Người vợ mua bia đưa cho bác sĩ cứu chồng bị ngộ độc rượu
Sau khi nghe giải thích phác đồ điều trị, người vợ đã mua bia đưa cho bác sĩ để cứu chồng bị ngộ độc rượu.
Tối 10.1, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, trú thôn An Giạ, xã Triệu Độ, Trưởng Trạm y tế xã Triệu Độ, Triệu Phong, Quảng Trị) – bệnh nhân bị ngộ độc rượu vừa được đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cứu sống.
Ông Nhật cho biết, sau khi được điều trị tích cực, sức khỏe nay ổn định, tiến triển tốt. Gia đình đã gửi hoa và thư cảm ơn y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhật, bà Lê Thị Ái Sương.
Bà Lê Thị Ái Sương (42 tuổi, vợ ông Nguyễn Văn Nhật) cho biết, 6h sáng 25.12.2018, bà đưa chồng nhập viện trong tình trạng hôn mê, hết sức nguy kịch, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc.
Sau khi chẩn đoán bệnh xong, y, bác sĩ bệnh viện đã giải thích về phác đồ điều trị, cần phải truyền bia vào người ông Nhật để kìm hãm sự chuyển hóa rượu gây độc tố.
Được giải thích rõ ràng, bà Sương đã đi mua 20 lon bia (hai lần, mỗi lần 10 lon) đưa cho y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị tiến hành điều trị cho chồng mình.
Sau khi truyền vào đường tiêu hóa của ông Nhật 15 lon bia (gần 5 lít), cộng với quá trình lọc máu tích cực, đến 7h sáng hôm sau (26.12.2018), ông Nhật tỉnh lại trong niềm hạnh phúc của mọi người. Ngày 2.1.2019, ông Nhật được xuất viện, hiện sức khỏe đã ổn định.
“Gia đình tôi xin chân thành cảm ơn đội ngũ lãnh đạo, y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực – chống độc nói riêng và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị nói chung đã tận tâm, tận lực cứu sống chồng tôi. Công ơn tái sinh này gia đình tôi không bao giờ quên” – bà Sương nói.
Video đang HOT
Thư cảm ơn bà Lê Thị Ái Sương gửi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Bà Lê Thị Ái Sương cung cấp.
Như Dân Việt đã đưa tin, chiều 23.12.2018, tại nhà thờ Đồng Giám (Triệu Độ) tổ chức tiệc mừng Giáng sinh với 50 khách mời, ông Nguyễn Văn Nhật, Lê Văn Tửu, Hoàng Thanh Chiến và Lê Văn Xược (cùng trú huyện Triệu Phong). dự tiệc. Bữa tiệc có bia, rượu.
Sáng 25.12.2018, 4 người trên bị ngộ độc rượu. Ông Nguyễn Văn Nhật và Lê Văn Tửu cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, hai bệnh nhân còn lại cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế. Đến ngày 28.12.2018, bệnh nhân Lê Văn Xược tử vong.
Kết quả điều tra cho thấy, hàm lượng methanol trong mẫu máu bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc, mẫu máu của bệnh nhân Lê Văn Tửu cũng gấp hơn 6 lần ngưỡng gây ngộ độc.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu 4 bệnh nhân uống tại bữa tiệc có hàm lượng methanol vượt quá 1.119 lần ngưỡng cho phép. Đây chính là nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng nêu trên.
Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng Công an huyện Triệu Phong cho biết, đơn vị này đang tiến hành điều tra vụ việc bệnh nhân Lê Văn Xược tử vong vào ngày 28.12.2018.
