Người vợ lặn lội 10 năm tìm chứng cứ minh oan cho chồng
“Vì làm được đồng nào, tôi lại dùng để đi kêu oan cho bố chúng nó, nên chỉ có mỗi thằng út được học hết cấp 3, những đứa còn lại chỉ được học tới lớp 9″.
Trong ngày đón chồng về nhà, bà Chiến liên tục ngất xỉu
Trong hơn 10 năm, bà Nguyễn Thị Chiến (48 tuổi, thôn Me, xã Nghĩa Trung, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) không còn nhớ nổi mình đã gửi bao nhiêu lá đơn kêu cứu và gửi đi những đâu để kêu oan cho chồng là ông Nguyễn Thanh Chấn.
Trong buổi chiều ngày 4/11, khi chiếc xe chở ông Chấn về tới làng Me, đông đảo người làng đổ dồn sự chú ý tới ông Chấn. Họ mong được thấy ông Chấn gầy hay béo, có gì khác so với hồi năm 2003 (thời điểm trước khi đi tù). Chẳng mấy ai để ý tới người đàn bà đang ngất lên, ngất xuống. Bà Chiến, trong ngày mà những nỗ lực miệt mài kêu oan cho chồng suốt hơn 10 năm đã được đền đáp, gục ngã vì niềm hạnh phúc.
Theo những gì bà Chiến nhớ lại, thời điểm ông Chấn bị bắt đi, ngôi nhà cấp bốn hiện nay chỉ được xếp bằng gạch, lợp bằng prô xi măng. Thương các con khổ cực, đau đáu với nỗi đau chồng bị oan sai, bà Chiến chỉ còn biết cắn răng làm việc bằng năm, bằng mười người khác.
Việc đầu tiên là bà lo dựng lại ngôi nhà, sao cho 4 người con có chỗ ở tử tế, để những ngày vác đơn đi kêu oan, bà Chiến không phải thấp thỏm âu lo.
“Khi đó, tiền bán hàng, tiền đi làm được bao nhiêu là tôi lại dành dụm để cứ vài tháng lại đón ô tô khách lên trại giam trên Vĩnh Phúc thăm ông ấy một lần. Mỗi lần đi như vậy cũng mất 2 – 3 ngày”, bà Chiến kể. Chưa hết, số tiền dành dụm được, bà Chiến cũng mang hết ra dùng làm lộ phí đi đường để đi khắp nơi kêu oan cho chồng.
“Vì làm được đồng nào, tôi lại dùng để đi kêu oan cho bố chúng nó, nên chỉ có mỗi thằng út được học hết cấp 3, những đứa còn lại chỉ được học tới lớp 9″, nói tới đây bà Chiến lại khóc.
Ông Chấn nhận quyết định tạm đình chỉ thi hành án
Ông Chấn trong vòng vây người làng Me
Video đang HOT
Niềm hạnh phúc vỡ òa sau hơn 10 năm miệt mài đi tìm công lý cho chồng khiến bà Chiến không chịu đựng nổi, liên tục ngất xỉu
Đau khổ đến đổ bệnh
Ông Thân Ngọc Hoạt (ở xã Nghĩa Trung, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), anh em cột chèo với ông Chấn, là người đã giúp đỡ bà Chiến rất nhiều trong việc đi kêu oan cho chồng. Trong suốt quãng thời gian này, ông Hoạt đã cầm cố 3 sổ đỏ đế lấy tiền cho bà Chiến làm lộ phí đi đường, tiền thăm nuôi ông Chấn.
Bà Phạm Thị Là (63 tuổi, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), là dì ruột của ông Chấn, cho hay trong hơn 10 năm liên tục đi kêu oan cho chồng, cộng với việc phải chứng kiến các con mình sống trong sự ghẻ lạnh của người làng, bà Chiến chẳng may mắc chứng bệnh liên quan tới thần kinh. Không ít lần, bà Chiến phải đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư.
