Nguy cơ “phút 89″
Cần lưu ý, các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ một cuộc sinh không suôn sẻ hoặc dấu hiệu bệnh lý bắt đầu lộ rõ vào cuối thai kỳ
Khoảng thời gian đầu thai kỳ là lúc các thai phụ thường lo lắng nhất bởi cơ thể thường mệt mỏi do các thay đổi, thai nhi còn non yếu. Rồi đến cuối thai kỳ, dù cơ thể đã nặng nề nhưng đa phần các bà bầu ít lo lắng hơn vì tin rằng thai nhi đã cứng cáp. Tuy nhiên, theo các bác sĩ (BS), giai đoạn nào của thai kỳ cũng có những mối nguy riêng của nó.
Cần theo dõi kỹ thai kỳ
Bế đứa cháu gái mới chào đời tại Bệnh viện (BV) Từ Dũ, chị Nguyễn Thị N.Q – ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM – cho biết chị gái mình vẫn còn khá yếu vì phải trải qua một cơn chuyển dạ đầy rủi ro. “Chị tôi ở quê, lên BV tỉnh khá xa nên chỉ thăm khám thai mấy tháng đầu, sau đó nghĩ con cũng cứng cáp rồi, lại không có biểu hiện gì đáng ngại… nên cũng yên tâm chờ đến ngày sinh. Ai dè, cận ngày sinh, càng ngày chị càng thấy mệt mỏi. Gần đây, chị lên TP HCM để chuẩn bị sinh nở, trước ngày dự sinh 2 tuần, chị bỗng cảm thấy mệt mỏi, đi BV gần nhà khám thì họ chuyển thẳng đến đây vì sợ rằng chị sẽ đẻ non và bị sản giật trong lúc sinh. “Vào đầu thai kỳ, chị tôi đi khám, thấy huyết áp cao hơn bình thường một tí nhưng chị cứ nghĩ mình mới 30 tuổi, đứa con đầu sinh cũng suôn sẻ nên không ngại. Ai ngờ, lúc nhập viện kiểm tra lại thì huyết áp lên rất cao” – chị Q. kể.
Các bé mới sinh được chăm sóc tại Bệnh viện Từ Dũ
PGS-TS-BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng Khoa Sản bệnh BV Hùng Vương, cho rằng có những căn bệnh hầu như không gây ảnh hưởng gì nhiều ở giai đoạn đầu của thai kỳ nhưng đến những tháng cuối, thậm chí đến khi chuyển dạ, mức độ nguy hiểm mới bộc lộ thực sự. Ông lấy ví dụ ở những thai phụ bị hẹp van động mạch phổi nguyên phát, tình trạng mang thai làm thay đổi huyết động và càng gần ngày sinh, thể tích máu càng tăng lên khiến trái tim phải làm việc nhiều hơn dẫn đến việc thai phụ có thể suy tim cấp khi chuyển dạ, nguy cơ tử vong cao. Trong khi đó, ở các tháng đầu thai kỳ, thai phụ mắc chứng này hầu như không gặp vấn đề gì, em bé có thể suy dinh dưỡng nhưng vẫn phát triển được. Vì thế, nếu quản lý thai kỳ không tốt, không phát hiện sớm và có các biện pháp đề phòng tình huống xấu, kết cục sẽ khó lường.
Nên tránh những thói quen xấu
Video đang HOT
Theo BS Bùi Văn Hoàng, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Từ Dũ, có một số loại bệnh mà giai đoạn cuối thai kỳ mới thực sự là lúc mẹ và bé dễ bị ảnh hưởng nhất: viêm nhiễm đường sinh dục dưới (gây rỉ ối, vỡ ối sớm, nhiễm trùng ối, chuyển dạ sinh non…), cao huyết áp thai kỳ (gây hiện tượng nhau bong non, sản giật, xuất huyết não, rối loạn đông máu, suy gan, suy thận…), đái tháo đường thai kỳ (không kiểm soát tốt có thể làm thai lưu, sinh khó do thai to dẫn đến đái tháo đường sau thai kỳ…), bệnh cường giáp (gây cơn bão giáp đe dọa tính mạng lúc chuyển dạ), bệnh tim (mẹ suy tim, con sinh non, suy hô hấp, tử vong…)… Thai phụ có các bệnh này cần được quản lý thai kỳ chặt chẽ cũng như cần sinh con ở một BV tuyến trên – nơi có đầy đủ phương tiện để đối phó với một cuộc sinh nhiều rủi ro.
