Người vô gia cư trên đất Hà Thành (Kỳ 7): Nguyên nhân của những góc tăm tối
“Tao ra đây ngồi người ta còn thương, còn cho tao tiền chứ. Năm vừa rồi, tao góp được tiền về xây lại cái đường và tường ngõ vào nhà đấy nhé”, Bà Loan nói.
Người vô gia cư và những giấc ngủ vỉa hè.
Chúng tôi vẫn phải lý giải nguyên nhân của bi khúc “người vô gia cư ở Hà Nội” bằng một cụm từ đã cũ: Vì cả cái lý do chủ quan lẫn hoàn cảnh khách quan. Giải quyết vấn đề người lang thang vô gia cư, là một bài toán còn khó khăn, dù hướng để tìm ra kết quả đã có từ lâu…
Giá mà bà cụ ấy được chết trên chính làng quê của mình.
Một lãnh đạo trung tâm bảo trợ xã hội của Hà Nội thở dài, tiết lộ: Lực lượng chức năng chỉ thu gom được những người vất vưởng lang thang, đầu óc chậm chạp như thể “thần kinh không ổn định” thôi, chứ đám ăn xin, hoạt động “băng nhóm” ở vỉa hè kiểu “Xuân tóc Đỏ” thì không “bắt” được đâu. Có khi nó có bảo kê, đội trật tự xã hội đi đến đầu phố mà chúng đang lăn lóc giả tàn tật ăn xin thì đã… nghe điện thoại di động của đồng bọn báo tin, chạy trốn tiệt. Còn những người bám vỉa hè bến xe kiếm ăn nhì nhằng, ăn xin, nhặt rác, tối ngủ xó xỉnh nào đó quen thuộc, thì họ vào lại ra trung tâm bảo trợ xã hội như cơm bữa. Chính quyền cơ sở đã thuộc mặt. Có người chỉ ở vỉa hè của một phường, một tổ dân phố suốt 30 năm. Khi chúng tôi đến chợ Đồng Xuân, ông bảo vệ già thở dài: Con Mai nó ở đây từ hồi thiếu nữ, nay nó đã gần 50 tuổi, chuyện gì mà bác chả biết cháu? Tổ trưởng dân phố thống kê cả hàng chục… chồng hờ của Mai – người đàn bà lúc đầu bị cưỡng hiếp ở vỉa hè sau đó buông đời trôi theo giang hồ ấy.
Chị Mai và người chồng hờ đang phân loại rác.
Số chồng bất hảo của cô bé Tươi vỉa hè” (SN1981), sinh 2 đứa con với 2 kẻ đầu gấu (sau này 1 tên giết người) cũng trên vỉa hè. Đố ai biết người đàn bà còn xuân sắc đó làm nghề gì để sống mỗi ngày? Chỉ biết là Tươi thả con vào thùng xốp ọp ẹp, buộc con vào thùng xốp lên xe đạp, viết thêm dòng chữ “ Xe chở con, xin tránh xa” rồi ngất ngưởng lang thang bát phố. Tối cô lại chọn vỉa hè mà ngủ.
Video đang HOT
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Những người lang thang đó có cơ hội hồi hương, có cơ hội vào trung tâm bảo trợ xã hội để sống suốt đời bằng tiền nuôi dưỡng, sự chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ của Nhà nước không? Câu trả lời là: “Có”. Bằng chứng là họ đã vào trung tâm nhiều lần, rồi lại đòi ra bằng mọi nhẽ. Với 346 người đang sinh sống ở Trung tâm bảo trợ xã hội 4 hiện nay (100% kinh phí do Chính phủ đài thọ), có thể khẳng định như đinh đóng cột rằng, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong thế giới đông đúc người vô gia cư của Hà Nội.
Ở trung tâm, người già được chăm sóc, trẻ con được gửi ra các trường công gần đó để học hành tử tế, nhiều cháu học giỏi, thông tin chính thức của lãnh đạo trung tâm trong buổi làm việc vừa qua với phóng viên, như năm 2012, có dăm người vô gia cư đã chết tại trung tâm vì tuổi già. Họ sống ở đó rất lâu, khi về trời, được làm tang theo đúng phong tục của người Việt Nam, sau 3 năm có cải cát, mộ phần được quy hoạch đâu ra đấy, trong nghĩa trang riêng, có bia ghi tên (với những người có tên hoặc còn nhớ được tên của mình).
