Người vẽ chân dung tội phạm giúp công an phá 40 vụ án
Nhân chứng kể lại các đặc điểm khuôn mặt kẻ gây án, họa sĩ 65 tuổi ở Đồng Nai sẽ phác thảo chân dung nghi can để nhà chức trách phá án. Ông giúp công an bắt giữ 40 tên tội phạm.
Đánh án bằng… cọ
Họa sĩ Võ Tấn Thành sinh ra và lớn lên tại phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa (Đồng Nai). Đầu thập niên 1970, ông tốt nghiệp ngành điêu khắc, đúc đồng chân dung Trường Mỹ nghệ thực hành Đồng Nai (bây giờ là Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai). Sau đó ông hành nghề vẽ chân dung để mưu sinh.
Với tài vẽ chân dung dựa trên lời kể, họa sĩ Võ Tấn Thành giúp công an phá nhiều vụ án. Ảnh: Ngọc An
Trong ngôi nhà nhỏ có nhiều bằng khen, huân – huy chương xen lẫn các bức chân dung sơn dầu, người họa sĩ kể: “Nghiệp vẽ chân dung gắn bó với tôi hơn 40 năm. Từ năm 1999, tôi trở thành cộng tác viên của ngành công an với nhiệm vụ phác thảo chân dung tội phạm để phục vụ công tác điều tra. Nhiều người vẫn gọi tôi là công an không quân hàm, không cảnh phục”.
Ông cho biết, nhiều tên tội phạm để lại ít dấu vết tại hiện trường nên lực lượng điều tra gặp khó khăn. Khi đó, những nhân chứng hoặc bị hại nhìn được khuôn mặt kẻ gây án kể lại các đặc điểm tóc, khuôn mặt, mắt, mũi, miệng, màu da… cho họa sĩ phác thảo.
“Tôi vừa nghe nhân chứng mô tả tên tội phạm vừa vẽ lại. Khi hoàn thành, tôi đưa cho họ xem. Bức ảnh nào giống kẻ gây án nhất, tôi sẽ chuyển cho cơ quan điều tra để họ truy bắt hung thủ”, họa sĩ nói.
Năm 2001, vùng Đông Nam Bộ nổi lên băng cướp có súng khiến Bộ Công an phải lập chuyên án mang bí số CS-501 để phá án. Thời điểm này, cơ quan điều tra không thể tìm ra tung tích kẻ thủ phạm nếu không có sự trợ giúp của họa sĩ Thành.
Nhớ lại thời điểm cùng công an phá án, ông Thành chia sẻ: “Lúc đó tôi được giao nhiệm vụ phác thảo chân dung kẻ gây án. Tôi phải đến nhà các nạn nhân để dò hỏi thông tin nhận dạng ban đầu. Thời đó, có nhiều trinh sát chạm trán tên cướp cũng kể hắn để tóc dài, lông mày rậm, mắt dẹp… nên tôi nhanh chóng hoàn thành bức họa. Khi đưa cho mọi người xem đối chứng thì họ đều khẳng định đó chính là khuôn mặt kẻ gây án”".
Từ bức họa của ông, ban chuyên án xác định thủ phạm là Nguyễn Chí Dũng (trú phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM). Ngày 15.10.2001, kẻ gây hàng chục vụ cướp và hiếp dâm bị công an bắt giữ.
Hình ảnh Nguyễn Chí Dũng do họa sĩ Thành vẽ dựa trên lời kể (trái) giống với ảnh thật (phải). Ảnh do họa sĩ cung cấp.
Video đang HOT
Theo họa sĩ Thành, ông cũng là người phác thảo chân dung, “lật mặt” kẻ gây ra 58 vụ cướp, hiếp dâm dọc tuyến quốc lộ 51 trên địa bàn Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu vào năm 1999.
Ông cho biết, lúc bấy giờ, tên cướp lợi dụng đêm khuya, dùng xà beng cạy cửa rồi đột nhập nhà dân, hàng quán ven quốc lộ để thực hiện hành vi phạm pháp.
