Người Việt mưu sinh ở Angola (P3): Hàng chục triệu phú đôla người Việt
Theo đại sứ Việt Nam ở Angola, có tới hơn 40 người Việt là triệu phú đôla hiện đang làm ăn tại Angola như Cường Viana, Phụng Avima, Đức Huambo, Thi Benguela, Thành Lubango…
Angola đang trong quá trình tái thiết đất nước. Họ cần sự chung tay xây dựng của cộng đồng Việt Nam. Có lẽ vì thế nên tại Angola, đã bắt đầu xuất hiện những triệu phú đô la người Việt trẻ, đầy nhiệt huyết.
Trùm xây dựng Huambo
Hôm ở Đại sứ quán, ông Đỗ Bá Khoa – Đại sứ Việt Nam tại Angola tự hào cho biết, ở Angola đã bắt đầu hình thành nên những triệu phú đô la trẻ người Việt. Họ là lực lượng tiên phong, đóng góp một phần quan trọng trong việc tái thiết đất nước Angola.
Theo nhẩm tính của ông Khoa, có lẽ phải có tới hơn 40 người Việt là triệu phú đô la hiện đang làm ăn tại Angola. Tên tuổi của các triệu phú đô la thường gắn liền với từng địa danh tại Angola như Cường Viana, Phụng Avima, Đức Huambo, Thi Benguela, Thành Lubango…
Dù chưa có dịp được gặp hầu hết các triệu phú đô la người Việt tại Angola, nhưng tôi đã may mắn gặp một số người. Với những công việc họ đang làm, có lẽ nhắc đến tên họ ai cũng phải nể phục.
Anh Đức (người mặc vest) và khu căn hộ cho cán bộ công nhân viên quân khu Huambo do công ty anh xây dựng.
Tỉnh Huambo là thủ phủ của người Việt sau Thủ đô Luanda. Huambo có khí hậu mát mẻ như TP Đà Lạt của Việt Nam. Buổi sáng, trời se lạnh. Muốn ra đường phải khoác chiếc áo gió.
Người Việt ở đây khá đông đúc. Điều lạ là khi nhắc đến Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công ty Indoboss. Loa – Vu Minh Duc hầu như ai cũng biết. Trong khu đất rộng chừng vài ngàn m2, anh Đức cho xây nhà làm văn phòng và nơi sinh hoạt của toàn bộ cán bộ công nhân viên. Anh Đức cầm tinh con gà (sinh năm 1969), sinh ra và lớn lên tại Đức Giang (Long Biên, Hà Nội). Như đã giới thiệu ở bài trước, anh Đức được “soái Việt” Lê Thiết Thảo đưa sang Angola từ hơn 10 năm trước. Công ty anh Đức chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng.
Anh Đức vẫn không quên những ngày tháng mới sang Angola, phải đứng bán quần áo tại chợ São Paulo (Thủ đô Luanda). Thời điểm đó, nhờ bán hàng, mỗi ngày anh Đức thu được vài trăm đô la Mỹ.
Sau đó, cuộc đời anh rẽ sang một hướng đi khác khi biết tại tỉnh Huambo, Bộ Quốc phòng Angola đang muốn xây dựng Làng Olimpic quân khu Huambo. Nhờ được bạn bè, người thân cho vay tiền, anh rời São Paulo về Huambo lập công ty.
Giữa lúc đang làm ăn như diều gặp gió, anh bị một toán người lừa vào rừng cướp mất chiếc ô tô trị giá gần cả trăm ngàn USD. Không nản chí, anh tiếp tục đeo bám giấc mơ làm giàu. Trong khó khăn, tin vui lại đến khi công ty anh trúng thầu dự án Làng Olimpic và khu biệt thự cho cán bộ quân nhân quân khu Huambo với tổng giá trị lên tới hàng chục triệu USD.
Video đang HOT
Công ty của anh Đức sử dụng khoảng hơn 700 lao động là người Việt Nam và Angola .
Để đáp ứng nhu cầu khắt khe của Bộ Quốc phòng Angola, anh Đức cho tuyển hàng trăm lao động Việt Nam và Angola vào để xây dựng. Hiện, công ty anh Đức có tới gần 200 lao động Việt Nam và khoảng 500 lao động người Angola.
Lương trung bình của thợ xây dựng Việt Nam tại công ty anh Đức thường từ 800-1.500 USD/tháng, còn lương phụ hồ (chủ yếu là người bản địa) từ 100-250 USD/tháng. Vì được anh Đức trả lương cao và ổn định nên nhiều lao động Việt Nam tứ xứ ở Angola đã đổ về Huambo để đầu quân.
