Người Yazidi trước bóng ma diệt chủng
Sự trỗi dậy của Hồi giáo cực đoan tại Iraq một lần nữa đẩy cộng đồng thiểu số theo đạo Yazidi vào thảm cảnh bị “đuổi cùng diệt tận”.
Người Yazidi chạy nạn thảm sát ở Iraq – Ảnh: Reuters
Yazidi là tôn giáo độc thần xuất phát từ một số bộ tộc người Medes (Iran cổ đại) và có nhiều nghi lễ tương đồng với Bái Hỏa giáo thờ lửa của Ba Tư cổ. Với lịch sử hơn 4.000 năm và là một trong những tôn giáo lâu đời nhất thế giới nhưng không nhiều người biết đến tôn giáo này cho đến khi tổ chức Hồi giáo cực đoan ISIL trỗi dậy tại Iraq và bắt đầu mở chiến dịch “thanh lọc” đẫm máu, theo tờ Le Monde.
Ngày 10.8, Bộ trưởng Nhân quyền Iraq Mohamed Chia al-Soudani báo động: “Từ lúc chiếm được thị trấn Sinjar (tây bắc Iraq – NV), ISIL đã thảm sát ít nhất 500 người Yazidi. Một số nạn nhân đã bị chôn sống”.
Ngoài ra, theo ông al-Soudani, khoảng 300 phụ nữ Yazidi đã bị bắt để làm nô lệ, thậm chí làm nô lệ tình dục cho các tay súng Hồi giáo cực đoan. Hồi cuối tuần qua, lực lượng ISIL lại giết 80 người Yazidi trong đợt tấn công vào làng Kocho, gần Sinjar. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 9.8 nhận định ISIL đang tiến hành một cuộc diệt chủng khi “tiêu diệt một cách có hệ thống toàn thể người Yazidi”. Ngay sau đó, ông Obama đã “bật đèn xanh” để Lầu Năm Góc không kích nhằm chặn đà tiến của lực lượng Hồi giáo cực đoan Sunni và tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo.
Ngàn năm truy diệt
Đây không phải lần đầu tiên người Yazidi bị đẩy vào đường cùng. Đài truyền hình France Télévisions dẫn lời một nghị sĩ Iraq theo đạo này cho biết: “Trong lịch sử, chúng tôi đã phải trốn chạy 72 cuộc diệt chủng.
Video đang HOT
Tôi lo rằng những gì đang diễn ra ở Sinjar chính là vụ diệt chủng thứ 73″. Việc luôn phải tìm cách ẩn mình để lánh nạn có thể là một trong những nguyên nhân khiến người Yazidi và tôn giáo của họ rất ít được biết đến. Theo Le Monde, hiện có từ 100.000 – 600.000 người theo tôn giáo này, tập trung chủ yếu ở phía bắc Iraq, đặc biệt là tại thị trấn Sinjar. Ngoài ra, những đợt chạy nạn trước đây cũng làm nhiều người Yazidi phải định cư tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia và một số nước châu Âu.
Nguyên nhân chính khiến bao đời nay người Yazidi phải chịu số phận bi thảm là do tôn giáo này bị các tôn giáo khác, đặc biệt là Hồi giáo, xem là “tà đạo thờ quỷ”. Người Yazidi tin vào thượng đế duy nhất gọi là Xwede.
Tôn giáo này cũng có sách thánh như Thánh Kinh của Công giáo hoặc Kinh Coran của Hồi giáo nhưng việc truyền đạo chủ yếu là truyền miệng. Những người theo đạo này quan niệm “sinh ra là người Yazidi” chứ không “trở thành người Yazidi” nên không chấp nhận người cải đạo. Đây cũng là một trong những lý do làm tôn giáo này ít phổ biến và khi bị hiểu lầm thì không cách gì “giải oan” được. Chẳng hạn, một trong những thiên thần mà người Yazidi rất tôn thờ là Malek Taous. Theo người Yazidi, vị thiên thần này từng có lúc làm phật lòng Thượng đế nhưng sau đó đã hồi tâm chuyển ý. Trong khi đó, người theo Hồi giáo cho rằng Malek Taous chính là thiên thần “tạo phản” và trở thành quỷ Iblis. Người Yazidi mang tiếng “thờ quỷ” cũng từ đó.
“Tà giáo” không ăn xà lách
Trả lời Le Monde, chuyên gia về Trung Đông Frédéric Pichon cho biết để làm giảm “tiếng xấu”, đạo Yazidi đã hấp thụ một phần giáo lý của các tôn giáo khác trong quá trình phát triển nên cũng bị xem là đạo “tổng hợp” và không được thừa nhận. Tuy nhiên, những bản sắc mà họ vẫn giữ như không ăn rau xà lách, không mặc trang phục màu xanh hay luôn đốt một ngọn lửa nhỏ “linh thiêng” trong nhà thì bị xem là “hoạt động tà giáo”. Vì vậy, đối với các tổ chức Hồi giáo cực đoan, người Yazidi luôn là mục tiêu tấn công hàng đầu. Tháng 8.2007, al-Qaeda thực hiện 4 vụ tấn công liên tiếp tại Sinjar làm khoảng 400 người chết để trừng phạt một thanh niên Yazidi “dám” yêu một thiếu nữ Hồi giáo Sunni.
