Người Việt ở California sốc trước cảnh tượng ‘Sao Hỏa’
Tỉnh dậy sáng 9/9, Elizabeth Nguyễn hoảng hốt tưởng sắp xảy ra động đất khi bầu trời San Francisco chuyển màu cam, cảnh tượng lạ kỳ chị chưa từng thấy.
“Sống ở đây 30 năm rồi nhưng tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng này”, chị Elizabeth Nguyễn chia sẻ với VnExpress. “Bầu trời có màu cam kỳ lạ, ra lấy xe hơi thì tôi phát hiện lớp bụi trắng bóc kèm tro”.
Thành phố San Francisco mờ mịt giữa bầu trời màu cam và khói mù do ảnh hưởng cháy rừng hôm 9/9. Ảnh: Trung Lê.
Cảnh tượng trên khiến San Francisco, thành phố lớn ở vùng vịnh Bắc California, được ví như Sao Hỏa hay ngày tận thế. Thành phố này không xảy ra cháy rừng nhưng bị ảnh hưởng bởi những đám cháy lớn của thành phố Chico, cách đó 2 tiếng lái xe.
“Cháy rừng kéo dài ba ngày qua ở Chico khiến tro bụi theo gió bay xa đến các thành phố lân cận như San Francisco. Khi lái xe về hướng đông, trước mặt tôi tro bụi bay như tuyết, có lúc không thấy rõ đường đi. Bật điều hòa không khí trong xe thì bị ho”, chị Elizabeth kể.
Lực lượng cứu hỏa California đang chiến đấu với thảm họa cháy rừng lớn chưa từng có khiến hàng chục nghìn người ở Bờ Tây Mỹ phải di tản. Ít nhất 8 người được xác nhận thiệt mạng trong 24 giờ qua khắp California và hai bang lân cận là Oregon và Washington. Tuy nhiên, giới chức cho hay một số khu vực hiện không thể tiếp cận được nên số người chết có khả năng tiếp tục tăng.
Nhờ nằm ven biển, San Francisco có thời tiết mát mẻ quanh năm với nhiệt độ khoảng 15 độ C. Tuy nhiên, những ngày bị ảnh hưởng cháy rừng, nhiệt độ có thể tăng lên 26 độ C, không khí đầy khói và tro bụi khiến người dân nơi đây phải đeo cả khẩu trang vải lẫn N95, đồng thời hạn chế ra đường.
“Buổi sáng tỉnh dậy đi làm mà tôi cứ tưởng vẫn còn là ban đêm”, anh Trung Lê, cũng ở San Francisco, có chung cảm xúc kinh ngạc. “Tôi cũng chưa bao giờ thấy cảnh tượng này. Bầu trời màu cam, khói mù dày đặc khiến trời sầm tối như lúc mặt trời sắp lặn”.
Một con đường San Francisco mờ mịt do ảnh hưởng cháy rừng hôm 9/9. Ảnh: Trung Lê.
Sáng 10/9, bầu trời ở San Francisco vẫn có màu cam nhưng đến chiều đã chuyển xám, khi một số đám cháy được dập tắt. Khu vực anh sống không bị ảnh hưởng gì nhiều nhưng một số đồng nghiệp ở gần khu vực cháy phải dọn dẹp tư trang, đề phòng cháy rừng lan tới.
Ở thành phố Willits, hạt Mendocino, cách San Francisco 3,5 tiếng lái xe, Huy Phạmđang trong tinh thần sẵn sàng, chờ có lệnh là di tản.
“Sống nơi thôn quê hoang vu, nhiều cây cỏ, gần gũi với thiên nhên là một điều tuyệt vời cho đến khi cháy rừng xảy ra, một thảm hoạ khủng khiếp hàng năm tại California”, chàng trai làm nhiếp ảnh gia tự do, mới chuyển về Willits một năm nay cùng gia đình, cho hay. “California rất đông người, chỉ cần một người vô ý làm cháy cỏ là có thể bùng phát đám cháy lớn hơn rất nguy hiểm”.
