Nguy cơ cúm H7N9 xâm nhập vào Việt Nam rất lớn
Ngày 13/4, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị “Triển khai công tác phòng chống dịch cúm A (H7N9)” với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Đến nay, tại Trung Quốc đã có 43 ca nhiễm cúm A(H7N9); trong đó có 11 ca tử vong trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố phía đông Trung Quốc là Thượng Hải, An Huy, Giang Tô và Chiết Giang. Tất cả các trường hợp mắc bệnh ở Trung Quốc đều bị viêm đường hô hấp nặng với triệu chứng là: sốt, ho và khó thở. Là nước có chung đường biên giới với Trung Quốc nên nguy cơ cúm A (H7N9) xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt tất cả các cấp của hệ thống y tế từ Trung ương đến địa phương tăng cường giám sát, bảo đảm phát hiện sớm các ổ dịch; đồng thời, có các văn bản yêu cầu sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong hoạt động phòng chống cúm A (H7N9).
Bộ Y tế đã phê duyệt “Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A (H7N9) tại Việt Nam” nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch cúm.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định: Dịch bệnh cúm A (H7N9) có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và bùng phát dịch rất cao ở Việt Nam. Nguyên nhân là do chủng virus mới cúm A (H7N9) chưa từng gây bệnh cho người, có nguồn gốc gen từ virus cúm gia cầm. Tại Trung Quốc, đã phát hiện virus cúm A (H7N9) trên chim bồ câu bán tại chợ nhưng chưa có bằng chứng về việc virus cúm A (H7N9) lây truyền từ gia cầm sang người hoặc từ người sang người.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, tình hình dịch tại Trung Quốc liên tục gia tăng, diễn biến phức tạp, rải rác nhiều tỉnh gây khó khăn trong việc kiểm soát sự lây truyền và khống chế dịch. Đặc tính của virus cúm A dễ biến đổi, tính thích nghi cao nên nguy cơ lây nhiễm từ người sang người là có thể xảy ra. Vấn đề vận chuyển, nhập lậu gia cầm qua biên giới hết sức phức tạp khó có khả năng ngăn chặn; việc giao lưu đi lại của người dân giữa hai quốc gia là rất lớn, trong khi đó cộng đồng chưa có miễn dịch.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu cũng cho biết: Đến nay, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh cúm A (H7N9) trên người cũng như trên gia cầm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đầu năm 2013 đã ghi nhận 1 trường hợp mắc và tử vong do cúm A (H5N1). Đáng chú ý hiện nay có một số ổ dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm tại Đồng Tháp và chim yến tại Ninh Thuận. Vì vậy, số trường hợp mắc trên người có thể sẽ tiếp tục gia tăng do các ổ dịch cúm trên gia cầm, thủy cầm, chim vẫn xảy ra rải rác; việc xử lý triệt để ổ dịch ở các loài chim là khó khăn; đặc biệt hiện tượng nhiễm virus không biểu hiện bệnh ở thủy cầm.
Theo các chuyên gia y tế: Cúm A (H7N9) hiện chưa rõ nguồn lây bệnh cũng như phương thức lây truyền, chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người. virus cúm A (H7N9) ở người có nguồn gốc gen từ virus cúm gia cầm; độ tuổi mắc bệnh cao ở nhóm trên 60 tuổi, chủ yếu là nam giới; thời gian từ ngày khởi phát đến khi xác định trung bình là 10,76 ngày. Hiện chưa có vắcxin phòng bệnh; các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng.
Trước tình hình trên, để phòng chống cúm A(H7N9) có hiệu quả, Bộ Y tế sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch trên các đàn gia cầm, thủy cầm, chim trời không để lây lan sang người; tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường năng lực xét nghiệm xác định bệnh cúm A (H7N9), giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh trên người.
Đồng thời, thiếp lập mạng lưới các bệnh viện sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân; tăng cường năng lực, trang bị phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân để đạt mục tiêu giảm tử vong; tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về phác đồ điều trị và phòng lây nhiễm cúm A (H7N9) ở người; tổ chức chiến dịch tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; phối hợp với các bộ ngành liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; quản lý mua bán gia cầm.
Bộ Y tế tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới để chia sẻ thông tin dịch bệnh, các biện pháp giám sát; huy động sự hỗ trợ thuốc, trang thiết bị, vật tư phòng chống dịch; thành lập Trung tâm hành động khẩn cấp về các bệnh mới nổi./.
