Người Việt ở Nhật nương nhờ cửa chùa giữa Covid-19
Sau khi mất việc do Covid-19 trên đất Nhật, nam thanh niên 24 tuổi người Việt xin nương tạm ở một ngôi chùa ở Nagoya.
“Tôi không thể chờ đợi để quay về Việt Nam”, anh nói.
Bị mắc kẹt tại Nhật do các chuyến bay thương mại về Việt Nam đều bị ngưng, anh xin Hội Người Việt ở thành phố Nagoya trợ giúp.
Các đây nửa tháng, chị Thùy Dương, 41 tuổi, người làm việc cho hội đoàn này, đã đề nghị ông Shucho Takaoka, 76 tuổi, trụ trì của chùa Tokurinji, cho chàng trai thất nghiệp trên được tạm trú. Từ đó, anh trở thành một thành viên chăm chỉ, làm nhiều việc cho nhà chùa.
“Tôi đang đợi ngày được trở về nhà”, anh nói.
Hai trong số 4 người Việt đang nương tạm tại chùa Tokurinji, thành phố Nagoya, Nhật Bản, hôm 8/5. Ảnh: Asahi Shimbun
Chùa Tokurinji đã tiếp nhận những người gặp khó khăn suốt hơn 30 năm qua. Nam thanh niên người Việt trên đến Nhật Bản dưới diện thực tập sinh và làm việc cho một công ty xây dựng ở tỉnh Fukuoka. Tuy nhiên, vì không chịu được điều kiện làm việc quá khắc nghiệt, anh đã bỏ trốn.
Anh cuối cùng tìm được công việc trong nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời ở thành phố Matsusaka, tỉnh Mie. Mọi thứ dường như đã êm xuôi cho đến khi anh bị sa thải hồi tháng một.
Video đang HOT
“Chủ công ty nói rằng không có nhiều việc để làm do Covid-19″, anh kể.
Nam thanh niên ở nhờ nhà của một người bạn tại Osaka và sống qua ngày bằng số tiền còn lại, hy vọng sẽ sớm tìm được việc làm. Anh đã tiết kiệm đủ tiền để mua vé một chiều về Việt Nam nhưng các chuyến bay đều ngừng hoạt động để kiềm chế nCoV lây lan.
Hiện 4 người Việt Nam, bao gồm cả nam thanh niên trên, đang sống ở chùa Tokurinji. Một phụ nữ 35 tuổi đã nương nhờ ở đây từ giữa tháng 4. Cô mất việc hồi tháng hai và từ đó vẫn chưa tìm được việc làm do dịch bệnh hoành hành.
“Tôi cứ tưởng virus sẽ nhanh chóng được khống chế ở Nhật Bản”, cô nói. “Tôi không ngờ dịch lại kéo dài như vậy”.
Giống như thanh niên trên, cô đến Nhật Bản theo diện thực tập sinh và làm việc tại một công ty may ở tỉnh Shiga, nhưng sau đó bỏ trốn để tìm một môi trường việc tốt hơn. Cô cuối cùng chuyển từ thành phố Hamamatsu đến chùa Tokurinji.
“Gia đình ở Việt Nam rất lo lắng cho tôi”, cô than thở.
Sau khi mất việc, cả hai đã trình diện Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản và nhận được giấy phép ở lại cho đến khi được quay về Việt Nam. Tuy nhiên, do tất cả các chuyến bay bị hủy, họ mắc kẹt ở Nagoya.
Chị Dương cho biết từ tháng một, hội đã nhận được nhiều yêu cầu trợ giúp từ các công dân Việt Nam bị mất việc làm và không có nơi sinh sống do Covid-19. Nhiều người trong số họ đã quyết định ở lại Nhật Bản, hy vọng tình hình cải thiện và tìm được việc làm. Tuy nhiên, tình hình khó khăn và họ không đủ khả năng trả tiền thuê nhà.
Chị Dương dự đoán sẽ ngày càng nhiều người Việt gặp khó khăn. Nhà thờ Nanzan thuộc Giáo phận Công giáo Nagoya đã tổ chức phân phát thực phẩm hỗ trợ người nước ngoài, hầu hết là công dân Việt Nam.
