Người ủng hộ thông cảm trước tin Yingluck trốn khỏi Thái Lan
Các nhà hoạt động thuộc phe áo đỏ ở Thái Lan thông cảm trước việc Yingluck trốn ra nước ngoài để tránh bị bắt giam.
Người ủng hộ cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: Reuters.
Phần lớn người ủng hộ cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra sẽ tha thứ cho việc bà trốn khỏi nước này để tránh bị bỏ tù, Nattawut Saikua, lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (phe áo đỏ ủng hộ anh em nhà Shinawatra) hôm qua cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Voice TV.
Trước đó, một số cựu nghị sĩ đảng Pheu Thai, do anh trai của bà Yingluck là Thaksin Shinawtra sáng lập, nói rằng việc bà không ra hầu tòa sẽ bị coi là chạy trốn công lý và tác động xấu đến hình ảnh của đảng trước cuộc bầu cử quốc hội vào nửa cuối năm 2018.
“Tôi không nghĩ thế. Những người ủng hộ Yingluck Shinawatra sẽ tha thứ. Làm gì có ai muốn đi tù 10 năm? Ai cần sự hy sinh như thế? Khi một chính trị gia quyết định hy sinh và chịu bị bỏ tù, họ sẽ được công chúng kính trọng. Thế nhưng người đó chẳng thể làm được điều gì hữu ích cho người dân khi ở trong tù”, ông Saikua nói.
Các nhà hoạt động thuộc phong trào dân chủ của học sinh sinh viên, những người bị chính quyền quân sự Thái Lan bắt giữ nhiều lần kể từ cuộc đảo chính năm 2014, cũng bày tỏ sự ủng hộ với bà Yingluck .
Bà Yingluck, 50 tuổi, ngày 25/8 đáng lẽ phải trình diện tại Toà án Tối cao để nghe phán quyết trong phiên xử bà về tội lơ là trách nhiệm, liên quan đến chương trình trợ giá gạo làm thua lỗ ít nhất 8 tỷ USD. Bà đối mặt với án tù lên tới 10 năm nếu bị xác định có tội. Yingluck bị nghi trốn sang Dubai để tìm cách xin tị nạn ở Anh.
Những người ủng hộ trung thành của nhà Shinawatra cho rằng dù thế nào phán quyết dành cho Yingluck cũng đã được định sẵn, vì vụ việc của bà có yếu tố chính trị, theo AFP.
“Nếu đúng là bà ấy đã trốn ra nước ngoài, thì đó là vì các thẩm phán được chỉ định bởi chính quyền quân đội chứ không phải từ một hệ thống dân chủ”, Surachet Chaikosol, 59 tuổi, một nhà hoạt động của phe áo đỏ nói. “Tôi vui mừng vì bà ấy không bị giam”.
Akanat Promphan, thành viên chủ chốt trong phong trào chống gia đình Shinawatra, cho rằng vụ bỏ trốn của Yingluck cho thấy “bà ấy không tự tin về sự vô tội của mình, mặc dù đã nói dối công chúng rằng bà ấy sẽ chiến đấu đến cùng trong phiên xét xử”.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định Yingluck rất có thể đã thỏa thuận ngầm với chính quyền quân sự để rời khỏi Thái Lan vì nếu bà bị giam, người ủng hộ có thể tức giận và gây ra bạo loạn.
Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwon hôm 25/8 bác bỏ suy đoán lực lượng an ninh đã cố tình để Yingluck trốn thoát. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha cho biết ông không biết Yingluck đang ở đâu và bày tỏ ngạc nhiên khi bà không ra hầu tòa.
Video đang HOT
Phương Vũ
Theo VNE
Dấu ấn mờ dần của gia đình có hai người làm thủ tướng tại Thái Lan
Sự ủng hộ dành cho nhà Shinawatra vẫn còn ở Thái Lan song cánh cửa để họ trở lại và vươn lên vai trò lãnh đạo rất hẹp.
Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: Reuters.
Ngày 25/8, cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra không xuất hiện trong phiên tòa tuyên án bà, làm dấy lên một số đồn đoán cho rằng bà đã bỏ trốn khỏi đất nước. Tòa án tối cao Thái Lan phải ra lệnh bắt đối với bà và dời phiên tòa tuyên án sang một ngày khác, theo AFP.
Bà Yingluck hầu tòa với cáo buộc quản lý cẩu thả trong chương trình trợ giá lúa gạo cho nông dân, làm thất thoát ngân sách. Nếu bị kết tội, bà phải đối mặt với mức án cao nhất là 10 năm tù, bồi thường số tiền lên đến một tỷ USD và bị cấm tham gia chính trị suốt đời.
Chương trình trợ giá lúa gạo được triển khai năm 2011, không lâu sau khi bà Yingluck nhậm chức. Đây là một trong những cam kết khi bà tranh cử. Theo chương trình, Thái Lan sẽ hỗ trợ nông dân tại những vùng nông thôn nghèo khó, mua lúa gạo từ họ với giá cao gấp đôi giá thị trường. Nhưng chương trình lại ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất khẩu gạo của Thái Lan, gây lỗ ít nhất 8 tỷ USD và tạo ra lượng lúa gạo tồn đọng lớn.
Bà Yingluck bắt đầu bị luận tội từ năm 2015 song đây chỉ là một trong các thách thức về pháp lý và chính trị mà gia đình bà phải đổi mặt trong một thập kỷ qua. Vậy dòng họ Shinawatra là ai và vì sao họ lại gây tranh cãi ở Thái Lan?
Gia đình
Đứng ở tâm điểm các cuộc tranh cãi chính trị ở Thái Lan là ông Thaksin Shinawatra, anh bà Yingluck.
Sinh ra trong một gia đình trung lưu gốc Hoa ở thành phố Chiang Mai, ông Thaksin khởi đầu sự nghiệp với vị trí nhân viên cảnh sát, sau đó, ông chuyển hướng kinh doanh vào những năm 1980. Liên tiếp gặt hái thành công, ông vươn lên trở thành một nhà tài phiệt viễn thông.
Ông Thaksin rẽ sang con đường chính trị và trở thành thủ tướng Thái Lan vào năm 2001. Với những chính sách hỗ trợ người nghèo, ông nhận được không ít ủng hộ và tái đắc cử vào năm 2005.
Song năm 2006, ông Thaksin bị quân đội phế truất, gây nên tình trạng bất ổn vẫn kéo dài tới tận bây giờ ở Thái Lan. Ông hiện sống ở nước ngoài để tránh án tù với cáo buộc tham nhũng.
Ủng hộ
Đảng của nhà Shinawatra đã giành chiến thắng tất cả các cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan từ năm 2001. Sự ủng hộ dành cho họ vẫn tương đối mạnh mẽ tại khu vực nông thôn đông dân cư nhưng nghèo đói ở phía bắc Thái Lan cũng như bên trong tầng lớp lao động ở thủ đô Bangkok.
Lý do bắt nguồn từ những chính sách kinh tế. Tình trạng bất bình đẳng khá phổ biến ở Thái Lan và người nghèo tại quốc gia này luôn cảm thấy họ bị tầng lớp lãnh đạo lãng quên.
Ông Thaksin và bà Yingluck đã thực hiện các chính sách như chăm sóc sức khỏe toàn dân, xóa nợ, cho vay ưu đãi những doanh nghiệp khởi nghiệp và trợ giá lúa gạo cho nông dân. Tuy nhiên, chương trình trợ giá lúa gạo đã khiến bà Yingluck bị luận tội.
Phản đối
Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, anh bà Yingluck. Ảnh: Reuters.
