Người trẻ khó ngủ coi chừng mắc trầm cảm
Mới 23 tuổi, chưa lập gia đình nhưng Lan Hà (Bình Thạnh, TP HCM) lại mắc chứng “khó ngủ như người già”.
Dù vừa ra trường đã có công việc ổn định nhưng Hà vẫn thường xuyên bồn chồn, lo lắng, buồn chán không rõ nguyên nhân. Đêm nào cô cũng cố hết sức vẫn không dỗ được giấc ngủ, trằn trọc mãi. Được kết luận mắc chứng rối loạn lo âu, stress, có trầm cảm, Hà phải điều trị bằng thuốc gần một tháng nay nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện nhiều.
Sau khi sinh bé trai thứ hai, cộng với công việc công ty vào đợt căng thẳng nên 2 năm nay chị Thúy (Phú Nhuận, TP HCM) mất ngủ liên tục. Đến giờ ngủ là chị nằm lăn lộn, đến lúc chợp mắt khoảng 1-2 tiếng thì trời sáng, tỉnh giấc với trạng thái mệt mỏi tột độ, buồn ngủ nhưng không ngủ tiếp được. Dần dà chị sinh ra ít nói, dễ cáu bẩn với chồng con, khó kiềm chế bản thân.
Cao điểm gần đây chị để mất nhiều đối tác trong công việc do không kiểm soát được tâm tính của mình. “Nhiều lúc không có gì để lo lắng nhưng bản thân vẫn cứ lo suốt, đôi khi không tha thiết muốn sống nữa”, chị Thúy kể. Đi khám, chị đượcchẩn đoánrối loạn lo âu, trầm cảm.
Theo đánh giá của các bác sĩ khám điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Tâm thần TP HCM, khoảng 70-90% người bệnh khai lý do khám bệnh là mất ngủ và không ít trong số đó là người trẻ trong độ tuổi 20-35.
Ngày càng nhiều người trẻ mất ngủ kèm trầm cảm, rối loạn lo âu. Ảnh: healthplus.
Bác sĩ Phạm Văn Trụ từ bệnh viện này cho biết, mất ngủ và trầm cảm thường đồng diễnvớinhau, cái này thường là nguyên nhân gây ra cái kia, khiến việc điều trị rất phức tạp. Rất nhiều bệnh nhân đến khám với lý do mất ngủ, đau đầu. Phần lớn than phiền hay trằn trọc về đêm, mệt mỏi không ngủ được, chỉ thiếp đi khi quá mệt, thường kèm đau đầu, cảm giác nặng đầu, suy nghĩ gì cũng không tới…
Video đang HOT
Người mất ngủ nhiều quá thường sợ đêm đến, ban ngày họ cũng không ngủ trưa được. Đây là nguyên nhân làm xuất hiện thêm nhiều cơn lo âu, ngoài những cơn lo lắng vô cớ tự đến. Cứ như vậy, người bệnh tiếp tục ám ảnh sợ mất ngủ, sau những ám ảnh gây nên tình trạng không ngủ được trước đó. Lâu dài, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng trầm cảm, rối loạn lo âu như dễ chán nản, giảm hứng thú làm việc, không còn nhiều thiết tha với cuộc sống…
Cần lưu ý, người lớn tuổi mất ngủ hơi khác. Vì nhu cầu ngủ giảm nên họ có thể dễ vào giấc ngủ, nhưng giật mình thức giấc và suy nghĩ nghiền ngẫm đủ chuyện buồn phiền đến khi mệt mỏi lại ngủ thiếp đi. Hoặc đôi khi họ nằm yên, không trằn trọc nhưng vẫn không ngủ được thì phải xem xét nhiều yếu tố của căn bệnh khác.