Hai người Việt đang nương tạm tại chùa Tokurinji, thành phố Nagoya, Nhật Bản, hôm 8/5. Ảnh: Asahi Shimbu
Các chuyên gia về lao động và những người ủng hộ các thực tập sinh kỹ thuật tin rằng gốc rễ của vấn đề nằm ở hệ thống tuyển dụng thực tập sinh nước ngoài của chính phủ Nhật Bản. Nhiều lao động sang Nhật theo chương trình này phải làm việc quá giờ và không được trả lương.
Đến cuối năm 2019, có 411.000 người nước ngoài đã đến Nhật Bản theo diện thực tập sinh. Con số đã tăng gấp đôi trong 4 năm khi chính phủ nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động. Có khoảng 220.000 thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản, chiếm một nửa tổng số thực tập sinh ở nước này.
Ông Zhen Kai, 61 tuổi, nhân viên của liên đoàn lao động tỉnh Gifu, người đến từ Trung Quốc, cho rằng “đã đến lúc hủy bỏ hệ thống trên”.
“Các vấn đề và lo ngại về vi phạm nhân quyền vẫn tiếp tục tồn tại trong hệ thống này”, ông Zhen nói. “Họ đến Nhật Bản vì muốn sống hạnh phúc và họ đã bị tước đoạt quyền theo đuổi hạnh phúc”.
Nhật Bản hiện ghi nhận khoảng 15.800 ca nhiễm nCoV, trong đó 640 ca tử vong. Số ca nhiễm mới có xu hướng giảm trong tuần qua.
Nhật Bản tuần trước đã gia hạn tình trạng khẩn cấp toàn quốc đến cuối tháng 5, áp dụng với toàn bộ 47 tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura cho biết chính phủ sẽ xem xét dỡ tình trạng khẩn cấp với 34 tỉnh không bị Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tuần này.
Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố chính phủ đã sẵn sàng thực hiện các hành động tiếp theo để giảm bớt tổn thương của nền kinh tế do đại dịch toàn cầu. 8 tỉnh của Nhật Bản đã dỡ yêu cầu ngừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh như quán cà phê, quán bar và câu lạc bộ thể thao. 17 tỉnh khác cũng đang lên kế hoạch cho phép các doanh nghiệp nối lại hoạt động trong tuần này.
Đưa thảo mộc Việt Nam lên bàn tiệc thế giới
Daniel Hoài Tiến Nguyễn, một chàng trai gốc Việt, sinh ra trong cộng đồng người Việt ở quận Cam (bang California, Mỹ), lớn lên hoàn toàn như một người Mỹ.
Cho đến một ngày anh về Việt Nam công tác, qua những chuyến đi, anh bị mê hoặc bởi đời sống và con người vùng cao Tây Bắc...
Sống giữa quận Cam nhưng Daniel không nói tiếng Việt, tách biệt với cộng đồng cũng như chẳng quan tâm tìm hiểu nguồn gốc của mình. Cho đến khi học xong đại học, lấy bằng cử nhân sinh vật học, Daniel đi làm, rồi tới Louisiana làm cho một công ty phát triển cộng đồng, anh mới tình cờ có cơ hội quản lý các dự án đầu tư và phát triển cộng đồng người Việt ở vùng Vịnh Mexico. Đó là lần đầu tiên anh tiếp xúc nhiều với người Việt Nam đến thế, ngoài bố mẹ và gia đình anh ở California. Từ đó, anh mới có cái nhìn sâu sắc hơn về cộng đồng người Việt, về nguồn gốc của mình.
Daniel Hoài Tiến Nguyễn (phải) trong một chuyến đi rừng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Năm 2012, Daniel về Việt Nam công tác nên anh mới quyết tâm học tiếng Việt một cách nghiêm túc. 3 năm sau, anh về Việt Nam sinh sống, làm cho các dự án phát triển bền vững ở Bến Tre, Lâm Đồng, dự án giám sát giao đất giao rừng ở các tỉnh miền núi Bắc Trung bộ, Tây Bắc...
