Người Việt có lười lao động?
Năng suất lao động của Việt Nam luôn ở mức thấp và có xu hướng giảm dần. Liệu có phải người Việt lười lao động?
Các chuyên gia nhận định, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần đưa ra các chính sách nhằm cải thiện năng suất lao động, như tăng đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp sang công nghiệp, hỗ trợ sáng kiến cải tiến tại nơi làm việc, đặc biệt ở doanh nghiệp vừa và nhỏ, và thúc đẩy hệ thống giáo dục đào tạo.
Cần đánh giá toàn diện
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 2012, năng suất lao động ở Việt Nam dừng ở mức hơn 6.800 USD, nằm trong nhóm thấp nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Năng suất lao động ở các nền kinh tế công nghiệp cao hơn đáng kể. Năng suất của Singapore cao gấp gần 15 lần so với Việt Nam, 11 lần so với Nhật Bản và gần 10 lần so với Hàn Quốc. Ngay cả trong nhóm các nước thu nhập trung bình của ASEAN cũng có sự chênh lệch đáng kể. Ví dụ, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan.
Một xu hướng đáng chú ý là năng suất lao động của Việt Nam đang giảm. Trong giai đoạn 2002-2007, năng suất của Việt Nam tăng trung bình 5,2%/năm, đạt tốc độ nhanh nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, năng suất hàng năm của VN chỉ tăng ở mức khiêm tốn 3,3%.
Năng suất lao động Việt Nam chỉ hơn Campuchia và Bangladesh trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương
Nhận định về báo cáo năng suất lao động của các nước Châu Á-Thái Bình Dương của ILO, trong đó Việt Nam chỉ xếp thứ 3 theo thứ tự từ thấp lên cao, hơn Bangladesh và Campuchia, nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt tỏ vẻ không đồng tình bởi ông cho rằng ILO mới xét năng suất lao động dựa trên sức mua và tăng trưởng GDP.
“Nếu xét trong lĩnh vực nông nghiệp thì rõ ràng năng suất người nông dân Việt Nam tạo ra đâu có thua kém nước nào. Chúng ta đang từ một nước phải nhờ viện trợ lương thực đã trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng nhất, nhì thế giới. Xét về lĩnh vực công nghiệp thì nước ta vẫn là nước đang phát triển, chưa trở thành một nước công nghiệp nên nhìn chung năng suất lao động vẫn thấp là điều dễ hiểu” ông Bạt nói.
Theo ông Bạt, khả năng làm việc và làm việc tốt của người Việt là không thể phủ nhận, “Tôi đã từng tham quan những tập đoàn lớn hay những trường đại học danh tiếng trên thế giới, đều tận mắt chứng kiến người Việt ta được đánh giá cao như thế nào”.
Từ đây, ông Bạt nhận định, để đánh giá chính xác năng suất lao động của một nước cần có cái nhìn toàn diện về thể chế chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục của nước đó. “Xét trên tổng thể vẫn là một nước chậm phát triển thì việc duy trì năng suất lao động thấp là điều đương nhiên” ông Bạt nói.
Không thể đổ năng suất thấp cho người lao động
Video đang HOT
Ông Mai Đức Chính, Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng khẳng định nói năng suất lao động Việt Nam thấp không phải chỉ do yếu tố con người quyết định.
“Thực ra yếu tố con người chỉ là một phần, trong đó, phải kể đến vấn sức khỏe và tác phong công nghiệp của người lao động Việt vẫn còn hạn chế. Hôm qua còn là người nông dân, hôm nay đã trở thành công nhân.
Dẫu vậy chúng ta cũng không thể đổ lỗi hết cho người lao động. Tại sao cũng là người lao động Việt khi sang làm việc tại nước ngoài lại thường được chủ sử dụng lao động đánh giá cao hơn? Rõ ràng yếu tố môi trường tác động rất lớn, làm việc ở 2 điều kiện khác nhau sẽ cho ra kết quả năng suất khác nhau …”, ông Chính nói.
