Người Việt ở Hàn chống chọi với mưa lũ lớn giữa Covid-19
Nhìn nông trại hoa màu ngập giữa biển nước, chị Tuyết Nhung đau lòng, bỏ ăn cả ngày hôm đó bởi công sức mấy tháng đã trôi theo mưa lũ.
“80% nông trại của gia đình tôi bị dập nát, hư hỏng, chỉ còn vài cây ớt, đậu bắp, dọc mùng sót lại. Chúng tôi đành kết thúc mùa rau sớm”, chị Tuyết Nhung, một cô dâu Việt ở huyện Damyang Gun, tỉnh Jeolla Nam, tây nam Hàn Quốc, chia sẻ với VnExpress.
Sang Hàn lấy chồng 8 năm thì chị Nhung trồng hoa màu Việt Nam cũng đã được 6 năm. Trong nông trại rộng khoảng 3.000 m2 là những luống rau muống, mồng tơi, mướp đắng, đậu bắp, rau dền, ớt… được chị cung cấp cho cộng đồng người Việt và một siêu thị địa phương.
Cả tuần nay Damyang Gun mưa không ngớt nhưng mấy ngày gần đây bắt đầu mưa lớn hơn. Nước từ đồi núi và các vùng cao đổ xuống những nông trại nằm ở vùng thấp, tràn vào nhà dân và các vườn hoa màu gây ngập nặng.
“Sáng 8/8 thức dậy, tôi bàng hoàng thấy nước ngập tới bánh xe hơi của mình. Đường sá xung quanh mênh mông nước không di chuyển được”, chị kể. “Hôm sau, khi đến kiểm tra nông trại cách nhà 20 phút, tôi chỉ có thể đứng ở ngoài nhìn dòng nước cao tới thắt lưng nhấn chìm vườn rau trái của mình mà không thể vào trong cứu vãn. Xót đứt ruột gan, cả ngày tôi bỏ ăn vì đau lòng”.
Vùng Damyang Gun vốn chưa bao giờ xảy ra lũ lớn nên người dân địa phương cũng như gia đình chị Nhung không hề lường trước được hậu quả nghiêm trọng này.
“Mẹ chồng tôi bảo lần đầu tiên thấy mưa lũ lớn như thế. Tiền giống tiền phân không đáng bao nhiêu, nhưng tôi tiếc bao công sức mình bỏ ra vun trồng, chăm sóc vườn rau, giờ phải dọn dẹp, bỏ hết, làm đất trồng lại từ đầu”.
Tuy nhiên, chị cảm thấy mình may mắn hơn nhiều cô dâu Việt khác ở Damyang Gun khi gia đình vẫn an toàn và còn nhà để ở.
“Nhiều nhà chị em bị nước lũ tràn vào, cuốn trôi tài sản, phải sơ tán ra trung tâm tạm trú”, chị kể. “Những cô dâu Việt ở địa phương chúng tôi đã vận động nhau mỗi người góp một chút để động viên và giúp đỡ họ vượt qua khó khăn này”.
Nước sông dâng cao do mưa lớn lịch sử ở thành phố Gwangju. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ở thành phố Gwangju, cách đó không xa, Lý Nhã My, sinh viên đại học Nữ sinh Gwangju, cũng đã nghỉ việc làm thêm ở một nông trại 5 ngày qua vì mưa lớn. Nhiều nhà cửa, công ty và khu công nghiệp gần sông bị ngập nặng, hàng hoá bị cuốn trôi, hư hỏng.
“Có nông trại bị nước lũ ngập gần tới nóc. Chủ vườn lo lắng không ngủ được vì mất trắng nông sản, chi phí để khắc phục và gây dựng lại rất tốn kém, còn những nhân công như em và nhiều người Việt khác đều phải tạm nghỉ”, My cho biết.
Tranh thủ nghỉ hè, My muốn kiếm thêm chút tiền để trang trải sinh hoạt phí nhưng Covid-19 khiến các hàng quán hầu như đóng cửa hoặc phải cắt giảm nhân viên. Tìm được công việc làm nông chưa bao lâu thì thiên tai xảy ra.