Theo bác sĩ Trụ, không nên lạm dụng thuốc an thần giải lo vì có thể gây ra tình trạng lệ thuộc thuốc, dẫn đến lần uống sau phải tăng liều và cứ phải tiếp tục uống, ảnh hưởng tới trí nhớ. Bác sĩ khuyến cáo, rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ là những căn bệnh thuộc chuyên ngành tâm thần. Khi xuất hiện những triệu chứng kể trên nên đi khám sớm tại bác sĩ chuyên khoa tâm thần, tốt nhất là nên đi khám khi mất ngủ, chưa có các triệu chứng lo âu, trầm cảm…
Theo VNE
Mùa gặt coi chừng bệnh viêm da do côn trùng
Một số khu dân cư tại Hà Nội bắt đầu xuất hiện côn trùng gây bệnh viêm da tiếp xúc như: các loại bướm, kiến ba khoang... Tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội, có ngày số ca mắc chiếm 20% tổng số bệnh nhân đến khám.
Sống ở tầng 5 một khu chung cư tại La Thành (Hà Nội), cách đây 2 hôm, chị Hà thấy vùng cổ, sau gáy xuất hiện mảng đỏ nhỏ, ngứa nhưng nghĩ không sao. Tuy nhiên đến hôm sau, trên mặt chồng chị cũng có vùng da đỏ, bỏng rát. Sợ bị zona thần kinh, cả hai vội đi khám thì biết bị viêm da tiếp xúc do côn trùng.
"Tôi chỉ bị nhẹ, bôi hồ nước vào là thấy đỡ rát, chứ chồng bị cả một vùng da ở mặt bôi thuốc trắng xóa", chị Hà nói.
Kiến ba khoang, một trong những thủ phạm gây dịch viêm da tiếp xúc. Ảnh: C.P.
Nhà chưa có ai bị đỏ, rộp da nhưng mấy ngày gần đây, chị Liên ở khu đô thị Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bắt đầu thấy kiến ba khoang xuất hiện trong nhà. Giờ mỗi tối trước khi đi ngủ, chị đều phải quét dọn nhà cửa, rũ giường, hạn chế mở cửa sổ.
"Tối ở nhà lúc nào tôi cũng phải cảnh giác, cứ thấy kiến, bướm bay vào nhà là lập tức lấy chổi quét, rồi lau chùi sạch sẽ. Khu chung cư nhà mình có mấy gia đình đã phải đi sơ tán để phun thuốc, mỗi nhà 500.000 đồng. Nhà mình có con nhỏ nên không dám phun, sợ mùi", chị liên chia sẻ.
Tương tự, anh Hải, sống ở tầng 12 chung cư Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, mấy hôm trước thấy kiến ba khoang bò trên tường nhà, anh đang lo mấy đứa nhỏ bị. May quá 2 hôm nay trời mưa, rét nên không thấy côn trùng bay vào nữa. "Khu vực tôi sống gần cánh đồng, nên vào những vụ gặt y như rằng lại chịu cảnh khói mù mịt rồi côn trùng bay vào", anh Hải chia sẻ.
Tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội, bình thường mỗi ngày một phòng khám tiếp nhận 30 bệnh nhân thì có 2 người bị viêm da tiếp xúc do côn trùng, ngày nào nhiều là 8. Bệnh có xu hướng tăng thời gian gần đây.
Bác sĩ Vũ Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng là hiện tượng viêm da cấp tính do chất tiết của côn trùng chạm vào da. Bệnh xuất hiện rải rác trong năm, nhưng đến thời điểm giao mùa thu - đông thì số ca tăng đáng kể. Lý do là vào mùa gặt côn trùng ngoài đồng ruộng hết chỗ trú, theo ánh sáng bay vào nhà. Nhiều người vô tình để độc tố của chúng chạm vào da, gây kích ứng. Vùng da tiếp xúc với độc tố sẽ bị bỏng rát và đỏ.
