Người Việt ở châu Âu kể chuyện chống dịch COVID-19
Một số độc giả đã viết cho Pháp Luật TP.HCM, kể về câu chuyện chống dịch COVID-19 đang diễn ra ở những điểm nóng tại châu Âu.
Người Ý thiếu kinh nghiệm phòng dịch, lại quá chủ quan
Theo quan điểm cá nhân tôi, việc lây nhiễm nhanh và tăng mạnh số ca tử vong ở Ý là do chính quyền và người dân chưa có kinh nghiệm phòng những bệnh lây nhiễm như thế này trong quá khứ. Về mặt chính quyền, họ chưa có những chỉ đạo và biện pháp phòng dịch đúng đắn và kịp thời. Về phía người dân, chưa thực sự nhận thấy tầm nguy hiểm của bệnh dịch COVID-19 và chưa áp dụng biện pháp phòng dịch đúng mức.
Dịch đã bùng phát ở Trung Quốc (TQ) rất lâu, đặc biệt dịp tết âm lịch, có rất nhiều người TQ và châu Á quay trở về quê hương ăn tết, sau đó quay trở lại Ý. Tuy nhiên, vào thời điểm đó Ý vẫn chủ quan chưa áp dụng biện pháp kiểm tra y tế, thân nhiệt của hành khách sau khi họ từ TQ trở lại Ý. Đây là chia sẻ được rút ra từ trường hợp của một giáo sư trở về từ TQ, đã qua hải quan mà không hề được kiểm tra y tế.
Mặc dù có dấu hiệu dịch bệnh nhưng hoạt động văn hóa tập trung đông người như lễ hội hóa trang vẫn diễn ra bình thường. Ví dụ, ngày 16-2 lễ hội diễn ra tại quảng trường San Marco (được xem là trái tim du lịch của TP Venice – PV) và chỉ bị hủy khi dịch thực sự đã bùng phát vào ngày 21-2.
Về phía người dân, dù được khuyến cáo là hạn chế đến chỗ đông người nhưng mọi người vẫn đi bar, lễ hội. Trường học đóng cửa nhưng chỉ sinh viên được nghỉ, các nhân viên hành chính vẫn làm việc, các viện nghiên cứu, nhóm dự án vẫn làm việc. Hơn nữa, người dân không có thói quen đeo khẩu trang khi ra đường nên việc lây lan dễ dàng hơn.
Giới trẻ thì suy nghĩ là dịch bệnh COVID-19 chỉ tác động đến người già là chủ yếu nên vẫn thản nhiên tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Họ nghĩ rằng chỉ cần không gặp ông bà, bố mẹ (để không lây bệnh nếu không may mắc phải) là được. Ghi nhận của tôi đến ngày 6-3 cho thấy các quán bar, quán cà phê vẫn đông người vào buổi tối.
Anh PHẠM HÙNG VƯƠNG, nghiên cứu sau tiến sĩ tại TP Venice, Ý
Ảnh minh họa
Đứ c không quyết liệt chống dịch và hành động chậm chạp
Ở Đức, tình hình gia tăng ca nhiễm mạnh quá. Tôi thấy chính quyền sở tại không làm quyết liệt và cũng không truyền thông quyết liệt ngay từ đầu như ở Việt Nam. Lý do vì sao thì tôi không rõ nhưng tôi đoán họ xem nhẹ dịch bệnh này, nghĩ COVID-19 cũng như cúm mùa, sẽ không gây thiệt hại nghiêm trọng.
Vì vậy nên nửa cuối tháng 2 vừa qua, Đức vẫn cho phép tổ chức lễ hội Carnival (lễ hội hóa trang đường phố). Người dân tham gia quá đông. Sau thời gian lễ hội diễn ra không lâu, số ca nhiễm COVID-19 ở Đức bắt đầu tăng chóng mặt. Các ca bệnh bị lây từ nguồn bệnh cá nhân thì còn biết khoanh vùng, cách ly chứ lây qua lễ hội thì không biết đường nào mà ngăn cản. Lẽ ra chính quyền tuyên truyền mạnh, cấm tổ chức lễ hội thì mọi chuyện tốt hơn.
Đã vậy, khẩu trang bên này hầu như không có, dù tìm ở khắp nhà thuốc hay siêu thị. Người dân cũng không có thói quen đeo khẩu trang phòng bệnh. Vì không ai đeo nên thiểu số (trong đó có người Việt) cũng không dám đeo vì ngại. Đa số người Đức quan trọng chuyện rửa tay sát khuẩn hơn là đeo khẩu trang.