“Để phá nhanh vụ án, đích thân đại tá Nguyễn Phi Hùng – Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai (nay là Thiếu tướng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) nhờ tôi phác thảo chân dung tên cướp qua lời kể nhân chứng. Căn cứ vào bức chân dung công an xác định kẻ gây án là Phó Văn Chính (ngụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nên thực hiện lệnh bắt giữ khẩn cấp. Tên này sau đó nhận tội”, ông kể.
Với biệt tài phác thảo chân dung dựa trên lời kể, họa sĩ Thành góp phần vào sự thành công của hàng chục vụ án, giúp công an bắt giữ gần 40 tên tội phạm.
Tái hiện chân dung người anh hùng
Cùng với việc giúp công an phá án, họa sĩ Võ Tấn Thành còn là người tái hiện 200 bức chân dung các anh hùng liệt sĩ, chân dung mẹ Việt Nam anh hùng. Ông cũng là người vẽ trên 1.000 bức chân dung Bác Hồ bằng sơn dầu trên kính.
Họa sĩ Thành bên bức chân dung anh hùng, liệt sĩ Điểu Cải. Ảnh: Ngọc An
Họa sĩ cho biết, ông cảm phục tinh thần xả thân vì quê hương tổ quốc của người anh hùng Điểu Cải (quê xã Túc Trưng, huyện Định Quán, Đồng Nai, sinh năm 1949, hy sinh năm 1969) nên muốn phác họa lại chân dung của ông.
Hình ảnh về người lính năm xưa không có tài liệu nào lưu lại nên ông phải tìm gặp những người thân, đồng đội để dò hỏi.
Họa sĩ Thành cho hay: “Có người chỉ nhớ được mái tóc, màu áo ông hay mặc, có người chỉ nhớ được chân mày, mắt, cằm… nên tôi đã tổng hợp những đặc điểm đó rồi vẽ lại”.
Cầm bức hình cha, bà Nguyễn Thị Phương (57 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai) không giấu được cảm xúc: “Khi tôi lên 2 thì ba hy sinh. Mẹ tôi nhớ những đặc điểm khuôn mặt của ba nên đã nhờ họa sĩ Thành vẽ lại. Nhờ đó mà chúng tôi được biết mặt ba, có hình ảnh để thờ tự”.
Theo_Dân việt
Bức chân dung lật mặt "yêu râu xanh"
Từ lời mô tả về "yêu râu xanh mặc quần xì đỏ" của các nạn nhân, lần đầu cơ quan điều tra trưng dụng họa sỹ vẽ truyền thần Võ Tấn Thành, vẽ phác họa chân dung thủ phạm.
Thật kỳ lạ, khi hung thủ lộ diện mới biết hình vẽ giống trên 80%. Việc này đóng góp không nhỏ vào sự thành công của chuyên án mang bí số ĐB99, chấm dứt "cơn lốc đen" do thủ phạm gây ra đang tác oai, tác quái về đêm dọc Quốc lộ 51.
"Cơn lốc đen" và lời đồn "xuất qủy nhập thần" của hung thủ
Nhằm bảo đảm thu thập chứng cứ phục vụ cho công tác điều tra và xét xử sau này, Ban chuyên án ĐB99 rất chú trọng chỉ đạo công tác mở rộng điều tra nắm bắt tình hình, hệ thống từng vụ án xảy ra trên địa bàn. Đặc biệt là phải mô tả cho được đặc điểm nhận dạng "yêu râu xanh mặc quần xì đỏ", thông qua lời khai của các bị hại và nhân chứng. Đồng thời, tiến hành dựng lại hiện trường, lấy lời khai người bị hại, nhân chứng và người có liên quan tới 27 vụ trộm cắp, hiếp dâm xảy ra ở các xã dọc Quốc lộ 51 thuộc địa bàn huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Chân dung thủ phạm gây án qua nét vẽ phác thảo của họa sỹ Võ Tấn Thành và chân dung "yêu râu xanh mặc quần xì đỏ" Phó Văn Chính khi bị bắt.