Theo bác sĩ Hùng, biểu hiện đầu tiên của bệnh là ngứa, rát chỉ sau vài phút tiếp xúc côn trùng, sau đó đỏ, phồng rộp lên. Tùy vào độc lực của côn trùng mà ảnh hưởng đến mức độ tổn thương da, nhẹ là rát, đau; nặng là đỏ, phồng rộp lên như bỏng, hoại tử da. Nếu là do kiến ba khoang thì bệnh thường nặng hơn.
Việc điều trị sớm bệnh rất đơn giản, có thể dùng các thuốc bôi làm dịu da, chống viêm. Nếu để bội nhiễm, người bệnh phải uống kháng sinh và có thể để lại sẹo. Nhiều trường hợp nhầm với zona, một bệnh da do virus. Nếu là do virus, ban đầu người bệnh sẽ thấy đau, tổn thương da, bọng nước thành từng đám, có hạch ở khu vực, nếu bị ở mặt thì có hạch ở cổ.
Biểu hiện của bệnh là ngứa, rát, sau đó đỏ, phồng rộp vùng da tiếp xúc với côn trùng. Ảnh:N.P.
Côn trùng gây bệnh bị thu hút bởi ánh sáng, nhất là ánh sáng đèn điện. Vì vậy, vào buổi tối, khi bật sáng điện sẽ thu hút côn trùng bay vào nhà, bám vào những đồ dùng, tiếp xúc với da người và tiết độc gây viêm da.
Vì thế, để phòng tránh, người dân nên đóng kín hết cửa hoặc buông rèm nếu bật đèn để côn trùng không bay vào nhà. Có thể dùng lưới chống muỗi, côn trùng, quanh nhà có thể đặt các cây đuổi côn trùng như sả, dạ hương... Vào mùa côn trùng phát triển (tháng 3-5 và 8-10) trong nhà nên tắt bớt đèn, trước khi đi ngủ nên quét dọn nhà cửa, rũ giường. Cho trẻ đi chơi thì nên tránh chỗ đèn sáng, nếu thấy côn trùng đậu trên người thì thổi nhẹ cho nó bay đi chứ không chà xát mạnh.
Tuyệt đối không lấy tay không đập côn trùng, nhất là với kiến ba khoang, dùng tấm giẻ to, ẩm chụp vào côn trùng, sau đó lấy một tấm giẻ ướt khác lau hết những bụi phấn, nhựa còn sót lại. Chú ý phát hiện những côn trùng ở trong nước tắm, khăn mặt, quần áo trước khi dùng.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, khi bị kích ứng do tiếp xúc với côn trùng người bệnh nên rửa chỗ tổn thương da qua nước sạch hoặc nước muối loãng 0,9%, rửa nhiều lần, dùng bông, gạc mềm thấm nhẹ để làm loãng và trôi tiết dịch của côn trùng, tuyệt đối không gãi hay chà xát mạnh. Lưu ý không nên dùng nước xà phòng rửa vì sẽ làm tăng kích ứng da.
Sau đó bôi dung dịch làm mát da, như hồ nước. Bên cạnh đó, khi đã bị bệnh, để tránh lây lan bệnh ra vùng da khác, người bệnh không nên sờ tay vào chỗ phù nề rồi lại chạm vào vùng da khác. Vì khi đó, chất độc từ côn trùng ở phần da viêm nhiễm sẽ bám vào phần da mới tiếp xúc và gây bệnh. Nếu bệnh nhẹ thì chỉ sau 2-3 ngày là khỏi, nếu nặng nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.
Theo VNE
Uống rượu pha mật gấu - Coi chừng tai biến! Mật gấu có tác dụng chữa bệnh, tuy nhiên nếu sử dụng không đúng cách, dùng phải mật gấu rởm có thể gây nên những hậu quả khôn lường, thậm chí tử vong. Từ một trường hợp dị ứng rượu mật gấu Hiện nay, với nhiều người, mật gấu được cho là một thứ thuốc bổ có thể giúp nâng cao sức khỏe...