Rất nhiều người “vô gia cư” ở Hà Nội hiện nay đã cố tình bám trụ vỉa hè kiếm ăn. Khi được hỏi có muốn vào trung tâm nhân đạo để được nhà nước nuôi dưỡng không, bà cụ Loan – ngoài 80 tuổi từng mấy chục năm lang thang với ông chồng già ở Hà Nội – chợt trợn mắt, hét lớn vào tai nhà báo: “ Điên à?”. Sao lại “điên” hả bà? “Tao ra đây ngồi người ta còn thương, còn cho tao tiền chứ. Năm vừa rồi, tao góp được tiền về xây lại cái đường và tường ngõ vào nhà đấy nhé“.
Bà Loan luôn mang theo di ảnh của chồng cùng mình đi lang thang.
Riêng bà mẹ trẻ giang hồ láu lỉnh tên là Tươi mà bài trước đã đề cập thì không ngần ngại khoe khoản tiền đã tiết kiệm được để chuẩn bị về xây nhà. Đặc biệt đáng thương là bà cụ Sâm (Xuân), bà bị lẫn do tuổi già gần 90 tuổi, chúng tôi đi tìm bà, toàn lúc 0h về sáng, lúc ấy có xác xuất tìm thấy bà cụ nhất, nhưng hãn hữu lắm mới gặp. Bởi bà bị lẫn, cứ đi vòng vo, thỉnh thoảng gặp các người vô gia cư“cố cựu” quen biết bà lại hỏi “v ề chợ Cầu Đông lối nào ý nhỉ?“. Người ta lại ngậm ngùi chỉ lối, bà ậm ừ rồi lại đi, lại lạc.
Như con voi già hết thời lang thang, đến việc tìm cái vỉa hè bao năm vẫn tá túc – khu rừng quen biết của mình – bà cũng không tìm được nữa. Chúng tôi rớt nước mắt nghe lại băng ghi âm lời bà cụ tâm sự, con cháu, nhà chồng bạc ác, cả đời xó đường góc chợ, giờ bà chỉ ước ao được chết ở quê hương Hà Nam. Bà sợ sẽ gục chết trên vỉa hè thì khốn khổ quá. Ngậm ngùi thương, nhưng chúng tôi cũng không dám chắc, nếu đêm nay tìm thấy bà cụ Sâm, nhờ người đưa bà vào trung tâm bảo trợ Nhà nước nuôi, chết thì nhà nước có cán bộ chôn tử tế, bà có đồng ý không? Chưa chắc đâu. Bởi sự thật là bà vẫn sống với sự lang thang, với tiền bố thí nhân ái của cuộc sống đô hội này, bà muốn như thế.
(Còn nữa)
Theo Xahoi
Một ngày mưu sinh của người vô gia cư
"Một ngày của họ", phóng sự của Ấm, nhóm tình nguyện vì người vô gia cư ở Hà Nội, đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng ngay khi xuất hiện trên Youtube.
Công việc hàng ngày của anh Hải là nhặt đồng nát, ai thuê gì làm nấy ở chợ Đồng Xuân.
Phóng sự xoay quanh một ngày của đôi vợ chồng tên Hải (49 tuổi) - Mai (43 tuổi) làm nghề nhặt rác, cửu vạn ở chợ Đồng Xuân. Không nghề nghiệp, con cái hay người thân nương tựa, vợ chồng anh Hải kéo nhau từ Nam Định lên Hà Nội mưu sinh đến nay đã hơn 20 năm. Không đủ tiền thuê nhà, anh Hải và vợ ngủ tạm dưới mái hiên phía sau chợ Đồng Xuân.
Hàng ngày, "người đàn ông trong gia đình" dậy từ sáng sớm, ai thuê gì làm nấy, hết bốc vác đến phân loại túi bóng, nhặt nhạnh sắt vụn, vợ chồng anh vẫn không đủ ăn. Sức khỏe yếu nên mùa đông, chị Mai ở nhà cơm nước đợi chồng đi kiếm tiền về.
Một ngày theo chân người vô gia cư
Ngày làm việc của người đàn ông này bắt đầu từ 6h30 sáng. Anh ra chợ nhận việc rồi đội trên đầu bao tải chất đầy thùng xốp bên trong. Bước chân vội vã, khuôn mặt như cố gồng lên để chịu sức nặng của bao tải đang được giữ thăng bằng trên đầu, anh chạy bộ. Có ít tiền, ngang qua những hàng quà sáng, anh trả bớt tiền nợ lần trước. Đến chỗ vợ, anh đưa cho chị vài nghìn lẻ để mua gì ăn lót dạ.
