Người TQ thuê đất trồng “lúa lạ”: Bất thường
Theo cán bộ Viện Nông nghiệp Miền Nam thì người đàn ông Trung Quốc chỉ là chuyên gia được thuê mướn. Tuy nhiên, người dân khẳng định ông Lji Wen mới là người chi tiền thực hiện dự án…
Đem giống nhiễm rầy về “ khảo nghiệm”!
Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, ngày 19/2, thạc sĩ Trương Quốc Ánh – Phó phòng Công nghệ sinh học thuộc Viện Nông nghiệp Miền Nam ( Bộ NNPTNT) đã đến Sở NNPTNT Long An để làm việc xung quanh vụ “lúa lai” mà báo chí đã thông tin. Ông Ánh là người phối hợp với ông Trần Minh Nhu (cán bộ đang công tác Công ty Giống cây trồng Miền Nam) và ông Lji Wen Jiang để thực hiện Dự án Nghiên cứu hợp tác phát triển sản xuất lúa lai cho miền Bắc.
Theo ông Ánh, giống lúa lai mà ông Wen đang trồng được Bộ NNPTNT cho phép, còn ông Jiang là chuyên gia thực hiện dự án. Ông Lê Minh Đức đã yêu cầu ông Ánh xuất trình giấy tờ liên quan đến giống lúa cũng như hợp đồng thuê mướn chuyên gia. Ngoài ra, ông Nhu phải hợp tác với Sở để làm rõ một số vấn đề như tại sao trồng khảo nghiệm không báo địa phương, yếu tố người nước ngoài… Tuy nhiên, ông Ánh chưa cung cấp được giấy tờ và ông Nhu cũng chưa xuất hiện…
Ông Jiang (trước) và ông Nhu chăm sóc lúa (ảnh chụp ngày 17/2)
Theo thông tin do ông Ánh cung cấp với phóng viên, giống lúa lai mà ông Nhu và ông Lji Wen Jiang đang trồng tại Long An là giống lúa lai Dương Hưu của Trung Quốc. Điểm yếu của giống lúa này là dễ nhiễm rầy, nhưng đã được Đại học Tứ Xuyên chuyển gen kháng rầy nâu vào giống.
Video đang HOT
Giải thích lý do vì sao ông Lji Wen Jiang thuê đất trồng khảo nghiệm lúa lai mà không thông báo cho địa phương, hay liên hệ với Sở NNPTNT tỉnh, ông Ánh cho biết vì trồng thử đầu tiên ở miền Nam với quy mô nhỏ nên không thông báo. Khi nào sản xuất ổn định rồi sẽ đặt vấn đề với tỉnh Long An để sản xuất với quy mô lớn, với nhiều nông dân, khi đó sẽ liên hệ với Sở NNPTNT để được hỗ trợ. Do mới làm vụ đầu, diện tích ít, rồi không biết giống có phù hợp hay không… nên làm trực tiếp với dân.
Ai là ông chủ?
Trước đó, ngày 18/2, Sở NNPTNT đã phối hợp với ngành chức năng huyện Châu Thành tiến hành kiểm tra 1,4ha đất đang trồng lúa lai tại ấp 1 (xã Hòa Phú. Diện tích đất này của ông Nguyễn Văn Bền và bà Trần Thị Thật cùng ngụ ấp 1 cho thuê với giá 30 triệu đồng/ha/mùa, cao gấp đôi so với giá thuê đất trồng lúa tại địa phương.
“Lúa lai lâu nay chỉ phổ biến ở miền Bắc vì khí hậu tương đối giống Trung Quốc. Tại miền Bắc, năng suất lúa lai cao hơn lúa trong nước khoảng 5 – 10% nhưng nhược điểm dễ nhiễm sâu bệnh. Hơn nữa, người làm lúa lai luôn lệ thuộc giống vào nhà cung cấp vì từ F2 trở đi chỉ để ăn chứ không làm giống được” – GS-TS Võ Tòng Xuân.
Hiện nay, cánh đồng lúa giống này đã trổ đều, cao dàn hơn so với lúa địa phương. Tại thời điểm kiểm tra, “lúa cha” cao hơn “lúa mẹ” khoảng 15 – 20cm. Tại buổi kiểm tra, bà Nguyễn Thị Đậm – Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Thành nói:
“Nhóm người này (nhóm ông Jiang – PV) thuê đất không đăng ký với chính quyền địa phương nên chúng tôi hoàn toàn không hay biết. Việc đơn vị thuê đất khảo nghiệm giống mới mà không đăng ký có thể gây tác động xấu đến sản xuất tại địa phương. Phấn hoa từ giống lúa lai này có thể bay sang lúa địa phương hiện cũng đang sắp trổ, từ đó có thể gây lai tạp giống”.
Ông Bền kể, do ông không biết tiếng Hoa nên giao dịch với ông Jiang bằng tiếng Anh “pha” tiếng Việt. Dù hợp đồng do ông Nhu đứng tên nhưng mọi giao dịch tiền bạc từ thuê đất đến thuê nhân công đều do ông Jiang chi trả.
Trao đổi với PV, cả ông Jiang và ông Nhu đều khẳng định, ông Jiang mới là “ông chủ” trồng lúa. Ngày 19/2, chúng tôi quay lại đồng lúa thì ông Wen và ông Nhu không còn tại đây. Liên hệ với số điện thoại 0733507… mà ông Nhu ghi trong hợp đồng thuê đất, chúng tôi chỉ nhận được tín hiệu “số máy này không có thật”.