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng Công an xã Nghĩa Trung, cho biết chứng kiến cảnh bà Chiến ốm đau, bị không ít lời đàm tiếu, mà vẫn kiên trì đi kêu oan cho chồng, nhiều người bày tỏ sự thán phục.
Vẫn theo ông Hoàn, từ những thông tin đứt quãng, chưa thật rõ ràng của một người họ hàng với Lý Nguyễn Chung (nghi phạm mới ra đầu thú về tội mà ông Chấn đang gánh chịu) nói ra, bà Chiến đã âm thầm lần theo từng manh mối, để làm cơ sở minh oan cho chồng.
Cũng từ đây, tất cả những cuộc nói chuyện với người nhà Lý Nguyễn Chung đều được bà Chiến bí mật ghi âm lại. Về nhà, bà Chiến mày mò ráp nối lại các thông tin có được. Dần dà, chân dung nghi phạm ra tay giết hại chị Hoan được dựng lên.
Theo bà Chiến, điều khiến bà nghi ngờ nhất là sau khi vụ án xảy ra, Chung gần như không còn xuất hiện ở làng Me nữa. Tìm hiểu, bà Chiến được biết hiện anh này đã lấy vợ, có con và đang làm ăn sinh sống ở tận Đắk Lắk.
Tất cả những thông tin quý giá trên được bà Chiến thể hiện trong đơn gửi các cơ quan chức năng. Trên cơ sở này, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã phối hợp cùng Bộ Công an, TAND Tối cao, khẩn trương tiến hành điều tra, xác minh, vận động Chung ra tự thú.
Theo Xahoi
Hành trình cứu chồng thoát khỏi 10 năm tù oan
Ông Chấn được rửa oan, thoát khỏi án tù giam là công lớn đầu tiên thuộc về vợ ông - bà Nguyễn Thị Chiến. Nhưng sau nhiều năm mang đơn kêu cứu đi gõ cửa chốn "công đường", bà Chiến cũng đã bị ảnh hưởng nhiều về thần kinh.
Sau hơn 3.700 ngày ăn cơm tù trong trại giam, đến ngày 04/11, ông Nguyễn Thanh Chấn, 52 tuổi đã được Viện KSND Tối cao ra quyết định đình chỉ thi hành án tù trở về quê hương trước sự chào đón của hàng trăm người dân địa phương.
Ông Nguyễn Huy Chương - Trưởng Công an xã Nghĩa Chung, huyện Việt Yên - Bắc Giang cho biết, trước ngày trở về tái hoà nhập gia đình của ông Chấn, bố của hung thủ Lý Nguyễn Chung (kẻ đã giết hại chị Nguyễn Thị Hoan vào ngày 15/8/2003) đã bị công an bắt giữ để phục vụ điều tra làm rõ những hành vi phạm tội liên quan đến ông này.
Từ những thông tin manh mối được ông Chương cung cấp, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Hoàn, Công an viên thôn Me, xã Nghĩa Chung để tiếp nhận những thông tin về gia đình hung thủ thực sự của vụ án. Theo lời kể ông Hoàn, ông Lý Văn Chúc (bố của hung thủ Chung) có tất cả 4 người con, vợ mất cách đây nhiều năm nên ông Chúc đã mời bà Lành, một người cùng buôn bán với ông về sinh sống cùng gia đình tại thôn Me.
Ông Chấn được rửa oan, thoát khỏi án tù giam là công lớn đầu tiên thuộc về vợ ông - bà Nguyễn Thị Chiến.
Vào khoảng thời gian đầu năm 2001, đối tượng Chung từ miền Nam đã về ở cùng một gia đình với bố ruột và mẹ kế một thời gian nhưng không đăng ký thường trú lâu dài. Gia đình ông Chúc làm việc tại lò gạch với những người dân xã bên cạnh.
