Người Trung Quốc cân nhắc gì khi mua xe điện
Khi suy nghĩ về việc chọn xe Tesla hay các thương hiệu nội địa, người Trung Quốc luôn cân nhắc hai điều: giá cả và phạm vi lái xe.
Các công ty khởi nghiệp xe điện của Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ như Nio, Xpeng và Li Auto đã chứng kiến lượng giao hàng tăng mạnh vào năm ngoái, bất chấp sự sụt giảm của thị trường ôtô nói chung và đại dịch. Cổ phiếu của họ theo đó cũng tăng vọt năm 2020, nhưng đã giảm nhẹ đầu năm đến nay.
Tesla vẫn là công ty dẫn đầu thị trường xe điện cao cấp tại Trung Quốc. Trong một cuộc khảo sát nhanh vào lúc chiều tối, CNBC đếm được 11 chiếc xe Tesla chạy ngang qua, cùng với hai chiếc SUV Nio, một chiếc của WM Motor và chiếc sedan P7 mới nhất của Xpeng.
Tuy nhiên, cũng không ít người Trung Quốc chọn mua xe điện nội địa. CNBC tiến hành nhiều cuộc trò chuyện khắp nước này, dù không đại diện cho một nghiên cứu định tính, nhưng đã phần nào làm sáng tỏ những điểm quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Dưới đây là các yếu tố chi phối hàng đầu quyết định của họ.
Một trạm sạc của hãng xe điện BYD tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.
Giá cả cạnh tranh
Chen Yingjie, 42 tuổi, cho biết anh đã mua chiếc SUV Li One của Li Auto vào tháng 4/2020 với giá khoảng 300.000 nhân dân tệ (46.000 USD), sau khi nhận ra rằng anh sẽ phải trả gấp đôi để mua một chiếc xe tương tự từ Nio, với tất cả các thông số kỹ thuật mà anh muốn.
Giá khởi điểm của Nio thấp, nhưng có nhiều tính năng phải trả thêm phí, Chen nói. Cư dân Thượng Hải này trước đó đã mua Xpeng’s G3 vào năm 2019 và sau đó là một chiếc ôtô điện BYD cho cha mình vào tháng 6/2020.
Một phần trong chiến lược của Nio là bán nhiều tính năng xe hơi thông qua mô hình thuê bao. Ví dụ, năm ngoái, công ty đã tung ra kế hoạch “pin dưới dạng dịch vụ” tính phí hàng tháng cho pin.
Còn đối với Wang Jingyan, 29 tuổi, sự chú trọng của Nio vào các dịch vụ chăm sóc khách hàng là điều mà anh nghĩ là đáng để trả thêm tiền vì nó giúp anh tiết kiệm thời gian đến cửa hàng sửa chữa.
Giá cả cũng là một yếu tố. Wang cho biết anh đã mua chiếc Nio ES6 với giá khoảng 450.000 tệ (69.600 USD) vào cuối năm 2019 – chiếc xe điện đầu tiên của anh – sau lời giới thiệu từ một người quản lý tại nơi làm việc và so sánh nó với một chiếc Lexus RX đắt tiền hơn.
Wang nói không có cơ hội chạy thử Tesla Model 3, nhưng không có ấn tượng tốt dựa trên trải nghiệm của bạn bè và những câu chuyện trực tuyến về dịch vụ khách hàng kém của thương hiệu này.
Video đang HOT
Tầm hoạt động
Xe có thể chạy được bao xa chỉ với một lần sạc là một yếu tố quan trọng khác đối với người tiêu dùng Trung Quốc. Zhang Zhen, 41 tuổi, sống ở một vùng lạnh giá của miền bắc Trung Quốc. Anh lo ngại về khả năng một chiếc xe điện có đủ sức để hoàn thành một chuyến đi trong khi bật máy sưởi.
Vì vậy, vào mùa thu năm ngoái, gia đình anh đã mua một chiếc Li One kèm bình xăng – dùng để chạy máy phát điện để sạc pin cho xe – giúp xe tăng phạm vi di chuyển từ 180 km đến 800 km với một lần sạc duy nhất.
Zhang cho biết vợ ông chủ yếu sử dụng xe đưa đón con đi học cách nhà khoảng 10 km. Các con cũng thích chiếc xe điện của mẹ hơn là xe xăng của bố vì chúng có thể xem phim hoạt hình trên màn hình trong xe.
Nhưng anh nhận thấy việc sửa chữa phức tạp hơn so với một chiếc ôtô không chạy bằng điện và cho biết sẽ không cân nhắc mua một chiếc xe điện khác do khu vực đông bắc Trung Quốc thiếu cơ sở hạ tầng sạc công cộng.