Bùi Đức Ái, sinh năm 1980, quê ở phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, mỗi tháng cũng tích cóp được 1.000 USD để gửi về cho vợ con.
Nhiều lao động Angola được công ty anh Thi nhận vào làm việc.
Anh em lao động còn nể phục anh Đức ở chỗ đã cải hóa được nhiều người từng một thời là tay anh chị. Điển hình như anh Vũ Ngọc Quỳnh. Kể từ ngày đầu quân cho công ty anh Đức, Quỳnh được tín nhiệm là người quản lý toàn bộ việc xây dựng.
Trước là tay giang hồ có tiếng nhưng nay anh Quỳnh hiền lành đến lạ. Suốt ngày không uống một giọt bia hay rượu. Đã thế, Quỳnh còn ăn chay, niệm Phật. Theo anh Đức, ở công ty không phải chỉ có Quỳnh mà rất nhiều lao động khác đã biết làm lại cuộc đời khi không may trước đó là nạn nhân của “nàng tiên nâu”.
Vua xe máy Benguela
Từ Huambo chúng tôi tiếp tục đến tỉnh Benguela. Đây cũng là tỉnh có hàng ngàn người Việt sinh sống và làm ăn. Ở đây cũng có khá nhiều triệu phú đô la.
Ngoài anh Trần Ngọc Quỳnh, quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh tổng giám đốc một công ty chuyên kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, người được nhắc đến nhiều nhất là anh Nguyễn Viết Thi, Chủ tịch Công ty Hải Nam. Trụ sở chính của công ty anh Thi ở ngay trung tâm tỉnh lỵ Benguela.
Với thâm niên buôn bán xe máy tại Angola 10 năm, anh Thi được biết đến là ông vua xe máy người Việt tại Angola. Để phát triển công ty, anh Thi phối hợp cùng với anh Hoàng Thế Thành, sinh năm 1978, quê ở quận Tây Hồ, Hà Nội làm giám đốc điều hành. Anh Thành hiện là Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Benguela.
Anh Thi tại trụ sở công ty ở tỉnh Benguela. Ảnh: Phong Cầm.
Từ năm 2003, khi bước chân đến Angola, anh Thi thấy rõ tiềm năng của việc kinh doanh xe máy. Nhưng trở ngại lớn nhất là làm sao để người dân Angola bỏ tiền mua và biết sử dụng xe máy làm phương tiện cá nhân như ở Việt Nam. Sau khi mua đất, anh Thi tiến hành xây dựng nhà xưởng tại Benguela.
Khu nhà xưởng giá trị hàng triệu đô ra đời đã tiếp thêm sức mạnh cho anh Thi khai phá vùng đất nhiều tiềm năng này. Anh bàn với Hoàng Thế Thành nhập khẩu xe máy từ Trung Quốc. Xe máy nhập về đa chủng loại, bắt mắt và giá cả hợp lý. Trung bình mỗi chiếc xe máy tại Angola giá từ 700-1.000 USD. “Có những thời điểm xe máy bán rất chạy. Ở Angola khác Việt Nam ở chỗ, khi người dân mua xe là chỉ việc đi, còn doanh nghiệp phải có trách nhiệm làm tất cả mọi thủ tục giấy tờ, kể cả biển số”, anh Thi tâm sự.
Chúng tôi rất mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác với Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực như y tế, giáo dục, xây dựng, nông nghiệp, chế biến. Đặc biệt là những nhà đầu tư Việt Nam muốn đến làm ăn tại Huambo, chúng tôi luôn luôn mở rộng cửa để chờ đón. Ông Guilermo Julucas-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huambo
Để tạo thêm công ăn việc làm cho công nhân người Việt Nam và Angola, anh Thi cho mở rộng thêm nhiều chi nhánh tại các tỉnh khác của Angola như Lubango, Huambo, Sumbe, Sarimu…
Đa số công nhân Việt Nam được anh Thi nhận vào làm việc chủ yếu là những người biết lắp ráp, sửa chữa xe máy. Họ được anh Thi trả lương trung bình 1.000-1.200 USD/tháng sau khi đã chu cấp chỗ ăn, ở. Không những tạo việc làm cho người Việt Nam, công ty anh Thi còn chiêu nạp đông đảo người bản địa vào công ty nấu ăn, giúp việc, bốc vác, bảo vệ, lái xe.
