Người Việt đang tự đầu độc nhau (Bài 3)
Nhiều khảo sát quốc tế uy tín cho thấy người Việt có vẻ ham “nhậu nhẹt” bậc nhất năm châu bốn bể, đặc biệt là giới trẻ.
Theo Liên minh Bảo vệ Chó châu Á (ACPA), mỗi năm Việt Nam xẻ thịt 5 triệu chú chó, đứng ở một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về ăn thịt chó. Còn tổ chức nghiên cứu thị trường Eurowatch thì thống kê năm 2012, Việt Nam đã tiêu thụ 3 tỉ lít bia (tương đương 3 tỉ USD) với mức bình quân 32 lít/người/năm, xếp thứ nhất khu vực ASEAN, thứ 3 châu Á và nằm trong số 25 nước uống bia rượu nhất thế giới.
“Bợm” rượu
Vào giờ cơm trưa hay sau giờ tan tầm, vòng quanh bất kỳ quán bia nào ở đất kinh kỳ này cũng thấy người chật như nêm. Như quán bia hơi Hải “xồm”, Lan “chín”… nằm ở đường Giảng Võ, Tăng Bạt Hổ… hai quán rượu được dân “xỉn” chuyên nghiệp ngồi “rách cả đũng quần” theo cách nói vui của họ ở Lê Văn Hưu lúc nào cũng… hết ghế. Ngoài việc gặp gỡ để hàn huyên, để thương thuyết, kết thúc những thương vụ… thì họ được uống cho thỏa chí… tang bồng cùng men say. Trong số ấy, giới trẻ, tuổi từ 22-40 phải chiếm 1/2.
Anh Nguyễn Đức Kiên, kế toán viên của một doanh nghiệp ở Hà Nội, năm nay mới 25 tuổi nhưng đã “nghiền” bia rượu đến độ được bạn bè đặt cho một biệt hiệu không “hổ danh” chút nào là “Kiên bợm” (bợm rượu, bia). Buổi sáng, khi dạ dày còn đang rỗng, Kiên “bợm” đã uống ít là vài chén, nhiều là nửa cút (1/4l) để “xúc miệng”. Đến trưa, “sống chết” Kiên cũng phải làm “mát lòng mát dạ” bằng 2 chai bia, mặc cho công ty có quy định cấm uống bia, rượu buổi trưa, mặc cho giờ làm việc có thể bắt đầu ngay khi bữa cơm của Kiên kết thúc. Còn đến chiều, đây mới là thời gian “đã đời” để Kiên “sống” thật với “ma men” trong người mình. Từ xẩm tối đến khuya Kiên có thể ngồi nhậu hết cốc bia này đến cốc bia khác với “mồi” nhậu có khi chỉ là lạc luộc, nem chua, có khi là nem Phùng, cá chỉ vàng nướng… Có lần đám bạn nhậu đã đếm số bia Kiên uống lên tới 30 cốc và những lần như vậy là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Một bệnh nhân ngộ độc rượu methanol
Kiên tâm sự thật với bạn bè, toàn bộ tiền lương Kiên đều “cống nạp” hết cho chủ quán đến nỗi chủ quán bia “cỏ” ở phố Cửa Bắc, nơi Kiên còn coi hơn là nhà do thời gian chủ yếu sau một ngày làm việc Kiên đều ở đây nói vui, nếu mở “hội nghị khách hàng” thì Kiên sẽ là người đầu tiên mời đến dự. Kinh nhất là có lần, đi nhậu ở quán rượu nổi tiếng ở phố Lê Văn Hưu, Kiên cùng đám bạn nhậu khoảng 4 người, uống từ sáng đến tối hết hơn chục lít rượu nên lúc về ai nấy đều nhũn như sợi bún. Thậm chí Kiên còn không biết đang đi đâu về đâu. Chỉ biết sáng hôm sau tỉnh dậy, nghe người nhà kể lại có người đi đường dùng điện thoại của Kiên gọi đúng vào số ở nhà báo tin anh bị ngã bầm dập cả mặt rồi ngủ gục luôn bên đường không biết gì với chiếc xe đổ kềnh ra đường. Người nhà phải đến chở Kiên về.
Người uống rượu hay rượu “uống” người?