Theo Dantri
TP.HCM sẵn sàng ứng phó với dịch cúm A/H7N9
Dù chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm A/H7N9 nhưng Việt Nam nói chung và TP.HCM đã chủ động có các biện pháp ứng phó
Chiều 9/4, đoàn làm việc của Bộ Y tế dẫn đầu là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã có buổi làm việc với Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất TP.HCM về kế hoạch phòng chống dịch cúm A/H7N9 đang có nguy cơ lây lan vào lãnh thổ Việt Nam. Cùng ngày Thứ trưởng đã có buổi kiểm tra công tác chuẩn bị đối phó với dịch cúm tại bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM- đơn vị tiếp nhận điều trị bệnh nhân cúm A/H7N9 (nếu có) đầu tiên tại khu vực phía Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo công tác phòng chống dịch trong cuộc họp.
Theo báo cáo mới nhất từ tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung Quốc hiện có 24 ca bệnh phát hiện dương tính với vi rút cúm A/H7N9 và đã có 7 ca tử vong. Tình hình dịch cúm tại Trung Quốc đang diễn biến trên diện rộng và khá phức tạp. Tại Việt Nam, hiện chưa phát hiện có trường hợp cúm nào, tuy nhiên để hạn chế lây lan dịch cúm nguy hiểm này, Bộ Y tế đã chú trọng đến công tác chuẩn bị ứng phó kịp thời đối với các địa phương.
Đoàn làm việc của Bộ Y tế kiểm tra tình hình phòng chống dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Làm việc với Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất TP.HCM, bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu trung tâm tập trung cao độ, kiểm tra chặt chẽ và gắt gao đối với những hành khách thuộc vùng dịch tại Trung Quốc nhập cảnh sang Việt Nam bằng đường hàng không thông qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Tại buổi làm việc, bà Tiến cũng được nghe đơn vị này báo cáo về công tác ứng phó đối với dịch cúm A/H7N9, nhiều trang thiết bị như: 3 máy đo thân nhiệt hồng ngoại tự động, 20 lít hóa chất khử trùng nhà ga, 2000 quần áo chống dịch, 500 khẩu trang N95,...đã được chuẩn bị. Nếu phát hiện du khách nào có biểu hiện nghi vấn sẽ lập tức chuyển đến bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM kiểm tra.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn được nêu ra là các máy đo thân nhiệt tại sân bay chỉ phát hiện được bệnh nhân sốt, còn người ủ bệnh thì không kiểm tra được. Ý thức tự phòng chống dịch bệnh của nhân viên nghành hàng không còn hạn chế và chưa có test nhanh để chuẩn đoán sớm bệnh dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế làm việc với Ban giám đốc Bệnh viện Nhiệt Đới.
Sau khi làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp tục đi kiểm tra công tác chuẩn bị máy móc, trang thiết bị để điều trị bệnh nhân cúm A/H7N9 tại Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM. Tại đây, ông Long đánh giá cao nỗ lực thực hiện công tác chuẩn bị theo chỉ thị bằng văn bản của Bộ Y tế trước đó của Ban giám đốc Bệnh viện. Được biết, ngoài Bệnh viện Nhiệt Đới, 2 bệnh viện thuộc khu vực phía nam cũng nằm trong kế hoạch của Bộ Y tế làm nơi điều trị nếu dịch cúm A/H7N9 lây lan đến, là Bệnh viện Nhi Đồng I và Bệnh viện Nhi Đồng II.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long trực tiếp kiểm máy móc, trang thiết bị tại bệnh viện.
Trước thực trạng dịch cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên có tâm lý hoang mang, lo lắng vì hiện tại công tác phóng chống dịch cúm đang thực hiện tốt và tại Việt Nam vẫn chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh nào. Ngoài ra, người dân cần nâng cao ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm, cảnh giác đối với thịt gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo ANTD
Bình Định xin hỗ trợ 100 tỷ đồng chống hạn Theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn, tình trạng thiếu nước, khô hạn, xâm nhập mặn sẽ xảy ra trên diện rộng và gay gắt hơn ngay từ đầu vụ hè thu năm nay. Theo đó, UBND tỉnh Bình Định đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cấp hỗ trợ 100 tỷ...