Nguy cơ sóng nhiệt phá vỡ hệ sinh thái ven biển
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, một nghiên cứu do Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) của Australia dẫn đầu cho thấy các đợt sóng nhiệt trên biển đang làm thay đổi đời sống của các vi sinh vật vốn đóng vai trò hình thành nền tảng chuỗi thức ăn biển, từ đó dẫn đến nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái ven biển.
Rạn san hô Great Barrier ở ngoài khơi Queensland, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Australia gần đây trải qua một đợt sóng nhiệt ngoài khơi phía Đông và ngoài khơi bang Tasmania.
Theo CSIRO, hiện tượng này khiến nước ở đại dương ấm lên kéo dài và có thể tác động đáng kể đến sinh vật biển, bao gồm cá, rạn san hô và rừng tảo bẹ. Một trong những yếu tố tác động mạnh đến tần suất, cường độ và thời gian của sóng nhiệt đại dương là hiện tượng khí hậu El Nino.
Video đang HOT
Trong một nghiên cứu quan sát hệ vi sinh vật biển trong hơn 12 năm, được công bố trên tạp chí Nature’s Communications Biology số ra mới đây, Tiến sĩ Mark Brown, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết các chuyên gia đã phân tích sóng nhiệt ngoài khơi Tasmania trong thời gian từ năm 2015 đến 2016 và nhận thấy hiện tượng này có thể đã tác động đáng kể đến vi sinh vật biển.
Ông Brown cho rằng sóng nhiệt trên biển đã biến đổi cộng đồng vi sinh vật từ bề mặt xuống tới lớp trầm tích đáy biển, tương tự những gì diễn ra ở khu vực biển phía Bắc Australia cách đó hơn 1.000 km. Đây là những vi sinh vật hỗ trợ sự hiện diện của nhiều sinh vật độc đáo ở khu vực này.
Tiến sĩ Brown mô tả sự thay đổi trên dẫn đến sự phát triển bất thường của các loài sinh vật và có thể gây hiệu ứng lan rộng ra toàn bộ hệ sinh thái, ảnh hưởng đến cả mức độ hấp thụ carbon trong bầu khí quyển.
Chẳng hạn các nhà khoa học đã quan sát thấy sự thay đổi ở các loài thực vật phù du trong khu vực này làm cho các động vật lớn hơn không thể dễ dàng tiêu hóa chúng, điều này có khả năng dẫn đến những thay đổi sâu sắc trong toàn bộ chuỗi thức ăn.
Một đồng tác giả của nghiên cứu trên, Tiến sĩ Lev Bodrossy cho hay các nhà khoa học đã sử dụng một phương pháp mới để đơn giản hóa cách họ quan sát hàng chục nghìn vi khuẩn ở biển. Phương pháp này cho phép họ đánh giá tình trạng và dự đoán sự thay đổi của hệ sinh thái biển trước hiện tượng Trái Đất nóng lên. Ông khẳng định mặc dù rất khó thực hiện các phương pháp quan sát ở biển khơi, nhưng các phương pháp đó rất quan trọng, giúp dự đoán tốt hơn về trữ lượng cá trong tương lai và khả năng hấp thụ carbon trên biển tại nhiều khu vực khác nhau ở đại dương.
Australia chi 100 triệu USD cải thiện chất lượng nước tại rạn san hô Great Barrier
Chính phủ Australia ngày 20/4 đã công bố khoản tài trợ cho một chương trình mới nhằm nâng cao chất lượng nước tại rạn san hô Great Barrier.
Rạn san hô Great Barrier ở ngoài khơi Queensland, Australia, ngày 7/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Môi trường và Nước Australia Tanya Pliberse cho biết Chính phủ sẽ chi 150 triệu đô la Australia (AUD - 100 triệu USD) cho việc phục hồi đất ở các lưu vực đang đẩy một lượng lớn trầm tích vào các con sông chảy vào rạn san hô mang tính biểu tượng này. Khoản kinh phí này là một phần trong ngân sách 1,2 tỷ AUD dành cho việc bảo vệ rạn san hô được chính phủ thông báo trước đó.
Các dự án được hỗ trợ sẽ gồm làm rào chắn, xây dựng các công trình nhằm cải tạo bờ sông, trồng lại cây xanh và quản lý việc chăn thả gia súc. Ngoài việc cải thiện chất lượng nước ở rạn san hô, các dự án cũng sẽ khôi phục môi trường sống và cải thiện khả năng hấp thụ carbon.
Theo bà Pliberse, một trong những điều mang tính biểu tượng nhất của rạn san hô Great Barrier là làn nước trong vắt như pha lê chảy qua. Tuy nhiên, làn nước mang tính biểu tượng này và bản thân rạn san hô Great Barrier đang bị đe dọa từ trầm tích và các dòng chảy khác đổ vào. Chất lượng nước kém khiến san hô không thể tái sinh, làm chết cỏ biển và cản trở khả năng tiếp cận ánh sáng Mặt Trời - vốn rất cần thiết cho một rạn san hô khỏe mạnh.
Trải dài khoảng 2.400km ngoài khơi bờ biển bang Queensland của Australia, Great Barrier là quần thể san hô lớn nhất thế giới, mỗi năm thu về khoảng 4,8 tỷ USD cho ngành du lịch Australia trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tuy nhiên, quần thể san hô này đang bị tàn phá nặng nề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 2022, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã khuyến nghị đưa rạn san hô Great Barrier vào danh sách Di sản thế giới đang gặp nguy hiểm.
Nhiệt độ các đại dương trên thế giới tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục Năm 2023, nhiệt độ các đại dương một lần nữa "xô đổ" các kỷ lục được thiết lập trước đó và xu hướng ấm lên sẽ tiếp tục tồn tại trong suốt thế kỷ này, ngay cả khi lượng phát thải khí nhà kính chững lại. Nhận định này được đưa ra trong một nghiên cứu thường niên được công bố ngày 11/1...