Trong giao tiếp, mọi người chỉ hạn chế ôm, hôn hay bắt tay với người lạ. Với người thân quen, bạn bè hay người yêu thì họ vẫn cư xử như bình thường. Mặt khác, thời tiết ở Đức vẫn đang trong mùa lạnh nên dịch có cơ hội lan nhanh. Người dân đang trông chờ cuối tháng 4-5 để tiết trời nóng lên, may ra đỡ lây nhiễm.
Tôi thấy dường như bây giờ, sau hàng trăm ca nhiễm và tử vong thì châu Âu, trong đó có Đức mới bắt đầu vào cuộc chống dịch. Dẫu vậy, thà muộn còn hơn là không bao giờ hành động. Người châu Âu vẫn có một thái độ tích cực (mà nhiều người Việt nên học hỏi họ), đó là họ rất bình tĩnh trong xử lý khủng hoảng như cơn bùng phát dịch lần này.
Video đang HOT
Chị BÙI THỊ MINH CHÂU, quản lý dự án tại Viện Gustav-Stresemann, CHLB Đức
Châu Âu đang có giải pháp gì?
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trong họp báo ngày 5-3 cho rằng vai trò của EU là phối hợp hành động của các quốc gia thành viên để ngăn chặn dịch bệnh chứ không phải áp đặt các biện pháp phòng dịch. Mỗi nước thành viên sẽ có biện pháp phòng dịch riêng. Hiện EU đã nâng mức cảnh báo dịch từ trung bình hồi tháng 2 lên mức cao.
Ngoài ra, Bộ Y tế các nước thành viên được khuyến cáo tập trung đặc biệt vào các biện pháp phòng và chống dịch như: (i) đảm bảo dịch vụ chăm sóc bệnh nhân, các phòng xét nghiệm, các công tác nghiên cứu về virus để bào chế thuốc và vaccine phòng bệnh; (ii) triển khai các điểm kiểm soát dịch bệnh từ bên ngoài trước khi vào châu Âu; (iii) đẩy mạnh công tác truyền thông về dịch bệnh tới người dân và nhân viên y tế.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ kinh tế của khối. Nhà hoạch định chính sách của ECB Francois Villeroy de Galhau cho biết chính sách tiền tệ của ECB đã mang tính thích ứng và giúp ổn định nền kinh tế khu vực đồng euro. ECB sẽ cấp các khoản vốn vay lãi suất cực thấp cho các công ty. Các quan chức tài chính nhóm G7 cũng tuyên bố sẵn sàng áp dụng các biện pháp tài chính và tiền tệ phù hợp.
Chị TRẦN TRÚC QUỲNH, nhà báo tại Thời Báo Việt Đức, CHLB Đức
ĐẠI THẮNG ghi
Theo PLO
Cuộc chạy trốn khỏi nhóm buôn người của chàng trai Bắc Kạn ở châu Âu
Ma Văn Hành trải qua "khoảng 20 ngày" bơ vơ tại Pháp, trên người không giấy tờ, không tiền bạc, độc một bộ quần áo. Có những lúc cậu phải tìm bánh mì trong thùng rác để cầm hơi.
Sang Romania làm việc, nhưng vì không thể tiếp tục "một ngày phải giết 2.000 con lợn" mà lương chỉ có 8 triệu đồng nên Ma Văn Hành đã quyết định từ bỏ. Một ngày tháng 5 năm nay, cậu bắt đầu hành trình đến Đức với lời hứa hẹn về một công việc tốt hơn.
Đó là lời hứa hẹn của một đường dây môi giới, những người nói sẽ giúp Hành nhập cảnh Đức và tìm việc làm mới cho cậu với chi phí 160 triệu đồng. Hành trình của cậu dự kiến đi qua hành lang Tây Balkans, một trong những tuyến đường phổ biến của người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu, để đến Italy, Pháp rồi Đức.
Thế nhưng, Hành đã phải bỏ trốn giữa đường, bới rác để tìm thức ăn, và đến nay vẫn sống phiêu bạt trong sự lo lắng của những người thân ở quê nhà.
"Cho con đi thì không yên tâm, mà không cho đi thì áy náy"
Ma Văn Hành, sinh năm 1992, quê ở xã Yên Hân, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Cậu là con thứ hai trong gia đình, đã lấy vợ và có một đứa con năm nay vào lớp 1.
"Nó bảo là mẹ ơi, gia đình mình khó khăn thế này, giờ chẳng biết làm thế nào, con quyết định ra nước ngoài, may ra sau này 'lên' được tí nào, chứ thế này không sống nổi", bà Trình Thị Chi, mẹ của Hành, nhớ lại lời con trai nói.
Quốc lộ 3C qua thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn. Ảnh: VOV.
Trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với Zing.vn gần đây, bà Chi đã kể về đứa con trai "vì lo lắng cho nhà nên mới đi". Hành được xem là trụ cột gia đình vì anh trai Hành, theo lời người mẹ, là người "chậm chạp". Song bà cũng không biết gì nhiều về hành trình của con ở trời Tây, ngoài những cuộc trò chuyện qua điện thoại.
Bắc Kạn là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước nhiều năm nay, nhưng về xuất khẩu lao động, tỉnh này không phải là cái tên thường được nhắc đến. Bà Chi kể một ngày Hành đột nhiên nói bà đưa xuống Hà Nội để phỏng vấn "đi nước ngoài".
"Không biết ai rủ rê", bà nói. "Thi xong nó về bảo con được đi. Cô bảo cô cho đi thì không yên tâm, mà không cho đi thì cũng áy náy".
Bà Chi nói tiền đi thi (để được đưa đi xuất khẩu lao động) là 15 triệu đồng, nhưng tổng chi phí thì bà không rõ, "chắc là nó vay 70 triệu". Hành nói cha mẹ đừng lo.
Theo tài liệu mà Zing.vn có được, Hành đã lên đường sang Romania vào ngày 25/11/2018 theo diện xuất khẩu lao động, thông qua một công ty có trụ sở tại Hà Nội. Cậu làm công việc giết mổ tại công ty Agricover ở Romania và được chính quyền thẻ cư trú dài hạn.
Mỗi ngày mổ 2.000 con lợn
Nhưng đó dường như không phải là công việc mà cậu mong muốn khi sức ép lao động cao mà mức lương lại thấp.
"Lúc đấy nó cũng thường xuyên gọi về, có lúc đang đi làm nó cũng gọi. Cô hỏi có mệt không, nó bảo mệt cũng phải làm, đã đến đây là phải làm, khó bằng mấy cũng phải làm. Nó bảo không ngại gì đâu, nhưng mà thấy sợ quá", bà Chi kể.
"Như ở quê, 'thịt' mấy năm mới được 2.000 con lợn, mà ở đây mỗi ngày phải mổ 2.000 con. Nó bảo bây giờ chả biết làm thế nào, không làm không được nhưng người ta bỏ đi hết rồi".
Một cơ sở giết mổ ở Romania. Ảnh: Getty.
Công việc bình thường chỉ 8 tiếng một ngày nhưng Hành thường xuyên tăng ca. Mỗi tháng cậu nhận lương 8 triệu đồng, nếu tăng ca nhiều có thể kiếm được 15-16 triệu, theo lời bà Chi.
"Nó cũng gửi về một ít", bà nói. "Nó bảo cứ biết ăn biết làm thôi, không dùng tiền mấy đâu".
Bẵng đi một thời gian không liên lạc, một ngày Hành gọi về cho gia đình bảo rằng cậu đang "không biết ở chỗ nào, không biết đường đi đường về".
Đó là Serbia, khoảng hai ngày sau khi cậu rời công ty ở Romania vào ngày 7/5. Serbia là điểm đầu tiên trong hành trình đi qua các nước Tây Balkans để tới Nam Âu rồi Tây Âu.
Hành đã quyết định bỏ công việc giết mổ để đến Đức, bất hợp pháp, thông qua một đường dây buôn người "do người Việt và người Trung Quốc điều hành", theo tài liệu. Theo lời Hành, "họ hứa với tôi sẽ tìm việc làm cho tôi với mức giá 160 triệu đồng".
Bà Chi kể rằng Hành gọi điện về cho bà bảo là có một người phụ nữ Việt Nam "tên Thảo hay gì đó" hứa hẹn đưa Hành "đến nơi đến chốn".
"Cô này, chả biết ai, nghe bảo là người bên đấy sinh sống lâu lắm rồi, luôn bảo nó sang đấy (Đức) sống không sợ gì đâu. Không thì thằng này nhát nó không đi đâu", bà nói.
"Chỉ có nước nhảy xuống tầng"
Thế nhưng, khi đến Italy, Hành bị một người tên Việt trong đường dây ép đưa 260 triệu đồng, thay vì số tiền như thỏa thuận ban đầu, đồng thời đe dọa nếu không nộp đủ, Hành "sẽ bị giao cho đường dây người Trung Quốc xử lý". Đến lúc này, Hành cũng không liên lạc được với người phụ nữ nọ.
"Cuối cùng nó bảo là mình đợt này mình bị lừa rồi", bà Chi nói. Bà "ăn không ngon, ngủ không yên" trong những ngày đó, sau khi đã cố chạy vạy vay đúng được 100 triệu đồng.
