Người Việt Nam tại Lào vui Tết hướng về quê hương
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ Nhâm Dần và năm mới Quý Mão đang đến rất gần và một mùa Tết cổ truyền nữa lại sắp về với những kiều bào tại thủ đô Viêng Chăn nói riêng và cộng đồng người Việt Nam tại Lào nói chung.
Một góc chợ hoa ở Thủ đô Viêng Chăn (Lào). Ảnh: Đỗ Bá Thành/TTXVN
Để giúp cho những người con xa quê vơi đi nỗi nhớ quê nhà trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, cứ đến những ngày này, những gian hàng bày bán hoa cây cảnh hay vàng mã, bánh chưng Tết… của bà con người Việt trên một vài tuyến phố tại thủ đô Viêng Chăn lại rực rỡ sắc màu.
Màu xanh của lá, màu đỏ hoa đào, màu vàng hoa cúc hay những chùm quất chín vàng… là những điểm nổi bật nhất khi đến bản Saylom, một địa điểm bày bán các loại hoa, cây cảnh của các tiểu thương người Việt trong dịp Tết đến. Tất cả đã tạo lên một không gian sắc màu truyền thống mang đậm hương vị chợ Tết quê nhà giữa lòng thủ đô Viêng Chăn.
Anh Nguyễn Văn Cương, một người sống và làm việc ở Lào được 7 năm cho biết, cứ đến những ngày này anh lại cảm thấy rất vui đi giữa những sắc màu, ký ức trong anh lại ùa về, đi chợ hoa ở thủ đô Viêng Chăn mà cứ như đang đi giữa chợ hoa ở Hà Nội.
Cùng chung cảm xúc, chị Lê Thị Quỳnh Mai người Việt Nam đang sống tại Lào cũng chia sẻ, gian hàng trưng bày tại đây có rất nhiều loài hoa như: đào, mai và quất… và rất giống với không khí ở Hà Nội nhưng lại đặt ở thủ đô Viêng Chăn, sau một vòng ngắm nghía chị cũng chọn cho mình một chậu hoa lan nhỏ với ý nghĩa phúc lộc trong ngày đầu Năm mới.
Video đang HOT
Trong cái nắng nhẹ của một buổi sáng cuối tuần những ngày đầu năm, ở thủ đô Viêng Chăn thời điểm này thời tiết khá mát mẻ, rất thích hợp để người dân ra ngoài. Trên con phố Nongbone, từ xa những gian hàng rực rỡ sắc màu gồm các loại như đèn lồng, đồ vàng mã hay những đồ trang trí trên cây cảnh… đã tô điểm thêm cho không gian nơi đây những ngày cận Tết.
Các mặt hàng năm nay rất đa dạng về mẫu mã cũng như chủng loại và giá thành cũng hợp với người tiêu dùng. Chị Cẩm Vân, một người Việt đang bán hàng tại Viêng Chăn, nhanh tay chọn cho mình những món đồ để về trang hoàng nhà cửa trong những ngày này và với chị ngày Tết là một thời điểm đầy ý nghĩa mà chị đã mong chờ từ rất lâu.
Một góc phố bày bán hàng hóa Tết ở Thủ đô Viêng Chăn (Lào). Ảnh: Đỗ Bá Thành/TTXVN
Sau một thời gian dài do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế tại Lào nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, song cộng đồng người Việt Lào vẫn luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, từng bước khắc phục khó khăn, dần ổn định cuộc sống, công việc trở lại bình thường như trước khi đại dịch COVID -19 bùng phát để cùng nhau đón Tết an vui.
Bà Nguyễn Thị Tiến, đã có hơn 30 năm sinh sống tại Lào cho biết đây là cái Tết đầu tiên sau nhiều năm mọi người không được xích lại gần nhau vì lo ngại nguy cơ dịch bệnh. Dù buồn vì không thể trở về Việt Nam đoàn tụ với gia đình những ngày này nhưng trong lòng bà vẫn luôn luôn nhớ về cha mẹ, về anh em, bà con ở quê hương.
Còn đối với bà Nguyễn Kim Hoa năm nay 61 tuổi và có 35 năm sinh sống tại Lào, bà đã nhiều năm đón Tết Việt tại Lào, lần nào bà cũng cảm thấy rất vui và muốn lan tỏa những cảm xúc của mình đến con cháu trong gia đình để giáo dục cho các con cháu hiểu về món ăn truyền thống, theo phong tục Việt Nam để đón Tết cổ truyền của dân tộc và cùng quây quần bên nhau sau một năm làm việc, học tập vất vả để cùng đón giao thừa, mong ước cho một năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc mới.