Môi trường, điều kiện làm việc ảnh hưởng tới năng suất lao động
Theo ông Mai Đức Chính, có rất nhiều tác nhân ảnh hưởng tới năng suất lao động, trong đó bao gồm môi trường làm việc; yếu tố công nghệ; giáo dục đào tạo tay nghề cho người lao động… Ngoài ra, một yếu tố không thể thiếu đó là việc kích thích từ động lực làm việc. “Hiện nay, thay vì nên trả lương theo hình thức khoán sản phẩm thì hầu hết DN vẫn trả lương theo thời gian, dù anh có làm tốt bao nhiêu cũng như anh làm việc bình thường. DN trả lương không cần biết năng suất bao nhiêu, chỉ cần làm đủ 8 tiếng, chính vì thế mới có câu chuyện chủ sử dụng lao động luôn muốn tận dụng tối đa thời gian làm việc, thậm chí hạn chế cả thời gian đi vệ sinh của công nhân…”.
Kinh nghiệm của Nhật Bản, cho thấy, hiệu quả của chính sách tăng năng suất của công đoàn nước này nằm ở chỗ: lợi nhuận từ kết quả tăng năng suất lao động sẽ được công khai minh bạch, để chia cả cho người lao động… “Tại Việt Nam lại khác, DN lại dùng “quả” tù mù để trốn thuế nhà nước, có lãi ông cũng kêu lỗ, người lao động đâu có biết thành quả người ta làm được ra sao!?”, ông Chính nói.
Từ thực tế trên, ông Mai Đức Chính khẳng định, suy cho cùng vấn đề tăng năng suất thuộc về trách nhiệm quản lý vĩ mô
“Chỉ xét riêng về công tác giáo dục đào tạo, tính tới thời điểm này, nước ta mới chỉ có hơn 30% lao động trải qua đào tạo thì làm sao có thể thực hiện mục tiêu tới năm 2020 sẽ trở thành một nước công nghiệp?”, ông Chính nói.
Theo 24h
Lý giải thói ăn chơi đầu năm của người Việt
Người Việt dành cả tháng giêng để ăn chơi, lỡ có kéo dài sang cả tháng hai, tháng ba cũng không vấn đề gì...
Thói quen ăn chơi dông dài của người Việt lâu nay đã kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.
Vin vào tập tính để lấy cớ
Bàn về câu ca "Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè...", GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, nhận định đó là thói quen không còn phù hợp với xã hội hiện đại, nhưng vẫn đang kéo dài trở thành thói xấu của người Việt.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa, cơ chế nghỉ ngơi trên xuất phát từ phương thức sản xuất của xã hội nông nghiệp có từ ngàn năm trước. Trước kia người nông dân chỉ sản xuất 1 vụ, thời kỳ nông nhàn vì vậy cũng kéo dài. Đặc thù này đã quy định luôn nhịp hoạt động sinh học của con người từ thế hệ này sang thế hệ khác để lại như một thứ gene di truyền, thấm vào mỗi người thành tập tính khó thay đổi.
Chơi xuân trong những tháng đầu năm đã trở thành tập tính khó đổi của người Việt (ảnh minh họa)
" Xưa kia, các cụ cho rằng tháng giêng là tháng ăn chơi, có kéo dài sang tháng hai, tháng ba cũng không hề gì vì nó đâu có ảnh hưởng tới sản xuất. Với nghề nông, người dân quan niệm, chậm một chút hay nhanh hơn một chút cũng không sao. Nếp suy nghĩ đó tạo hệ lụy khiến con người có ý thức tùy tiện, không có tính chuyên nghiệp trong lao động", GS Thịnh nói.
Từ đây, GS Thịnh đưa ra so sánh: Trong khi xã hội công nghiệp người ta quý trọng từng giờ, từng phút thì người lao động mình vẫn cho phép "giờ cao su", tới công ty chậm 1, 2 ngày, thậm chí chậm cả tuần để chơi xuân nơi quê nhà... Đối với cán bộ công chức, trong tác phong làm việc cũng xuất hiện quan niệm "chậm một chút chẳng chết ai"
"Đành rằng tập tính có từ ngàn xưa song khi đã bước vào phương thức sản xuất khác, điều kiện khác thì con người buộc phải thay đổi để thích ứng. Thái Lan cũng từng xuất thân từ nước nông nghiệp nhưng họ khắc phục được tập tính này nhanh hơn chúng ta rất nhiều.
Bất chấp quy định cấm, xe công vẫn xếp hàng tại lễ hội Yên tử (Ảnh Infonet)
Nhìn ra được điểm yếu là quan trọng, chỉ sợ người ta không chịu sửa hoặc chậm khắc phục, vin vào tập tính lấy cớ để cố duy trì, nên dễ dàng xuề xòa cho nhau.", GS Thịnh nói.