Trong quá trình điều tra, ban chuyên án gặp rất nhiều khó khăn trong công tác xác định chân dung và danh tính thủ phạm. Dù đã tìm mọi cách để chuyển hướng điều tra, truy bắt thủ phạm như lập các chốt trọng yếu giám sát 24/24h, vận động nhân dân tố giác thủ phạm,... nhưng vẫn không có hiệu quả khả quan nào.
Đáng nói, nhiều lần thủ phạm đi gây án bị lực lượng trinh sát phát hiện truy đuổi, dù huy động lực lượng lên tới trăm người mật phục, hắn vẫn thoát khỏi vòng vây một cách ngoạn mục như kẻ "xuất quỷ nhập thần".
Đại tá (nay là Thiếu tướng) Nguyễn Phi Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an và Ban chuyên án ĐB99 chỉ còn cách tìm người vẽ phác họa chân dung thủ phạm một cách chính xác rồi mới truy bắt.
Phương án tìm tới các nạn nhân để vẽ lại chân dung thủ phạm qua những lời kể là khả thi nhất. Điều này sẽ dễ dàng nhận diện thủ phạm phục vụ quá trình truy bắt.
Trong báo cáo sơ bộ của Ban chuyên án ĐB99 có ghi nhận, trước đây, trong các vụ án hình sự, nhiều cơ quan điều tra của ta đã thực hiện vẽ chân dung thủ phạm qua lời kể của nạn nhân và nhân chứng. Nhưng cuối cùng chỉ dừng lại ở phần mô tả, vì lúc đó ta chưa có nhiều kinh nghiệm vẽ chân dung thủ phạm.
Lần này, theo đề nghị của đồng chí Phạm Văn Dơi, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đồng Nai, Ban chuyên án ĐB99 quyết định trưng dụng họa sỹ vẽ truyền thần Võ Tấn Thành (lúc đó ông khoảng 45 tuổi, ngụ phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) - nổi tiếng với khả năng vẽ chân dung qua lời kể tại tỉnh Đồng Nai.
Đầu tháng 7/1999, đích thân đại tá Nguyễn Phi Hùng tới tìm họa sỹ Võ Tấn Thành đề nghị ông giúp đỡ vẽ phác họa chân dung thủ phạm. Không chút ngần ngại, họa sỹ Võ Tấn Thành nhận lời ngay.
Họa sỹ Võ Văn Thành làm việc với các nạn nhân của vụ cướp tài sản, hiếp dâm dọc Quốc lộ 51 để vẽ chân dung thủ phạm.
Sự kỳ lạ về bức hình lật mặt hung thủ
Từ khi nhận lời góp sức phá chuyên án ĐB99, bước chân của họa sỹ Võ Tấn Thành luôn theo sát các điều tra viên, đến gặp từng nạn nhân, nhân chứng của 27 vụ án cướp của, hiếp dâm do tên "yêu râu xanh mặc quần xì đỏ" gây ra.
Câu chuyện về tên cướp háo sắc chỉ mặc một chiếc quần xì đỏ, tay cầm xà beng cạy cửa để cướp và hiếp trở thành nỗi khiếp đảm của những người sinh sống trên Quốc lộ 51, dần đi vào tâm trí của người họa sỹ. Lúc này, áp lực tìm ra thủ phạm phá án không những đè nặng lên vai các điều tra viên, mà còn là trách nhiệm cao cả của họa sỹ. Họa sỹ Võ Tấn Thành tự nhủ, phải hạ quyết tâm cao nhất để vẽ thành công bức chân dung của thủ phạm nhằm đưa hắn ra ánh sáng của pháp luật.