“Hy vọng những ngày sắp tới tạnh mưa, cuộc sống trở lại bình thường, tụi em lại được đi làm lại. Dịch bệnh vẫn còn hoành hành, cộng thêm thêm mưa lũ kéo dài thì làm quán cũng không được, làm đồng cũng không xong. Sinh viên tụi em cũng chưa biết xoay xở như thế nào”.
Theo hãng thông tấn Yonhap, lũ lụt và lở đất do mưa lớn ở các vùng miền trung và tây nam Hàn Quốc đã khiến 31 người thiệt mạng, 11 người mất tích, hơn 6.000 người phải sơ tán chỉ trong một tuần qua. Khoảng 23.000 hecta đất nông nghiệp bị ngập hoặc vùi lấp, hơn 13.300 công trình công cộng và tư nhân bị hư hại.
Trận mưa lịch sử cuối tuần qua tại khu vực Gwangju Jeolla Nam đã khiến ít nhất 10 người chết, một người mất tích và hơn 3.000 người mất nhà cửa. Đất nông nghiệp và hệ thống giao thông bị tàn phá nặng nề. Nhiều chuyến bay cũng bị hủy.
Lượng mưa trong ba ngày 7-9/8 tại Gwangju là 533,7 mm, tại huyện Damyang là 612 mm. Hôm qua, thống đốc tỉnh Jeolla Nam đã đề nghị chính quyền trung ương ban bố một số thành phố ở đây là khu vực thiên tai đặc biệt.
Sống ở Gwangju 3 năm qua, chị Thanh Vân, một nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Chonnam, cũng chưa bao giờ chứng kiến mưa lũ lớn như những ngày qua.
“Năm nay thiên tai thật sự bất thường, lại xảy ra giữa lúc dịch bệnh nên càng khó khăn. Có những người Việt đã sống ở đây 10 năm cũng chưa khi nào thấy lũ lụt hoành hành như vậy”, chị Vân cho hay. “Các huyện ngoại thành bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đường sá không đi lại được, nước sông dâng cao tràn qua cầu”.
Khung cảnh trước phòng thí nghiệm của chị Vân ở Đại học Quốc gia Chonnam, Gwangju, sau mưa lớn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trường của chị Vân tại trung tâm thành phố cũng bị ngập nhưng may mắn sau vài tiếng nước rút. Hoạt động học tập và nghiên cứu ở đây vẫn diễn ra như bình thường bất chấp mưa lớn và Covid-19.
Khoảng một tháng trước, chị lo lắng khi Gwangju trở thành tâm dịch thứ hai của Hàn Quốc với sự bùng phát các ca lây nhiễm cộng đồng. Chính quyền đã nhanh chóng ra cảnh báo và áp dụng các biện phòng dịch.
“Một số phòng thí nghiệm ở trường mình tự khử trùng, kiểm tra thân nhiệt người ra vào, yêu cầu đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Các sinh viên Hàn Quốc đã chủ động đeo khẩu trang và không còn chủ quan như làn sóng Covid-19 đầu tiên”, chị kể. “Dịch bệnh dù vẫn tiếp diễn nhưng đã có xu hướng thuyên giảm”.
Hôm qua chị Vân vừa vui mừng thấy trời hửng nắng thì nay lại nhận được cảnh báo bão từ văn phòng tỉnh. Bão Jangmi, cơn bão thứ 5 của mùa mưa bão tại Hàn Quốc, đã đổ bộ khu vực phía nam nước này hôm nay và đang di chuyển theo hướng đông bắc.
Cơ quan khí tượng Hàn Quốc cảnh báo dù được dự kiến suy yếu dần, bão Jangmi sẽ gây mưa lớn ở một số vùng, trong đó có tỉnh Jeolla Nam, những nơi vốn đang ngập nặng.
Vỡ hai đập ở Mỹ
Mưa lớn khiến hai con đập ở Michigan bị vỡ, buộc chính quyền bang sơ tán 10.000 người khỏi trận lụt tồi tệ nhất 500 năm qua.
Nước sông dâng cao sau nhiều ngày mưa lớn làm vỡ hai con đập Edenville và Sanford ở phía bắc thành phố Midland, bang Michigan, Mỹ, tối 19/5, gây ngập lụt nghiêm trọng. "Nước lũ gây thiệt hại quá lớn", Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer nói với các phóng viên hôm 20/5. Nhiều nơi ở thành phố Midland và các khu vực xung quanh gần sông Tittabawassee ngập trong biển nước.