Hỗ trợ của chính phủ
Trong nỗ lực hỗ trợ phát triển thị trường xe điện, chính phủ Trung Quốc đã khởi động các chương trình trợ giá và nhấn mạnh việc xây dựng mạng lưới sạc quốc gia.
Nhưng so với Mỹ, phần lớn ôtô ở Trung Quốc không có chỗ đậu cố định, khiến nhiều tài xế khó có thể thường xuyên đến các trạm sạc pin, theo Mingming Huang, Chuyên gia tại Quỹ Future Capital Discovery, một nhà đầu tư của Li Auto.
Đó là lý do tại sao ông kỳ vọng các giải pháp hỗ trợ phạm vi di chuyển mà các hãng xe nội địa nước này đề xuất có thể là lựa chọn tốt nhất cho Trung Quốc trong 5 đến 10 năm tới. Đơn cử như chiếc bình xăng dùng để sạc điện trên mẫu Li One SUV của Li Auto.
Cuối cùng, nhiều tài xế Trung Quốc đang chọn ôtô điện vì chính sách ưu đãi của chính phủ, chẳng hạn như các chương trình giúp lấy biển số xe điện nhanh hơn và rẻ hơn rất nhiều. Do nỗ lực giảm thiểu ùn tắc và ô nhiễm ở các thành phố lớn, người dân địa phương thường phải đợi nhiều năm để mua biển số đắt tiền cho những chiếc ôtô chạy bằng nhiên liệu.
Sau khi chờ đợi gần một năm ở thành phố Hàng Châu để có biển số ôtô chạy bằng nhiên liệu, một khách hàng 27 tuổi, đã quyết định không chờ đợi nữa sau khi nhìn thấy một chiếc xe điện Xpeng G3 trong một chuyến đi đến trung tâm mua sắm. Cô nói, chiếc xe phù hợp với túi tiền, vào khoảng 180.000 tệ (27.800 USD), nhờ chính phủ trợ cấp.
Nhưng trên đường phố Bắc Kinh, nơi cũng khó lấy biển số, nhà sản xuất ôtô điện cao cấp hơn Tesla vẫn là một lựa chọn phổ biến.
Đối thủ duy nhất đánh bại Tesla ở Trung Quốc
Tesla dẫn đầu thị trường xe điện Trung Quốc từ khi bắt đầu sản xuất ở nhà máy Thượng Hải, nhưng đang bị một đối thủ nội địa vượt mặt.
Trong showroom của một đại lý SAIC-GM-Wuling ở Trùng Khánh, một nhân viên bán hàng gợi ý một chiếc Wuling Hongguang Mini EV, mẫu xe điện đã nhanh chóng chinh phục các tài xế Trung Quốc từ khi ra mắt thị trường nội địa tháng 7/2020.
Chiếc xe cỡ nhỏ tương xứng với tên gọi, dài chưa tới 3 m và rộng chưa đến 1,5 m, nhưng vẫn chở được 4 người. Giá khởi điểm khoảng 4.500 USD, và với phiên bản tiện nghi hơn, có điều hòa, giá nhỉnh hơn 5.000 USD.
"Nếu bạn trả trước 2.000 USD, phần còn lại không bị tính lãi", nhân viên bán hàng nói.
Hongguang Mini EV có ngoại hình hao hao dòng kei-car của Nhật, với kích thước nhỏ gọn. Ảnh: Wuling
Dù Hongguang Mini thiếu những gì mà Tesla có, như quãng đường chạy được mỗi lần sạc cũng như hiệu suất, nhưng sự tiện lợi và giá rẻ lại biến sản phẩm nội địa này thành một trong những xe "năng lượng mới" bán chạy nhất Trung Quốc. Phân khúc này gồm xe điện và plug-in hybrid.
Chiếc xe nhỏ là một cú hích lớn đối với SAIC. Hãng hiện giữ phần lớn cổ phần ở SAIC-GM-Wuling, liên doanh sản xuất và bán ôtô, vốn được biết đến ở thị trường nội địa là Wuling. General Motors (GM) cũng là một cổ đông lớn.
Được giới thiệu là "thiết bị đi lại hàng ngày của người dân", bản tiêu chuẩn có thể chạy 120 km mỗi lần sạc đầy và tốc độ tối đa 100 km/h - đủ để lái xe mỗi này cho phần lớn người tiêu dùng. Xe không sử dụng pin công nghệ cao, giúp giảm giá thành, và có thể được sạc với đường điện dân dụng tiêu chuẩn.
Hongguang Mini bán được 112.000 xe trong thời gian tháng 7-12/2020, đứng thứ hai sau Model 3 của Tesla, nhưng là dựa trên doanh số cơ bản mỗi tháng. Vì thế, mẫu xe điện Trung Quốc được tin là xe điện bán chạy thứ hai thế giới, cũng chỉ sau Model 3.