Không chỉ Kiên mà nhiều người dù ít tuổi nhưng đã biến mình thành “ma men”, để cho rượu “uống” mình chứ không phải mình uống rượu. Lưu Thành Việt, công nhân của một xưởng in ở bãi An Dương, Hà Nội, chưa đầy 25 tuổi mà cũng đã trở thành bậc “anh hùng” trong thế giới của người “3 say chưa chai” (3 chai chưa say). Thành có một sở thích uống rượu ngâm, dù ngâm gì cũng được từ tay gấu, thuốc bắc đến mơ, ong… và đã uống là phải say, thậm chí say như mình được… ngâm trong rượu mới… sướng! “Thành tích” của Thành là uống 1-2 lít mỗi lần. Thế nên lúc nào thấy Thành là thấy bộ dạng “ngây ngây”, hơi thở nồng nặc mùi rượu, ngay cả lúc làm việc. Đã nhiều lần chủ xưởng in nơi Thành làm việc cảnh báo nếu cứ trong tình trạng này, ông sẽ đuổi việc.
Nhưng khổ nỗi, lời ông nói chẳng giá trị gì, thậm chí như “nước đổ lá khoai”. Vì Thành biết, ông chủ mang ơn bố Thành, do đó sẽ không dám đuổi. Có lần, ông còn phải dìu Thành từ chỗ nhậu nhẹt về xưởng vì “chân nam đá chân chiêu”, Thành ngã luôn xuống cống, quần áo bốc mùi hôi thối, mặt mũi lem nhem bùn bẩn. Rất bực nhưng ông chẳng làm gì được. Với ham thích nhậu nhẹt như vậy, với thời gian say hơn tỉnh như vậy, đương nhiên Thành không bao giờ làm đủ công để hưởng đủ lương. Chí tiến thủ để có một tương lại xán lạn hơn lại càng không có. Cuộc sống của Thành cứ trôi đi trong chất men say, trong tình trạng rỗng túi vì mua rượu… Chưa kể đến Thành đã có dấu hiệu loạn thần vì rượu!
Video đang HOT
Những con số biết nói
Theo nghiên cứu của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam về tình trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam và những hành vi lệch chuẩn do rượu, bia mang lại tại TP Hồ Chí Minh, có đến 50,4% người được điều tra nói dối để được uống rượu, bia, gần 30% vay tiền để được uống, 23% người có sức khỏe không tốt vẫn duy trì thói quen uống rượu, bia, xấp xỉ 25% người cố tình uống rượu khi bị người khác ngăn cấm. Cũng theo nghiên cứu này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho thấy, có 40% người có dấu hiệu nghiện, 38% người sử dụng rượu bia đều đặn, người lệ thuộc hoàn toàn vào rượu bia là 4%.
Trước tình trạng tiêu thụ rượu bia của Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định: Việt Nam là một trong số hiếm các quốc gia có xu hướng tăng nhanh về tiêu thụ bình quân rượu bia/người/năm. Trong khi trên thế giới lại có xu hướng ngược lại suốt chục năm qua. Trong đó, WHO đặc biệt nhấn mạnh tiêu thụ rượu bia bình quân của những người từ 15 tuổi trở lên (quy đổi thành rượu nguyên chất) đã tăng từ 1,35l năm 2001 lên 3,3l năm 2007, 3,54l năm 2008 và 4l vào năm 2010. Với đà “tăng trưởng” này, dự báo đến năm 2015-2025, mức tiêu thụ rượu bia nguyên chất bình quân với đối tượng từ 15 tuổi trở lên sẽ tăng 7l/người/năm, cao hơn mức trung bình của thế giới hiện tại 6,13l.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nhận định với báo giới, nguyên nhân dẫn đến “nghiền” rượu bia của người Việt là do thói quen “mọi vấn đề đều được giải quyết trên bàn tiệc” dẫn đến ăn sâu vào tiềm thức trở thành “nếp” sống của họ. Dẫu vui hay buồn thì họ đều dùng rượu bia làm “công cụ” để giải tỏa. Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân này thì có một nguyên nhân nữa không thể không đề cập đến là tính lười nhác của người Việt, nhất là giới trẻ hiện nay. Tính cách này nhiều nhà giáo dục, xã hội cho rằng do điều kiện kinh tế phát triển hơn trước, do đặc tính giáo dục thiên về kiến thức hơn là lao động, sự phát triển công nghệ… đã làm cho chí tiến thủ, khả năng lao động của lớp trẻ lười nhác hơn, “chuyên tâm” với những hưởng thụ hơn, trong đó có rượu bia. Và chính điều đó đã làm cho năng lượng sống của họ suy giảm.
