Người Việt ở Pháp: “Đây là lúc để chúng ta sống tĩnh, sống chậm, để hình thành những thói quen bổ ích mới”
Dịch bệnh không hề là cái cớ để cách xa nhau, nó càng là lý do để chúng ta đưa tay ra để dìu dắt lẫn nhau, che chở để bảo vệ những người dễ bị tổn thương giữa bão dịch.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát căng thẳng tại châu Âu, trong đó có Pháp. Nhiều người Việt sinh sống và làm việc tại đây đã chọn cách về nước, nhưng cũng có rất nhiều người đã ở lại với tâm thế bình tĩnh và lạc quan.
Ở Pháp, trong những ngày tự cách ly tại nhà do dịch bệnh, chị Nguyên Kan – Giám đốc Truyền thông AVSE Global (Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu) - tác giả của bài viết dưới đây – đã nhận ra nhiều điều vốn là sẵn có nhưng giữa cơn khủng hoảng dịch bệnh mới bộc lộ rõ nét hơn, đó là sự chia sẻ.
Những doanh nghiệp lớn san sẻ gánh nặng với chính phủ, những người dân đăng ký trông con cho các bác sĩ hay những con người trong một cộng đồng dân cư cùng che chở lẫn nhau… quả thực, dù ở Pháp, ở Việt Nam hay bất cứ đâu, tình thân ái vẫn như một.
Hai thập kỷ vừa qua chúng ta đã chứng kiến mấy kỳ đại dịch: dịch SARS năm 2002, dịch cúm H1N1 năm 2009, dịch Ebola 2014-2016, và giờ đây là đại dịch virus Vũ Hán. Những trận dịch trước đây dường như không khiến thế giới hoảng hốt như bây giờ, vì tốc độ lây lan không nhanh đến vậy. Giờ đây chỉ sau khoảng 3 tháng kể từ thời điểm xuất hiện, dù ở bất cứ ngóc ngách nào của thế giới (ngoại trừ châu Phi), người dân đều đã bị ảnh hưởng và buộc phải đối mặt.
Tôi cùng gia đình đã sinh sống tại Pháp nhiều năm. Y tế các nước châu Âu, trong đó có Pháp, thường công bố các số liệu vào cuối ngày. Còn nhớ những ngày đầu dịch Covid-19 xuất hiện tại Pháp, tôi mỗi ngày đều theo dõi tin tức, hoang mang trước những con số hôm nay thêm bao nhiêu người nhiễm, bao nhiêu ca tử vong? Thế nhưng những ngày sau tôi chẳng thể theo dõi thêm được nữa bởi những con số cứ nhảy không ngừng, tưởng rằng ngày hôm qua đã là đỉnh dịch nhưng hôm nay những con số vẫn theo đà tăng nhanh. Tôi bắt đầu cảm thấy mình bị căng thẳng…
Dịch bệnh xảy ra bất ngờ khiến tất thảy đều lo lắng. Thay vì về Việt Nam, gia đình tôi đã ở lại Pháp, tự cách ly tại nhà như khuyến cáo của chính phủ. Căng thẳng không? Có chứ. Nhưng tôi nghĩ sự căng thẳng không giúp ích gì cho mình trong trận đại dịch này, vì thế, tôi chọn nhìn vào những điều tích cực hơn. Chẳng hạn như, hãy nhìn vào số bệnh nhân được chữa khỏi mỗi ngày thay vì chỉ nhìn vào số ca tử vong, để nhìn thấy bên cạnh những cái mất đi, thì những việc các bác sỹ đang làm được bây giờ cũng rất đáng nể.
Chưa kể, thời kỳ đại dịch cũng giúp cho chúng ta được nhìn thấy những câu chuyện cảm động về tình tương thân tương ái, dù đó là câu chuyện của cá nhân hay của những doanh nghiệp lớn.
Tập đoàn hàng hiệu LVMH đã sử dụng nhà máy của họ để sản xuất cồn rửa tay khô tặng cho các hệ thống bệnh viện ở Paris. Đứng trước tình hình khan hiếm khẩu trang tại nước Pháp, tập đoàn LVMH hứa sẽ cung cấp 10 triệu khẩu trang vào trước thứ 4 tuần sau. Các hãng may mặc tại Pháp cũng sẽ tập trung sản xuất khẩu trang, nhiều hãng mỹ phẩm cũng tham gia sản xuất nước rửa tay. Đây là những phản ứng cực nhanh của các doanh nghiệp tại Pháp để hỗ trợ chính phủ trong cuộc chiến với dịch bệnh.