Người thừa, ăn chơi cũng chẳng sao
Xét về khía cạnh kinh tế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Việc cho Nghỉ tết dài ngày là sự cải cách linh hoạt theo hướng tích cực được người lao động hoan nghênh, xã hội ủng hộ. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp tăng thêm doanh thu từ các hoạt động kinh tế dịch vụ xã hội trong bối cảnh kinh tế èo uột.
Bảng biểu năng suất lao động của một số nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Phong cũng không phủ nhận mặt trái khi thói quen "ăn chơi dông dài" truyền thống của người Việt đã trở thành hệ lụy xã hội.
Dẫn ra ví dụ điển hình: Mặc dù đã có quy định cấm nhưng đầu năm tình trạng cán bộ công chức vẫn bỏ giờ làm đi du xuân, lễ lạt chùa chiền, vẫn diễn ra phổ biến, TS Nguyễn Minh Phong phân tích: "Lý giải tình trạng này, có ý kiến cho rằng công việc đầu năm tại một số cơ quan nhà nước chưa tới nỗi bức xúc phải giải quyết ngay nên cán bộ nhân viên vẫn có thể tranh thủ thực hiện những chuyến đi lễ đầu năm như một quán tính của tâm linh rồi thì người đứng đầu cơ quan vẫn chưa nghiêm túc trong việc nhắc nhở nhân viên... Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến cảnh cán bộ công chức dành thời gian trong giờ hành chính đi lễ đầu năm, là do xuất phát từ tình trạng thừa quá nhiều biên chế tại các cơ sở công quyền. Vắng cô thì chợ vẫn đông, vắng 1/3 nhân viên đi chùa chiền lễ lạt thì công việc ở nhà cũng vẫn chạy cơ mà".
TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng không thể khắc phục thực trạng trên trong một sớm một chiều. "Ngoài việc tuyên truyền thay đổi nhận thức của người lao động để thấy được trách nhiệm của mình thì người lãnh đạo trong mỗi đơn vị quản lý lao động cần phải tăng cường chế tài lao động. Chẳng qua, thái độ chưa nghiêm túc trong công việc là do khâu kỷ luật chưa nghiêm, một khi đã hình thành hệ thống chế tài nghiêm minh thì người lao động chắc chắn sẽ thực hiện tốt".
Năng suất lao động VN nằm trong nhóm thấp nhất
Năm 2012, năng suất lao động ở Việt Nam dừng ở mức hơn 6.800 USD, nằm trong nhóm thấp nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năng suất lao động ở các nền kinh tế công nghiệp cao hơn đáng kể. Năng suất của Singapore cao gấp gần 15 lần so với Việt Nam, 11 lần so với Nhật Bản và gần 10 lần so với Hàn Quốc. Ngay cả trong nhóm các nước thu nhập trung bình của ASEAN cũng có sự chênh lệch đáng kể. Ví dụ, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan.
Một xu hướng đáng chú ý là năng suất lao động của Việt Nam đang giảm. Trong giai đoạn 2002-2007, năng suất của Việt Nam tăng trung bình 5,2%/năm, đạt tốc độ nhanh nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, năng suất hàng năm của VN chỉ tăng ở mức khiêm tốn 3,3%.
Năng suất lao động có ý nghĩa quan trọng đối với việc cải thiện khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, chính vì thế Việt Nam cần đưa ra các chính sách nhằm cải thiện năng suất lao động, như tăng đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp sang công nghiệp, hỗ trợ sáng kiến cải tiến tại nơi làm việc, đặc biệt ở doanh nghiệp vừa và nhỏ, và thúc đẩy hệ thống giáo dục đào tạo.
(Ông Phú Huỳnh, chuyên gia Tổ chức lao động Thế giới)
Theo TNO
Giáo dục, y tế dễ xảy ra quấy rối tình dục nhất Đi khám bệnh, đi xin điểm, thậm chí xin vào ở ký túc xá cũng bị quấy rối là thực trạng ở 2 ngành nói trên. Một nghiên cứu do Bộ LĐ - TB - XH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa công bố, giáo dục và y tế được xếp vào nhóm dễ có khả năng quấy rối tình...