Bước sang 2021, chỉ trong tháng Một, tổng cộng 25.778 chiếc Mini EV được bán, theo Hiệp hội ôtô con Trung Quốc (CPCA). Doanh số của Mini EV gấp gần hai lần so với 13.843 chiếc Model 3.
Xe có thể chở 4 người dù ngoại hình siêu nhỏ gọn, hoặc chở hai người và phần không gian còn lại để hành lý, đồ đạc. Ảnh: Wuling
Alan Kang, một nhà phân tích ở hãng nghiên cứu Anh, LMC Automotive nói: "Khách hàng chấm điểm cao cho giá bán thấp và thiết kế. Xe bán rất chạy ở các tỉnh Hà Nam và Sơn Đông". Những xe điện nhỏ, rẻ có thể hoạt động không cần bằng lái, nhưng cũng không thể chạy trên cao tốc, lại rất thành công ở những khu vực này. Một số tài xế của loại xe nhỏ này đã đổi sang Hongguang Mini.
Sản phẩm này của Wuling còn có thể xuất hiện ở thị trường ngoài Trung Quốc. Wuling từng nói hồi tháng 8/2020 về kế hoạch xuất khẩu Hongguang Mini, và truyền thông cũng từng đưa tin rằng hãng đã hợp tác với nhà sản xuất ôtô Latvia để bán một phiên bản của Hongguang Mini tại châu Âu, dù mức giá được cho là sẽ cao gấp đôi do những tiêu chuẩn môi trường khắt khe ở châu lục già.
Giống SAIC, Great Wall Motor (Trường Thành) cũng tận hưởng việc tăng doanh số từ dòng xe điện giá phải chăng. Doanh số của dòng xe sử dụng năng lượng mới của hãng tại Trung Quốc đã tăng 45% trong 2020. Điều này phần lớn nhờ mẫu Ora R1 với thiết kế đáng yêu và mức giá chưa đến 11.000 USD.
Một đại diện của một đại lý ở Hồ Bắc nói: "Đó là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ những khách hàng bị giảm thu nhập do tác động từ dịch Covid-19".
Trong khi đó, dòng xe điện cao cấp cũng thể hiện rất tốt, với Tesla tăng ba lần doanh số tại Trung Quốc. Model 3 có giá khoảng 39.000 USD, dù là mức đã giảm sau khi ra mắt sản phẩm sản xuất ngay tại Trung Quốc.
Một nguồn tin trong ngành nhận xét: "Sức mua từ tầng lớp trung lưu tăng do nhu cầu chi tiêu trong khi không thể đi du lịch nước ngoài".
Hongguang Mini EV với nội thất tối giản và hàng ghế sau gập phẳng khi không sử dụng. Ảnh: Wuling
Các startup xe điện Trung Quốc đang tìm cách trở thành một Tesla tiếp theo. Nio cũng tăng hơn gấp đôi doanh số, trở thành công ty thứ 8 về doanh số dòng xe sử dụng năng lượng mới trong 2020, vươn lên từ vị trí 13. Li Auto còn tăng doanh số 25 lần và chiếm vị trí thứ 10.
Tổng cộng, năm startup xe điện lớn nhất Trung Quốc tăng doanh số 150% trong 2020.
Để bù lại những tác động từ dịch bệnh, các chính quyền địa phương đã đưa ra những chương trình nhằm khuyến khích tiêu dùng, cũng như chính sách hỗ trợ chủ yếu cho dòng xe điện. Những yếu tố này đã cứu thị trường nội địa.
Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch đưa dòng xe sử dụng năng lượng mới chiếm một nửa doanh số ôtô mới tính đến 2035. Thị trường xe con dùng năng lượng ới sẽ chiếm tới 45% trong năm nay, theo LMC.
Các hãng ôtô lớn trên toàn cầu dường như sẽ trở lại mạnh mẽ trong cuộc đua xe điện ở Trung Quốc. Volkswagen, dẫn đầu doanh số toàn thị trường Trung Quốc, cũng tăng doanh số dòng xe năng lượng mới gần 50% trong 2020.
Modern in - SUV điện Trung Quốc, nội thất 3 màn hình độc lạ Modern Auto là cái tên mới nhất xuất hiện tại thị trường xe điện Trung Quốc. Nhìn chung Modern in là sản phẩm đầu tay của thương hiệu này và dự tính sẽ được nhiều người dùng trẻ đón nhận. Trong những năm gần đây, số lượng các thương hiệu xe điện mới ở Trung Quốc phải nói là mọc lên như nấm...