Qua lời kể của các nạn nhân, thủ phạm có tuổi đời từ 30 - 40 tuổi, cao 1m60 - 1m70, tóc dài chấm vai, màu đen, rẽ ngôi ở giữa, phía trước gọn, phía sau quăn, mặt xương, dài vừa phải, hai gò má cao, lông mày không rậm, sống mũi thẳng, mắt hai mí, miệng trung bình, môi đen không dày, răng đều, nhỏ, kẽ răng đen (do hút thuốc lá nhiều). Ngoài ra, thủ phạm còn có nước da ngăm đen, tai tái... họa sỹ Võ Tấn Thành nhanh chóng ghi lại những đặc điểm của tên thủ phạm và dùng ngòi bút (vẽ bằng bút chì) của mình phác họa chân dung hắn trên giấy.
Bằng phương pháp vẽ căn bản họa hình mô tả chân dung, sau 2 tháng, "tác giả" của những vụ cướp, hiếp dần "hiện nguyên hình" trên bản phác thảo. Qua nhiều lần chỉnh sửa, đối chiếu, cuối cùng nhiều nhân chứng, bị hại đều thừa nhận hình ảnh trong bản vẽ mô tả chân dung thủ phạm có đặc điểm giống kẻ gây án. Ban chuyên án ĐB99 quyết định dùng hình ảnh này để chỉ đạo lực lượng điều tra phối hợp, phát hiện nghi can trong chuyên án và vây bắt.
Quá trình rà soát, lực lượng cảnh sát phát hiện tên Phó Văn Chính (36 tuổi, ở huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có đặc điểm nhận dạng và dấu hiệu nghi vấn.
Ban chuyên án nhận định nghi can sau một thời gian không gây án sẽ không có tiền tiêu xài. Mặt khác, do bản năng, thói quen khó chấm dứt hành vi phạm tội nên hắn sẽ tiếp tục gây án trở lại. Do đó, Ban chuyên án chỉ đạo các lực lượng điều tra cần phối hợp, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát 24/24h trên toàn tuyến Quốc lộ 51.
Đến 4h sáng 30/9/1999, lực lượng tuần tra phát hiện Chính nên truy đuổi và bắt giữ hắn cùng với tang vật là chiếc xe đạp vừa mới "chôm" được.
Tại cơ quan công an, sau một hồi quanh co chối cãi, Phó Văn Chính nhận tội, khi chủ nhân của chiếc xe đạp tới trình diện để đối chất với hắn. Sau đó, hắn lần lượt phải đối chất với các nạn nhân của 27 vụ cướp, hiếp mà hắn gây ra dưới sự chứng kiến của các điều tra viên. "
Nói về quá trình vẽ phác thảo chân dung thủ phạm, họa sỹ Võ Tấn Thành nhớ lại: "Tôi phải mất 15 ngày để phác họa ra khuôn mặt đơn giản bằng cây bút chì, sau đó cho nạn nhân xem để điều chỉnh thêm. Tiếp đó là 10 ngày nữa để khắc họa thêm những nét sâu hơn lên ngũ quan và cuối cùng lại thêm gần 10 ngày nữa để hoàn thiện hẳn khuôn mặt".
Đóng góp quan trọng
Sau khi chuyên án ĐB99 kết thúc, chính đồng chí Phạm Văn Dơi, lúc ấy là Trưởng phòng Kỹ thuật Hình sự, Công an tỉnh Đồng Nai cũng nhận định: "Nhờ những nét vẽ chân dung thủ phạm của họa sỹ Võ Tấn Thành mà lực lượng công an phá án nhanh hơn, anh em chiến sỹ đỡ tốn mồ hôi xương máu hơn khi truy bắt tên tội phạm nguy hiểm này...".
Theo_Zing News
Hành trình truy bắt "yêu râu xanh mặc quần xì đỏ" Từ lời mô tả về "yêu râu xanh mặc quần xì đỏ" của các nạn nhân, lần đầu cơ quan điều tra trưng dụng họa sỹ vẽ truyền thần Võ Tấn Thành, vẽ phác họa chân dung thủ phạm. Bức chân dung và bộ mặt thật của tên cướp. Lời đồn "xuất qủy nhập thần" của hung thủ Nhằm bảo đảm thu thập...