Tương tự, ngay khi vừa chiếm được Sinjar vào đầu tháng 8, ISIL đã mở đợt truy sát đẫm máu, làm từ 160.000 – 200.000 người Yazidi phải sơ tán. Trong số đó, khoảng vài ngàn người đang bị bao vây ở dãy núi thuộc vùng tự trị người Kurd ở phía bắc Iraq, sát với biên giới Syria. Số phận người tị nạn Yazidi ở đây vô cùng nguy cấp khi không có lương thực, điện, nước, thời tiết khắc nghiệt (lúc nóng nhất trong ngày có thể lên đến 50oC) còn xung quanh là họng súng của ISIL. Họ chỉ còn biết trông chờ vào lực lượng tự vệ người Kurd cùng với sự hỗ trợ quân sự của Mỹ trong chiến dịch đẩy lùi Hồi giáo cực đoan khỏi miền bắc Iraq.
ISIL vẫn bám trụ ở đập Mosul
Tờ Le Monde dẫn lời một quan chức địa phương người Kurd cho biết đến sáng qua, các tay súng của ISIL vẫn còn bám trụ ở khu vực phía tây của đập Mosul, miền bắc Iraq. Trong khi tối 17.8, lực lượng quân sự người Kurd tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn con đập này.
Trước đó, giới chức quân sự Mỹ cho biết đã mở 9 đợt không kích vào các cứ điểm của ISIL ở sát đập Mosul. Loạt tấn công đã tiêu hủy hàng chục xe quân sự của tổ chức này, mở đường cho đà tiến công của lực lượng Kurd.
Đến tối 18.8, Reuters dẫn lời giới chức quân sự Iraq cho biết họ đang lên kế hoạch chiếm lại thị trấn Mosul từ tay ISIL sau khi đã giành được ưu thế ở con đập cùng tên. Ngoài ra, tại miền tây Iraq, ISIL cũng đang phải chống trả đợt tấn công do liên quân của khoảng 20 bộ tộc Sunni tiến hành từ cuối tuần qua.
Theo Thanh Niên
Mỹ sẽ trang bị cho người Kurd súng máy giống AK-47
Để ngăn chặn phiến quân ISIL, chính phủ Mỹ sẽ trang bị cho lực lượng vũ trang người Kurd loại súng máy tương tự như AK-47 của quân đội Nga.
"Mỹ và chính phủ Iraq đã tăng cường viện trợ quân sự cho lực lượng Kurd khi họ tiến hành cuộc chiến chống lại phiến phân ISIL", hãng thông tấn AP trích dẫn lời của Tổng thống Mỹ Obama.
Trong khi phiến phân ISIL được trang bị vũ khí hạng nặng và xe bọc thép giành được từ quân đội Iraq thì các chiến binh Peshmerga của người dân tộc Kurd chỉ sử dụng súng trường tấn công hạng nhẹ.
Hai chiến binh Peshmerga đi tuần tra ở một ngôi làng thuộc tỉnh Nineveh.
Ông Karwan Zebari, đại diện cho công động người Kurd phàn nàn rằng: "Họ (quân nổi dậy ISIL) đang tiến đến về phía chúng tôi với những xe bọc thép Humvee. Trong khi đó, chúng tôi lại đáp trả bằng các khẩu súng AK-47. Điều này không có tác dụng gì cả. Có lúc, súng của chúng tôi còn hết đạn".
Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đang xử lý việc phân phối vũ khí nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay họ sẽ sớm cung cấp vũ khí trực tiếp cho các chiến binh người Kurd. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ chưa nêu rõ các loại vũ khí mà Lầu Năm Góc sẽ trang bị cho lực lượng Kurd, tờ Reuters ghi nhận.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, việc trang bị vũ khí cho chiến binh Peshmerga có thể gây nên một mối đe dọa tiềm tàng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq. Theo Guardian, các lực lượng người Kurd vừa chiếm thành phố Kirkuk và các mỏ dầu dầu có lượng dự trữ dồi dào hồi thàng 6/2014.
Tờ này dẫn lời của học giả Michael Hanna tại Quỹ Century Foundation cho hay: "Nếu bạn trang bị vũ khí cho người Kurd, bạn đang nhúng tay vào các tranh chấp chính trị nội bộ của Iraq".
Thực tế, lực lượng Kurd luôn luôn đối đầu với chính phủ Iraq. Cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của người Kurd được tổ chức vào năm 2005 đã chỉ ra rằng, hơn 98% cử tri đi bầu đồng ý tách khỏi Iraq. Trong tháng 7/2014, Massoud Barzani, lãnh đạo người Kurd kêu gọi chính phủ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý độc lập tương tự như hồi năm 2005, tờ Al Jazeera đưa tin.
Trước mối nguy đó, Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn lên kế hoạch viện trợ quân sự cho lực lượng người Kurd trong cuộc chiến chống lại ISIL.
Theo Kiến Thức
Một chỉ huy Hezbollah thiệt mạng tại Iraq Một chỉ huy Hezbollah đã thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ tại Iraq, nguồn tin quen thuộc với vụ việc nói với Reuters hôm 30/7. Hezbollah là một nhóm Hồi giáo dòng Shiite được Iran hậu thuẫn trước đó chưa từng thừa nhận có bất kỳ vai trò nào trong cuộc xung đột tại Iraq, quốc gia có chính phủ người Shiite...