Người trẻ đem làng nghề lên phố
Từ ý tưởng đưa làng nghề vào phố để công chúng chủ động tiếp cận, nhóm sinh viên ở Hà Nội đã lập ra dự án có tên ‘Trường làng trong phố’.
Du khách nước ngoài được tham gia trải nghiệm làm nghề.
Kết nối làng nghề tới công chúng
“Trường làng trong phố” là dự án phi lợi nhuận hướng tới việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề truyền thống Việt Nam. Dự án do một nhóm các bạn trẻ đến từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội thành lập nhằm tôn vinh và tiếp tục phát huy sự tích cực của người trẻ trong việc quảng bá, giới thiệu, lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam đến với cộng đồng trong nước và quốc tế.
Các bạn trẻ của “Trường làng trong phố” đã xây dựng chuỗi chương trình workshop trải nghiệm, trưng bày sản phẩm làng nghề.
Dự án là kết quả sau chung kết cuộc thi “Ý tưởng xã hội – Twenties’ Projects For Social Innovation 2023″ diễn ra vào tháng 4/2023. Trong đó, “Trường làng trong phố” là 1 trong 3 dự án xã hội xuất sắc trong hơn 100 dự án trên toàn quốc dự thi và được cấp quỹ 50 triệu đồng để triển khai thực tế.
Tác giả của “Trường làng trong phố” gồm 3 bạn trẻ: Trưởng dự án Lê Phương Linh (SN 2002) sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Người quản lý dự án và phụ trách nội dung – kỹ thuật là Vũ Minh Tú (SN 2001). Người phụ trách đối ngoại và quan hệ công chúng là Trịnh Kiều Trang (2002) – cả hai đang là sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
“Trường làng trong phố” với ý tưởng đem làng nghề lên phố để tới gần hơn những người trẻ nhằm giải quyết bài toán về khoảng cách địa lý, thay vì bị động chờ đợi những người trẻ tiềm năng tìm tới các làng nghề.
Dự án đề xuất mô hình workshop học nghề, kết hợp với sự kiện talkshow – đối thoại cùng nghệ nhân và trưng bày sản phẩm. Khách ghé thăm không chỉ được ngắm nhìn, tìm hiểu về sản phẩm, về những giá trị văn hóa, lịch sử mà còn được thực sự đắm chìm vào quá trình sản xuất, được tự tay ghi dấu ấn cá nhân lên thành phẩm cuối cùng.
Trong năm đầu đi vào hoạt động, dự án dự kiến hợp tác với bốn làng nghề ở vùng ven Hà Nội, gồm chuồn chuồn tre Thạch Xá, thêu Quất Động, nón chuông Chương Mỹ và quạt Chàng Sơn. Đây đều là những làng nghề với sản phẩm độc đáo, thú vị, giàu giá trị văn hóa nhưng lại chưa được nhiều người biết đến.
Bạn Lê Thị Phương Linh cho hay, trong tiến trình phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa, những làng nghề truyền thống cũng đang dần chuyển mình và thay đổi, song vẫn còn nhiều trở ngại trong việc tiếp cận đến cư dân nội thành, bởi hầu hết các làng nghề hiện nay đang nằm ở ngoại thành Hà Nội. Bởi vậy dự án mong muốn trở thành cầu nối và quảng bá, giúp làng nghề truyền thống tiếp cận gần hơn với lớp trẻ qua những hình thức truyền thông hiện đại.
“Bên cạnh đó, việc tổ chức chuỗi hoạt động tại đình Kim Ngân (Hàng Bạc) – nơi thờ cúng ông tổ của trăm nghề cũng là hình thức tôn vinh, quảng bá làng nghề truyền thống và nét đẹp văn hóa dân gian.
Video đang HOT
Tại địa điểm này, dự án cũng như làng nghề sẽ có cơ hội tiếp cận gần hơn với giới trẻ, khách du lịch trong và ngoài nước. Dự án mong muốn hướng tới quảng bá du lịch phố cổ Hà Nội gắn với làng nghề truyền thống, mang ý nghĩa càng thêm nhân văn và sâu sắc”, bạn Phương Linh cho hay.
