là acetaminophen) là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt mức độ trung bình. Ngộ độc paracetamol là nguyên nhân gây ngộ độc thường gặp nhất ở các nước phát triển. Ở Việt Nam, ngộ độc cấp paracetamol đã trở thành nguyên nhân ngộ độc thường gặp.
Ngộ độc paracetamol có thể xảy ra do lạm dụng thuốc, dùng sai dẫn tới quá liều mà không biết khi giảm đau, hạ sốt tại nhà. Trường hợp này rất dễ xảy ra, thường với người sốt cao, kéo dài, đau nhiều, đau mạn tính... Do các biểu hiện ngộ độc paracetamol rất kín đáo, thậm chí vài ngày đầu nếu không xét nghiệm theo dõi thì không thể biết, khi được phát hiện đã muộn, tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp, hôn mê gan và tử vong.
Vì thế, với hướng dẫn liều tối đa, dùng trong nhiều ngày như "đơn thuốc" lan truyền trên mạng rất dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc paracetamol.
Hơn nữa, paracetamol là thuốc thuộc diện không phải kê theo đơn, có nghĩa là người dân có thể tự mua ở các hiệu thuốc về để chữa các biểu hiện đau, sốt do các nguyên nhân thông thường hoặc xử trí ban đầu trước khi tới bệnh viện. Trên thị trường mỗi nước có thể có tới hàng trăm biệt dược có tên gọi khác nhau có chứa thành phần chính là paracetamol, trong đó với dạng viên có hàm lượng paracetamol mỗi viên phổ biến là 500mg. Ngoài ra thuốc có thể ở dạng viên đặt hậu môn, gói bột hoặc siro.
Các sản phẩm thuốc có thể chứa paracetamol đơn thuần hoặc các thành phần khác ngoài paracetamol là các thuốc giảm đau khác phối hợp như các chất dạng thuốc phiện (như codein, tramadol), hoặc các thuốc loại kháng histamine như chlorpheniramine, các thuốc co mạch giúp giảm ngạt mũi như phenylephrine, các thuốc giảm ho như dextromethorphan, codein.
Mặc dù có tên gọi khác nhau nhưng về bản chất tất cả các sản phẩm trên có thành phần tương tự nhau, người dân rất dễ dùng cùng lúc hoặc liên tiếp nhiều sản phẩm do bệnh không đỡ, kéo dài hoặc muốn dùng nhiều thuốc để có tác dụng mạnh, dẫn tới tổng liều paracetamol hàng ngày vượt quá quy định, dẫn tới quá liều và ngộ độc lúc nào không biết.
Một trường hợp ngộ độc paracetamol được điều trị tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai).
Tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) đã từng tiếp nhận bệnh nhân đang dùng thuốc chữa động kinh, khi dùng thêm paracetamol liều 2 gam/ngày đã dẫn tới viêm gan; bệnh nhân tự dùng paracetamol quá liều để hạ sốt dẫn tới ngộ độc, viêm gan, hôn mê gan, sau đó tử vong.
Biểu hiện ngộ độc paracetamol
Các biểu hiện ngộ độc ban đầu thường kín đáo, thậm chí không biểu hiện gì, hoặc có thể lẫn với các biểu hiện của bệnh gây đau, sốt. Tuy nhiên khi xét nghiệm sẽ thấy men gan tăng dần, bắt đầu từ ngày thứ 2, thứ 3 trở đi. Với trường hợp ngộ độc do lạm dụng thuốc thì tổn thương gan có thể chậm hơn. Khi bệnh nhân đã có vàng da, chán ăn...tức là đã muộn. Khi có viêm gan nặng, người bệnh dễ bị suy gan, hôn mê gan, khi đó tỷ lệ tử vong tới 50% hoặc hơn.
Bên cạnh đó, khi lạm dụng các sản phẩm này, bệnh nhân có thể bị quá liều và ngộ độc các thành phần khác kèm theo khi dùng kéo dài các chất dạng thuốc phiện như codein, tramadol có thể gây ngộ độc ảnh hưởng khả năng thở, táo bón, run tay chân, gây nghiện,...quá liều các chất gây co mạch dẫn tới cơn tăng huyết áp, đau tim, ngộ độc các thuốc kháng histamine gây mê sảng, ảo giác, táo bón, tắc ruột, co giật, loạn nhịp tim,...quá liều thuốc giảm ho dextromethorphan gây lẫn lộn, ảo giác, hôn mê, nhịp tim nhanh,...Với trẻ nhỏ, các thành phần kết hợp này đều có nguy cơ gây thở yếu, ngừng thở.
Vì thế, TS Nguyên khuyến cáo, dù là thuốc không kê đơn vẫn phải dùng đúng chỉ định. Liều thông thường là không quá 3 gam/24 giờ với người trưởng thành và trẻ em 15mg/kg cân nặng cho mỗi lần và không quá 6 lần/24 giờ. Tuy nhiên, nếu sử dụng liều này cho người có nhiều yếu tố thì có thể ngộ độc.
Trên thực tế các bác sĩ khi kê thuốc cho người bệnh trưởng thành chỉ kê 1-1,5 gam paracetamol cho mỗi 24 giờ (tương đương 2-3 viên loại hàm lượng 500mg). Tốt nhất là dùng liều thấp nhất có thể.
Những người đang sử dụng các thuốc (đặc biệt một số thuốc chữa bệnh lao hoặc động kinh làm tăng độc tính của paracetamol) và thể trạng của người bệnh dễ bị ngộ độc paracetamol (lạm dụng rượu, gầy yếu, suy nhược, ăn kém, nhiễm trùng nặng hoặc các bệnh gây suy mòn) cần chú ý.
Bên cạnh dùng thuốc hạ sốt, người bệnh cần kết hợp các biện pháp như chườm, uống đủ nước, tắm nước ấm, ở trong môi trường thoáng khí... để hạ sốt.
Đặc biệt, với bệnh Covid-19, tuyệt đối không tùy tiện chữa trị theo các bài thuốc lan truyền trên mạng, có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Cảnh báo ngộ độc do 'tự dùng thuốc hạ sốt chữa bệnh COVID-19 theo mạng xã hội' Cơ quan y tế cảnh báo về tình trạng ngộ độc paracetamol do tự dùng thuốc chữa bệnh COVID-19 theo hướng dẫn trên mạng xã hội. Người bệnh ngộ độc do lạm dụng thuốc được điều trị tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) - Ảnh: BỆNH VIỆN CUNG Ngày 21-7, Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo...