Người trẻ ngày càng lệ thuộc vào smartphone?
Có quan điểm cho rằng sống trong thời buổi hiện đại, với những tiện ích mà công nghệ mang lại khiến cho người trẻ ngày càng lệ thuộc vào smartphone. Nhận định ấy liệu có đúng? Và nếu đúng thì có dẫn tới nhiều hệ lụy?
Từ chuyện học…
Một giáo viên dạy toán của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Q.Tân Bình, TP.HCM, kể: “Khi tôi ra đề ôn tập, thay vì suy nghĩ cách làm thì không ít học sinh sao chép câu hỏi rồi tra trên Google dạng bài tương tự để xem phương pháp giải. Tôi chứng kiến chuyện này nhiều lần và có thể khẳng định một bộ phận học sinh ngày nay bị lệ thuộc vào smartphone”.
Tương tự, một giáo viên dạy ngữ văn ở Trường THPT Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi, cho hay: “Có nhiều học sinh khi làm bài văn không viết ra cảm nhận của mình mà chép lại từ những bài văn mẫu trên mạng. Dù gặp đề bài dễ hay khó cũng có thói quen “phải tìm trên Google”. Tôi nghĩ việc lệ thuộc vào smartphone sẽ hạn chế khả năng sáng tạo của học sinh”.
Nhiều người trẻ phải nhờ sự trợ giúp của Google maps dù đi trên những tuyến đường quen thuộc Phong Linh
Một giảng viên của Khoa Kỹ thuật hóa học và Môi trường, Trường ĐH Lạc Hồng, Đồng Nai, kể câu chuyện khi làm giám thị coi thi trong kỳ thi cuối kỳ. Vì thi đề mở nên sinh viên được sử dụng tài liệu. “Tuy nhiên khá lạ là sinh viên không xem những kiến thức đã được giới hạn sẵn trong sách giáo khoa mà… chỉ tin vào Google. Khi tôi hỏi sao không tìm trong sách giáo khoa cho nhanh thì được trả lời “em quen tra cứu trên Google”. Tôi quan sát thấy không chỉ một mà nhiều sinh viên cũng có thói quen ấy”, giảng viên này cho biết.
Anh Nguyễn Thiên Đăng (32 tuổi), ngụ đường Vườn Lài, Q.12, TP.HCM, đang dạy đàn guitar tại một trung tâm âm nhạc, kể có nhiều học viên rất… lạ. Dù bỏ tiền để học trực tiếp, nhưng thay vì chú tâm vào bài giảng thì đặt trọn niềm tin vào Google, YouTube trên smartphone.
“Khi tôi dạy tên, ký hiệu, giá trị hình các nốt nhạc hay cách nhìn khuông nhạc, gam của một bài hát… thì học viên luôn tìm kiếm trên Google so sánh để xem tôi dạy có chính xác hay không. Đến phần thực hành, dù tôi hướng dẫn trực tiếp nhưng có học viên còn xem thêm trên ứng dụng công nghệ. Tôi hỏi vì sao cứ bấu víu vào smartphone như vậy thì có học viên nói: “Do thói quen thầy ơi”. Tôi nghe mà chỉ biết lắc đầu”, anh Đăng ngao ngán.
Video đang HOT
Biết nấu ăn nhưng vẫn phải xem Google chỉ dẫn mới yên tâm
…Đến cuộc sống thường nhật
Nhiều phụ huynh cũng cho biết hiện nay không ít người trẻ bấu víu vào smartphone quá nhiều, trong đó có con của họ. Và hệ quả là làm bất kỳ điều gì, dù đơn giản đi chăng nữa thì cũng bị lệ thuộc vào chiếc điện thoại.
“Sẽ không quá lời nếu nói nhiều người trẻ luôn cần smartphone… soi đường, chỉ lối trong mọi việc”, anh Sử Ngọc Vinh, ngụ đường Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, nhận xét. Anh Vinh minh chứng bằng câu chuyện 2 con của mình. Con trai đang là sinh viên năm 3 Trường ĐH Công thương TP.HCM, con gái là sinh viên năm nhất Học viện Hàng không Việt Nam.
“Tôi đã hướng dẫn cụ thể là đường về nhà rất đơn giản. Từ vòng xoay Lăng Cha Cả, Q.Tân Bình, đi thẳng đường Hoàng Văn Thụ, đến ngã tư Phú Nhuận rẽ trái là tới nhà (507 Nguyễn Kiệm – PV). Thế nhưng có đến vài chục lần các con báo bị lạc đường. Hỏi lý do, hóa ra vì tin vào Google maps dẫn đường nên đi vào những hang cùng ngõ hẻm và… không có lối ra”, anh Vinh kể.
Nguyễn Thị Thu Thủy, sinh viên Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM), kể: “Cũng vì tin vào Google maps nên em nhiều lần đi lạc. Có đoạn đường khoảng 2 km nhưng em mất gần 1 tiếng đồng hồ mới di chuyển đến nơi. Cũng đoạn đường ấy, lần sau đi, tiếp tục sử dụng Google maps nhưng vì kẹt xe nên mất gần 2 tiếng đồng hồ”.
Hỏi Thủy: “Đi một lần là có thể nhớ đường, vì sao lại tiếp tục sử dụng Google maps?”, Thủy cười nói: “Do thói quen”. Thủy thú thật: “Dù có những quãng đường quen thuộc, đã di chuyển nhiều lần như từ nhà đến trường và ngược lại nhưng em vẫn luôn bật Google maps trước khi xuất phát. Lên xe, đeo tai nghe, bật điện thoại chỉ đường và bắt đầu di chuyển. Tuy vậy cũng có vô số lần đi nhầm đường”.
Một khảo sát nhỏ của PV với 15 người trẻ tại TP.HCM cho kết quả khá bất ngờ: tất cả 15 ý kiến đều thừa nhận bản thân họ bị lệ thuộc vào smartphone.
Nguyễn Thụy Thanh Nga (25 tuổi), làm việc tại Công ty Zitahima (TP.Thủ Đức, TP.HCM), nói: “Từ năm 21 tuổi tôi đã biết viết đơn xin việc. Nhưng cứ mỗi lần nhảy việc là tôi lại phải tìm kiếm để tải về mẫu đơn xin việc trên mạng”. Nga cho biết thêm: “Chẳng hiểu vì lý do gì mà cứ hễ vào bếp là tôi phải tra trên mạng để tìm công thức nấu ăn, trong khi dù không có sự trợ giúp của thiết bị công nghệ thì tôi vẫn có thể nấu được”. Sau đó, cô gái này tự nhìn nhận: “Đúng là tôi có bị lệ thuộc vào smartphone”.
Hoàng Vũ Trung Quân (17 tuổi), học viên Trung tâm bóng đá Saigon Soccer Centre, TP.HCM, nói: “Em cũng có tâm lý lạm dụng smartphone. Như khi học đá bóng, dù được các thầy chỉ dạy trực tiếp, cụ thể, nhưng em vẫn thường xem cách thực hiện những động tác, kỹ năng trên YouTube”.
Dương Thu Thủy, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, kể: “Em xem smartphone là… người bạn chí cốt. Nhất là trong trường hợp cần tìm lời chúc bạn bè, người thân vào dịp sinh nhật, cưới, năm mới. Bản thân em vẫn có thể tự nghĩ ra lời chúc ý nghĩa, nhưng vẫn thích tham khảo trên mạng, và dần dần trở thành thói quen khó bỏ. Để mỗi khi cần lời chúc là phải… tra Google”.
Lê Minh Khuê (28 tuổi), ngụ chung cư Ehome 3, Q.Bình Tân, TP.HCM, cũng thú thật chuyện luôn phải cậy nhờ điện thoại để xử lý mọi vấn đề trong cuộc sống. Khi đi làm, thay vì nghe theo hướng dẫn của đồng nghiệp, Khuê có xu hướng tin vào thông tin trên mạng xã hội về các kỹ năng mềm. Lúc ở nhà, chuyện chăm sóc con hay nội trợ, cô gái này cũng coi smartphone là… tư vấn viên đáng tin cậy. Hễ gặp chuyện khó khăn, Khuê lại lấy smartphone, mở Google để tìm giải đáp.
“Có không ít lần mâu thuẫn với chồng, dù đã nhận được lời khuyên của chuyên gia tâm lý, nhưng mình vẫn tìm hiểu trên mạng về cách ứng xử trong tình huống tương tự để làm theo”, Khuê chia sẻ. (còn tiếp)
Người thân quen bỗng trở nên xa lạ...
Trong mọi mối quan hệ, nếu "xa mặt" rất dễ "cách lòng". Khi cách xa về địa lý dễ dẫn đến tình cảm phai nhạt. Thế nhưng, vẫn có những cách để duy trì tình cảm bền chặt mà người trẻ đã và đang áp dụng...
Gặp mặt trực tuyến là cách để người trẻ duy trì mối quan hệ khi ở xa THẢO PHƯƠNG
Trần Thị Mỹ Linh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ: "Mình và bạn thân học chung lớp và chơi với nhau từ bậc THCS. Tuy nhiên khi lên đại học, bạn học ở TP.Đà Nẵng còn mình vào TP.HCM. Do đó, mỗi năm chỉ gặp nhau được khoảng 2, 3 lần, đứa nào cũng bận học nên không gọi điện cho nhau thường xuyên. Lâu dần mình nhận ra tình bạn bắt đầu xa cách. Mỗi đứa một nơi nên khi có dịp gặp nhau cũng không biết nói gì. Đúng là xa mặt cách lòng".