Công chúng sẽ hiểu hơn về nghề truyền thống khi vừa tham gia vừa trò chuyện với nghệ nhân.
Lớp học chia sẻ và trải nghiệm
Từ khi dự án đi vào hoạt động, đình Kim Ngân cũng chính là địa chỉ quen thuộc diễn ra các hoạt động chính trong chuỗi workshop mà “Trường làng trong phố” lựa chọn. Trong tháng 7/2023, dự án đã tổ chức workshop “Hoa cài tre đan” giới thiệu về làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ) thu hút đông đảo người dân và giới trẻ tham gia.
Tiếp nối thành công ấy, trong tháng 8/2023 dự án đã tổ chức giới thiệu nét đẹp của làng nghề làm nón nổi tiếng tại huyện Thanh Oai mang chủ đề “Nghiêng vành nón Chuông”.
Từ xưa đến nay, nón lá đã trở thành một trong những nét đẹp riêng của người Việt, thể hiện hồn cốt Việt gắn với nền văn minh lúa nước. Trải qua bao năm tháng thăng trầm của lịch sử dân tộc, chiếc nón vẫn tồn tại cùng người Việt, gắn với đồng quê, với vạt áo nâu, với tà áo trắng…
Trong chương trình, những người tham gia được trở về với cội nguồn dân tộc với chiếc nón lá, được các nghệ nhân chia sẻ về hành trình hình thành và phát triển của nghề và làng nghề nón Chuông – làng nghề đã có tuổi đời hàng trăm năm. Đặc biệt, còn được tìm hiểu các công đoạn để tạo nên một chiếc nón lá với các thao tác vô cùng tỉ mỉ như vò lá, phơi nắng, phơi sương, rẽ lá, bứt vòng, quay mo, khâu nón…
Trong tháng 9/2023, “Trường làng trong phố” lại đưa công chúng đến với nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền (84 tuổi) – nghệ nhân cuối cùng của làng nghề Đàn Viên nổi tiếng làm đèn kéo quân.
Với chiếc đèn ông sao 6 cánh, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền đã từng bước giải thích rằng, 6 mặt ấy là biểu tượng cho 6 cá tính của con người (thương, ghét, giận, buồn, vui, hờn) hay sự hiếu thảo với lục thân. Cũng có thể, trong 6 cánh của chiếc đèn gửi gắm hy vọng về thế hệ con trẻ có tương lai tươi sáng và tốt đẹp.
Để bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống, những người trẻ đã lựa chọn mô hình lớp học chia sẻ kiến thức và trải nghiệm, kết hợp với tọa đàm – đối thoại trực tiếp cùng nghệ nhân và trưng bày sản phẩm. Hoạt động này được thực hiện liên tục đem đến những sự kiện thú vị cho người tham gia.
Những câu chuyện về làng, về hành trình làm nghề của các nghệ nhân, hay ý nghĩa của sản phẩm trong đời sống người Việt không chỉ thu hút công chúng, mà còn giúp họ trực tiếp tham gia làm nghề, để những dấu ấn truyền thống ấy mãi được lưu giữ, để nét đẹp truyền thống của Hà Nội và của cha ông mãi không phai tàn.
Ba thành viên sáng lập ‘Trường làng trong phố’: Trịnh Kiều Trang, Lê Phương Linh và Vũ Minh Tú.
“Công đoạn xé từng mảnh giấy nhỏ, dùng hồ dán bồi lên khuôn đúc có sẵn tưởng đơn giản nhưng tỉ mỉ vô cùng. Lớp trước được dán chồng lớp sau, kết dính bằng một loại hồ đun chín từ bột sắn. Khoảng 5 đến 6 lớp giấy vụn sẽ làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi. Khác trong khâu tô vẽ, mặt nạ giấy bồi muốn nhuộm màu chẳng thể vội vàng. Lớp sơn này khô mới tiếp tục tô lớp sơn khác. Ở mặt nạ giấy bồi, không phải những hình thù tân tiến mà lắng đọng của nền văn hóa dân gian”, lời giới thiệu của “Trường làng trong phố” về làng nghề Ông Hảo.
Người truyền đam mê cồng chiêng cho thế hệ trẻ ở Gia Lai
Với nhiều lớp học cuối tuần, nghệ nhân A Lip miệt mài truyền dạy niềm đam mê cồng chiêng cho thế hệ trẻ Gia Lai, giúp họ hiểu rõ giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Nghệ nhân A Lip ở làng Groi 2 (xã Glar, Đak Đoa, Gia Lai) sinh ra trong một gia đình có truyền thống đánh cồng chiêng. Từ nhỏ, ông đã được cụ thân sinh chỉ dạy đánh cồng chiêng và phân biệt cách chỉnh âm. Hiểu được giá trị của loại hình nghệ thuật này đối với đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, nghệ nhân đã thường xuyên "truyền nghề" cho lớp người trẻ trong làng, xã, để bảo tồn và phát huy.
Căn phòng nhỏ này là nơi ông trưng bày 3 bộ cồng chiêng cùng nhiều nhạc cụ dân tộc. Chúng được dùng khi có lễ hội, giao lưu văn hóa và để dạy cho các cháu nhỏ ở làng.
"Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất cũng như những giá trị về nghệ thuật đơn thuần mà nó còn là tiếng nói của con người và của thần linh theo quan niệm vạn vật hữu linh. Cồng chiêng mất đi, bản sắc văn hóa, đồng bào mình cũng không còn", ông A Líp bày tỏ.
Hàng chục năm nay, nghệ nhân A Lip đều dành thời gian thứ 7 và chủ nhật tham gia các lớp truyền cồng chiêng cho thanh thiếu niên của huyện Đak Đoa và một số địa phương lân cận như: Chư Sê, Chư Păh. Ông còn được nhiều đơn vị trường học có nhiều học sinh dân tộc thiểu số mời dạy.
Không chỉ giỏi đánh chiêng, nghệ nhân A Lip còn miệt mài học cách chỉnh chiêng, học đánh đàn Y'rưng, Gong Kní, làm các loại đàn tính từ tre, trúc và tạc tượng gỗ của người Ba Na.
Ông cũng là một trong số ít các nghệ nhân biết chế tác và sử dụng chiêng tre - loại nhạc cụ cổ truyền, xuất hiện từ rất sớm ở Tây Nguyên.
Ông A Líp dành thời gian nghiên cứu sâu về nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng. Hai chiếc mặt nạ Bram được ông A Líp tự sáng tạo trong những lúc rảnh rỗi.
Mô hình căn nhà rông 1,5m đang trong quá trình hoàn thiện được ông A Líp dựng lên để sử dụng trong các buổi biểu diễn, giao lưu văn hóa cồng chiêng.
Mới đây, ông A Líp cùng 3 nghệ nhân Ưu tú người Bahnar, Jrai của tỉnh Gia Lai vừa được hỗ trợ kinh phí để trao truyền văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế cận. Đây là hoạt động nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm sự ghi nhận, tôn vinh sự đóng góp của các nghệ nhân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, khuyến khích những "báu vật nhân văn" tiếp tục đóng góp tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo trong việc truyền dạy vốn quý văn hóa cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Những người trẻ 'mang làng ra phố' Với mục đích đem 'văn hóa làng' ra phố, thu hẹp khoảng cách địa lý và giúp những làng nghề truyền thống tiếp cận cuộc sống đương đại, một nhóm sinh viên trẻ đã sáng lập dự án 'Trường làng trong phố' và tổ chức thành công nhiều buổi chia sẻ, trải nghiệm với nghệ nhân vào các dịp cuối tuần trong khu...