Manh mối Chung là nghi phạm chính của vụ án bắt đầu xuất phát từ bà Lành. Theo đó, từ năm 2012, ông Chúc bàn với vợ kế vay cho Chung 20 triệu để làm nhà ở trong Đắk Lắk. Bà Lành cự nự không đồng tình mà cho rằng nhà nghèo nên không có tiền, cũng không đi vay ai được.
Tiếp đến, Chúc sử dụng điện thoại gọi cho em gái của bà Lành là bà Nguyễn Thị Phúc lúc này đang sinh sống, làm ăn tại một tỉnh miền Nam để gạ vay 40 triệu đồng. Biết việc, bà Lành đã liên hệ em gái bảo không cho vay nên ông Chúc nhiều lần đe doạ bà Lành, có lúc đỉnh điểm thì doạ giết.
Lo sợ điều bất thường xảy ra nên bà Lành đã đi làm ăn buôn bán xa tại Quảng Ninh một thời gian dài. Sau đó, bà Lành lại quay trở về quê sinh sống với ông Chúc.
Cũng từ sau lần hoà hợp lại, thi thoảng bà Lành vẫn nghe loáng thoáng về một sự việc úp mở rằng: "thằng Chung, con trai chồng giết người" từ một người họ hàng tại quán đầu thôn. Bà Lành nghe phong phanh từ những thông tin người thân nói với vợ ông Chấn rằng: "Anh Chấn oan quá! Chỗ cần điều tra chẳng điều tra, để người ta chịu oan quá".
Tiếp nhận những thông tin lờ mờ ban đầu về dấu hiệu vô tội của người chồng, bà Chiến dần sinh nghi rồi lần mò tìm đến gia đình nơi bà Lành sinh sống với chồng để dò la thực hư. Cũng từ lời kể ông Hoàn, trong quá trình vợ chồng Lành Chúc ở với nhau, thi thoảng lạ xảy ra cãi vã. Chúc lại đe giết vợ, thấy thế ông Nguyễn Văn Hiền (cha đẻ bà Lành) lại phân trần phòng phô: " Nếu nó giết con gái tôi, tôi sẽ tiết lộ thông tin cho công an là nó tù mọt gông luôn".
Bà Chiến đã nhiều lần ngất lên ngất xuống trong ngày đón chồng được thả tự do sau 10 năm chịu lao tù.
Một chi tiết lạ, sau vụ án chị Hoàn bị giết chết vào ngày 15/8/2003, người dân trong làng đã không nhìn thấy Chung về quê chơi nữa, hầu hết họ cũng không biết là Chung đi đâu. Thi thoảng có ai hỏi han gì thì có người nói là thằng Chung đi vào Nam làm ăn từ lúc còn dở cả học hành.
Từ những cơ sở thông tin ban đầu lờ mờ, người phụ nữ có chồng đang thụ án tù chung thân chạy vạy khắp nơi để một tay trang trải, lo toan cuộc sống gia đình nuôi các con đang tuổi trưởng thành gia thất, mặt khác tập trung liên hệ để ghép nối những thông tin về kẻ gây án thực chờ ngày đi kêu oan, chứng minh cho người chồng vô tội.
Đáng chú ý là việc bà Chiến lần mò đến nhà người bác ruột của bà Lành là ông Nguyễn Văn Khánh, lúc này bà Chiến mới hé lộ: "em biết rồi, bác nói đi". Ông Khánh tiết lộ thêm thông tin sau khi vụ án giết người ngày 15/8 xảy ra, bà Lành đã cho biết thông tin nhìn thấy chậu quần áo của Chung có nhiều vết máu chưa kịp giặt.
Lúc đó, bà Lành đã nghi ngờ về khả năng Chung làm điều xấu. Thông tin được bà Chiến ghi âm lại toàn bộ cuộc trò chuyện, sau đó nội dung này được bà gửi kêu cứu cơ quan chức năng. Và đây là một trong những căn cứ quan trọng đầu tiên để làm sáng tỏ hung thủ thực sự của vụ án.