Khung cảnh tối sầm tại thành phố Willits giữa trưa ngày 8/9. Video: Huy Phạm.
Tại hạt Mendocino đang xảy ra hai đám cháy, gồm Oak Fire cách nhà của Huy 5 km và August Complex ở cách 2 tiếng lái xe. August Complex vừa vượt đám cháy Mendocino Complex năm 2018 trở thành đám cháy rừng lớn nhất trong lịch sử California, theo Sở Cứu hỏa bang này.
Hai ngày nay, thành phố Willits có khói mù mịt, chỉ số chất lượng không khí AQI vượt 400, ở mức nguy hiểm.
“ Khu vực tôi sống bị bao phủ bởi một bầu trời đỏ rực, tro bụi bay như tuyết, phải đóng kín cửa, dán băng keo ở khe hở cửa sổ, bật máy lọc không khí”, anh Huy kể. “Tôi phải nghỉ làm, hạn chế ra đường và luôn đeo khẩu trang N95 để bảo vệ phổi. Chỉ ở trong nhà ngửi khói thôi cũng đã khiến tôi nhức đầu”.
Từ sáng 7/9, thành phố Willits trở thành “vùng màu vàng”, lệnh cảnh báo di tản của chính quyền được gửi tới qua điện thoại của anh Huy. Tuy nhiên, do ở khu vực nông thôn, đôi khi không có cả sóng điện thoại, nhiều người dân không biết có lệnh di tản khiến cảnh sát phải tới nhà để thông báo và thúc giục.
Cả gia đình anh đã góm ghém xong đồ đạc, sẵn sàng rời đi, nhưng may mắn đêm đó không có gió nên lính cứu hỏa đã ngăn được hỏa hoạn lan xuống khu vực với khoảng 800 hộ dân. Hôm 10/9, cảnh báo được dỡ bỏ nhưng người dân vẫn sống chung với khói và tro bụi.
Tro bụi phủ trên xe hơi của anh Huy hôm 8/9. Ảnh: Huy Phạm.
Năm nay, California ghi nhận kỷ lục hơn 2,1 triệu hecta rừng bị cháy, dù gần 4 tháng của mùa cháy rừng vẫn còn ở trước mắt. 16 người đã thiệt mạng vì do hỏa hoạn, bao gồm 8 người thiệt mạng tháng trước.
Thống đốc Gavin Newsom cho rằng nguyên nhân của thảm họa này là biến đối khí hậu.
“Chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn. Chúng ta cần hành động ở mọi cấp độ. California không thể làm một mình. Biến đổi khí hậu là có thật”, ông viết trên Twitter.
Huy sang Mỹ sinh sống từ 11 năm trước và từ ngày chuyển tới California, anh đã 2-3 lần chứng kiến cháy rừng nghiêm trọng. Mùa hè ở đây kéo dài từ khoảng cuối tháng 6 tới cuối tháng 9, hoặc giữa tháng 10, với thời tiết khô nóng, nhiệt độ có lúc lên tới 39 độ C. Từ tháng 5 đến nay hầu như không có mưa.
“Hiện lực lượng cứu hỏa địa phương đã dập được 25% cháy rừng. Có lẽ phải chờ cơn mưa đầu tiên thì các đám cháy may ra mới chấm dứt. Tuy nhiên, nếu gió mạnh lên, tôi e là không thể cứu nổi”, anh Huy nói. “Trong tình hình này, giấy tờ, quần áo, đồ dùng tất yếu tôi vẫn để sẵn, có thông báo di tản là rời đi”.
Nhà Trắng phát video Chủ tịch Hạ viện Mỹ đi làm tóc
Nhà Trắng bắt đầu buổi họp báo hôm 3/9 bằng video Chủ tịch Hạ viện Pelosi tới tiệm làm tóc ở San Francisco bất chấp hạn chế do Covid-19.