Ngoài ra, khi thai đã to, một số thói quen sinh hoạt xấu có thể gây hại hoặc trở ngại cho cuộc sinh. Đó là thói quen hút thuốc, uống rượu, thức khuya, lao động quá sức…
Thai phụ nên tránh những tư thế không phù hợp khi bụng bầu ngày một to ra. Ví dụ, không nên leo trèo, khuân vác đồ nặng hay di chuyển trên giày cao gót vì dễ ngã; không làm những việc phải gập người lên xuống thường xuyên vì sẽ ảnh hưởng đến cột sống, sự lưu thông máu dẫn đến choáng váng và té ngã; thay đổi tư thế đột ngột cũng có thể gây choáng; ngồi bắt chéo chân hay đứng quá lâu có thể làm cản trở lưu thông máu khiến các triệu chứng phù, giãn tĩnh mạch vốn thường gặp ở thai phụ trở nên nặng thêm.
“Nên lưu ý, các hoạt động gắng sức trong giai đoạn cuối thai kỳ có thể khiến thai phụ sinh non” – BS Hoàng nhấn mạnh.
Khi nào nên đến ngay bệnh viện?
Theo BS Bùi Văn Hoàng, dù đến ngày dự sinh hay chưa, nếu gặp một cơn đau chuyển dạ, thai phụ cần đến ngay BV. Cơn đau chuyển dạ là những cơn gò có khoảng nghỉ nhưng khoảng nghỉ dần ngắn lại, càng lúc càng gò mạnh hơn gây cảm giác đau nhiều hơn từ vùng lưng dưới chuyển sang bụng dưới. Cũng phải vào BV nếu có hiện tượng ra máu hoặc nhớt hồng từ âm đạo, rỉ ối hoặc vỡ ối. Về phía thai nhi, luôn theo dõi bằng cách đếm cử động thai ít nhất 1 lần trong ngày, mỗi lần 30 phút. Thông thường, thai nhi khỏe mạnh có hơn 4 lần cử động trong 1 giờ. Nếu thai nhi cử động ít hơn, thai phụ phải đi nằm và đếm cử động thai trong khoảng 2-4 giờ. Nếu trong 4 giờ, thai nhi có ít hơn 10 cử động thai hay cử động yếu hơn bình thường thì thai phụ nên nhập viện.
Bài và ảnh: ANH THƯ
Theo NLĐ
Lời khuyên hữu ích nhất cho phụ nữ bị nấm âm đạo khi mang thai
Theo chuyên gia về sức khỏe sinh sản, để phòng ngừa nấm âm đạo, phụ nữ mang thai cần phải vệ sinh cá nhân sạch sẽ, phơi quần áo dưới nắng, đặc biệt là quần lót.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm gắn bó với ngành y, đặc biệt trong lĩnh vực sản phụ khoa, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức thống kê, khoảng 20 - 30% chị em mang thai mắc phải nấm âm đạo.
Bởi lẽ, khi mang thai, thai phụ có sự tăng đột biến về hoóc-môn nên vùng kín rất nhạy cảm và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Đặc biệt, những tác nhân bên ngoài như thời tiết ẩm, các bào tử nấm trong không khí có thể rụng và đậu trên quần áo (quần lót). Khi mặc quần lót ẩm là cơ hội tốt để nấm có thể tấn công gây ra nấm âm đạo.