Hôm ít việc, anh đành chợp mắt ở nơi vợ chồng anh vẫn tá túc. Chiều đến, anh cùng vợ phân loại đống phế liệu, túi bóng thu gom được mang đi bán. Trung bình mỗi ngày, anh kiếm được 50.000 đồng từ đồng nát. Những hôm không kiếm được, vợ chồng anh Hải đành nhịn đói đi ngủ.
Nói đến Tết, đôi vợ chồng không nhà cửa này chia sẻ, họ hy vọng đủ tiền mua vài kg gạo, ít thịt, nước, chiếc bếp lò để "ngồi đâu thì nấu ăn đấy" và không về quê. Theo Nguyễn Hoàng Thảo, trưởng nhóm Ấm, đoạn phóng sự về đôi vợ chồng không nhà cửa này nằm trong dự án giúp đỡ người vô gia cư của nhóm.
Gồm các bạn trẻ, chủ yếu là học sinh, sinh viên ở Hà Nội, nhóm Ấm đi tặng quần áo và đồ ăn vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần cho người lao động "màn trời chiếu đất" suốt hai năm qua. Trong đêm đông giá rét, món quà họ mang tới cho những con người nghèo khổ là nắm xôi, chiếc bánh mỳ, đôi giày, chiếc mũ, áo khoác hay chăn ấm. Đồ ăn, chăn, quần áo tặng người nghèo được nhóm quyên góp từ các thành viên trên Facebook.
Trung bình mỗi ngày, vợ chồng anh kiếm được 50.000 đồng từ đống giấy, túi, sắt, nhựa nhặt được.
"Một ngày của họ" được thực hiện sau khi nhóm kết thúc tối đi tặng đồ vào lúc gần 2h sáng. Sau một tiếng thuyết phục, Ấm mới được vợ chồng anh Hải đồng ý cho quay và theo chân. "Ban đầu vợ chồng anh chị không đồng ý và cảm thấy bị làm phiền nhưng sau khi biết nhóm làm vì mục đích từ thiện, họ mới cho phép. Trong lúc quay, nhóm bị những người xung quanh gây khó dễ và đe dọa. Cả nhóm 4 người ai cũng sợ nên nhiều cảnh ở ngoài chợ phải quay lén", Hoàng Thảo chia sẻ.
Để không ảnh hưởng tới công việc của nhân vật, cô và các bạn phải đứng cách anh Hải tầm 50 m. Trước khi bắt tay vào làm phóng sự, Ấm không có kịch bản sẵn bởi chưa biết trước cuộc sống họ thế nào. Sau khi hoàn thành, Thảo lại cùng các bạn thức vài đêm để dựng và chỉnh sửa.
Theo Thảo, mục đích của phóng sự này nhằm giúp mọi người hiểu hơn về người vô gia cư để "biết đâu đấy, chúng ta có thể thay đổi cuộc sống cho ai đó đang cần đến sự giúp đỡ".
"Nếu chỉ gặp những người vô gia cư trên đường, bạn sẽ không bao giờ tưởng tượng được một ngày của họ thế nào. Bởi vậy, 'Một ngày của họ' mong muốn đem lại cái nhìn chân thực nhất về những người đang sống mảnh đời rất khác chúng ta. Họ có thể là người nhặt rác, bà cụ, ông cụ không con cháu hay những đứa trẻ mưu sinh", Thảo nói.
Trưởng nhóm tình nguyện vì người vô gia cư cho biết thêm, mỗi tuần, nhóm sẽ thực hiện một phóng sự khác nhau về các nhân vật. Hiện tại, đã có hai trường tiểu học ở Hà Nội đồng ý kết hợp với nhóm để chiếu phóng sự vào giờ sinh hoạt cuối tuần cho học sinh xem.
"Phóng sự này mang tính giáo dục văn hóa và giáo dục cộng đồng nên Ấm hy vọng sẽ có nhiều trường hơn nữa phối hợp với nhóm để giúp các em nhỏ học cách yêu thương và chia sẻ", Thảo tâm sự.
Theo VNE
Người vô gia cư được bố trí nơi ăn ở tạm Cho rằng người lang thang ngủ ngoài đường trong trời rét vừa ảnh hưởng đến sức khỏe vừa làm mất cảnh quan đô thị thành phố, Sở Lao động kiến nghị bố trí nơi ăn ở tạm cho những người này dịp rét đậm và Tết Nguyên đán. Trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, nhiều người lang thang, vô gia cư...