Người Việt lướt Facebook, uống bia top đầu thế giới
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 10 số người truy cập Facebook nhiều nhất thế giới. Việt Nam cũng thuộc top đầu tiêu thụ bia, mì gói hàng đầu thế giới.
Theo trang The Economist, GlobalWebIndex – một công ty nghiên cứu về thị trường đã thực hiện một cuộc khảo sát với 170.000 người tại 32 quốc gia khác nhau để đưa ra những kết luận về tình hình sử dụng internet trên thế giới.
Việt Nam đứng thứ 10 trong số những quốc gia có số người truy cập Facebook nhiều nhất. Cũng theo báo cáo này, có tới 5/10 đất nước “nghiện” Facebook là ở châu Á. Ngoài Việt Nam, các đại diện khác của châu Á trong Top 10 là Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Philippines. Đứng đầu trong bảng xếp hạng này là Mỹ.
Ảnh minh họa.
Theo GlobalWebIndex, sau khi xuất hiện tại Việt Nam, Facebook nhanh chóng thay thế Yahoo hay Blog 360 để trở thành mạng xã hội phổ biến, được rất nhiều người truy cập mỗi ngày. Thậm chí, nhiều người Việt đang sống trong tình trạng “ăn” Facebook, “ngủ” Facebook, “sống ảo” với Facebook. Họ biến thành một con người hoàn toàn khác trên Facebook và tần suất đăng nhập Facebook là gần như 24/24.
Uống bia, ăn mì tôm thuộc top thế giới
Không chỉ có Facebook, Việt Nam cũng lọt top hàng đầu thế giới về uống bia, ăn mì tôm,…
Dù kinh tế suy thoái, GDP giảm sút, ngành bia vẫn tăng trưởng đều đặn với mức 10%/năm và người Việt càng ngày uống bia càng nhiều, luôn nằm trong top 25 nước uống bia khủng khiếp nhất thế giới, thứ 3 của châu Á, và nhiều năm liên tục dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Video đang HOT
VN hiện là quốc gia dẫn đầu ASEAN về tiêu thụ bia
Trước đó, theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp sản xuất bia Việt Nam, năm 2012 cả nước tiêu thụ gần 3 tỷ lít bia, quy ra tiền là khoảng 3 tỷ USD.
Sản phẩm bia được tiêu thụ nhiều nhất thuộc các nhãn hiệu bia nổi tiếng thế giới: “Chỉ trong năm 2010 người Việt đã uống hơn 200 triệu lít bia nhãn hiệu H., chỉ sau Mỹ, Pháp trong danh sách 170 thị trường trên thế giới mà dòng bia này có mặt”.
Không chỉ vậy, Việt Nam cũng lot top nước ăn thịt chó nhiều nhất thế giới với 5 triệu con chó/năm.
Trong khi đó, tiêu thụ mì gói của Việt Nam cũng thuộc hàng top trên thế giới. Báo cáo của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới tại Nhật Bản (WINA) đưa ra hồi giữa năm 2013 cho thấy, Việt Nam tiêu thụ mì đứng thứ tư với hơn 5 tỷ gói mỗi năm.
Việt Nam hiện có khoảng 50 doanh nghiệp mì ăn liền, sản xuất gần 50 tỷ gói một năm, theo thống kê của Bộ Công Thương tháng 7/2012. Việt Nam cũng là nước tiêu thụ mì hàng đầu châu Á với số lượng 1 – 3 gói một người mỗi tuần.
Trong khi tốc độ tiêu thụ bia tăng phi mã theo mỗi năm thì thu nhập bình quân của chúng ta chỉ xếp thứ 8/11 trong khu vực ASEAN, xấp xỉ 2.000 USD/năm.
Đặc biệt, năng suất lao động của VN theo công bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hiện đang ở mức thấp so với các nước ASEAN – 6 (các nước phát triển hơn trong ASEAN) và ở vị trí chót bảng so với các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chỉ bằng 1/5 lao động Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore.
Người Việt thích kiếm tiền nhưng không chăm chỉ
Trước đó, nhận xét về người Việt, ông Ito Junichi, CEO công ty World Link Japan Inc cho biết, người lao động Việt Nam ngày nay thích kiếm tiền nhưng lại không chăm chỉ.
Cùng xuất phát điểm là những đất nước bước ra từ chiến tranh với vô vàn khó khăn trong công cuộc hàn gắn vết thương do bom đạn, dựng xây đất nước, với những người dân cần lao, chăm chỉ.