Có câu” đa tửu bại tâm”, những người nghiện rượu bia ảnh hưởng đầu tiên bao giờ cũng là thần kinh trung ương. Tiếp đó là đến gan, thận. Các nhà khoa học đã tính, khi trong 100g máu có 0,52ml rượu nguyên chất thì trong não có 0,41ml, thận có 0,39 ml, cơ bắp có 0,33ml. Với lượng “tửu” ấy, cồn đã tác động mạnh đến hệ thần kinh làm cho góc nhìn bị thu hẹp, thời gian phản ứng chậm đi, giảm trí nhớ, loạn thần. Bởi theo nghiên cứu, chỉ uống 100ml rượu vang, thần kinh đã bị tác động, đặc biệt là não. Nếu uống 50g cồn hằng ngày, sẽ để lại tác động vĩnh viễn với hệ thần kinh. Ước lượng, uống 1 cốc bia, khoảng 100 nghìn tế bào não sẽ bị giết chết. Trong tình trạng say rượu thì số tế bào bị giết còn lên tới 10 triệu. Còn bệnh gan, theo một thống kê, 1/3 số người uống rượu sẽ bị viêm gan; 9-25% tiến triển sang xơ gan. Cùng với đó là bệnh gút, suy thận… Đó là chưa nói đến nếu rượu được sản xuất từ cồn công nghiệp hay chất methanol thì người uống rượu còn nhanh… xuống mồ nữa, “đốt cháy giai đoạn” bệnh tật như một số trường hợp tử vong vừa rồi.
WHO khuyến cáo: Để giảm thiểu hậu quả của sử dụng rượu bia đối với sức khỏe ở mức thấp nhất, nam giới chỉ nên dung nạp không quá 2 đơn vị rượu/ngày và nữ không quá 1 đơn vị rượu/ngày. Trong đó 1 đơn vị rượu tương đương 1 chai bia 330ml hoặc 1 chén rượu mạnh> 40 độ (30ml) hoặc 1 ly rượu vang 150ml.
Theo Nguyễn Bách
Petrotimes
Sợ lây sởi, bệnh nhi nằm tràn hành lang bệnh viện
Chưa năm nào, lượng bệnh nhi phải nhập viện điều trị vì biến chứng sởi lại "kỉ lục" như năm nay. Tại bệnh viện, nhiều trẻ mắc bệnh lý hô hấp phải "rạt" ra hành lang vì sợ lây sởi. Người có việc vào viện cũng nơm nớp lo "rước" sởi về nhà.
Tràn ra nằm hành lang vì sợ sởi
Bệnh nhân mắc bệnh lý hô hấp, viêm phổi "rạt" hết ra hàng lang bệnh viện nằm vì sợ lây sởi.
Ôm cô con gái N.N.M.Anh (3,5 tháng tuổi) ngồi ở hàng lang khoa Nhi (BV Bạch Mai), chị Minh cho biết, mẹ con chị đã mua chiếu, chuyển ra hàng lang bệnh viện ngay từ đêm đầu tiên nhập viện (7/4).
"Phòng đông nghịt bệnh nhân, 4 - 5 cháu một giường. Rồi toàn các bệnh nhi phát ban, sởi. Mình sợ lây cho con quá, đành ra hành lang nằm dù trong phòng bé được xếp chung giường với 3 bệnh nhi khác. Đọc thông tin thấy nhiều trẻ dưới 9 tháng chưa tiêm phòng đã mắc sởi, mình lo lắng lắm, cố gắng giữ gìn cho con. Cũng may trời ấm nên đêm không mấy lạnh. Bé đang viêm phổi, điều trị xong lại dính sởi thì đến chết", chị Minh nói.