Trong hành trình xuyên suốt Angola, tôi còn gặp nhiều người Việt Nam trẻ tuổi nhưng có nhiều việc làm sáng tạo. Dù tuổi đời nhiều người chỉ mới ngoài 30 nhưng gia sản của họ đã lên tới hàng triệu đô la. Họ không những tạo công ăn việc làm và thu nhập cao cho nhiều người Việt Nam mà còn góp phần phát triển kinh tế Angola.
Bình luận về người Việt Nam, trong buổi trò chuyện với đoàn nhà báo Việt Nam, ông Guilermo Julucas, Phó chủ tịch tỉnh Huambo cho biết, Angola nói chung và Huambo nói riêng, mọi người Việt Nam đều có thể đặt chân đến bất cứ nơi nào. Họ không phải lo gì đến vấn đề an ninh trật tự. Cơ hội và tiềm năng phát triển rất dồi dào. Người Việt Nam muốn đầu tư và làm ăn, chúng tôi luôn luôn mở rộng cửa để chờ đón.
(Còn nữa)
Theo Phong Cầm
Tiền phong
Mẹ lập kế hoạch cứu con khỏi "động quỷ" từ nửa vòng trái đất
Rất khó khăn để gặp và cùng Thúy trò chuyện, bởi em còn chưa hết sốc sau chuyến đi "xuất khẩu lao động" kinh hoàng trên đất châu Phi.
Phải cần đến mẹ ngồi bên cạnh động viên, vỗ về, cô gái tội nghiệp mới run run trải lòng về cú lừa suýt nữa làm hại cả đời mình. Cũng từ đây, một câu chuyện bi thảm bắt đầu từ ước mộng đổi đời vỡ tan trên xứ người của Thúy bắt đầu được "tua" lại như một thước phim quay chậm.
"Pháo đài phấn son" của người Việt ở châu Phi
Đang học năm cuối cùng tại một trường Cao đẳng ở Hà Tĩnh, nhưng vì gia cảnh nghèo khó, cô sinh viên Nguyễn Thị Thanh Thúy chấp nhận "hy sinh", tạm dừng việc học để sang Angola (một nước ở châu Phi) xuất khẩu lao động. Công việc này bắt đầu tự sự giới thiệu từ một người bạn của mẹ Thúy. Theo thông tin của người này thì vợ chồng ông Nguyễn Hồng Sơn và bà Nguyễn Thị Xuyến (SN 1963) trú xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có một người con gái tên Hương đang làm quán ăn bên đó. Vợ chồng ông Sơn bà Xuyến đã tiếp xúc với gia đình Thúy và cho biết sang đó để chạy bàn trong quán ăn và được trả lương tháng cả ngàn USD. Thúy nhớ lại: "Em càng thêm tin tưởng khi bà Xuyến không những làm hợp đồng thỏa thuận mức lương khởi điểm là 1.000USD/tháng, mà còn chi trả toàn bộ tiền vé máy bay, đồng thời đưa trước 3 triệu đồng tạm ứng". Thế nhưng, cô không hề biết rằng đó là một âm mưu nham hiểm đã được lập sẵn để đưa cô sang làm gái mại dâm ở xứ lạ.
"Tại đây, em và hai cô gái khác sang cùng đợt được đích thân vợ chồng Hương ra sân bay đón tiếp. Sau đó, bốn người được Hương đưa lên chiếc ô tô nhỏ, ngồi trên xe gần hai tiếng họ đến một hàng ăn nhỏ ở Kamama, tại thủ đô Luanda. Vừa đặt chân xuống xe, em thấy có nhiều điều bất ổn vì đó chỉ là một quán ăn nhỏ, có khoảng 4 bàn ăn, một người đầu bếp. Bên trong là năm phòng ngủ, 3 phòng tầng dưới, hai phòng gác lửng", Thúy nhớ lại.
Đang còn mơ hồ suy nghĩ, cô gái bỗng nghe tiếng ai gọi tên mình từ phía sau. Vội quay lại, Thúy bảo em nhận ra đó là Hải (em trai Hương, người đã từng đến nhà Thúy chơi khi về Việt Nam). Hải trước kia vốn đã có tình cảm với Thúy nên khi thấy cô gái ở đây, anh ta liền chạy đến hỏi han rồi nói nhỏ: "Em gọi điện thoại về bàn bạc với mẹ đi, một là đến chỗ anh làm photocoppy, nếu em ở lại đây họ sẽ bắt em phải làm gái (gái mại dâm - PV) đấy". Hải vừa nói đến đó, liền bị chị gái mình la mắng và đuổi đi. Thúy chưa hết bàng hoàng vì những điều mà mình vừa nghe từ Hải thì Hương đã vỗ tay, ra hiệu mọi người tập trung lại "họp".