Ông Nguyễn Văn Nhật lúc đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ
Liên quan đến việc cứu chữa bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật, thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Lâm – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết: “Sau khi chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc methanol có trong rượu, y, bác sĩ bệnh viện đã dùng 3 lon bia (990ml) để truyền vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Sau đó, cứ một giờ đồng hồ truyền tiếp 1 lon bia. Sau khi truyền 15 lon bia (gần 5 lít) kết hợp việc lọc máu, điều trị tích cực, sau 24 giờ bệnh nhân Nhật qua cơn nguy kịch”.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ
Bác sĩ Lâm giải thích, rượu có hai loại cơ bản là Etylic và Metylic (Methanol). Khi đi vào cơ thể, gan sẽ chuyển hóa Etylic trước, sau đó đến Metylic. Trong đó, Etylic được chuyển hóa sẽ không gây ngộ độc nhưng Metylic được chuyển hóa thành Andehit Formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao.
Trong bia có Etylic, vì vậy để hạn chế quá trình chuyển hóa Metylic, đội ngũ y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã truyền bia cho bệnh nhân. Khi truyền bia cho bệnh nhân Nhật, gan sẽ ưu tiên chuyển hóa Etylic, ngưng chuyển hóa Metylic, điều đó giúp có đủ thời gian để lọc máu. Hơn nữa, Methylic ở lâu trong cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị đào thải dần qua đường nước tiểu, làm giảm độc tố trong cơ thể, đó là cơ sở để cứu sống bệnh nhân.
Theo Dân Việt
Thông tin mới về việc dùng bia để giải độc rượu
Thông tin về việc một bệnh nhân bị ngộ độc rượu nặng ở Quảng Trị đã được bác sĩ truyền 15 lon bia vào cơ thể qua đường tiêu hóa, sau đó, bệnh nhân đã hồi phục và được ra viện vào ngày 9-1, đang khiến nhiều người xôn xao.
Vụ việc xảy ra vào ngày 25-12-2018, khi bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, Triệu Phong, Quảng Trị) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trong tình trạng ngộ độc rượu đến hôn mê và rất nguy kịch. Để cứu nạn nhân qua cơn nguy hiểm, bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã cho truyền dần dần vào cơ thể bệnh nhân tất cả 15 lon bia.
Theo bác sĩ Lâm, với tình trạng bệnh nhân khi đó thì cách điều trị tốt nhất là sử dụng rượu Etylic tinh chế truyền trực tiếp vào đường tĩnh mạch. Nhưng trình trạng cấp cứu lúc đó không thể mua loại rượu này ngoài thị trường. Hơn thế, việc đảm bảo rượu chỉ chứa Etylic hay có thêm Metylic rất khó xác định. Trong khi bản chất của bia cũng có Etylic nên bác sĩ đã quyết định dùng bia để truyền cho bệnh nhân qua đường tiêu hóa, thay vì rượu. Do lượng nước lớn đưa vào cơ thể trong thời gian ngắn, các bác sĩ phải theo dõi, kiểm soát chặt chẽ.
Bác sĩ Lâm cho biết thêm, khi đó bệnh nhân bị biến chứng của ngộ độc rất nặng với xuất huyết đường tiêu hóa. Khi các bác sĩ đặt ống vào dạ dày, máu đã trào ra. "Vì thế, nếu có rượu chưa chắc chúng tôi dám bơm vào, vì việc này có thể cứu sống bệnh nhân nhưng đường tiêu hóa bị ra máu quá nhiều." - Bác sĩ Lâm cho hay.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Thành -Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết việc các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị, sử dụng bia để cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu là có cơ sở khoa học.
Thăm khám cho một bệnh nhân bị ngộ độc rượu
Chiều 10-1, Bộ Y tế cũng cho biết, theo tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc (Ban hành kèm theo Quyết định số 3610/QĐ-BYT ngày 31.8.2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế), với bệnh nhân bị ngộ độc rượu, thì thuốc giải độc đặc hiệu là Ethanol và fomepizole (4-methylpyrazole) vì ngăn cản việc methanol chuyển hóa thành các chất độc (axit formic và format), methanol tự do sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua thận hoặc lọc máu. Khi ngừng các thuốc này hoặc dùng không đủ và bệnh nhân không được lọc máu, methanol tiếp tục chuyển hóa và gây độc.