"Các chuyên gia đang mô tả đây là trận lụt 500 năm mới có một lần. Nó sẽ tác động lớn đến cộng đồng này và đến bang của chúng tôi trong thời gian tới", Thống đốc Whitmer, thêm rằng bà rất muốn nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền liên bang. "Thật khó tin khi chúng tôi đang ở giữa dịch bệnh 100 năm mới xảy ra và trận lụt tồi tệ nhất 500 năm qua".
Thống đốc Whitmer cảnh báo tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn. Midland, thành phố ở hạ lưu đập và là nơi sinh sống của khoảng 41.000 người, có thể bị ngập tới gần ba mét.
Lệnh sơ tán có hiệu lực với khoảng 3.500 ngôi nhà và 10.000 người, người đứng đầu hội đồng quận Midland Mark Bone cho hay. "Cảnh tượng này không dễ chịu chút nào", Toni Mclennan, một kỹ thuật viên bảo trì kiểm tra một khu phức hợp dân cư để đảm bảo mọi người đều được sơ tán, cho hay.
Vỡ đập gây ngập lụt nghiêm trọng ở thành phố Midland, Michigan hôm 20/5. Video: Guardian.
Mclennan cảm thấy buồn và hy vọng những người sơ tán sớm trở lại. "Ý tôi là trong tình hình đại dịch, việc sơ tán khiến mọi người ở gần nhau và điều đó có lẽ đáng sợ hơn nhiều", cô nói.
Midland sơ tán người dân tới ít nhất 5 địa điểm và những người sơ tán đều được kiểm tra y tế, phát khẩu trang. Thống đốc Whitmer đã ban bố tình trạng khẩn cấp về lũ lụt, đình chỉ cục bộ các hạn chế ứng phó Covid-19 được ban bố trước đó nếu chúng cản trở các phản ứng khẩn cấp với lũ lụt.
Theo phát ngôn viên thành phố Midland, không có trường hợp thương vong nào được báo cáo. Tổng thống Donald Trump sẽ đến thăm bang Michigan trong hôm nay.
Whitmer cho biết chính quyền bang sẽ điều tra các đơn vị điều hành đập Edenville và Sanford, được xây dựng để ngăn sông Tittabawassee tạo hai hồ chứa riêng biệt. "Thiệt hại này quá lớn, chúng tôi sẽ theo đuổi mọi hành động pháp lý mà chúng tôi có", Whitmer nói.
Đập Edenville, được xây dựng năm 1924, bị đánh giá không đủ điều kiện an toàn năm 2018. Đập Sanford, được xây dựng vào năm 1925, đã được xếp hạng điều kiện khá tốt.
Nước lũ ngập tới gần nóc một khu chợ của nông dân ở Midland sáng 20/5. Ảnh: AP.
Cơ quan Quản lý Liên bang (FED) đã cảnh báo suốt 20 năm qua về nguy cơ vỡ đập tại đây. Các tài liệu trên trang web của Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang (FERC) cho thấy các cơ quan quản lý liên bang đã cảnh báo nhiều công ty rằng đập Edenville chưa sẵn sàng ứng phó một trận lụt lớn.
Năm 2018, FERC thu hồi giấy phép của Boyce Hydro Power, công ty vận hành đập Edenville. Quan chức thành phố Midland Brad Kaye nói trong cuộc họp báo hôm 20/5 rằng đập Edenville đã sụp đổ. "Cấu trúc đã bị xói mòn hoàn toàn và toàn bộ nước từ hồ Wixom sẽ chảy xuống thung lũng sông, tràn qua thành phố Midland," ông nói. Tuy nhiên, vấn đề của đập Sanford ít rõ ràng hơn.
Bang Michigan hiện có 19 con đập không đạt điều kiện an toàn và ở mức nguy cơ cao.
Gió bão quật đổ xe tải Ít nhất 3 xe tải 18 bánh bị quật đổ khi bão Hanna đổ bộ bờ biển phía nam Texas, gây ngập lụt và phá hủy nhiều công trình. Hanna, cơn bão đầu tiên của mùa bão Đại Tây Dương năm nay, đổ bộ bờ biển đảo Padre, bang Texas, chiều 25/7 khi đang là bão cấp một với sức gió 144 km/h,...