Ngoài ra, một nhóm Facebook hơn 3000 thành viên cũng được lập ra ở Pháp. Tại đây, mọi người tự nguyện may khẩu trang và tặng lại cho bất cứ ai cần. Hưởng ứng phong trào này, có nhiều bạn Việt Nam có khả năng may vá cũng tham gia và tặng lại cho cộng đồng người Việt hiện còn ở lại Pháp. Các tiệm làm nail giờ đóng cửa, cũng mang khẩu trang tới quyên góp cho bệnh viện.
Video đang HOT
Trường học đóng cửa, hội phụ huynh của từng lớp lập nhóm để trao đổi với nhau và hỗ trợ qua Whatsapp, điều mà từ trước tới giờ chưa từng có. Các nhà xuất bản cũng hưởng ứng việc giáo dục từ xa bằng cách cho phép xem miễn phí sách giáo khoa của tất cả các cấp. Nhiều kênh giáo dục cũng cung cấp các khoá học miễn phí.
Ngay khi chuyển sang tình trạng dịch cao nhất (stade 3), chính phủ Pháp cũng lập một trang hỗ trợ tuyến đầu, nơi mọi người có thể đăng ký các hoạt động hỗ trợ như là đi chợ hộ hoặc trông giúp trẻ con cho những y bác sĩ hay những người cần đi làm trong thời gian này.
Trong khu dân cư, mọi người cũng quan tâm hơn tới những người già, vì nếu con cái họ ở xa thì ngay lúc này, con cái họ cũng không thể tới thăm thường xuyên như trước. Vì không được gặp mặt trực tiếp nên những người trẻ dán bảng thông báo ngay trên cửa nhà mình, rằng nếu cần giúp đỡ, đừng ngại gõ cửa nhà tôi. Hoặc viết thư, để lại số điện thoại vào từng hòm thư của những người già, để nếu cần giúp đỡ, họ có thể gọi ngay. Những hành động cụ thể như đi chợ hộ, mua thuốc hộ là những điều những người già cần nhất vào lúc này. Và ngay cả như cồn rửa tay khan hiếm, thì tôi cũng được chị hàng xóm gửi tặng 1 chai trong thùng thư gia đình. Tôi và các bạn bè Việt Nam của tôi hiện đang sinh sống ở Pháp đều hưởng ứng phong trào hỗ trợ hàng xóm, hoặc đăng ký trông con hộ các y bác sĩ đang ngày ngày căng mình chống dịch.
Cộng đồng du học sinh Việt hiện còn ở lại Pháp luôn tích cực cập nhật tin tức cho nhau. Khi có một em sinh viên có dấu hiệu lây nhiễm từ bạn cùng phòng, rất nhiều người quan tâm hỏi han, hướng dẫn em cách liên hệ với bác sĩ để được khám xét, vì em mới sang nên còn nhiều điều lạ nước lạ cái. Thậm chí có người còn đến tận nhà, mang theo một số thực phẩm thiết yếu cho em để chống dịch, vì em bị ốm và đang nghi nhiễm nên không dám tự mình ra ngoài mua. Tinh thần tương thân tương ái trong mùa dịch thế này thật đáng quý biết bao!
Tờ giấy dán trước cửa nhà với nội dung khuyên mọi người nên hạn chế ra đường, nếu cần giúp đỡ gì về nhu yếu phẩm hay sức khoẻ hãy gọi chủ nhà
Các siêu thị cũng thực hiện ngay lập tức những chính sách hỗ trợ người già như mở khung giờ ưu tiên cho người già đi chợ hàng ngày, từ 8h30-9h30, để tránh tình trạng người già đứng chơ vơ trước những dãy hàng trống không. Các y, bác sĩ cũng được siêu thị ưu tiên chuyển hàng, và tặng 1 bộ kit những thực phẩm thiết yếu có thể dự trữ tại nhà. Dù nhà trường đóng cửa nhưng các y, bác sĩ vẫn có thể gửi con để họ yên tâm làm việc.
