Người trẻ trên tuyến đầu chống dịch: Hiên ngang giữa trời Đông Bắc
Thật cảm động khi 3 tháng qua, bất chấp thời tiết khắc nghiệt trên núi cao, hàng trăm chiến sĩ biên phòng trắng đêm thay nhau túc trực phòng chống dịch Covid-19 dọc tuyên biên giới Việt – Trung.
Tổ tuần tra mốc 1302 làm nhiệm vụ vành đai biên giới Việt – Trung – LÃ NGHĨA HIẾU
Bên chiếc lều liêu xiêu, tạm bợ, thậm chí nhiều lần bị gió thổi bay, nhưng ý chí các chiến sĩ biên phòng luôn vững vàng.
Những đêm không ngủ…
Mốc biên giới 1302 (H.Bình Liêu, Quảng Ninh) – nơi ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, lại không có điện, nước, nhà dân, nhất là khi mùa này, lúc nào trên núi cũng có sương mù dày đặc cả ngày, nhiệt độ về đêm thường 5 – 7 độ C, lẫn mưa rét, quả là cả áp lực.
Từ đầu tháng 2, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc, 4 chiến sĩ của Đồn biên phòng Hoành Mô nhận nhiệm vụ lên mốc 1302 ngăn ngừa tình trạng xuất nhập cảnh trái phép. Có mặt ở đây, chúng tôi phần nào thấu hiểu sự vất vả của các anh. Ngay cả vị trí dựng chốt thôi cũng thật hiểm trở. Chỗ dựng lán là nơi hút gió mạnh, với một bên là vực sâu hun hút. Nhưng để có vị trí quan sát thuận lợi, các anh chấp nhận vất vả, hiểm nguy để bám chốt.
Thiếu tá Nguyễn Đắc Đạt (33 tuổi, chốt trưởng 1302) kể ở trên này ban đêm rất lạnh. Cái giá lạnh cắt da cắt thịt xen lẫn mưa rừng, gió mạnh thật ghê người. “Mấy tháng qua, cứ mưa rét buốt, anh em lấy củi nhóm lửa cho ấm mà không ăn thua. Chân tay giơ hơ sát lửa làm da phồng đỏ lên mà không có cảm giác gì vì lạnh cóng”, thiếu tá Đạt nói.
Mưa xối xả khiến khí lạnh xộc vào lều, nên ở trong lều cũng không khác gì ngủ ngoài trời. Đã vậy, “mái nhà chung” của chốt 2 lần không chịu nổi gió đã bị thổi tung. “Lều nhẹ không chịu nổi gió cấp 5, giật cấp 6 trên núi nên đã 2 lần bị thổi bay. Một lần thì nhặt được về, lần khác thì bị rơi xuống vực sâu. Cách đây 1 tuần, được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, chúng tôi mới được dựng lán tôn, có giường sắt thay ván gỗ nên giấc ngủ cũng sâu hơn phần nào”, thiếu tá Đạt kể.
Video đang HOT
Để có nước sinh hoạt, các chiến sĩ phải băng rừng nhiều cây số
Cùng làm nhiệm vụ tại chốt 1302, trung úy Lường A Tài (32 tuổi) cho biết chẳng mấy đêm anh em ngủ được. Đêm nào gió cũng giật mạnh khiến lán như muốn bật tung. Trước thời tiết khắc nghiệt trên núi, để dễ quan sát tại “điểm nóng” 1302, tổ công tác của thiếu tá Đạt đã sáng tạo bằng việc làm thêm “lều vịt” ngay đầu lối mở để những ngày mưa gió anh em còn tránh trú.
Vừa làm nhiệm vụ suốt 3 tháng qua, các chiến sĩ phải làm quen dần với thời tiết khắc nghiệt nơi rừng sâu núi thẳm. Do địa bàn vắng khu dân cư nên để sinh hoạt, hằng ngày các anh vẫn thay nhau ra suối cách chốt 2 km lấy nước về dùng và tắm giặt. Thiếu tá Trần Văn Tài (48 tuổi) cũng làm nhiệm vụ trong chốt 1302, cho biết cảm thương sự vất vả của anh em, cách đây 2 tuần, Ban Chỉ huy đồn nhờ bên kiểm lâm địa phương cho mượn tạm căn nhà nhỏ cách chốt 5 km để làm nơi hậu cần.