Bà nội của bé Anh chia sẻ thêm, ở ngoài hành lang thì thoáng nhưng lại nhiều muỗi. Cả đêm hai mẹ con phải thay phiên nhau quạt muỗi cho cháu, vì không thể mắc màn. Nhưng ở ngoài này còn hơn, chứ trong phòng, chỉ sợ cháu lây sởi, lây nhiễm bệnh về đường tiêu hóa.
Ngay bên cạnh, bé N.V.T (16 tháng tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) nằm sấp xuống chiếu để mẹ vỗ lưng.
Cậu bé N.V.T vào viện điều trị viêm phổi, cũng được xếp giường, nhưng vì sợ lây sởi, hai mẹ con đã ra hàng lang nằm.
Không chỉ bệnh nhi lo mắc sởi, mà người vào viện cũng lo lắng về nguy cơ lây bệnh mang về cho con. Một phóng viên chuyên theo dõi mảng y tế cho biết, vì là phóng viên y tế, vào bệnh viện nhiều thành quen, bản thân không sợ lây bệnh. Nhưng mới đây khi vào quay quá tải bệnh nhân sởi, có một thợ quay phim đã từ chối không hợp tác vì sợ vào bệnh viện mang "con vi rút sởi" về nhà.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết, chưa bao giờ khoa Nhi lại quá tải trầm trọng như hiện nay. Khoa chỉ có 60 giường bệnh (kể cả tự nguyện), nhưng số trẻ nằm nội trú thời gian gần đây luôn ở mức cao 100-140 trẻ. Vì thế, thường xuyên có cảnh 4-5 bé một giường, đợt cao điểm con số này là 7. Khu vực chơi cho trẻ cũng đã được tạm thời trưng dụng làm Phòng lưu trú bệnh nhân.
"Người nhà bệnh nhân, bệnh nhân nằm tràn ra hành lang, trước phòng bác sĩ... nhưng cũng may là còn hành lang để nằm, bởi bệnh nhân thì quá đông mà không thể từ chối điều trị, do đại đa số bệnh nhân phải nhập viện đều ở trong tình trạng nặng. Có những thời điểm, hết cả dây dẫn ôxy cho bệnh nhân. Một cọc vào ôxy lẽ ra dùng cho một người bệnh nay phải nối thêm ống dây cho trẻ khác thở. 7 máy thở lúc nào cũng trong tình trạng chạy hết công suất", TS Dũng nói.
Trước tình trạng quá tải trầm trọng tại khoa Nhi, sáng 8/4, Ban GĐ BV Bạch Mai cũng đã có cuộc họp "nóng" với khoa. Theo đó, BV Bạch Mai sẽ tăng cường thêm cho khoa Nhi hệ thống thở oxy, sẵn sàng đáp ứng thêm ngay máy thở khi khoa Nhi có đề nghị.
Không riêng gì khoa Nhi mà tại BV Nhi T.Ư cũng quá tải trầm trọng, vượt trên 130%, bệnh nhân cũng phải nằm ghép 3 - 4 người/giường. Hay như tại các bệnh viện của Hà Nội, như BV Xanh pôn, khoa Nhi có khoảng 120 giường nhưng luôn có khoảng 400 bệnh nhân nhi; BV Thanh Nhàn 50 giường có 163 bệnh nhân...
"Kiện" bệnh viện vì con mắc sởi!
PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi cho biết, tại đây chưa bao giờ, số lượng bệnh nhân nặng do biến chứng sởi được chuyển đến lại nhiều như thời điểm suốt 2 tháng trở lại đây. BV Nhi TƯ đã dành riêng khoa Truyền nhiễm cho điều trị bệnh nhân sởi mà số giường bệnh vẫn không xuể, hơn 200 bệnh nhân biến chứng viêm phổi nặng do sởi vẫn phải nằm ghép 3-4 bệnh nhân một giường.
Bệnh viện cũng vừa phải giải quyết đơn kiện đòi bồi thường của gia đình cháu bé 13 tháng tuổi (ở Vĩnh Phúc), tử vong vì bệnh sởi sau khi điều trị bệnh viêm phổi tại bệnh viện. Trước đó, cháu bé 13 tháng tuổi trên được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị bệnh sởi, tuy nhiên do biến chứng nặng nên cháu đã tử vong sau ít ngày nhập viện.