Trong "cuộc họp kín" đó, lúc đầu Hương như ý định muốn nói điều gì đó, nhưng khi thấy những người mới sang đang mệt mỏi nên thị cho mọi người về phòng nghỉ ngơi. Sáng ngày 11/3, nơi ở của Hương tiếp nhận thêm hai người phụ nữ gốc Quảng Bình. Nhấp ngụm nước lấy lại bình tĩnh, Thúy kể rành rọt: "Đến ngày 12/3, Hương triệu tập cuộc họp mới, rồi hỏi: Bọn bay đã biết công việc cụ thể của mình ở đây chưa? Cả em và những người phụ nữ đi cùng nói là chạy bàn ăn với mức lương 1000USD/tháng. Lúc này, bà ta hiện nguyên hình là một mụ chủ chứa rồi quát to: "Tao bỏ cả khối tiền để lo cho bọn bay sang đây thì bọn mày phải biết làm nghề gì rồi chứ, làm gì có chuyện chạy quán ăn mà lương một tháng hơn nghìn đô. Sang đây, công việc chính của bọn bay là "làm gái" còn việc hàng ăn chỉ là phụ lúc cần. Tất cả phải luôn tươi tỉnh, không được làm mất khách của tao nếu làm không được tao bán sang "động" khác". Chỉ vừa nghe đến đây, em thấy tai mình như ù đi vì sợ hãi. Mặc cho ba người kia im lặng chấp nhận, em khó lóc, van xin bà Xuân và Hương tha cho mình, nếu không em thà chết chứ không tiếp khách. Nhưng mặc cho những lời van xin thảm thiết, mụ chủ chứa vẫn không chút mủi lòng. Trong tuyệt vọng, em chợt nhớ đến mẹ nên lẻn ra ngoài nhắn tin thông báo: "Mẹ ơi! Con bị lừa sang đây làm gái bán dâm rồi, mẹ nghĩ cách cứu con với...".
"Bóc trần" thủ đoạn của "động quỷ" tại Angola
Bằng nhiều kênh thông tin, PV GĐ&XH Cuối tuần đã xác định được "hình hài" hoạt động mại dâm trá hình tại quán cơm của Hương ở Cammama, thủ đô Luanda. Hương sinh năm 1983, sang Angola đã hơn 7 năm. Sau một thời gian đi "phục vụ" quán ăn cho người khác, Hương thuê quán bán hàng ăn và hoạt động mại dâm. Quán ăn của Hương hoạt động rất chặt chẽ. Khách đến quán chủ yếu là người Việt, khi có nhu cầu "mát mẻ", Hương sẽ bố trí ngay tại quán với giá khoảng 1 triệu đồng tiền Việt. Tiền "đi khách" của các cô gái do Hương thu và trả "lương" vào cuối tháng. Chỉ với những cô gái "đắt khách", chấp nhận "hợp tác" ngay từ đầu thì được "bà chủ" ăn chia 50/50. Hương thường xuyên "chỉ đạo" bố mẹ tìm các cô gái ở Hà Tĩnh tuyển "hàng" sang phục vụ quán. Đối tượng nhắm đến là các cô gái có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Hương sẽ lo chi phí để khi sang Angola họ buộc phải nhắm mắt đưa chân.
Kế hoạch giải cứu từ nửa vòng trái đất
Trong căn nhà vừa được sửa lại cách đây không lâu, cô gái vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại những sự việc xảy đến với mình. Lặng người một lát, Thúy hồi tưởng: "Tại Angola, Hương là một chủ chứa rất dữ dằn. Quán ăn trá hình của chị ta chỉ có một đầu bếp, lèo tèo vài chiếc bàn. Khách mỗi khi đến quán lại chui vào phòng kín. Mấy ngày đầu, em thấy chỉ có chị Dung, người đến đây trước vài tháng, tiếp khách ở phòng kín cho khoảng 5- 6 người. Dù chưa bị chủ nhà ép buộc vì sợ em tự tử, em vẫn nơm nớp lo sợ, không biết khi nào sẽ đến lượt mình bị bắt phải làm cái công việc nhơ nhớp này".