Ông Ito Junichi cho biết: “Khi tôi mới đến VN 20 năm trước, tôi thấy người VN cũng rất chăm chỉ như người Nhật”.
Thế nhưng chỉ sau đó ít năm: “Nhưng giờ thì tôi không còn cảm thấy điều đó nữa. Giờ tôi thấy người VN thích kiếm tiền nhưng không còn chăm chỉ như 20 năm trước nữa.”
“Một điều có thể thấy là người Việt Nam thường coi thường những người lao động chân tay như thợ hàn, công nhân lao động, công nhân xí nghiệp. Nhiều người trẻ chỉ thích làm trong những văn phòng tiện lợi, nhà có điều hòa.”
Khác với nước Nhật: “Ở Tokyo, trường đại học nổi tiếng nhất là Đại học Tokyo. Nhưng các sinh viên ở trường này nếu có đến làm cho công ty tàu hỏa của thành phố thì việc đầu tiên họ phải làm là dọn dẹp nhà vệ sinh, cắt vé. Họ phải học lao động bằng chân tay. Họ phải trải qua mọi việc từ dưới lên trên trước khi muốn trở thành sếp. Theo tôi, việc người trẻ không tôn trọng những người lao động chân tay là khuyết điểm rất lớn của xã hội”.
Trong khi đó, ở Việt Nam người trẻ lại coi thường lao động chân tay, nhiều công ty Nhật muốn nhân viên ra xí nghiệp chỉ dẫn cho công nhân nhưng nhân viên trẻ VN không muốn làm việc đó. Còn người Nhật thì họ trân trọng những người làm ra cái thìa, cái kính bởi họ có kĩ năng.
Theo Báo Đất Việt
Đám tang lặng lẽ của gia đình người nhặt rác bị chết cóng
Chỉ vì không có tiền mua áo ấm, một thanh niên nhặt rác đã bị chết cóng trong căn nhà hoang. Đám tang cũng được tổ chức một cách lặng lẽ như chính sự ra đi của anh.
Bà Thu bên di ảnh của con trai.
Sáng 15/1, trong cái lạnh 15 độ C, cùng với người thân, bà con láng giềng cũng đến chung tay lo hậu sự cho anh Mai Văn Tý (30 tuổi, ở thôn Trường Thọ Tây, thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Anh Tý ra TP.Đà Nẵng kiếm sống bằng nghề nhặt ve chai và bị chết lạnh vì không có tiền mua áo ấm vào đêm 14/1 tại một căn nhà hoang. Theo lời người thân, Tý là con trai độc nhất của bà Mai Thị Thu (50 tuổi) và ông Trương Văn Bửu. Ông Bửu trước đây là nhân viên thú y ở hợp tác xã nông nghiệp Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh.
Vì bà Thu có biểu hiện bệnh tâm thần nên ông Bửu bỏ đi lấy người khác. Không một lời oán trách, bà Thu ở vậy để nuôi con. Năm lên 12 tuổi, vì gia cảnh khốn khó, anh Tý rời quê vào phía Nam để kiếm sống. Hơn 10 năm không liên lạc về nhà nên người thân tưởng anh Tý đã chết. Cách đây khoảng 9 năm, Tý đột ngột trở về nhà trong sự mừng tủi của mẹ già, bà ngoại nhưng chỉ được ít lâu thì vào Sài Gòn mưu sinh trở lại. "Khoảng 3 tháng trước, sau khi trở về và trả tiền điện khoảng 500.000 đồng, Tý đưa cho tôi 500.000 đồng rồi nói con ra Đà Nẵng để làm kiếm tiền về lo Tết cho gia đình. Giờ thì Tết vẫn chưa đến mà nó đã vội bỏ đi rồi...", cụ Dương Thị Xuân (70 tuổi), bà ngoại của anh Tý, nghẹn ngào.
Mẹ và bà ngoại của anh Tý.
Trước đó, vào sáng 14/1, người dân ở gần khu vực tập kết rác (đường Ngô Gia Tự, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng), phát hiện anh Tý tử vong trong căn nhà hoang. Qua khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng xác định do không mặc đủ ấm nên nạn nhân bị chết cóng. Người dân xung quanh cho biết anh Tý rất hiền lành, thấy ai cũng chào hỏi. Khi mọi người cho tiền thì anh điều trả lại. Đến tối 14/1, sau khi nhận được tin báo, gia đình đã đưa thi thể nạn nhân về quê mai táng. Theo chính quyền địa phương, gia đình anh Tý thuộc hộ nghèo.
Căn nhà dột nát của bà Thu.
Theo Xahoi