Phác đồ điều trị của Bộ Y tế cũng lưu ý: Ethanol hoặc fomedizole nên dùng ở các bệnh nhân sẽ và đang được lọc máu liên tục hoặc trong thời gian chờ đợi lọc máu thẩm tách, để ngăn chặn quá trình chuyển hóa gây độc tiếp diễn của methanol trong khi chưa được loại bỏ khỏi cơ thể. Tuy Ethanol hiệu quả, rẻ tiền nhưng có một số tác dụng phụ (tác dụng trên thần kinh trung ương, hạ đường huyết, rối loạn nớc điện giải. Chế phẩm ethanol tĩnh mạch dễ dùng cho bệnh nhân hơn, dễ theo dõi và điều chỉnh liều hơn ethanol đường uống. Còn Fomepizole hiệu quả, dễ dùng và theo dõi nhưng rất đắt tiền.
Phác đồ của Bộ Y tế cũng hướng dẫn cách dùng ethanol đường uống cho người ngộ độc rượu là: Loại ethanol sử dụng là loại rượu uống, sản phẩm đảm bảo an toàn và có ghi rõ độ cồn, pha thành rượu nồng độ 20% với liều ban đầu 800 mg/kg, uống có thể pha thêm đường hoặc nước quả, hoặc nhỏ giọt qua sonde dạ dày. Việc xử trí ngộ độc rượu bằng rượu cũng đã được nêu trong các tài liệu "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa" của PGS. Nguyễn Quốc Anh, GS. Ngô Quý Châu (NXB Y học, Hà Nội) và 2 cuốn "Ngộ độc cấp ethanol và methanol" và "Chống độc cơ bản" của Ths. Nguyễn Trung Nguyên (NXB Y học).
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai thì việc truyền bia để giải độc rượu đúng là một phương pháp chữa trị. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được áp dụng tại các cơ sở y tế, do các bác sĩ có chuyên môn thực hiện. Việc lựa chọn phương pháp giải độc còn phải căn cứ vào nồng độ methanol gây ngộ độc trong cơ thể bệnh nhân. Vì vậy, người dân tuyệt đối không tự ý dùng bia để giải độc sau khi uống rượu.
Khuyến cáo của Ths. Nguyễn Trung Nguyên là hoàn toàn đúng, bởi không phải ai cũng có thể sử dụng liều truyền bia như nhau khi bị ngộ độc rượu. Vì cơ thể mỗi người mỗi khác, chưa kể mức độ ngộ độ của người nghiện và người không nghiện rượu cũng khác nhau. Do đó, tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc của Bộ Y tế cũng qui định rất kỹ về liều dùng ethanol với từng bệnh nhân nghiện rượu hay không nghiện rượu, liều duy trì trong và sau khi lọc máu, đồng thời bác sĩ phải theo dõi rất kỹ tình trạng bệnh nhân về tri giác, nôn, uống thuốc, tình trạng hô hấp, mạch, huyết áp, đường máu, điện giải máu. Bên cạnh đó còn phải có thuốc hỗ trợ để thúc đẩy quá trình giải độc của cơ thể.
Sử dụng ethanol để điều trị cho người ngộ độc rượu không phải là chuyện lạ mà là biện pháp khoa học nhưng phải được thực hiện trong cơ sở y tế với các điều kiện chặt chẽ. Đó là khuyến cáo của các chuyên gia.
Thanh Hằng
Theo cand
Bộ Y tế nói gì về phương pháp truyền bia chữa ngộ độc rượu Bệnh nhân ngộ độc rượu được cứu sống bằng cách truyền 5 lít bia khiến nhiều người xôn xao. Tuy nhiên, chuyên gia khẳng định phương pháp này chỉ được thực hiện ở cơ sở y tế, người dân tuyệt đối không tự ý truyền bia giải độc rượu BV đa khoa tỉnh Quảng Trị vừa xử trí cấp cứu bệnh nhân Nguyễn...