Daniel thích những chuyến đi, được ở cùng bà con dân tộc, tìm hiểu lối sống của họ. Anh nhận ra những thay đổi đáng kể: "Mấy năm ở Việt Nam, tôi nhận thấy các giống thảo mộc, ngô bản địa mất đi rất nhanh, tốc độ mất bản sắc văn hóa cũng rất nhanh". Bị chinh phục bởi cuộc sống rẻo cao, Daniel quyết định phải cùng bà con bảo tồn các giống ngô và thảo mộc bản địa, bắt đầu từ vùng núi phía Tây Bắc. Anh đi từng nhà xin và mua từng bắp ngô giống bản địa, rồi đem về hợp tác với Viện Cây trồng, thuộc Học viện Nông nghiệp để gieo cấy, phân tích gene, cố gắng tìm ra nguồn giống thuần. Qua nhiều vụ, giờ Daniel đã có giống ngô tương đối chất lượng.
Daniel thấy các vùng miền núi của Việt Nam còn có nhiều loại thảo mộc quý với hương thơm rất riêng biệt, đặc trưng như thảo quả, quế, hồi, mắc mật, mắc khén... Rồi Daniel nghĩ cách tăng giá trị gia tăng cho các loại thảo mộc bản địa. Ban đầu làm gia vị tiêu, nhưng giá trị gia tăng thấp, chỉ 5%, và Daniel đi tới một quyết định táo bạo: Chưng cất rượu tây, như gin, whisky từ ngô và thảo mộc của núi rừng Tây Bắc.
"Trước đây ít người nước ngoài thấy cái hay của văn hóa Việt Nam, nhưng từ khi đầu bếp người Mỹ Anthony Bourdain (người ăn bún chả với Tổng thống Mỹ Obama năm 2015) còn sống, đã góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa Việt Nam qua một loạt chương trình truyền hình về ẩm thực, du lịch Việt Nam, nhiều người mới thấy cái hấp dẫn. Tôi cũng muốn đi theo con đường như vậy", Daniel kể.
Vậy là anh hợp tác với hàng chục hộ gia đình người Mông, người Dao ở Lào Cai để trồng và thu hái, chế biến thảo mộc. Cái khó không chỉ là khôi phục giống, mà làm sao xây dựng mối quan hệ kinh doanh tốt hơn, hướng dẫn bà con tăng dần chất lượng ngô và thảo mộc, hướng dẫn kỹ thuật canh tác bảo quản, cách vận hành hợp tác xã, cách viết hóa đơn, tính thuế...chính từ đó mà anh có được lòng tin của bà con. Tự thiết kế dây chuyền chưng cất, tự tay pha chế các loại thảo mộc, suốt 8 tháng với 44 phiên bản, hàng trăm lần thẩm định hương vị, cuối cùng Daniel cho ra một loại rượu gin hoàn toàn từ nguyên liệu vùng Tây Bắc theo cách chưng cất thủ công trên bếp lửa của bà con dân tộc. Nhãn hiệu gin riêng của Daniel đã giành giải thưởng tại các cuộc thi quốc tế uy tín tại Anh và Hồng Công.
Hơn 4 năm sống và làm việc ở vùng cao Tây Bắc, Daniel rất cảm động bởi tình cảm của bà con nơi đây. Anh có thể đến bất kỳ lúc nào không cần báo trước, ăn ngủ ở nhà bà con, anh học được rất nhiều về văn hóa bản địa, khâm phục tinh thần chăm chỉ, dẻo dai, bền bỉ của người dân. Đó là một giá trị lớn trên con đường đi tìm bản sắc của Daniel Hoài Tiến Nguyễn. Anh nói: "Người Việt nói chung cũng rất cởi mở, nhiệt tình, đất nước Việt Nam sôi động đem lại rất nhiều cơ hội để những người Mỹ gốc Việt trẻ như tôi có thể trở về".
Người phụ nữ Việt thành giảng viên ở Đài Loan Từng trải qua khó khăn khi mới sang Đài Loan, Huỳnh Xuân Trang đã mở lớp dạy tiếng Trung cho lao động và cô dâu Việt, giúp họ sớm hòa nhập với cuộc sống. Nhìn nét bút chì nguệch ngoạc ở mặt sau tờ lịch treo tường, Huỳnh Xuân Trang (sống ở Đài Bắc, Đài Loan) thấy cay cay sống mũi. Đây là...