Theo bác sĩ Trần Văn Học, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Nhi Trung ương, gia đình có viết đơn đòi bệnh viện bồi thường với ly do cháu bị nhiễm sởi khi điều trị bệnh viêm phổi trước đó tại bệnh viện dẫn đến tử vong. Bác sĩ Học cho rằng, nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh trong bệnh viện là có thể xảy ra và đã nhiều lần được khuyến cáo. Với trường hợp của cháu bé 13 tháng, rất khó khẳng định bị lây từ bệnh viện hay cộng đồng vì nhiều trẻ tại gia đình cũng bị sởi.
Trước những thông tin lo ngại nhiều bệnh nhân nhiễm sởi trong bệnh viện, PGS Dũng cho rằng: "Không thể khẳng định lây nhiễm sởi trong bệnh viện. Bởi khi bệnh nhân đến bệnh viện khám với biểu hiện sốt và phát ban thì nghĩa là virus sởi đã ủ bệnh từ trước đó 1 đến 3 tuần. Thậm chí nhiều trẻ nhỏ vài ngày tuổi chỉ chăm sóc tại nhà nhưng vẫn mắc sởi, Tại khoa cũng đã từng tiếp nhận bệnh nhi 24 ngày tuổi mắc sởi. Vì thế, tại BV cha mẹ không nên quá lo lắng về nguy cơ trẻ vào viện bị lây sởi. Thực tế khi sởi đã phát ban thì tỷ lệ lây rất ít, giai đoạn lây mạnh nhất là thời kỳ ủ bệnh", TS Dũng nói
Ths.Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, tình trạng quá tải đang rất trầm trọng, có những đêm một bác sĩ trực phải khám hàng trăm bệnh nhân. "Bệnh nhân nào khi đến viện cũng đòi hỏi sự chăm sóc tốt nhất, nhanh nhất, trong khi bệnh nhân quá tải khiến bác sĩ cũng bị tăng thêm áp lực. Nhưng chúng tôi cũng hi vọng, bệnh nhân sẽ hiểu và thông cảm để bác sĩ yên tâm làm công tác chuyên môn, tập trung khám, cấp cứu những bệnh nhân nặng. Tuy làm việc rất căng thẳng, nhưng các bác sĩ luôn với tinh thần làm việc, chăm sóc bệnh nhân hết mình, người bệnh xếp hàng khám bệnh theo đúng trình tự, theo hướng dẫn cũng là một sự cộng tác với các y bác sĩ. Công tác chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện cũng được tăng cường" - BS Nam chia sẻ.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến vừa chỉ đạo Bệnh viện Nhi Trung ương trước mắt tập trung tối đa nguồn lực điều trị cho các bệnh nhi nặng; tăng cường nhân lực tại phòng khám để sàng lọc, phân loại bệnh nhi, chuyển trường hợp nhẹ về tuyến dưới; sử dụng giường bệnh của các khoa không quá tải để tập trung điều trị bệnh nhi thuộc các khoa quá tải...
Thứ trưởng cũng giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm đầu mối chỉ đạo thực hiện quy định về chuyển tuyến hợp lý, quán triệt thực hiện vận chuyển bệnh nhân an toàn... Nếu bệnh nhân yêu cầu chuyển lên tuyến trên thì phải có hướng dẫn và tư vấn hợp lý. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện tuyến trung ương cần tăng cường thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, khảo sát đánh giá thực trạng tuyến dưới và thực hiện hoạt động hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nâng cao năng lực tuyến dưới.
Các Bệnh viện Bạch Mai, E, Nhiệt đới Trung ương sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ điều trị bệnh nhân nặng khi cần thiết. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương nghiên cứu để kết luận về tình trạng bệnh sởi hiện nay
Bài và ảnh: Hồng Hải
Theo Dantri
Dòng sông ngầm trên núi Hang Chùa Trên Núi Hang Chùa, thuộc xóm Á Đồng, xã Yên Trị, huyệnYên Thuỷ, tỉnh Hòa Bình, các nhà khảo cổ phát hiện dấu tích của nền "Văn hóa Hòa Bình". Trên núi Hang Chùa còn mang nhiều điều huyền bí về căn hầm thời chiến và dòng sông ngầm không bao giờ cạn... Nơi lưu giữ vết tích nền "Văn hóa Hòa Bình"...