Người xin khai thác ‘kho báu’ 3 tấn vàng thông tin về việc phải đi vác muối thuê
Người xin khai thác “ kho báu” cho biết mình không nằm mơ mà tất cả đều có cơ sở và chi phí đều do phía đối tác lo.
Ngày 9-4, trao đổi với PLO, ông Huỳnh Phú Tân (42 tuổi, ngụ xã Long Điền, huyện Long Hải, tỉnh Bạc Liêu) cho biết đang tiếp tục liên hệ với Sở VH-TT&DL Bình Thuận để xin giấy phép khai thác “kho báu” 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty, Phan Thiết.
Sông Cà Ty chảy giữa lòng TP Phan Thiết, nơi ông Tân cho rằng có “kho báu” 3 tấn vàng do quân đội Nhật chôn giấu. Ảnh: GOOGLE MAP
Theo ông Tân, gần đây có một số thông tin cho rằng ông nằm mơ thấy “kho báu” quân đội Nhật chôn giấu dưới sông Cà Ty là không đúng mà ông có cơ sở rõ ràng.
“Lãnh đạo UBND xã Long Điền đã làm việc với tôi và tôi đã khẳng định điều này. Thời gian qua, tôi âm thầm làm hồ sơ, thủ tục xin phép, gia đình tôi hoàn toàn không hề biết. Do đó, khi có người hỏi, gia đình tôi sợ tôi làm gì vi phạm pháp luật nên nói rằng tôi nằm mơ thấy để cho qua chuyện” – ông Tân chia sẻ.
Theo ông Tân, nếu được tỉnh Bình Thuận cấp phép, ông phải điều chỉnh thời gian khai quật “kho báu” bắt đầu từ ngày 10-2-2025 và kết thúc ngày 20-2-2025, không thể khai quật kho báu vào tháng 5-2024 do thời gian quá gấp.
Trả lời câu hỏi về việc hàng ngày phải đi vác muối thuê thì kinh phí đâu để khai quật “kho báu” và ký quỹ nửa tỷ đồng, ông Tân cho biết mọi việc đã được ông tính toán.
“Chi phí khai quật, tiền ký quỹ đều do phía đối tác của tôi lo. Hiện 3 công ty xây dựng là đối tác cơ bản đã đồng ý và chỉ chờ có giấy phép là triển khai” – ông Tân khẳng định.
Theo ông Tân, nếu được cho phép sẽ khai quật “kho báu” vào khoảng tháng 2-2025. Ảnh: PN
Theo ông Tân, trước đây ông là thầu xây dựng nhưng do làm ăn thất bại nên thỉnh thoảng rảnh rỗi ông có đi vác muối thuê.
“Đi vác muối thuê là việc làm không vi phạm pháp luật và cũng chẳng liên quan gì đến việc khai thác “kho báu” 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty, vì như tôi đã nói tất cả chi phí đều do phía đối tác của tôi lo” – ông Tân cho biết.
Như PLO đã đưa tin, đầu tháng 4-2024, ông Huỳnh Phú Tân gửi đơn đến UBND tỉnh Bình Thuận và Sở VH-TT&DL tỉnh xin khai thác vật quý. Cụ thể, ông Tân cho biết ông tổ của ông đã phát hiện quân đội Nhật chôn giấu khoảng 3 tấn vàng và vật quý dưới dòng sông Cà Ty đoạn qua TP Phan Thiết.
“Do thời gian quá dài nên tư liệu và hình ảnh không còn, chỉ truyền đến đời tôi và hiện giờ tôi biết được địa điểm mà thôi” – đơn của ông Tân khẳng định.
Theo ông Tân, nếu được cho phép, thời gian dự kiến khai thác “kho báu” sẽ từ ngày 1-5 đến ngày 10-5-2024 hoặc từ ngày 10-2-2025 đến ngày 20-2-2025 và ông Tân sẽ phối hợp với 3 công ty xây dựng là đối tác để khai thác.
Đối với biện pháp an toàn trong khai thác “kho báu”, ông Huỳnh Phú Tân đề nghị cử 10 cán bộ công an bảo vệ an toàn trong thời gian khai thác và cán bộ tài chính kiểm kê tài sản sau khi khai thác được để đưa tài sản về Kho bạc nhà nước tỉnh Bình Thuận.
Ông Tân cũng yêu cầu cử 2 cán bộ có kinh nghiệm xử lý chất nổ để xử lý nếu phát hiện chất nổ và tất cả chi phí đều do ông Tân bỏ ra.
“Tôi xin cam kết nếu được sự cho phép tôi sẽ ký quỹ khắc phục môi trường tại Kho bạc nhà nước tỉnh Bình Thuận, số tiền là 500 triệu đồng và xin nhận lại sau khi bàn giao mặt bằng như hiện trạng ban đầu.
Tài sản khai thác được tôi xin nhận 30% tổng tài sản thu được, 70% còn lại tôi xin bàn giao cho Kho bạc nhà nước tỉnh Bình Thuận để các cấp lãnh đạo xử lý” – ông Tân nêu rõ.
Vụ xin khai thác kho báu: Quân đội Nhật từng chôn giấu 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty?
'Ông tổ gia đình tôi đã phát hiện quân đội Nhật chôn giấu khoảng 3 tấn vàng và vật quý dưới sông Cà Ty, do thời gian quá dài nên tư liệu và hình ảnh không còn', ông Huỳnh Phú Tân - người làm đơn gửi cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận xin khai quật 'kho báu' cho biết như vậy.
