Nguồn thu thoái vốn eo hẹp, lợi nhuận của SCIC giảm 54% trong năm 2019
Đây cũng là năm SCIC ghi nhận lợi nhuận và doanh thu thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố báo cáo hợp nhất kiểm toán năm 2019 với doanh thu từ hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn đạt 6.529 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2018.
Theo SCIC, doanh thu giảm mạnh do hụt khoản doanh thu bán các khoản đầu tư. Còn nhớ trong năm 2018, SCIC thu về hơn 7.500 tỷ đồng từ bán vốn cổ phần tại Vinaconex, năm 2019 thì gần như không có khoản bán vốn lớn nào.
Dù doanh thu giảm tốc nhưng chi phí hoạt động và đầu tư vốn vẫn xấp xỉ so cùng kỳ ở mức hơn 2.500 tỷ đồng. Cũng trong năm 2019, khoản lãi từ công ty liên kết cũng giảm một nửa về mức 538 tỷ đồng.
SCIC cho biết, tổng công ty đã phải trích lập hơn 2.553 tỷ cho các khoản đầu tư mới tiếp nhận năm 2019. Điều này đã làm lợi nhuận của Tổng công ty giảm một khoản tương ứng so với năm trước.
Cụ thể, SCIC báo lợi nhuận sau thuế trong năm 2019 đạt 4.332 tỷ đồng, giảm 54% so năm 2018, đây là mức lợi nhuận thấp nhất của SCIC trong 5 năm trở lại đây.
Video đang HOT
SCIC báo lợi nhuận sau thuế trong năm 2019 đạt 4.332 tỷ đồng, giảm 54% so năm 2018
Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của SCIC đạt 57.286 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,45 tỷ USD trong đó vốn đầu tư chủ sở hữu đã tăng từ 26.000 tỷ lên gần 33.200 tỷ.
SCIC đang quản lý danh mục có giá trị 49.281 tỷ đồng, tăng gần 17.000 tỷ so với năm 2018. Trong đó, 28.437 tỷ, tương đương gần 58% tổng danh mục là tiền gửi ngân hàng.
Từ khi thành lập đến nay, SCIC đã bán vốn tại hơn 1.000 doanh nghiệp với giá vốn 11.169 tỷ đồng và thu về 47.306 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thuộc diện bán vốn chủ yếu có quy mô nhỏ, kinh doanh kém hiệu quả nhưng kết quả bán vốn thu được gấp 4,2 lần giá vốn (bình quân cả nước là 1,48 lần).
Theo báo cáo gần đây, SCIC đặt kế hoạch doanh thu 6.916 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 4.839 tỷ đồng. Trong khi mục tiêu doanh thu tăng 6% thì lợi nhuận lại giảm gần 4%.
Đồng thời, SCIC cũng đã công bố danh sách dự kiến bán vốn tại 85 doanh nghiệp có vốn nhà nước trong năm nay, giảm so với danh sách 108 đơn vị năm 2019.
Trong đó, nhiều khoản đầu tư có giá trị lớn như 94% tại Tổng công ty Thép Việt Nam – Vnsteel (tương đương 6.368 tỷ đồng); 53% vốn tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam – Vinatex (tương đương 2.674 tỷ đồng); 63% tại Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (tương đương 792,3 tỷ đồng); 51% tại Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (tương đương 463,2 tỷ đồng); 3% Tập đoàn Bảo Việt (tương đương 221,5 tỷ đồng), 6% tại CTCP FPT (tương đương 400 tỷ đồng).
Một số khoản đầu tư đáng chú ý khác cũng sẽ được đưa ra đấu giá là 50% vốn trong CTCP Đầu tư Bảo Việt – SCIC (tương đương 70 tỷ đồng), 27% CTCP Cảng Quốc tế Lào Việt (tương đương 63,45 tỷ đồng), 33% CTCP Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam (tương đương 49,5 tỷ đồng),…
Trong thương vụ thoái vốn tại Cienco5 hồi đầu năm, SCIC đã bán thành công 17,56 triệu cổ phiếu thu về 342,42 tỷ đồng; 2,94 triệu cổ phần CTCP Rau quả Thực phẩm An Giang (thu về 60,6 tỷ đồng); 2,156 triệu cổ phần Tổng công ty Tư vấn xây dựng thuỷ lợi Việt Nam (thu về 185,6 tỷ đồng); 11.580 cổ phần CTCP Sách – Văn hoá tổng hợp Hoà Bình (870 triệu đồng); 10.289.117 cổ phần CTCP In tổng hợp Cần Thơ (211 tỷ đồng); 456.141 cổ phần CTCP In báo Lào Cai (5,3 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, không ít đợt thoái vốn của SCIC cũng như các tập đoàn nhà nước không nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Ví dụ bán vốn tại Công ty cổ phần Hạ tầng bất động sản Việt Nam (VIID), CTCP Dược Khoa, CTCP In khoa học Kỹ thuật, CTCP Ắc quy tia Sáng, CTCP Pin Hà Nội, CTCP Xuất nhập khẩu hoá chất Miền Nam của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, CTCP Du lịch Thương mại Nông nghiệp của Agribank,…
SCIC thoái vốn tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ đưa toàn bộ 45 triệu cổ phần đang sở hữu, tương đương 9% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (mã chứng khoán HND) ra đấu giá trọn lô.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo ngày 22/4 tới sẽ tổ chức bán đấu giá cả lô cổ phần HND do SCIC sở hữu. Theo đó, SCIC sẽ đưa toàn bộ 45 triệu cổ phần đang sở hữu, tương đương 9% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của HND ra đấu giá trọn lô.
Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào 14h30 ngày 22/4. Giá khởi điểm 26.000 đồng/cổ phần, tương ứng số tiền thu về có thể lên đến 1.170 tỷ đồng.
Theo báo kết quả kinh doanh quý IV/2019 của HND, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 3.221 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận gộp đạt 711 tỷ đồng, tăng 28%, và tỷ suất đạt 22%.
Doanh thu cả năm 2019 công ty đạt 11.301 tỷ đồng, tăng 19%. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.203 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần năm 2018. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục mà HND đạt được.
HND cũng nằm trong số các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng có quy mô vốn lớn 5.000 tỷ đồng.
BT
Thêm công ty nuôi lợn tại Đồng Nai lãi quý I đã vượt cả năm 2019 Dolico có lợi nhuận quý I gần 39 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch năm và lợi nhuận cả năm 2019. Công ty đặt mục tiêu có lợi nhuận thêm 15 tỷ đồng trong quý II. CTCP Nông Súc Sản Đồng Nai (Dolico, UPCoM: NSS) thông qua kết quả kinh doanh quý I với tổng doanh thu gần 81 tỷ đồng. Lợi nhuận...