Người về từ Hoàng Sa
Đúng 15h ngày 10.7, hai anh em ngư dân Lục Nghĩa Minh và Lục Nghĩa Thành đã về đến nhà (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) trong niềm vui của gia đình và bà con hàng xóm. Họ cùng 28 ngư dân Phổ Thạnh hành nghề trên 6 chiếc thuyền đánh bắt cá tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa bị phía Trung Quốc vô cớ bắt giữ, thu 3 tàu và toàn bộ cá mực, ngư cụ, rồi đẩy về trên 3 chiếc thuyền không…
Tàu QNg 94096TS về tới cửa biển Sa Huỳnh tối 8.7. Ảnh: Thư Nhàn
Ngang nhiên bắt người, thu tàu
Lục Nghĩa Thành vừa bước vào vòng tay của người thân liền ngã vật xuống bởi quá căng thẳng và bức xúc sau những ngày bị phía Trung Quốc bắt, thu tài sản khi đang hành nghề trên vùng ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Lục Nghĩa Minh mặt mũi tay chân sạm đen vì nắng gió, sau phút trùng phùng, lại ngồi bó gối ngay trước hiên nhà nhìn ra biến.
Minh và Thành là những người đứng mũi chịu sào trên đôi tàu hành nghề giã cào mang số hiệu QNg 94799TS và QNg 94096TS. Như hàng ngàn ngư dân khác ở xã biển Phổ Thạnh, ngư trường Hoàng Sa là nơi đi về quen thuộc của anh em nhà họ Lục từ nhiều năm nay. Gần 20 năm ra khơi vào lộng, Minh nói không tài nào nhớ nổi số lần đi biển của mình. Đã từng có nhiều trường hợp đồng bào, đồng hương bị truy bức, dồn đuổi, bị giày vò hành hạ, bị cầm giữ, bị tống tiền; Minh nói anh biết hết.
Video đang HOT
Nhưng những câu chuyện tai bay vạ gió như vậy không làm anh và bạn chài chùn bước. Minh bảo: Biển là biển của mình, cua tôm cá là tài nguyên, tài sản của mình, mình không tơ hào, đụng chạm gì của ai, hà cớ chi phải sợ? Chính cái lý lẽ hồn nhiên mà chắc như bắp đó tiếp sức cho Minh, cho Thành cùng bầu bạn của anh trước mỗi chuyến đi biển.
Đôi tàu của anh em Minh, Thành gồm 8 người, trực chỉ Hoàng Sa hôm 28.6. Cho đến khi tai họa ập đến vào 8h ngày 6.7, họ đã đánh bắt được 8 tấn cá, trị giá khoảng 200 triệu đồng. Minh nhớ lại: “Rượt đuổi chúng tôi là một chiếc tàu sắt của kiểm ngư Trung Quốc. Thực ra, chúng tôi không có nhiều thời gian để trốn chạy với những động cơ dưới 200 sức ngựa. Lưới chưa kịp kéo lên thì tàu đã bị họ áp sát. Họ đe dọa bằng vũ lực, buộc tôi điều khiển tàu chạy về cảng Tam Á (Hải Nam) sau khi cưỡng bức bằng dùi cui, roi điện, ép một thuyền viên lên tàu của họ”.
Tại Tam Á, nhóm ngư dân của anh bị bắt ngồi sắp lớp, phơi nắng trên mũi tàu suốt gần 3 ngày ròng rã dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của những nhân viên mặc sắc phục rằn ri. Ngay cả nấu nướng, ăn uống, ngủ nghỉ, họ cũng bị giám sát từng ly từng tí. “Đêm đến, cả nhóm chúng tôi phải lăn lóc trên sàn tàu. Bên trên, phía cầu cảng là những gương mặt dữ tợn, hằm hè diễu qua diễu lại. Họ canh gác suốt ngày đêm”.
Tình cảnh bị cầm giữ chỉ chấm dứt vào ngày thứ ba sau khi chúng tôi bị cưỡng bức ký vào một biên bản. Chiếc tàu lớn hơn (chiếc giã) cùng toàn bộ máy móc, ngư cụ, xăng dầu và 8 tấn cá, trị giá hơn 1 tỉ đồng bị kiểm ngư Trung Quốc tịch thu. “Thậm chí, ngay cả chiếc máy định vị trên con tàu QNg 94096TS trả về, dù chúng tôi đã xin hết nước hết cái mà họ vẫn không cho”.
Xin cấp cứu cũng bị bắt
Cả làng Thạnh Đức xôn xao đón cùng lúc gần 30 ngư dân trở về sau khi bị Trung Quốc bắt giữ ngoài biển Hoàng Sa. Cùng cảnh ngộ với 2 tàu của anh em Minh-Thành, còn có đôi tàu cá khác của ông Trần Minh Giữ, gồm tàu QNg 94484 công suất 360CV với 7 ngư dân do Trần Minh Khiêm làm thuyền trưởng tàu QNg98648 công suất 150CV với 4 ngư dân do Võ Quốc Việt làm thuyền trưởng.