"Nó bảo với họ là nhà không có đủ tiền nộp. Họ nhốt nó vào một cái nhà hai tầng, có người gác. Nếu không nộp tiền thì hôm sau bị tống vào kho", người mẹ kể. "Nó bảo bây giờ chỉ có nước nhảy xuống tầng, chết thì chết, chứ họ tính từng tí một mà lấy tiền".
Người nhập cư hướng về biên giới Italy - Pháp. Ảnh: AFP/Getty.
Sau đó, Hành "không biết nói thế nào" mà vẫn được tiếp tục hành trình, bà kể. Điểm dừng tiếp theo sau hai ngày là Pháp. Hành quyết định bỏ trốn.
"Nó nhảy xuống xe, xe hay tàu gì đó. Nó bảo họ lột hết giấy tờ rồi, may mà còn cái điện thoại", bà Chi kể.
Hành tìm đến trú tạm ở một cây xăng ven đường. Theo lời ông Ma Văn Hằng, cha của Hành, trên người cậu khi đó không tiền bạc, không giấy tờ, chỉ độc một bộ quần áo, vì nghe lời nhóm buôn người để lại mọi thứ ở Romania. Trong cơn mưa lạnh, bụng đói, cậu phải tìm bánh mì sót lại trong thùng rác để ăn.
Đêm đầu tiên, Hành không ngủ được vì lạnh. Sang đêm thứ hai, có một người đàn ông làm việc ở cây xăng thấy cậu đáng thương nên đưa về nhà, cho bánh mì ăn.
"Ở trong nhà có kính che chắn cũng đỡ hơn tí. Sau đấy cứ nhịn đói đến bốn, sáu hôm ở chỗ bàn ghế cây xăng, có khách thì mình ngồi xuống đất, không khách mình ngồi ghế, chú cây xăng cũng tốt", Hành kể với mẹ, cho biết rất nhiều ngày cậu phải đợi người ta đổ rác để tìm thức ăn.
Có một lần, cậu bị hai thanh niên địa phương lừa dẫn đến một vườn cam và đánh. Hành đánh trả được, may mắn không bị thương tích.
"Đi làm không được tiền họ cười cho"
Cứ thế, cậu đã trải qua "khoảng hai chục ngày" ở đó cho đến khi được đưa đến đồn cảnh sát ở Paris và kết nối với Đại sứ quán Việt Nam. Một người làm việc tại sứ quán đã đưa cậu về nhà. Sứ quán đã lo giấy tờ để sắp xếp đưa Hành về nhưng cậu một lần nữa đã bỏ ra ngoài và kiếm việc làm.
"Nó bảo bây giờ nhà không phải lo cho con nữa, yên tâm, quần áo không phải mua, làm ở đấy thôi, ở trong nhà thôi, cũng quét nhà hay lau sơn, chắc là bác ấy vừa mới làm nhà thôi", bà Chi nhớ lại cảm giác thở phào khi nghe con trai kể chuyện.
Người nhập cư cắm trại trên đường phố Paris. Ảnh: AFP.
Hành bảo cậu muốn ở lại làm thêm một thời gian nữa vì "ở quê cũng không có gì, mà người ta bảo đi làm không được tiền họ cười cho".
Cha của Hành cho biết sau một thời gian, giờ cậu đã ra ngoài làm việc cho một nhà hàng ở Paris, mỗi tháng kiếm được khoảng 20 triệu đồng.
"Nợ vay ban đầu để đi Romania thì nó trả hết rồi. Nó bảo muốn làm thêm ít năm để kiếm tiền rồi về", ông Hằng nói.
Cả ông Hằng và bà Chi, kiếm sống bằng công việc lấy củi về bán, đều nói họ chưa bao giờ ngừng lo lắng cho con trai.
"Nó còn ngây thơ có biết gì đâu, bảo đi sang nước ngoài làm công ty, chắc kiếm tiền dễ hơn ở mình. Trong nước làm được vài triệu thì về nhà cũng chả còn đồng nào, không bõ gì thì lại đi xa", bà Chi nói.
Theo Zing.vn
Phóng sự trên báo Anh: Người nhập cư lậu từ Việt Nam vẫn liều mạng đến Anh Phóng viên tờ Mirror gặp gỡ những người nhập cư Việt mạo hiểm tính mạng để đến Anh tại một trại tạm cư lậu ở Pháp. Phóng viên tờ Mirror trao đổi với một thiếu niên Việt tại một khu trại tạm cư trong rừng ở Pháp . Ảnh chụp màn hình Mirror Theo điều tra độc quyền do tờ Mirror đăng ngày...