Nguồn nguyên liệu giúp IS đánh bom tràn lan
Những mặt hàng thương mại buôn bán hợp pháp giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đã được IS tận dụng để chế tạo và sử dụng rộng rãi thiết bị nổ cải tiến.
Thiết bị nổ cải tiến làm từ can nhựa nhồi phân bón và các vật liệu thương mại khác của IS. Ảnh: CAR
Trong các chiến dịch quân sự chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) diễn ra ở Iraq và Syria, điều mà các binh sĩ quân đội hai nước này sợ hãi nhất là những chiếc xe bom chất đầy thuốc nổ mà IS sẵn sàng lao thẳng vào đội hình của họ, gây ra thương vong rất lớn.
Các vụ đánh bom tràn lan này được IS áp dụng rộng rãi để uy hiếp tinh thần và gây ra thiệt hại nặng nề cho đối thủ. IS chế tạo các thiết bị nổ cải tiến (IED) từ nguyên liệu của 51 công ty khác nhau ở 20 quốc gia, đây là kết luận trong báo cáo mới do Tổ chức Nghiên cứu Vũ khí Xung đột (CAR) đưa ra, theo WarIsBoring.
“Những phát hiện này giúp cộng đồng quốc tế tăng cường nhận thức rằng phiến quân IS ở Iraq và Syria hiện đang rất tự chủ trong việc mua sắm vũ khí và hàng hóa chiến lược như IED”, James Bevan, giám đốc điều hành CAR, nói.
Các điều tra viên của CAR đã đến Kirkuk, Mosul và Kobani ở Iraq để sát cánh cùng các nhóm chống IS như Lực lượng Dân quân Iraq (PMU), tổ chức Chính sách Liên bang Iraq (IFP) và Hội đồng An ninh Khu vực người Kurd (KRSC) trong vòng 20 tháng.
Một số vật liệu IS sử dụng để chế tạo IED được bày bán công khai trên thị trường, như điện thoại di động và linh kiện bán dẫn. Các nguyên liệu như miếng dán nhôm, u rê, và các chất hóa học cùng kíp nổ cũng phổ biến rộng rãi trong khu vực.
Các ngành công nông nghiệp và khai khoáng quy mô lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq chủ yếu sử dụng các sản phẩm này, vì thế chúng hiếm khi trở thành đối tượng bị hạn chế mua bán hay cần giấy phép xuất khẩu, và có thể được trao đổi qua biên giới dễ dàng.
Video đang HOT
Những nguyên liệu có thể sử dụng để chế tạo bom cần được kiểm soát chặt chẽ như kíp nổ vẫn dễ dàng rơi vào tay IS từ những nông dân, công nhân khai mỏ có cảm tình với nhóm phiến quân. “Chỉ riêng việc kiểm soát giấy phép sử dụng là chưa đủ để ngăn chặn IS mua được các nguyên vật liệu này”, theo báo cáo của CAR.
“Trong tất cả các trường hợp được điều tra, nhà sản xuất kíp nổ đều bán hợp pháp thiết bị cho các nhà buôn và công ty phân phối trong khu vực”, nhóm điều tra cho biết.
“Các công ty này sau đó bán lại cho các đầu mối thương mại nhỏ hơn, trong đó có các cá nhân có liên hệ với IS sử dụng chúng để chế tạo IED. Các đầu mối nhỏ này dường như là mắt xích yếu nhất trong chuỗi giám sát”.
Do nằm sát lãnh thổ IS kiểm soát, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ là nhà cung cấp chính vật liệu chế tạo IED. “Với 13 công ty tham gia vào chuỗi cung ứng này, Thổ Nhĩ Kỳ là điểm trung chuyển quan trọng nhất cung cấp các nguyên vật liệu chế tạo IED của IS”, CAR tiết lộ.
Các công nghệ lưỡng dụng dùng cho cả mục đích quân sự và dân sự từ lâu đã đóng một vai trò không nhỏ trong chiến tranh phi truyền thống. Nhóm vũ trang IRA ở Ireland rất thành thạo trong việc chế tạo bom IED từ các nguyên vật liệu thương mại và chất nổ buôn lậu từ Libya.
Một vụ nổ do IED của IS gây ra ở gần thành phố Ramadi, Iraq. Ảnh: Youtube
Thiết bị nổ IRA sử dụng trong vụ đánh bom Grand Hotel ở Brington ngày 12/10/1984 nhằm vào Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và nội các của bà sử dụng một thiết bị hẹn giờ được làm từ một cuốn băng video và đồng hồ tính giờ đậu xe, giúp quả bom có thể nằm chờ gần một tháng trước khi phát nổ. Vụ nổ này làm 5 người thiệt mạng, nhưng bà Thatcher và nội các của bà vẫn an toàn.
Trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, IED trở thành vũ khí được các lực lượng nổi dậy ưa chuộng. Năm 2007, IED là nguyên nhân gây ra cái chết của 3/5 lính Mỹ thiệt mạng ở Iraq và 1/4 ở Afghanistan. Hệ thống Phân tích Thương vong Quốc phòng của Lầu Năm Góc nhận thấy trong năm 2009, 56% thương vong ở Iraq và Afghanistan bắt nguồn từ IED, con số này tăng lên 63% vào năm 2011.