Bên cạnh những lo lắng về số ca tử vong, về việc thiếu khẩu trang và cồn rửa tay, người Pháp cũng có những cách riêng để tận hưởng cuộc sống. Từ khi thành phố bị phong toả, không còn được ra ngoài giao lưu nữa, người Pháp bèn hẹn nhau ra ban công vào 18h30 hàng ngày để trò chuyện cho đỡ buồn. 20h hàng ngày, người dân cũng ra ban công để vỗ tay cổ vũ các y, bác sĩ tuyến đầu. Nhà hát opera Paris đóng cửa, thay vào đó, họ trình chiếu miễn phí các vở ballet nổi tiếng trên Internet. Kênh Canal cũng mở miễn phí cho người dân giải trí trong thời gian bị cấm ra ngoài.
Nhìn một cách tích cực, thời kỳ “bị cấm túc” cũng là lúc để chúng ta sống tĩnh, sống chậm, để hình thành những thói quen bổ ích mới, như rửa tay thường xuyên, đọc sách, rèn luyện thể dục thể thao, và quan tâm hơn tới sự an nguy không chỉ của mình mà của những người xung quanh mình.
Dịch bệnh không hề là cái cớ để cách xa nhau, nó càng là lý do để chúng ta đưa tay ra để dìu dắt lẫn nhau, che chở để bảo vệ những người dễ bị tổn thương giữa bão dịch. Ở Việt Nam, dịch bệnh Corona bùng phát cũng là thời điểm mọi người thấy được sự trách nhiệm và tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng. Tại Pháp cũng thế, dịch bệnh khiến người ta cùng nhau lo lắng nhưng cũng cùng nhau lạc quan, có lẽ ở đâu thì sự tương thân tương ái vẫn hiện hữu.
Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam đang ngày càng phức tạp, và trong thời gian tới đây, đất nước chúng ta sẽ bước vào giai đoạn thử thách thật sự. Thông điệp mà Chính phủ, Bộ Y Tế và các cơ quan chính quyền địa phương đưa ra, đó là: Người dân nếu không có nhiệm vụ gì, nếu thực sự không cần thiết thì nên ở nhà vì nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng đang rất cao.
Đứng yên thời điểm này – với tất cả chúng ta, đó là ở nhà. Tôi ở nhà! Tôi thực hiện nghiêm túc cách ly xã hội. Vì ở nhà lúc này là tự bảo vệ bản thân mình, bảo vệ người thân, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, và bớt đi gánh nặng trên vai Tổ quốc.
Các y bác sĩ trên toàn thế giới đang lan truyền thông điệp “Chúng tôi đi làm vì bạn, xin hãy ở nhà vì chúng tôi”. Là một công dân có ý thức, đặt sự an toàn sức khoẻ lên hàng đầu, hãy cùng nhau lan toả lời kêu gọi #toionha để nhanh chóng đẩy lùi #CôVyĐiĐi các bạn nhé!
Nguyên Kan
TP.HCM 'sống chậm' trong 2 tuần
Chiều 24.3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tổ chức cuộc họp khẩn dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Một quán nhậu (Q.Tân Bình) biết tin về chỉ đạo của UBND TP.HCM nên chiều 24.3 thu dọn ngưng kinh doanh - Ảnh: Độc Lập
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP, cho rằng cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 đã bước sang giai đoạn 2 với tâm dịch là châu Âu. Các chuyên gia dự báo Việt Nam sẽ có hàng ngàn ca mắc bệnh.
Ba nguy cơ lây nhiễm
Từ khi bùng phát dịch, đã có 350.000 người nhập cảnh về Việt Nam, trong đó có khoảng 100.000 người từ Mỹ và châu Âu. Những người đã đi qua nhiều địa phương, tiếp xúc với hàng trăm người Việt Nam nên mỗi khi phát hiện một kênh nhiễm bệnh thì việc truy tìm người tiếp xúc có nguy cơ lây nhiễm sẽ rất vất vả. Ba ngày qua, ngành y tế liên tục phát hiện các ca dương tính trên cả nước, trong đó có cả ca ủ bệnh hơn 14 ngày như trường hợp bệnh nhân (BN) thứ 100 ở Q.8.
