Nguy cơ bùng phát cúm A/H7N9: Vô tư mua bán gia cầm không kiểm dịch
Trong khi các ngành chức năng và người dân đang lo ngại và ra sức ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H7N9 trong nước, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi… thì rất nhiều tiểu thương vẫn thản nhiên mua bán gia cầm không qua kiểm dịch. Phóng viên Báo NTNN đã ghi nhận thực tế này ngay giữa Thủ đô.
Vào “thủ phủ” gia cầm giống lớn nhất miền Bắc
Từ nhiều năm nay, xã Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) được biết đến như là “thủ phủ” sản xuất giống gia cầm lớn nhất miền Bắc cũng như cả nước. Mỗi ngày, các lò ấp nơi đây xuất đi hàng chục vạn con gia cầm giống đủ loại. Chiều 5.3, trong vai chủ trang trại cần mua gà giống, phóng viên Báo NTNN đã vào một số cơ sở mua bán gia cầm ở Đại Xuyên và tận mắt chứng kiến nhiều người vẫn vô tư mua bán gia cầm không qua kiểm dịch.
Tại lò ấp P.Đ (xóm Mới Cầu Giẽ, xã Đại Xuyên), khi chúng tôi ngỏ lời muốn mua 1.000 con gà giống Lương Phượng, chủ lò nhanh nhảu chào giá 9.000 đồng/con. Theo bà P – chủ lò, cơ sở của vợ chồng bà hoạt động được gần 10 năm. Mỗi ngày, bà P xuất bán đi các nơi hơn 1 vạn gia cầm giống các loại như gà chọi, gà Đông Tảo, Lương Phượng, ngan, vịt siêu trứng, vịt super (siêu thịt)…
Chủ và lao động tại lò ấp B.H (xã Đại Xuyên) đang nhặt vịt giống để bán cho khách. Ảnh: Phú Lãm
“Nhà chị cung cấp con giống khắp từ Bắc tới Nam. Mỗi lần gửi giống vào miền Nam, toàn phải gửi xe khách. Khắp nơi về đây lấy hàng, từ sáng tới giờ chị đã đổ mấy chuyện về Nam Định đấy. Chị có cả khâu vận chuyển, xe ôm chở tới tận nhà. Chú ở đâu, chị chuyển đến tận nhà cho” – bà P quảng cáo.
Khi chúng tôi hỏi về việc kiểm dịch con giống, bà P nói: “Không, cái đấy bọn chị chưa làm, chỉ xuất con giống thôi. Mình cứ ấp nở ra rồi bán con giống, sợ gì”. Khi tôi tỏ vẻ lo ngại về dịch cúm, chủ cơ sở tiếp lời: “Mình chưa bị đâu, khu mình không mưa gió mấy. Ngày nào chị chả có mấy xe vận chuyển con giống đi Thái Bình. Mỗi ngày xuất đi hơn 1 vạn con, đắt rẻ cứ chiều tối là phải hết hàng” – chủ lò nói.
Nằm kề lò ấp P.Đ là lò ấp B.H, cũng như người hàng xóm, bà chủ của lò gia cầm giống này tên Brôm rả chào mời: “Buôn con giống nhanh giàu lắm, lãi 1.000 đồng một con; các tỉnh Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hải Dương toàn về đây lấy. Sợ gì kiểm dịch, năm thì mười họa họ mới bắt thôi”.
Bà B không ngại ngần tiết lộ: “Con giống ở đây bán khắp cả nước. Trước gửi xe khách hay bị bắt, giờ chị chuyển sang gửi xe tải. Ngày nào chả gửi đi Gia Lai, Kon Tum, đi cả máy bay vào đồng bằng sông Cửu Long. Nếu gửi máy bay thì làm kiểm dịch. Em lấy bao nhiêu con, không cần phải về đây, cứ alo và đặt tiền, chị cho người chở đến tận nơi”.
Video đang HOT
Tương tự, tại lò ấp con giống gia cầm Kh.L cách đó không xa, vừa thoăn thoắt nhặt vịt cho khách, bà chủ cơ sở vừa đon đả tiếp chuyện chúng tôi. Bà L- chủ lò cho biết, chẳng cần kiểm dịch, việc vận chuyển vẫn dễ dàng. “Kiểm dịch làm gì cho tốn kém, chú cứ xem đi, ưng lấy bao con thì đặt cọc tiền. Mai có gà chị alo, cho chở tới tận nơi”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại xóm Mới Cầu Giẽ có tới hơn 30 hộ theo nghề ấp, sản xuất con giống gia cầm. Do nằm gần Quốc lộ 1A cũ và gần đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, việc vận chuyển gia cầm giống chưa qua kiểm dịch vẫn lén lút diễn ra…
Thờ ơ với nguy cơ dịch bệnh
Để tránh rủi ro cho người chăn nuôi và đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, TS Nguyễn Văn Duy khuyến cáo: “Bà con khi mua giống gia cầm nên mua ở cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện kiểm dịch theo quy định để đảm bảo chất lượng con giống tốt, không mắc các dịch bệnh”.