IS đã hưởng lợi từ mạng lưới cung cấp nguyên liệu chế tạo bom quy mô lớn dưới hình thức các mặt hàng thương mại, do đó IED vẫn luôn là một vấn đề nan giải trên chiến trường Iraq và Syria, báo cáo của CAR nhấn mạnh.
Duy Sơn
Theo VNE
Xem IS chế tạo vũ khí hóa học
Sau khi chiếm được thành phố Ramadi, miền Trung Iraq, từ tay IS, các lực lượng dân quân Iraq đã truy quét các khu vực công nghiệp và phát hiện hai xưởng chế tạo vũ khí hóa học của quân khủng bố.
Trong các xưởng chế tạo vũ khí của IS, quân Iraq đã tìm thấy các can và túi đựng chất độc cực kỳ nguy hiểm như vinyltrichlorosilane (tức C2H3Cl3Si). Chất này có thể ăn mòn da thịt người và kim loại. Sau khi tiếp xúc với da, chất này gây bỏng nặng và tổn thương đường hô hấp trong và hệ thống tiêu hóa của người. Ngoài ra, đây là chất dễ cháy, nó phản ứng dữ dội với nước và rượu, sinh ra axit hydrochloric.
Theo giải thích của giới chức quân sự Iraq, hóa chất này được IS sử dụng. Chúng trộn vào trong mìn và tên lửa rồi bắn vào thường dân và lực lượng an ninh.
Ngày 11/2/2016, các chiến binh IS đã sử dụng chất độc hóa học chống lực lượng dân quân người Kurd. Khi đó có 23 người bị ngạt và bỏng da.
Trong một diễn biến liên quan, một bản nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Nghiên cứu Xung đột Vũ khí (Conflict Armament Research, CAR) thực hiện theo yêu cầu của Liên minh châu Âu, công bố ngày 25/2, 50 công ty thuộc 20 quốc gia bị cáo buộc liên quan tới việc cung cấp nguyên liệu cho việc chế tạo bom của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.
Hơn 700 thành tố, gồm dây cáp, hóa chất hay những chất liệu khác được IS sử dụng để chế tạo bom, được vận chuyển thông qua 51 công ty của Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Brazil, Nga, thậm chí là cả Mỹ.
Theo bản báo cáo, IS sản xuất chất nổ theo "dây chuyền gần như công nghiệp", nhờ những thiết bị hợp pháp và sẵn có, như phân hóa học hay điện thoại di động. Trên thực tế, việc buôn bán các vật liệu nhỏ và với giá rẻ này không cần giấy phép kinh doanh và ít bị theo dõi hơn so với buôn bán vũ khí.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước có liên can nhiều nhất trong dây chuyền sản xuất bom của IS với 13 công ty. Tiếp theo là Ấn Độ với 7 công ty chuyên về sản xuất ngòi nổ và các dây dẫn. Tất cả các thiết bị này đều được xuất khẩu hợp pháp, theo giấy phép kinh doanh do Ấn Độ cấp, sang các công ty tại Liban và Thổ Nhĩ Kỳ. Chưa đầy một tháng sau khi tới khu vực Trung Đông, tổ chức IS đã có thể có trong tay rất nhiều thiết bị trên.
James Bevan, Giám đốc điều hành của tổ chức Nghiên cứu Xung đột Vũ khí, cho biết chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối hợp tác với các nhà điều tra của họ. Vì vậy, nhóm điều tra không thể kiểm tra được hiệu quả của hệ thống pháp luật Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giám sát quá trình kinh doanh các nguyên vật liệu góp phần vào việc chế tạo bom của IS.
Tổ chức CAR thu thập được các mẫu bom của IS nhờ vào các lực lượng dân quân người Kurdistan (YPG) tại Syria, lực lượng cảnh sát Iraq, Hội đồng bảo an khu vực Kurdistan và các lưc lượng của chính phủ khu vực Kurdistan. Các mẫu bom được thu thập tại nhiều trận đánh ở Iraq như Al Rabia, Kirkouk, Mussoul và Tikrit và tại thành phố Kobani của Syria.
Bản báo cáo cũng cho biết CAR đã liên lạc với các công ty sản xuất các thiết bị trên song không có câu trả lời, hoặc không biết sản phẩm của họ được đưa tới đâu sau khi đã bán cho khách hàng.
Theo Nh.Thạch /RT
PetroTimes
Iraq giành lại tuyến đường Ramadi - Baghdad từ IS Các lực lượng Iraq giành lại phần lãnh thổ nối giữa thành phố Ramadi với một căn cứ quân sự lớn ở nước này từ tay nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Quân đội Iraq ở Jweba, phía đông Ramadi, ngày 8/2. Ảnh: Reuters. Thông báo phát đi trên truyền hình quốc gia Iraq cho biết quân đội, cảnh sát và các...