Ồng Thaksin ban đầu giành được ủng hộ từ tầng lớp tinh hoa kinh doanh ở Bangkok. Nhưng về sau, ông lại bị chính nhóm trên cùng quân đội chống lại bằng hai cuộc đảo chính.
Gia đình ông bị cáo buộc tham nhũng và làm giàu bất chính cho bản thân cũng như các đồng minh.
Trong khi đó, chương trình trợ giá lúa gạo của bà Yingluck trở thành chất xúc tác làm bùng phát các cuộc biểu tình trên đường phố do những người dân thuộc tầng lớp trung lưu tiến hành. Biểu tình dẫn tới cuộc đảo chính hồi năm 2014.
Ông Thaksin còn bị chỉ trích vì xây dựng chính quyền độc đoán. Những người phản đối dẫn chứng bằng cuộc chiến chống ma túy đẫm máu do ông phát động đã khiến khoảng 3.000 người bị bắn chết.
Nhưng người ủng hộ ông Thaksin lại nói tầng lớp bảo thủ tinh hoa ở Bangkok, chống lại cựu thủ tướng Thái Lan đơn giản chỉ nhằm bảo vệ quyền lực độc tôn của họ.
Suy yếu
Quân đội lật đổ chính quyền ông Thaksin và bà Yingluck lần lượt vào năm 2006 và 2014. Giữa giai đoạn này, hai thủ tướng khác là đồng minh với nhà Shinawatra cũng bị tòa án bãi nhiệm.
Khoảng 1,3 tỷ USD tài sản của ông Thaksin đã bị tịch thu trong khi bà Yingluck phải đối mặt với khoản bồi thường tới một tỷ USD vì gây thất thoát ngân sách. Mạng lưới chính trị và các đồng minh của họ trong ngành cảnh sát cũng đã bị cắt đứt không ít.
Quân đội Thái Lan cho biết họ đơn thuần muốn lập lại trật tự sau quãng thời gian dài đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn vì biểu tình và bạo lực chính trị. Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi các lãnh đạo quân sự hàng đầu thực chất vẫn kiên quyết muốn dập tắt mọi dấu ấn Shinawatra tại Thái Lan.
Kết thúc
Nhà Shinawatra chắc chắn đang rơi vào tình cảnh khó khăn. Trong 10 năm qua, họ bị loại khỏi chính quyền và phải đương đầu hàng loạt thách thức pháp lý.
Nay với việc bà Yingluck biến mất, dấu ấn họ Shinawatra có lẽ sẽ dần dần bị xóa bỏ trong đời sống chính trị ở Thái Lan, giới chuyên gia nhận định. Nhà Shinawatra hiện không còn bất kỳ thành viên nào có sức ảnh hướng lớn như bà Yingluck hay ông Thaksin.
Gia đình Shinawatra vẫn có một lượng người ủng hộ trung thành nhưng ông Thaksin giờ đây không thể trở về Thái Lan và tương lai của bà Yingluck thì bất định hơn bao giờ hết.
"Đây là kết thúc của gia đình Shinawatra bởi nó có nghĩa họ đã từ bỏ", nhà bình luận nổi tiếng Thái Lan Atukkit Sawangsuk hôm qua viết trên mạng xã hội Facebook.
"Ngay cả khi đảng của họ tồn tại và họ nhận được ủng hộ từ người dân, toàn bộ gia đình vẫn phải đứng sang một bên và không thể nắm vai trò lãnh đạo", ông Sawangsuk nhấn mạnh.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Cựu thủ tướng Yingluck có thể đã trốn sang Dubai Các thành viên cấp cao đảng Pheu Thai của bà Yingluck Shinawatra cho biết cựu thủ tướng Thái Lan đã chạy trốn sang Dubai. Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: Reuters. "Chúng tôi nghe tin bà ấy tới Campuchia, sau đó sang Singapore rồi bay đến Dubai. Bà ấy đã đến nơi an toàn và đang ở đó", Reuters dẫn lời...