Những ngày đầu tháng 3, thông tin dịch cúm A/H5N1 bùng phát ở 8 hộ chăn nuôi của 3 xã thuộc huyện Vụ Bản, Trực Ninh (Nam Định) khiến dư luận không khỏi lo lắng.
Trước nguy cơ dịch bệnh H5N1 có thể lây lan, và nguy cơ xâm nhập, bùng phát dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống cúm A/H7N9 với 4 hành động: Phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan, hạn chế mức thấp nhất trường hợp tử vong. Đồng thời, triển khai các biện pháp giám sát cộng đồng, đặc biệt tại các cửa khẩu.
Cuối tháng 2, Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng đã có công điện yêu cầu UBNDcác cấp, các ban, ngành của địa phương và các lực lượng chức năng, đặc biệt là bộ đội biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường, giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y, y tế tổ chức giám sát chặt chẽ tại các thôn, bản, các khu vực tập kết, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc…
Mặc dù các bộ ngành khẩn trương vào cuộc, cảnh báo nguy cơ xâm nhiễm và lây lan dịch cúm rất nguy hiểm, thế nhưng nhiều tiểu thương và người dân vẫn thờ ơ với nguy cơ về sức khỏe của chính mình. Ngoài tình trạng mua bán, vận chuyển gia cầm không qua kiểm dịch nói trên, chiều 5.3, tại chợ Hà Vĩ (xã Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội), phóng viên ghi nhận bất chấp khuyến cáo sử dụng khẩu trang và găng tay để tránh nhiễm cúm, nhiều tiểu thương vẫn không đeo khẩu trang, thản nhiên dùng tay không tiếp xúc với gia cầm… Không gian đầy lông ngan, vịt rụng bay… “Giờ làm gì đã có cúm mà sợ, ngày nào chúng tôi chả chở vịt đi bán có sao đâu. Bao giờ thông báo có dịch hẵng hay” – một tiểu thương nói…
Bắt buộc phải kiểm dịch, nhưng…
Sáng 8.3, trao đổi với phóng viên Báo NTNN, TS Nguyễn Văn Duy – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi, Bộ NNPTNT) cho biết, quy trình đưa con giống ra thị trường bắt buộc phải kiểm dịch: “Ngoài các đàn giống đã tiêm phòng các loại vaccine, khi đưa ra thị trường phải làm công tác kiểm dịch. Các cơ sở sản xuất giống phải tuân thủ, an toàn vệ sinh phòng dịch là công tác hàng ngày. Không có dịch cũng phải thực hiện”.
Về trách nhiệm quản lý sản xuất con giống và đàn gia cầm trên địa bàn, khi được hỏi, ông Nguyễn Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Xuyên “vòng vo” cho rằng, địa phương có trách nhiệm kiểm soát phòng dịch đàn giống bố mẹ. Khi con giống xuất ra thị trường phải có cơ quan thú y huyện kiểm tra. Cũng có tình trạng hộ sản xuất giống nhập trứng bên ngoài về sản xuất, nhưng số lượng ít… “Việc kiểm dịch đầu ra của con giống thuộc chức năng của thú y huyện. Họ kiểm tra, đóng dấu cho lưu hành hay không. Bắt buộc phải đủ các thủ tục”… /.
Tại Thông tư số 25/2016, Bộ NNPTNT quy định cụ thể về kiểm dịch động vật trên cạn. Cụ thể: Trước khi vận chuyển động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh chủ hàng phải đăng ký kiểm dịch với chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh hoặc trạm thuộc chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh được ủy quyền. Nội dung kiểm dịch đối với động vật gồm: Kiểm tra lâm sàng; lấy mẫu xét nghiệm bệnh; niêm phong, kẹp chì phương tiện chứa đựng, vận chuyển động vật; hướng dẫn, giám sát chủ hàng thực hiện tiêu độc khử trùng phương tiện chứa đựng, vận chuyển động vật; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.
Thông tư cũng quy định: Thông báo cho cơ quan kiểm dịch động vật nội địa nơi đến qua thư điện tử hoặc fax các thông tin sau đây: Số giấy chứng nhận kiểm dịch, ngày cấp, số lượng hàng, Mục đích sử dụng, biển kiểm soát phương tiện vận chuyển. Thực hiện thông báo ngay sau khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đối với động vật vận chuyển để làm giống… Tuấn Linh
Theo Danviet
Ráo riết lập chốt chặn dịch cúm
Sau công điện khẩn của Bộ NNPTNT, các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn virus cúm A/H5N6 và các chủng virus cúm gia cầm khác xâm nhập địa bàn.
Ngành thú y Bình Dương đã yêu cầu các địa phương tăng cường biện pháp phòng dịch, trong đó siết chặt quản lý vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào tỉnh trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm (A/H5N1, A/H5N6).
Siết chặt vận chuyển gia cầm...
Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, tỉnh cần tiêm phòng cho khoảng 20 triệu con gà trong đợt này. Ảnh: Trại gà của anh Nguyễn Văn Hùng (Xuân Lộc, Đồng Nai). Ảnh: T.T
Theo ông Nguyễn Lương Trai-Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn gặp không ít khó khăn do tỉnh có nhiều tuyến đường nhỏ nối với các tỉnh khác. Ngành thú y rất cần người dân hợp tác phát hiện gia cầm chết nghi bị bệnh H5N1 và báo ngay cơ quan chức năng để xử lý kịp thời, không giấu dịch bệnh, không giết mổ, bán gia cầm bị bệnh, không vứt xác gia cầm bừa bãi.
Theo ông Trần Phú Cường - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Bình Dương, tỉnh đang đẩy mạnh công tác phúc kiểm tại 11 chốt kiểm dịch và trạm kiểm dịch động vật Vĩnh Phú. Tại thời điểm này, ngành thú y đặc biệt lưu ý đến công tác kiểm dịch động vật. "Đối với công tác kiểm soát vận chuyển, kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm, đây là một hoạt động hết sức quan trọng. Làm tốt công tác này sẽ ngăn chặn kịp thời các đàn gia cầm không rõ nguồn gốc nhằm hạn chế khả năng làm lây nhiễm virus cúm từ địa phương khác vào Bình Dương" - ông Cường nói.
Chốt kiểm dịch động vật của Trạm thú y TP.Thủ Dầu Một (tại chân cầu Phú Cường) đang hoạt động 24/24 giờ. Mỗi ngày chốt có 3 ca trực, mỗi ca 8 tiếng. Ông Nguyễn Thế Trung - kỹ thuật viên của chốt kiểm dịch cho biết, chốt làm thủ tục kiểm soát cho khoảng 30 - 40 phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua lại. Theo quy định, tất cả các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật bắt buộc phải xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc động vật và sản phẩm động vật đang chở khi qua trạm. Cán bộ thú y sẽ kiểm đếm, kiểm tra niêm phong chì cũng như hỗ trợ các chủ phương tiện phun hóa chất khử khuẩn.
Để hạn chế tình trạng lây lan cúm từ các tỉnh, thành khác đến Bà Rịa -Vũng Tàu, tỉnh cũng đang thắt chặt việc kiểm tra, kiểm soát tại 3 chốt kiểm dịch chính trên các quốc lộ: 51 (xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành), 55 (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) và 56 (xã Xà Bang, huyện Châu Đức). Tại các chốt này sẽ kiên quyết không cho gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, gia cầm tại các vùng có dịch bệnh vào tỉnh.
Ông Phạm Phi Hùng - Trạm phó Trạm Kiểm dịch động vật huyện Tân Thành cho biết, mỗi ngày có hàng chục lượt xe chở gia cầm vào trạm để kiểm dịch. Khi xe vào trạm, cán bộ sẽ kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch và các giấy tờ liên quan khác; kiểm tra số lượng, chủng loại, sản phẩm động vật, điều kiện vệ sinh thú y đối với phương tiện vận chuyển, tình trạng sức khỏe động vật, đóng dấu phúc kiểm, ra biên lai thu lệ phí và sau đó sát trùng phương tiện trước khi vào địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hiện nay, các loại gia cầm vận chuyển về Bà Rịa - Vũng Tàu chủ yếu thông qua Trạm kiểm dịch động vật huyện Tân Thành.
Tiêm phòng và tiêu độc
Theo Sở NNPTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh có hơn 3,6 triệu con gia cầm. Trước tình hình cúm gia cầm diễn biến phức tạp, sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng chống như: Tổ chức tiêm phòng, tiêu độc khử trùng; tăng cường kiểm tra lò mổ, điểm buôn bán gia cầm; tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi gia cầm kịp thời báo cáo nếu phát hiện nghi vấn để kịp thời xử lý...
Ông Trần Quang Long - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Long Điền cho biết, hiện ngành thú y huyện đang tổ chức tiêm phòng cho khoảng 170.000 con vịt, ngan trên địa bàn huyện. Đơn vị này cũng cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến đàn gia cầm sau khi tiêm.
Không chỉ cơ quan chức năng lo xảy ra cúm trên địa bàn mà chính các trang trại chăn nuôi gia cầm cũng đang lo lắng. Ông Nguyễn Đức Thuận - chủ trang trại chăn nuôi gà tại xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) cho biết, trang trại đang vệ sinh sạch sẽ, tiêu độc khử trùng. "Nếu để xảy ra cúm gia cầm, trang trại sẽ thiệt hại rất lớn" - ông Thuận cho biết.
Trong khi đó, theo ông Trần Phú Cường, trong tháng 2, đoàn kiểm tra của chi cục đã thực hiện hơn 300 lượt thanh kiểm tra về dịch bệnh trên động vật, sản phẩm động vật, kinh doanh động vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; đã thực hiện vệ sinh tiêu độc chuồng trại sau mỗi đợt tiêm phòng.
Theo Danviet
Nỗi lo từ chim trời mang virus cúm "Việc chim trời nhiễm virus cúm gia cầm (CGC) bay qua biên giới mang dịch bệnh là vấn đề mới cần được đặt ra để có phương án phòng chống hợp lý" - ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NNPTNT đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên NTNN xung quanh việc đối phó với nguy cơ virus...