"Nancy Pelosi không có mặt trong hội trường quốc hội khi tôi hỏi bà ấy ở đâu. Bà ấy không làm việc một cách thiện chí để mang lại thỏa thuận cho người dân Mỹ", Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany phát biểu mở đầu cuộc họp báo. Sau lưng cô là video Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi bỏ khẩu trang và đang di chuyển trong một tiệm làm tóc ở thành phố San Francisco hôm 31/8.
"Nancy Pelosi bị phát hiện ở San Francisco, tại một cửa hàng làm tóc trong nhà, dù các tiệm ở California chỉ mở cửa phục vụ ngoài trời. Rõ ràng các quy tắc không áp dụng cho Nancy Pelosi", McEnany tiếp tục. "
Nhà Trắng mở đầu buổi họp báo hôm 3/9 bằng video Chủ tịch Hạ viện Pelosi đi tiệm làm tóc. Video: Hill.
Thư ký báo chí Nhà Trắng cũng cáo buộc Chủ tịch Hạ viện "kìm hãm" cứu trợ Covid-19 khi không đạt thỏa thuận với đảng Cộng hòa và Nhà Trắng trong tháng qua, trong khi có "lối vào đặc biệt" tại tiệm làm tóc ở San Francisco.
"Nancy Pelosi, bà phải xin lỗi người dân Mỹ, hoặc tốt hơn là quay lại Washington và cống hiến cho những người Mỹ làm việc chăm chỉ như chủ tiệm salon mà bà vu khống và yêu cầu họ xin lỗi", cô nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục chỉ trích Pelosi sau cuộc họp báo của Nhà Trắng. "Nancy Pelosi điên rồ nói rằng bà ấy bị chủ tiệm tóc 'gài bẫy', trong khi bà ấy xuất hiện ở đó hoàn toàn không đúng cách và cũng không đeo khẩu trang. Ai mà cần một Chủ tịch Hạ viện có thể dễ dàng bị gài bẫy thế này chứ?", Trump đăng trên Twitter.
Tổng thống Mỹ trước đó cũng mỉa mai Pelosi vi phạm nguyên tắc chống dịch, không đeo khẩu trang dù luôn "thuyết giảng cho người khác".
Chủ tich Hạ viện Mỹ bị đảng Cộng hòa chỉ trích gay gắt vì đến tiệm làm tóc mà không đeo khẩu trang. Quy định của San Francisco nêu rõ "bất kỳ dịch vụ nào yêu cầu khách hàng cởi bỏ khẩu trang đều không được phép vào lúc này".
Phản ứng về cảnh quay này, Pelosi nói tiệm làm tóc đã lừa bà khi khẳng định họ được phép tiếp đón một khách hàng tại một thời điểm. Bà cũng từ chối xin lỗi nhân viên ngành dịch vụ và cho rằng chính chủ tiệm làm tóc mới phải xin lỗi bà.
Chủ tiệm thẩm mỹ Erica Kious nói với người dẫn chương trình Fox News Tucker Carlsonhôm thứ 2/9 rằng cô đã bị "đe dọa tính mạng" vì tiết lộ cuộc hẹn làm tóc của Pelosi.
Pelosi và đảng Dân chủ nhiều lần chỉ trích Trump về cách ứng phó đại dịch Covid-19. Đáp lại chỉ trích mới nhất của Tổng thống, Drew Hammill, phát ngôn viên của Pelosi, đăng Twitter rằng "ai mà cần một Tổng thống Mỹ tập trung vào điều vô nghĩa này hơn là đánh bại virus và cứu người Mỹ".
Video Pelosi đi làm tóc được phát sau lưng Thư ký báo chí Nhà Trắng tại buổi họp báo hôm 3/9. Ảnh: Hill.
Xét nghiệm nCoV - trở ngại níu chân Mỹ mở cửa kinh tế Nhiều bang Mỹ đang cố gắng mở cửa nền kinh tế nhanh nhất có thể, nhưng việc thiếu hụt xét nghiệm chính xác đang cản trở nỗ lực này. Các chuyên gia y tế cộng đồng nhấn mạnh cách an toàn duy nhất để đưa nền kinh tế Mỹ hoạt động trở lại là tuân thủ các tiêu chí mở cửa của Nhà...