Nhiều người thân, làng xóm đã đến nhà chia sẻ với vợ chồng bà Chiến khi đón chồng về đoàn tụ.
Về sau, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã cùng vào cuộc độc lập, cộng thêm sự vào cuộc ráo riết của cơ quan chức năng Bộ Công an kết hợp với TAND Tối cao tiến hành các biện pháp nghiệp vụ điều tra, xác minh làm rõ vụ án để tìm ra hung thủ chính thức vụ án này.
Ngoài ra, nhờ sự kiên trì liên hệ vận động gia đình Lành Chúc, đến ngày 25/10 vừa qua, đối tượng Lý Nguyễn Chung (sinh năm 1988 tại Nhượng Ban - Lộc Bình - Lạng Sơn; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở tại thôn Đoàn Kết, xã EaKa Mút, huyện EaKar, tỉnh Đắk Lắk) đã đến đầu thú tại cơ quan điều tra VKSND Tối cao về hành vi "giết người" và "cướp tài sản" đối với nạn nhân Nguyễn Thị Hoan, chứ không phải là ông Nguyễn Thanh Chấn.
Theo đó, VKSND đã ra Quyết định khởi tố vụ án số 17/QĐ-VKSTC-C6 ngày 29/10/2013 với tội danh "giết người" và "cướp tài sản" đối với bị can Lý Nguyễn Chung.
Sau khi làm rõ các tình tiết liên quan, ông Chấn trở về gia đình trong sự vui mừng đến tột cùng. Tuy nhiên, trả giá cho thời gian 10 năm ở tù của ông Chấn là việc bà Chiến - vợ ông đã bị ảnh hưởng nhiều về thần kinh. Bà phải điều trị tại Bệnh viện tâm thần hơn 1 năm nay do phải chịu nhiều áp lực từ nhiều phía. Trong ngày vui đón chống trở về sum vầy với gia đình từ Vĩnh Phúc, đã nhiều lần bà Chiến ngất lịm được nhiều người dắt dìu vì không đứng nổi.
Nhiều chuyên gia luật pháp trong nước cho rằng cần phải tuyên dương, khen thưởng bà Chiến vợ ông Chấn vì đã có công tích cực tố giác tội phạm, kiên trì trong việc kêu oan để cơ quan Nhà Nước có điều kiện xem xét, xác minh điều tra lại để làm sáng tỏ vụ án. cũng như làm trong sạch bộ máy trong hệ thống cơ quan tố tụng.
Diễn tiến vụ án oan tù 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn: -
Khoảng hơn 19h ngày 15/8/2003, chị Nguyễn Thị Hoan bị giết với nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp. -
Ngày 17/8/2003, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự. -
Ngày 29/9/2003, Cơ quan CSĐT ra Quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam với ông Nguyễn Thanh Chấn về tội danh giết người. -
Ngày 26/3/2004, TAND tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử sở thẩm và tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Chấn mức án tù chung thân; bị cáo Chấn kêu oan và làm đơn kháng cáo.
Ngày 26 và 27/7/2004, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm. -
Ngày 4/11/2013, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 01/QĐKNTT-VKSTC kháng nghị tái thẩm bản án đối với Nguyễn Thanh Chấn. Cùng ngày, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể đã ký quyết định số 04/QĐTĐC-THA tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn.
Quốc Đô - Xuân Thái
Theo Dantri
Án oan Nguyễn Thanh Chấn: Nghi phạm mới 14 tuổi khi giết người cướp của Liên quan đến vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn chấn động dư luận, theo kết quả điều tra, nghi phạm mới sa lưới phát luật Lý Nguyễn Chung chỉ vừa 14 năm 8 tháng tuổi. Chung có thời gian về ở cùng nhà (ảnh) với bố và mẹ kế là bà Nguyễn Thị Lành ở thôn Me Sáng 5/11, Viện kiểm sát nhân...