Cũng vào ngày 6.7, hai tàu đang hành nghề kéo đôi ở vùng biển Hoàng Sa thì bị phía Trung Quốc ngang nhiên bắt giữ và kéo cả 2 tàu vào đảo, tra hỏi ngư dân, tịch thu tàu to hơn cùng toàn bộ ngư cụ, hải sản đánh bắt được, rồi ngày 8.7, dồn tất cả 11 ngư dân lên tàu nhỏ QNg98648 đẩy đuổi ra biển.
Không chỉ các tàu cá đang đánh bắt ngoài khơi vùng biển Việt Nam bị phía Trung Quốc đưa lực lượng bắt giữ, mà đến tàu cá của ngư dân Thạnh Đức đang có người gặp nạn chạy vào đảo Hoàng Sa xin cấp cứu cũng bị đối xử tương tự. Chúng tôi còn “đọc” được nỗi uất ức trong câu chuyện kể của ngư dân Nguyễn Duy Nam, thuyền trưởng tàu cá QNg94876. Thuyền của Nam cùng thuyền QNg94876 của anh ruột là Nguyễn Duy Việt đang hành nghề kéo đôi ở vùng biển Hoàng Sa, trên tàu còn có 2 em ruột của Việt, Nam là Nguyễn Duy Thống, Nguyễn Duy Nhất, cậu ruột là Võ Ngọc Thạch và 6 ngư dân khác cũng đều ở Thạnh Đức.
Đến ngày 2.7, bất ngờ tàu của Việt bị tai nạn đứt cáp, khiến ông Thạch bị chấn thương sọ não, bất tỉnh. Quá lo ngại cho tính mạng của ông Thạch, mấy anh em cùng các ngư dân quyết định cả 2 tàu cùng kéo nhau vào đảo Hoàng Sa xin cứu nạn và cấp cứu người bị thương. Vào từ 14h chiều, nhưng mãi đến 18h tối, ông Thạch mới được phía Trung Quốc đưa đến đảo Hải Nam cấp cứu và cũng chỉ cho mỗi anh Việt cùng đi để chăm sóc.
Nét mặt của Nam trở nên tức giận, anh kể: “Chúng tôi xin cứu nạn, cấp cứu người bệnh, nhưng phía Trung Quốc lại coi ngư dân chúng tôi như tội phạm. Lực lượng của họ bao gồm cả hải quân, kiểm ngư, công an… có đến 4-5 sắc áo đổ xuống tàu chúng tôi, lục lọi khắp tàu, lấy lời khai, chụp ảnh từng người, từ 14h – 24h khuya 2.7 mới cho đi ngủ. Đến 9h sáng hôm sau lại tiếp tục lấy lời khai nữa. Đến sáng 3.7, họ đưa cậu Thạch về, tập trung chúng tôi lại, đọc tờ giấy gì đó bảo tịch thu tàu to của anh Nam, cùng toàn bộ ngư lưới cụ của cả 2 tàu và 5-6 tấn cá đánh bắt được, rồi đẩy chúng tôi ra biển trên chiếc tàu nhỏ còn lại. Họ cũng chỉ để lại đủ số dầu để về đến nhà, còn đến cờlê, mỏlết trên tàu họ cũng lấy hết, lỡ trên đường về mà tàu có mệnh hệ chi thì chúng tôi coi như chết chắc…”
“Cướp” của người nghèo
Nhìn vợ đang bụng mang dạ chửa đứa con thứ hai, ngồi buồn rầu bên cạnh, Nam ngậm ngùi: “Chúng tôi về đến cửa Sa Huỳnh ngày 7.7, rồi 4 anh em thất thểu đưa ông cậu về nhà, sau đó đưa ông lên xe vào TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) để điều trị chấn thương. Anh em bạn tàu thì giờ đây tứ tán, họ phải tiếp tục tìm tàu khác đi bạn để kiếm cơm nuôi vợ con. Còn chúng tôi, chưa biết phải tính sao đây?”.
Chị Nguyễn Thị Hồng, vợ Nam than vãn: “Cả mấy gia đình trông vào chiếc tàu, nay bị Trung Quốc bắt mất, mà nợ nần thì còn nguyên đó. Chiếc tàu cùng ngư cụ, phí tổn đi chuyến này và cả 5-6 tấn cá bị cướp mất, tổng cộng đến 1,5 tỉ đồng. Tàu mua về, mới đi biển 1 năm, trả nợ được vài trăm triệu, còn nợ đến gần tỉ bạc cả vay của ngân hàng và ứng trước của hàng chục nậu cá, giờ biết lấy đâu ra tiền đóng tàu mới mà làm trả nợ, mà nuôi cả chục con người ta?