“Hằng ngày, chúng tôi cử 1 đồng chí đi xe máy khoảng 5 km đường rừng đến nhà kiểm lâm để nấu cơm, rồi lại mang lên phục vụ anh em trên chốt. Biết là vất vả nhưng không còn cách nào khác. Chốt 1302 nhất định phải an toàn. Chẳng may có công dân 2 nước qua lại giữa lúc dịch bệnh phức tạp thì không biết tình hình sẽ thế nào”, thiếu tá Tài nói.
Chốt kiểm soát ngăn chặn dịch Covid-19
Chuyện cảm động dọc tuyến biên giới
Cách Hoành Mô (H.Bình Liêu) khoảng 40 km là khu vực biên giới thuộc địa bàn của Đồn biên phòng Quảng Đức (H.Hải Hà, Quảng Ninh). Từ đầu tháng 2 đến nay, đơn vị đã thành lập 10 chốt kiểm soát, 2 tổ cơ động. Trung tá Trần Xuân Khánh, Đồn trưởng Đồn biên phòng Quảng Đức, cho biết đơn vị có 3 chiến sĩ có mẹ ốm, con mới chào đời, nhưng anh em vẫn gác việc gia đình, ở lại đơn vị cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ đợt này.
Cũng theo trung tá Khánh, ngay khi đồn triển khai lập chốt tại mốc 1337 (thôn Hang Vây, xã Quảng Sơn, H.Hải Hà, Quảng Ninh), trung tá Lương Ngọc Thung đã tình nguyện xung phong cắm chốt, là một trong những người đầu tiên xung phong làm nhiệm vụ.
“Thật xúc động khi 3 tháng qua bên chiếc lán, với điều kiện sinh hoạt khó khăn không điện, nước, sóng điện thoại, thời tiết giá lạnh, ẩm ướt nhưng tổ công tác 1337 đã làm rất tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt ai. Thế nhưng, khi đơn vị đề nghị khen thưởng thì anh Thung không nhận và nhường lại cho người khác”, trung tá Khánh nói.
Nằm kế bên địa bàn Đồn biên phòng Quảng Đức, Đồn biên phòng Pò Hèn làm nhiệm vụ quản lý dọc tuyến biên giới Việt – Trung dài khoảng 12 km với 11 cột mốc trọng yếu. Cũng hơn 3 tháng qua, 43 cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ tại đơn vị chưa được về thăm nhà. Giỗ cha mẹ, vợ con ốm đau, các anh cũng gác lại để cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ.
Lực lượng biên phòng trực nhiệm vụ bên lều dã chiến
Thiếu tá Trần Đức Thọ, cán bộ Đồn biên phòng Pò Hèn, tâm sự: “Dù đã 50 tuổi nhưng thấy các cháu xông pha cắm chốt, mình cũng phải lên tuyến đầu”. Xoay mình bên chiếc giường nhỏ trong lều dã chiến, thiếu tá Thọ bật chiếc đèn ắc quy, lấy điện thoại ra xem hình vợ và con gái rồi mỉm cười nói: “Cuộc chiến chống Covid-19 còn dài nên gạt nỗi nhớ gia đình, tôi đành hẹn vợ con vào dịp sau vậy”. Tương tự thiếu tá Thọ, thượng úy Bùi Thế Trọng ở Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, suốt 6 tháng qua vì nhiệm vụ, anh chưa được về nhà để gặp con gái mới chào đời.
Đi dọc tuyến biên giới Quảng Ninh đến thăm các chốt phòng dịch Covid-19 của Bộ đội biên phòng Quảng Ninh nhiều ngày qua, chúng tôi đều nghe được những câu chuyện rất xúc động. Thật khó có thể diễn tả hết nỗi vất vả của hơn 500 cán bộ chiến sĩ của Bộ đội biên phòng Quảng Ninh tại 77 chốt kiểm soát nơi tuyến đầu đang ngày đêm căng mình vì sự an toàn của hậu phương. Những người lính mang quân hàm xanh đã viết lên một câu chuyện đẹp trong cuộc chiến phòng chống và đẩy lùi giặc Covid-19.