Giám đốc Sở Y tế cho biết nguy cơ lây nhiễm lớn nhất là người về từ vùng dịch qua sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài và các chuyến bay nội địa từ các vùng dịch về TP. Nguy cơ thứ hai là lây nhiễm trong cộng đồng dân cư bởi nhiều du học sinh, khách du lịch đến Việt Nam trước thời điểm buộc cách ly tập trung đã đi nhiều nơi. Nguồn lây thứ ba là những cán bộ tiếp xúc trực tiếp với người về từ vùng dịch, dù đã có đồ bảo hộ.
Để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, ông Bỉnh đề nghị ngừng tất cả các phương tiện giao thông, kể cả xe buýt, đối với taxi thì không dùng máy lạnh, luôn mở cửa kính thông thoáng, tài xế đeo khẩu trang và vệ sinh xe sau mỗi lần chở khách.
Các cửa hàng không thật sự cần thiết thì nên đóng cửa, các quán ăn, quán nước không mở máy lạnh, nhân viên phục vụ phải mang khẩu trang và thường xuyên lau dọn bàn ăn sau khi khách sử dụng, khách du lịch không tập trung thành đoàn quá 10 người, giữ khoảng cách an toàn là 2 m, hạn chế hội họp. Các ký túc xá tiếp nhận người đến cách ly phải giải tỏa tất cả học sinh, sinh viên còn lưu trú để hạn chế nguồn lây nhiễm.
Chịu cực trước để sướng sau
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, phân tích một số bài học phòng chống dịch của Nhật Bản, Hàn Quốc và đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP.HCM nghiên cứu, triển khai.
Trong đó, dứt khoát ngăn chặn những nguồn dịch từ bên ngoài, phải xử lý được nguy cơ lây nhiễm khi nhận con em người Việt Nam từ nước ngoài về, người dân đeo khẩu trang khi đi ra đường, đóng cửa các hoạt động đông người... Riêng hoạt động tôn giáo, ông Nhân đề nghị Ban Tôn giáo cùng Sở Ngoại vụ làm việc với lãnh đạo các tôn giáo ở TP để thảo luận.
Ông Nhân nhấn mạnh cả nước có 2 tuần để quyết định thành bại cuộc chiến chống Covid-19 và "nếu để lỡ thời cơ vàng này thì không thể làm lại và có lỗi với lịch sử". Do vậy, TP phải làm quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, không để quá 150 người nhiễm để góp phần khống chế ca nhiễm của cả nước dưới 500 ca.
"Khi số ca nhiễm lớn lên thì có xây bệnh viện mới cả ngàn chỗ cũng không giải quyết nổi", ông Nhân lo ngại.
Bí thư Thành ủy đề nghị trong 2 tuần tới, người dân ráng "chịu cực hơn để sau sướng hơn", nếu vẫn sống như bình thường thì sau đó đất nước sẽ gặp khó khăn. "Tóc chưa dài lắm khỏi đi cắt. Đừng mua giày, quần áo mà ở nhà giữ cho mình an toàn", ông Nhân chia sẻ và yêu cầu TP phải bàn kỹ giải pháp giảm người dân ra khỏi nhà một cách tự giác để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, TP cần tăng cường biện pháp giám sát, phát hiện và cách ly kịp thời những trường hợp tiếp xúc gần để khoanh vùng dập dịch.
Chiều cùng ngày, UBND TP chỉ đạo tạm dừng các hoạt động vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có công suất phục vụ từ 30 người trở lên; câu lạc bộ bida, phòng gym, cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn đến hết ngày 31.3.
Ông Nhân cho biết TP sẽ không dừng tất cả dịch vụ và đề nghị ngành y tế hướng dẫn nhà hàng mở cửa theo kiểu nào, nếu nhà hàng không phục vụ trực tiếp mà chuyển sang bán mang về có được không...
Đóng cửa địa điểm ăn uống, làm đẹp...: Người trẻ 'sống chậm' trong dịch Covid 19 Sau khi UBND TP.HCM ra công văn khẩn yêu cầu đóng cửa địa điểm ăn uống, làm đẹp...vì dịch Covid - 19, nhiều người trẻ cho rằng đây là khoảng thời gian mà họ tận dụng để 'sống chậm' lại. Nhiều người trẻ chọn cách "sống chậm" sau khi các địa điểm ăn uống, làm đẹp bị đóng cửa trong một tuần -...