Dù sinh sống ở bất cứ đâu trên thế giới thì Tết luôn là thời khắc thiêng liêng giúp những người Việt gần nhau hơn, yêu thương nhau nhiều hơn và cùng hướng vê Tô quôc, gia đình với những tình cảm, mong ước một cuộc sống tốt đẹp nhất trong năm mới tràn đầy niềm vui và hy vọng.
Việt Nam bàn giao 2 hệ thống góp phần giúp Lào đẩy nhanh chuyển đổi số
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, chiều 11/1, lễ bàn giao Nền tảng Đào tạo trực tuyến mở (MOOCs) và Hệ thống Giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng (SOC) cho Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào đã diễn ra tại thủ đô Viêng Chăn.
Đây là 2 dự án được Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam hỗ trợ về hệ thống và chuyên môn, được đánh giá sẽ góp phần giúp Lào đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara bấm nút khai trương hai hệ thống. Ảnh: Phạm Kiên/Phóng viên TTXVN tại Lào
Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc hai bộ.
Triển khai Biên bản ghi nhớ giữa hai bộ ký ngày 1/9/2021 và các nội dung tại cuộc gặp ngày 11/10/2022, hai bên đã thống nhất thực hiện 2 dự án nêu trên với sự hỗ trợ về hệ thống và chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Qua hơn 2 tháng thực hiện, các dự án nêu trên đã bảo đảm về tiến độ và được giao nhận nhân chuyến thăm chính thức Lào của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Trong đó, MOOCs - hệ thống do Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam trao tặng cho Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào, do hai doanh nghiệp gồm Tổng Công ty Viễn thông Mobifone của Việt Nam và Công ty Star Telecom (Unitel) của Lào thực hiện. Tới nay, nền tảng đào tạo trực tuyến này đã tương đối hoàn chỉnh về dữ liệu và đã hoàn thành việc biên soạn các giáo trình từ tiếng Việt sang tiếng Lào.
Trên MOOCs hiện có tổng số 18 giáo trình, gồm 3 chuyên mục chính: chuyển đổi số, kiến thức chuyên ngành và kỹ năng chung. Trong đó, các khóa học chuyển đổi số phù hợp với người học là lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp; các khóa học chuyên ngành có các nội dung chuyên sâu theo các lĩnh vực khác nhau như kinh tế, giáo dục, nông nghiệp, y tế...; các khóa học về kỹ năng chung nhắm tới đối tượng là toàn bộ người dân Lào.
Hệ thống MOOCs được xây dựng với kỳ vọng phổ cập kỹ năng số, là chìa khóa để cán bộ, công chức, viên chức và toàn bộ người dân tham gia và giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Lào.
Các quan khách chụp ảnh lưu niệm tại lễ bàn giao, đưa vào sử dụng hai hệ thống. Ảnh: Bá Thành/Phóng viên TTXVN tại Lào
Về Hệ thống Giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng (SOC), đến nay các đơn vị triển khai là Cục An toàn thông tin (AIS) Việt Nam, Cục An ninh mạng Lào và Công ty Star Telecom (Unitel) đã hoàn thành giai đoạn 1 của dự án (tháng 12/2022), giúp Lào có thể kiểm tra sự cố và các lỗ hổng tấn công hệ thống máy tính cũng như trao đổi thông tin dấu hiệu tấn công mạng với Cục An toàn thông tin Việt Nam.
Cục trưởng Cục An ninh mạng Lào Khamla Sounnalat đánh giá hệ thống phần mềm của Việt Nam cung cấp cho phía Lào mang lại lợi ích to lớn cho nhân dân cả nước Lào, giúp thực hiện Kế hoạch Chiến lược phát triển nền kinh tế số quốc gia Lào từ nay cho đến hết năm 2030. Hệ thống giúp Lào có thể theo dõi, giám sát và ngăn chặn các mối đe dọa trực tuyến, bảo vệ hệ thống cơ sở dữ liệu số của Chính phủ Lào, bảo vệ hệ thống máy tính và hệ thống trang web của Chính phủ và khu vực tư nhân Lào với tính bảo mật rất cao.
Lào: Kêu gọi người dân tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân đi tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 nhằm tăng khả năng miễn dịch trong bối cảnh nguy cơ cao tái bùng phát dịch trong tương lai. Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN Phát biểu với báo giới tại thủ đô Viêng Chăn ngày 24/10, người...