Chị Hồng cũng như chị Lượng Thị Mỹ Hà – vợ ngư dân Lục Nghĩa Thành – đều nói một câu y chang: “Đến ngư dân nghèo như chúng tôi mà cũng cướp, thì thật là ác nhơn thất đức quá”.
Trao đổi với chúng tôi chiều 10.7, ông Nguyễn Duy Trinh – Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh – cho biết: “Đây là lần đầu tiên có việc tàu, ngư dân ở xã bị phía Trung Quốc bắt bớ khi đang hành nghề trên vùng biển Hoàng Sa. Chúng tôi hết sức phẫn nộ trước hành vi ngang nhiên này, vì nhiều đời nay ngư dân trong xã đều đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Hiện nay, cả xã có đến 250 tàu cá công suất lớn với cả ngàn ngư dân đang hành nghề ở vùng biển này. Chính quyền xã đã thăm hỏi, động viên các ngư dân trở về, hướng dẫn bà con viết đơn và gửi văn bản báo cáo cấp trên, tìm phương án hỗ trợ các ngư dân. Xã cũng đề nghị Nhà nước, chính quyền cấp trên cần kiên quyết có hành động can thiệp để phía Trung Quốc trả tàu, tài sản của ngư dân nghèo và đặc biệt là không tái diễn tình trạng trên, để ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển, khai thác hải sản trên ngư trường truyền thống, ổn định đời sống của gia đình”.
Người thân thoát nạn trở về, nhưng cả làng Thạnh Đức im ắng như một nốt lặng, trầm buồn. Bởi họ biết từ đây, họ không những không còn cơ hội vay tiền ngân hàng để đóng tàu mới vươn khơi bám biển, mà còn có nguy cơ bị “xiết nhà” như trường hợp mấy anh em, cậu cháu nhà anh Nam, anh Việt… Họ chỉ còn biết trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để có điều kiện vươn khơi, bám biển, vực dậy đời sống gia đình, góp phần khai thác nguồn lợi hải sản trên vùng biển của tổ quốc.
Nỗ lực cứu 8 thuyền viên gặp nạn tại Trường Sa. 14h ngày 10.7, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam điều động tàu VH 739 của Hải đoàn 129 đang làm nhiệm vụ trên biển xuất phát đi tìm kiếm cứu nạn tàu cá của ngư dân gặp nạn tại quần đảo Trường Sa. Theo báo cáo ban đầu của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, hồi 18h ngày 8.7, tàu câu cá ngừ đại dương mang số hiệu BĐ 95746 TS do ông Hồ Văn Tây ở Thiện Chánh, Tam Quan Bắc (Bình Định) làm thuyền trưởng bị hỏng máy, trôi dạt, trên tàu có 8 lao động. Sau thời gian nỗ lực tự sửa chữa nhưng không thành, thuyền trưởng tàu đã phát tín hiệu trợ giúp khẩn cấp. Tới 9h ngày 10.7, tàu BĐ 95746 TS trôi dạt đến khu vực phía tây bắc, cách đảo Đá Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 30 hải lý. Dự kiến khoảng 19h ngày 10.7, tàu VH 739 sẽ tiếp cận được tàu cá gặp nạn. Việt Hòa Hôm nay bắt đầu lai dắt tàu Anh Sơn gặp nạn ngoài khơi Ấn Độ vào cảng Kolkata. Hôm qua (10.7), đại diện Cty TNHH thương mại vận tải biển Anh Sơn – chủ tàu Anh Sơn đang gặp nạn ngoài khơi Ấn Độ (Lao Động đã đưa tin) cho biết: Cảng Kolkata đã đồng ý cho lai dắt tàu Anh Sơn vào cảng này sau khi có sự can thiệp của Bộ Ngoại giao, Cục lãnh sự và Đại sứ quán VN tại Ấn Độ. Cty Anh Sơn đã thuê một đơn vị chuyên lai dắt tàu của Ấn Độ lai dắt tàu Anh Sơn vào cảng với giá 101.000USD. Hôm nay (11.7), tàu lai dắt sẽ bắt đầu việc kéo tàu Anh Sơn vào cảng. Tàu Anh Sơn chở gỗ từ Hải Phòng đi Ấn Độ thì bị mất bánh lái và mất điều khiển tại vùng biển Ấn Độ (cách bờ khoảng 32 hải lý) từ ngày 26.6. Trên tàu có 15 thuyền viên. Khi gặp nạn, anh em thuyền viên rất lo lắng, nhiều lần gửi thư kêu cứu về Cty. H.Hoan
Theo Lao Động