Theo Bộ đội biên phòng Quảng Ninh, tính từ đầu tháng 2 đến nay, 77 chốt kiểm soát đã phát hiện, bắt giữ 14 vụ, với 13 đối tượng, 4 phương tiện về hành vi vận chuyển trái phép khẩu trang y tế từ Việt Nam sang Trung Quốc; tổng số lượng 233.820 chiếc, trị giá trên 138 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng biên phòng Quảng Ninh cũng bắt giữ 87 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép; 12 người Việt Nam xuất cảnh trái phép.
Lã Nghĩa Hiếu
20.000 cuốn sổ tay gửi tặng bộ đội ngày đêm chống dịch nơi biên giới
Những cuốn sổ tay nhỏ, bút viết sẽ là món quà tinh thần động viên cán bộ, chiến sĩ trẻ đang ngày đêm chống dịch nơi biên giới suốt 3 tháng qua. Nơi biên giới, các anh có thể ghi lại những trang nhật ký chống dịch đầy xúc động.
Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn (thứ ba từ trái sang) tiếp nhận sổ tay, bút viết do Trung ương Đoàn trao tặng - Ảnh: HÀ THANH
Sáng 21-4 tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tiếp nhận 20.000 cuốn sổ tay, 50.000 bút viết ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 do Trung ương Đoàn trao tặng.
Thay mặt Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng chia sẻ trong thời điểm các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và phòng chống dịch COVID-19 hết sức khó khăn, được tuyến sau động viên, chia sẻ là điều rất xúc động.
Ông cho biết ngay khi dịch bệnh xảy ra, lực lượng biên phòng đã triển khai nhiệm vụ từ rất sớm, ngay từ mùng 3 Tết khi dịch bệnh diễn biến phức tạp ở biên giới Việt - Trung.
Cho đến nay, dao động mỗi ngày tổ chức khoảng 1.600 tổ, chốt chặn, bố trí 6.000 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ 24/24 và thêm lực lượng phối hợp là 2.000 người, đặc biệt hiện nay tập trung chỉ đạo quyết liệt ở tuyến Việt - Lào, Việt Nam - Campuchia.
"Bộ Tư lệnh sẽ chuyển những phần quà này đến tay cán bộ, chiến sĩ, coi đây là cẩm nang động viên tinh thần, tiếp sức cho cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chống dịch", Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn chia sẻ.
Tại buổi trao tặng, anh Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thường trực Trung ương Đoàn - khẳng định chính những hình ảnh của các chiến sĩ bộ đội biên phòng tham gia phòng, chống dịch trên các tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia truyền thêm cảm hứng, tình cảm xúc động cho tuyến sau có nhận thức đúng đắn hơn và có thêm quyết tâm phòng, chống dịch COVID-19.
Những phần quà Trung ương Đoàn gửi đến hôm nay là tình cảm của lớp trẻ với mong muốn động viên đến các cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là chiến sĩ trẻ nơi tuyến đầu chống dịch.
"20.000 cuốn sổ tay nhỏ, 50.000 bút viết gửi đến các cán bộ, chiến sĩ trẻ để các bạn có thêm đời sống tinh thần phong phú, có thể ghi lại suy nghĩ của mình, nhật ký trong những ngày tham gia phòng chống dịch, biên thư cho người thân, vợ con trong điều kiện sóng điện thoại không có", anh Tuấn chia sẻ.
Cũng tại buổi tiếp nhận, Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn bày tỏ mong muốn Trung ương Đoàn tiếp tục đồng hành, quan tâm đến lực lượng bộ đội biên phòng.
Đồng thời chỉ đạo các tỉnh, thành đoàn có các chương trình, hành động hướng về biên giới, đặc biệt "tiếp sức" cho các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chống dịch nơi biên giới.
HÀ THANH
Hoãn cưới vợ để... chống dịch COVID-19 Từ đầu năm đến nay, hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ biên phòng trở thành những lá chắn sống canh gác biên giới, các đường mòn lối mở, ngăn không cho dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam. Nhiều người phải hoãn đám cưới, cùng đồng đội chống dịch... Bộ đội đồn biên phòng Y Tý phát khẩu trang, tuyên truyền cho bà...