Đặc điểm ban đầu có thể giúp thai phụ nhận ra mình đang mắc bệnh này là thai phụ cảm thấy ngứa 'vùng kín', có nhiều khí hư trắng như bã đậu và có mùi khó chịu.
'Loại nấm phổ biến gây bệnh nhất là nấm Candida. Bị nấm âm đạo khi mang thai thường không gây mất mạng. Trong trường hợp bị nấm âm đạo nặng, nếu không điều trị sẽ làm cho bệnh nhân khó chịu. Nấm âm đạo có thể gây ra viêm màng ối dẫn tới vỡ màng ối và sinh non. Nếu nấm phát triển xuyên qua màng ối, trẻ sinh ra dễ gặp các vấn đề về hô hấp', PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức nói.
Ảnh minh họa
Cũng theo PGS.TS Hoài Đức, nấm âm đạo ở phụ nữ mang thai nếu phát hiện sớm có thể chữa rất đơn giản, khi có triệu chứng ngứa vùng kín thì chị em nên đi khám để bác sĩ tìm ra nguyên nhân bị nấm hay nhiễm trùng âm đạo. Việc đặt thuốc trong khoảng 1- 2 tuần theo hướng dẫn của bác sĩ có thể hết bệnh.
Thuốc đặt hầu như không ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi, sự ảnh hưởng chỉ xảy ra khi thai phụ đặt quá liều, không đúng chỉ định của thầy thuốc.
Muốn dự phòng nhiễm nấm, thai phụ có thể dùng các loại dung dịch vệ sinh cân bằng độ PH, chỉ dùng khi thấy âm đạo tiết dịch nhiều. Khi vệ sinh, chỉ rửa nhẹ nhàng, không thụt rửa sâu vào trong âm đạo, tránh đưa vi khuẩn bất lợi vào bên trong.
Bên cạnh đó, PGS.TS Hoài Đức còn khuyến cáo, khi phụ nữ đang mang thai thấy khó chịu vùng kín không nên tự ý mua thuốc đặt điều trị nấm vì điều này sẽ rất nguy hiểm. Đặt thuốc không đúng liều còn khiến bệnh nặng hơn do nhờn thuốc.
Tuy nhiên, nấm âm đạo có thể tái lại nếu như thai phụ không biết cách vệ sinh sạch sẽ hoặc mặc quần lót khi chưa được phơi khô.
'Chính vì vậy, để phòng ngừa nấm âm đạo cần phải vệ sinh cá nhân sạch sẽ, phơi quần áo dưới nắng, đặc biệt là quần lót. Trong thời tiết ẩm ướt, quần áo không khô cần phải sấy. Khi nhà ẩm ướt cần phải vệ sinh nhà sạch sẽ, khô ráo, tránh để bào tử nấm có cơ hội phát triển', PGS.TS Hoài Đức nhấn mạnh.
Trước câu hỏi của phóng viên về kinh nghiệm dân gian thường dùng lá trầu không xông để trị nấm âm đạo, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức khuyến cáo, thai phụ khi bị nấm âm đạo không nên ngồi xông lá trầu không. Việc xông lá trầu không khó có thể điều trị được hết nấm mà còn khiến thai phụ bị mệt mỏi do phải ngồi lâu.
'Trong quá trình mang thai, cứ 3 tháng phụ nữ nên đi khám phụ khoa một lần để được bác sĩ thăm khám, kiểm tra và tư vấn', PGS. TS Nguyễn Thị Hoài Đức đưa ra lời khuyên.
Theo Nguyễn Huệ/Nguoiduatin.vn
Thời kì bạn hay lầm tưởng về 'chuyện ấy' nhất Nhiều người nghĩ rằng quan hệ tình dục khi mang thai sẽ làm tổn thương em bé, gây sảy thai, sinh non. Nhiều cặp vợ chồng thường lo lắng về việc "yêu" khi mang thai. Khảo sát cho thấy 50% phụ nữ dừng việc quan hệ khi mang thai, đặc biệt trong những tháng đầu thai kỳ. Theo Boldsky , nhiều nghiên cứu...