Cô kể tiếp: "Đang trong lúc tuyệt vọng, em nhận được tin nhắn từ mẹ báo đã nhờ được người và đang tìm cách cứu em ra. Mẹ dặn em phải cất hộ chiếu cẩn thận, tránh để Hương lấy đi. Đồng thời, em cũng phải làm bộ, cố tình gào khóc, tỏ ra mệt mỏi suốt ngày để kéo dài thời gian chờ cơ hội. Không lâu sau đó, em được biết gia đình và chị gái ở Hà Nội có quen thân với một số người đang làm ăn tại Angola. Một người trong số họ đã chấp nhận giúp giải cứu em". Trong khi đó, từ cách nửa vòng trái đất gia đình Thúy đã nhờ những người bạn thuê một chiếc ô tô túc trực gần khu vực nơi Thúy đang bị giam lỏng. Chỉ cần Thúy có cơ hội ra khỏi quán ăn đó thì họ sẽ đưa lên xe để đến nơi khác trốn.
Thúy cũng cho biết: "Việc trốn chạy không hề dễ dàng, dù các phương thức, thời gian, địa điểm... đã được em cùng gia đình lên kế hoạch thống nhất. Mãi cho đến một buổi trưa ngày 12/3, quán vắng khách và nhân viên cũng đi nghỉ hết. Ăn cơm xong, em ngóng nhìn ra phía cửa thì thấy một chiếc xe khác (không phải chiếc xe vẫn thường đậu như mọi ngày), có hai người đàn ông (một Việt Nam, một Angola - PV) đứng đậu ngay bên đường. Rất nhanh, em nhìn thấy hai người kín đáo làm ký hiệu vẫy em lên xe. Hồi hộp nhìn quanh, thấy Hương quay lưng vào nhà lấy đồ, em đánh liều chạy một mạch lên xe".
Những ngày sau đó tại Angola, Thúy cho biết mụ chủ chứa phái người truy lùng cô gắt gao. Anh T, ân nhân nhận lời cứu em khỏi "động quỷ" cũng nói thật: "Chính anh cũng rất sợ. Thế lực của Hương ở nơi này rất lớn. Nếu chuyện anh cứu em bị lộ, thì chính anh cũng không biết sẽ mất mạng lúc nào". Nghe lời nói này, Thúy càng thêm khủng hoảng. Em tâm sự: "Sau khi chạy trốn một quãng đường dài, anh T. gửi em đến nhà một người bạn. Mấy ngày sống ở đó, em phải giam mình trong nhà, không dám ra ngoài vì sợ bị bắt lại. Suốt tuần lễ sống vật vã giữa nỗi ám ảnh, giữa mệt mỏi thể xác vì không được ăn uống, em như lả người đi".
Trực chờ mãi, đến ngày 18/3, Thúy như "vỡ òa" khi nhận được tấm vé máy bay mẹ xoay sở gửi mua từ trong nước đưa sang cho em trở về. "Đến ngày 19/3, khi cảm thấy an toàn được đảm bảo tuyệt đối, anh T. mới bí mật nhờ người hộ tống em ra sân bay chứ bản thân cũng không dám lộ diện. Tại sân bay, người bạn này của anh T. lại gửi em cho hai người Việt Nam tốt bụng khác qua Angola xuất khẩu lao động giúp đỡ trên đường về. Những chuỗi ngày kinh hoàng nhất trong cuộc đời thế là khép lại. Ngày gặp lại mẹ ở quê, cả gia đình chỉ biết ôm nhau khóc".
Ngồi cạnh mẹ, Thúy cứ ôm chặt lấy mẹ như không muốn rời xa dù chỉ là chút ít. "Em về được đến đây an toàn là điều mà chính em cũng không ngờ tới. Đến tận bây giờ em vẫn bị ám ảnh bởi những lời la mắng của chủ chứa và những hình ảnh trong "động" mại dâm bên đó", Thúy nói. Em cũng tâm sự với chúng tôi là sẽ tiếp tục đến trường để hoàn thành xong chương trình. "Em chỉ ước mong sau này ra trường có công việc ổn định là được, chứ đi nước ngoài thì không bao giờ", Thúy nói với giọng cứng rắn.
Theo Dantri
Thêm một lao động Việt tử vong ở Angola Đi xuất khẩu lao động ở Angola những mong sẽ được đổi đời, nhưng không may, vừa sang làm được hơn 3 tháng, anh Đậu Xuân Nam (1971, trú thôn Hồng Thịnh, xã Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã tử vong do bị sốt rét ác tính. Theo người nhà nạn nhân cho biết, vào khoảng 3 giờ sáng, ngày 18/4, nguồn...