Ngày 1.4 vừa qua, ông Huỳnh Phú Tân (ngụ xã Long Điền, H.Long Hải, Bạc Liêu) đã có đơn gửi đến Sở VH-TT-DL Bình Thuận phản hồi về thông tin "kho báu dưới sông Cà Ty" sau khi nhận được văn bản hướng dẫn thủ tục của cơ quan này.
"Ông tổ gia đình tôi đã phát hiện quân đội Nhật chôn giấu khoảng 3 tấn vàng và vật quý dưới sông Cà Ty. Do thời gian quá dài nên tư liệu và hình ảnh không còn. Chỉ truyền đến đời tôi, hiện giờ tôi biết được địa điểm mà thôi", đơn của ông Huỳnh Phú Tân trình bày.
Sông Cà Ty, nơi thường diễn ra cuộc thi đua thuyền. Ảnh QUẾ HÀ
Về phương án thăm dò trước khi tiến hành các bước khai thác, đơn của ông Tân nêu: "Tôi xin đi thẳng vào khai thác mà không cần thăm dò với lý do tôi đã xác định được địa điểm chính xác".
Về vị trí cụ thể, người xin khai thác kho báu nêu rõ cách cầu Dục Thanh khoảng... về hướng... (trong đơn chỉ rõ vị trí, nhưng xin giữ bí mật địa điểm cho ông Tân - PV).
Về thời gian thực hiện khai thác, ông Tân đưa ra các mốc thời gian từ ngày 1.5 - 10.5.2024, hoặc phương án 2 từ ngày 10.2 - 20.2.2025.
Vụ xin khai thác kho báu: Quân đội Nhật Bản từng chôn 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty?
Cũng theo ông Huỳnh Phú Tân, hiện ông đã liên kết với các công ty có chuyên môn trong xây dựng để tổ chức thực hiện, nếu được cơ quan có thẩm quyền cấp phép sẽ tiến hành ngay.
Trong quá trình khai thác, ông Tân đề nghị cần có 10 cán bộ công an giúp bảo vệ an ninh trật tự và quá trình "đưa tài sản về Kho bạc Nhà nước tỉnh".
Ông cũng cần có 2 cán bộ chuyên môn giúp đỡ trong điều kiện phát hiện chất nổ. Tất cả chi phí ông Tân hứa sẽ chịu hoàn toàn (dự kiến khoảng 200 triệu đồng). Các phương tiện như sà lan, tàu thuyền máy móc ông sẽ đem từ Bạc Liêu tới Bình Thuận.
Sông Cà Ty cũng là nơi nhiều tàu thuyền của ngư dân neo đậu. Ảnh QUẾ HÀ
Ông Tân còn cam kết ký quỹ hoàn thổ môi trường là 500 triệu đồng và sẽ nộp vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận 70% tài sản khai quật được dưới sông Cà Ty.
Phải có phương án thăm dò vật quý chôn giấu
Trước đó, sau khi tiếp nhận đơn của ông Huỳnh Phú Tân từ UBND TP.Phan Thiết chuyển đến, ngày 29.3.2024, Sở VH-TT-DL Bình Thuận đã có văn bản trả lời và hướng dẫn ông Tân thực hiện quy trình theo các quy định hiện hành.
Theo đó, Sở VH-TT-DL Bình Thuận yêu cầu ông Tân phải cung cấp thông tin, tư liệu, hình ảnh, cung cấp vị trí, tọa độ của kho báu mà ông có ý định khai thác.
Sở VH-TT-DL Bình Thuận cho biết cũng chưa nhận được phương án thăm dò; chưa xây dựng biện pháp khắc phục nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường.
Xem nhanh 20h ngày 7.4: Manh mối mới vụ 2 bé gái mất tích | Nguồn gốc 'kho báu' dưới sông Cà Ty?
Nói đến kho báu thì Bình Thuận từng "nổi tiếng" với kho báu núi Tàu nghi chôn giấu 4.000 tấn vàng ở H.Tuy Phong mà cụ Trần Văn Tiệp theo đuổi cả đời cụ nhưng đến nay vẫn chưa tìm thấy. Ảnh H.LINH
"Việc xử lý tài sản, vật quý sau khi thăm dò, phát hiện và khai quật phải thực hiện theo Nghị định 96/NĐ-2009 ngày 30.10.2009 của Chính phủ", văn bản của Sở VH-TT-DL Bình Thuận yêu cầu.
Căn cứ vào quy định trên, Sở VH-TT-DL Bình Thuận đề nghị ông Huỳnh Phú Tân cung cấp các thông tin như trên nhằm khẳng định có kho báu dưới sông Cà Ty; đồng thời có phương án thăm dò, khai thác và bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường trong quá trình khai thác. Nếu đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thì Sở VH-TT-DL Bình Thuận sẽ trình UBND tỉnh xem xét nguyện vọng của ông Tân.
Sông Cà Ty còn có tên gọi khác là sông Mường Mán, bắt nguồn từ các dãy núi phía trên các xã Mỹ Thạnh (H.Hàm Thuận Nam) và có chiều dài khoảng 65 km. Đây là con sông nhỏ, chảy ngang qua lòng TP.Phan Thiết đổ ra biển ở cửa Thương Chánh, TP.Phan Thiết. Sông Cà Ty gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của TP.Phan Thiết, Bình Thuận.
Gia đình bất ngờ khi hay tin con trai xin khai thác "kho báu 3 tấn vàng" Người thân rất sốc khi hay tin con trai là ông H.P.T. xin khai thác "kho báu 3 tấn vàng" ở Bình Thuận Chiều 6-4, trao đổi với phóng viên, mẹ của ông H.P.T. (42 tuổi; ngụ xã Long Điền, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cho hay gia đình rất bất ngờ khi nghe tin con trai có đơn xin khai thác...