Không chỉ Linh mà đó cũng là câu chuyện chung của nhiều người trẻ. "Trước kia khi còn làm việc ở văn phòng mình chơi rất thân với một chị đồng nghiệp cũ. Rồi từ ngày mình nghỉ việc và chuyển sang làm nhân viên tự do thì hai chị em không còn gặp nhau thường xuyên. Mỗi khi có dịp gặp lại chỉ nói được vài câu là cả hai chăm chú... sử dụng điện thoại chứ chẳng còn quan tâm, thân thiết. Cảm giác rất xa lạ", Vũ Thị Hồng Thanh (25 tuổi), ở trọ trên đường Lê Quang Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ.
Bên cạnh các mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp thì trong tình yêu hay người thân cũng... xa mặt cách lòng. Nguyễn Quang Huy, sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing, kể: "Mình đi học xa, chỉ thường gọi điện thoại cho ba mẹ. Mình chưa từng gọi điện hỏi thăm họ hàng nên dịp tết về quê gặp mặt những người bà con cảm giác rất ngại ngùng".
Để xa mặt nhưng không cách lòng
Để không phải xa mặt cách lòng, những cách hiệu quả mà người trẻ hay áp dụng như: thường xuyên liên lạc, trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe, tranh thủ gặp nhau ở những dịp đặc biệt...
Sau hơn 1 năm học ở TP.HCM, Nguyễn Thị Yến Quyên, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đã quyết định sang Hàn Quốc du học. Dù vậy, cô nàng này vẫn giữ được mối quan hệ rất tốt với các bạn trong phòng ký túc xá cũ.
"Mình vẫn giữ liên lạc với các bạn bằng cách thường xuyên gọi điện video để hỏi thăm nhau. Mình kể cho các bạn nghe về cuộc sống ở đây, nhắc lại những kỷ niệm khi còn ở chung với nhau. Nhờ vậy, cảm giác vẫn thân thuộc như ngày trước chứ không hề xa lạ. Mình dự định cuối năm nay sẽ về thăm nhà và có một chuyến đi chơi với những người bạn cũ", Quyên chia sẻ.
Thường xuyên nhắn tin hỏi thăm là cách để Cúc duy trì mối quan hệ bền chặt với cô giáo cũ THẢO PHƯƠNG
Còn với Huỳnh Thị Thanh Cúc, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, mặc dù đã vào thành phố học được 3 năm nhưng vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với cô giáo cũ. "Mình rất quý cô nên thường xuyên nhắn tin trò chuyện, hỏi thăm. Rồi mỗi lần có dịp về quê (ở tỉnh Bình Thuận) là lại ghé thăm cô. Nếu về trúng dịp 20.11 hay sinh nhật, mình cũng có những món quà nhỏ tặng cô. Dù không đáng là bao nhưng đó là tấm lòng và sự quan tâm của mình dành cho cô", Cúc kể.
Còn trong tình yêu, làm thế nào để cả 2 không cảm thấy xa cách về địa lý? Nguyễn Thị Phương Thảo, du học sinh Trường Nhật ngữ First Study ở Osaka (Nhật Bản) và bạn trai yêu xa gần 2 năm nay. Nhưng như chia sẻ của Thảo thì tình yêu của họ vẫn hạnh phúc. Thảo kể: "Mình đi du học từ năm 2022 còn anh ấy ở Việt Nam. Khoảng cách địa lý đã khiến tụi mình không ít lần cãi vã, giận hờn. Nhưng sau đó thay vì giận dỗi, tụi mình trò chuyện, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Và khi có vấn đề sẽ kể nhau nghe rồi giải quyết ngay lúc đó".
Thạc sĩ tâm lý Bùi Vĩnh Nghi, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng chia sẻ rằng việc xây dựng và phát triển một mối quan hệ dựa trên nền tảng sự thấu hiểu và chia sẻ. Mà cách tốt nhất là những cuộc gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp.
Tuy nhiên, nếu rơi vào hoàn cảnh phải "xa mặt", để hạn chế "cách lòng", thì thạc sĩ Nghi đưa ra lời khuyên: "Cần có những khoảng thời gian chất lượng dành cho nhau. Đó là những cuộc gặp gỡ trực tuyến hoặc các cuộc trò chuyện với sự lắng nghe sâu sắc. Bên cạnh đó là những lời động viên chia sẻ đến từ sự chân thành. Mặc dù không có điều kiện để ở gần nhau nhưng vẫn có nhiều cách để chúng ta kết nối và duy trì mối quan hệ. Chỉ cần chúng ta xác định được tầm quan trọng và ý nghĩa của mối quan hệ đó thì sẽ luôn có cách để dành sự ưu tiên cho bất kể ai".
Người trẻ làm nhiều việc để cải thiện thu nhập Trong thời buổi kinh tế khó khăn, chứng kiến các công ty sa thải, giảm giờ làm, người trẻ đã chọn làm thêm nhiều công việc để trang trải cuộc sống, đảm bảo tài chính ổn định. Làm 12 tiếng đồng hồ một ngày Chị Đ.N.B (29 tuổi, ngụ hẻm 150 Nguyễn Trãi, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM) là nhân viên ngành nhà...