Chúng tôi liên hệ với tổng đài thì được biết số này là số nhà riêng của một người dân tên Phạm Văn Mão ở Tiền Giang nhưng ông Mão đã cắt điện thoại ngừng sử dụng từ lâu.
Có thể xử phạt tối đa 30 triệu đồng
Trao đổi với PV hôm qua (19/2) về việc “Người Trung Quốc thuê đất trồng lúa lạ”, ông Phạm Đồng Quảng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: “Chúng tôi mới nắm được thông tin từ báo phản ánh nên sẽ có văn bản yêu cầu Sở NNPTNT tỉnh Long An kiểm tra, làm rõ sự việc và báo cáo lại Bộ NNPTNT. Do sự việc xảy ra trên địa bàn tỉnh Long An nên sẽ do đơn vị Sở NNPTNT và tỉnh Long An điều tra làm rõ, nếu sự việc đúng như báo chí phản ánh, chúng tôi sẽ yêu cầu địa phương xử lý nghiêm”.
Theo ông Quảng, đối với giống cây trồng từ nước ngoài muốn đưa vào Việt Nam để khảo nghiệm trước hết phải có giấy phép nhập khẩu. Mặt khác, các loại giống cây trồng muốn tiến hành khảo nghiệm phải được cấp phép mới được tiến hành khảo nghiệm, trong đó 4 cây trồng chính (lúa, ngô, lạc, đậu tương) muốn khảo nghiệm phải tiến hành khảo nghiệm quốc gia.
Tức là, cây lúa muốn tiến hành khảo nghiệm phải đăng ký với cơ quan trung tâm khảo nghiệm giống cây trồng của trung ương. Trường hợp giống “lúa lạ” như Báo NTNN phản ánh chưa được cấp phép đã tiến hành khảo nghiệm là vi phạm pháp luật. Ông Quảng cũng cho biết, tùy vào mức độ vi phạm có thể xử lý hành vi khảo nghiệm giống lúa của người Trung Quốc chưa được cấp phép theo quy định tại Nghị định số 57/2005 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, với mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa là 30 triệu đồng.
Ngoài phạt tiền, tùy từng tính chất mức độ có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất những giống cây trồng nhập khẩu ngoài danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh hoặc không được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ NNPTNT.
Theo 24h
"Lúa lạ": Sở kiểm tra, người TQ "lặn mất tăm"
Ông Nguyễn Văn Bền và giống lúa do ông Wen trồng "khảo nghiệm" (Ảnh: Dân Việt)
Ngày 18/2, Sở NN&PTNT tỉnh Long An đã thành lập đoàn khảo sát cánh đồng lúa do một người Trung Quốc thuê trồng lúa ở ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành.
Tuy nhiên, đoàn khảo sát của Sở NN&PTNT tỉnh Long An chỉ mới gặp được chủ cho thuê đất là ông Nguyễn Tấn Bền, còn người Trung Quốc thuê đất trồng lúa và những người môi giới thuê đất đều không liên lạc được.
Theo ghi nhận của đoàn, thửa đất 1,4ha trồng giống lúa do người Trung Quốc đem đến hiện đã trổ bông với hai loại cao, thấp xen kẽ nhau. Ông Bền cho biết giống lúa này đẻ nhánh rất nhiều, lúc trổ bông thì cao hơn từ 10-20cm và chín nhanh hơn khoảng nửa tháng so với các giống lúa thông thường. Ông Bền cũng cho biết thêm phía thuê đất có nhờ ông làm đất trước khi trồng và chăm sóc phân bón, thuốc trừ sâu cho ruộng lúa trên. Khi lúa bắt đầu trổ bông thì người Trung Quốc đến thăm ruộng lúa hằng ngày, nhưng khi nghe báo chí phản ánh, ông này đã "lặn" mất vào sáng 18/2.
Ông Lê Minh Đức, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, cho biết trước mắt sẽ tiếp tục liên hệ để gặp được phía chủ thuê đất trồng lúa. Nếu chủ thuê đưa ra được giống lúa trên thuộc nhóm lúa đã được Bộ NN&PTNT cấp phép trồng thì sẽ thu hoạch xay và trả gạo cho chủ thuê, đồng thời làm rõ nguyên nhân thuê đất với giá cao (30 triệu đồng/ha) làm dư luận xôn xao.
Trong trường hợp giống lúa trên không nằm trong nhóm lúa được phép trồng và chủ thuê không có giấy phép trồng khảo nghiệm, sở sẽ tịch thu toàn bộ sản lượng lúa trồng ở đây để nghiên cứu, xác định chính xác giống này là gì. Nếu là giống có khả năng gây hại cho thực vật, môi trường thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo 24h
Người Trung Quốc thuê đất trồng "lúa lạ" Mỗi ngày, người đàn ông Trung Quốc đến cánh đồng ở ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, Long An để miệt mài chăm sóc những đám "lúa lạ"... Việc này diễn ra từ cuối năm trước, nhưng đến nay cơ quan chức năng chưa có động thái xử lý. Người lạ trồng lúa lạ Khoảng 2 tháng nay, người dân ấp...