Người thương binh hơn 30 năm chăm sóc mộ liệt sĩ
Bà Thương kể: ‘Bữa đó tôi đi cắt cỏ tranh đêm về nằm mộng thấy một chú bộ đội rất trẻ tới xin cơm vì chú ấy đói lắm. Tôi thắp nhang khấn và linh cảm một điều gì đó rất gần gũi…’.
Ông Lưới trước căn nhà cấp bốn của mình – Ảnh: Đông Dương
Với tình đồng đội và trách nhiệm của người đồng chí, hơn 30 năm qua vợ chồng ông Vũ Trọng Lưới (74 tuổi, ngụ xóm Việt Kiều, ấp 8, xã Tân Thành, TX.Đồng Xoài, Bình Phước) đã tình nguyện chăm sóc, hương khói cho hai phần mộ liệt sĩ chưa được quy tập như những người thân của mình.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp bốn đã cũ, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Lưới) cho biết ông Lưới vừa đưa cái đài radio cũ kĩ đi sửa. Nhà chỉ hai ông bà, có cái đài nghe tin tức cho đỡ buồn.
Nói về chuyện giữ mộ liệt sỹ của hai vợ chồng, bà Thương chỉ ngay ra sau vườn, nơi có gốc cây Nậm Mức to chừng hai người ôm rồi bảo các chú ấy nằm ở đó. “Bữa đó tôi đi cắt cỏ tranh đêm về nằm mộng thấy một chú bộ đội rất trẻ tới xin cơm vì chú ấy đói lắm. Tôi thắp nhang khấn và linh cảm một điều gì đó rất gần gũi giữa hai cõi âm và trần thế thì ra chú ấy nằm ở đó”, bà Thương chia sẻ
Tới gần trưa, ông Lưới mới đạp chiếc xe cà tàng về đến ngõ. Giọng xởi lởi, ông vừa rót nước mời vừa thanh minh việc về muộn để khách chờ lâu. Ông Lưới quê gốc ở làng Thái Hòa (H.Triệu Sơn, Thanh Hóa). Năm 1967, ông nhập ngũ và chiến đấu ngang dọc chiến trường Đông Nam bộ và Campuchia. Tháng 4 năm 1976, ông được phục viên về sinh sống tại xóm Việt Kiều ( ấp 8, xã Tân Thành).
Kể về hai mộ liệt sĩ mà vợ chồng ông chăm sóc, hương khói hơn 30 năm qua, ông Lưới cho hay, mộ hai liệt sĩ là: Bùi Văn Thường và Bùi Văn Tạo (hy sinh ngày 5.4.1974) thuộc đại đội đặc công C13, E 141, F7, Quân đoàn 4. Thời điểm đó, chuẩn bị giải phóng cho chiến trường Đông Nam bộ, đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5.4.1974, Đại đội đặc công của ta được lệnh từ hướng H.Chơn Thành bơi qua cầu Sông Bé lên tiêu diệt đồn địch ở chi khu cầu Sông Bé. Do trời tối, đồn địch có nhiều tầng thép gai, hai chiến sĩ Thường và Tạo bị vướng mìn khiến một người bị thương. Chiến sĩ Thường bị mất máu nhiều và hy sinh tại chỗ, riêng chiến sĩ Tạo bò lê ra ngoài rìa sông Bé rồi cũng hy sinh. Sau khi quân ta đánh được đồn địch, anh em tạm đưa thi hài hai chiến sĩ lên băng ca và chôn cất hai chiến sĩ ở hai vị trí gần nhà ông Lưới bây giờ.
Sau giải phóng, ông Lưới kết duyên với và bà Nguyễn Thị Thương. Với tình thương mến đồng đội và trách nhiệm của người đồng chí, vợ chồng ông Lưới đã tình nguyện chăm sóc, canh giữ hai ngôi mộ liệt sĩ Bùi Văn Thường và Bùi Văn Tạo như những người thân của mình. Cứ đến các ngày lễ tết, hai vợ chồng ông bà đều sửa soạn thắp hương, dọn cỏ, chăm lo cho phần mộ hai liệt sĩ.
Từ những thông tin mà vợ chồng ông Lưới cung cấp, ngày 30.6.2009, đại tá Ngô Hồng Lập, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 cùng đoàn khai quật quy tập mộ liệt sĩ đã đưa hài cốt hai liệt sĩ Thường và Tạo về nghĩa trang quân khu. Sau đó theo nguyện vọng của gia đình hai liệt sĩ, hài cốt các liệt sĩ được đưa về an táng tại H.Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng.
Ngoài hai ngôi mộ liệt sĩ do vợ chồng ông trông nom ở xóm Việt Kiều, ông Lưới còn tìm được một mộ liệt sĩ nữa bên chiến trường Campuchia. Theo đó, năm 2011, ông Lưới tình nguyện cùng đội K72 chuyên quy tập hài cốt liệt sĩ tại sang tận tỉnh Mondonkiri (Vương quốc Campuchia), quy tập hài cốt liệt sĩ Nghiêm Đình Thìn (quê H.Yên Phong, Bắc Ninh, hy sinh ngày 15.6.1971), thuộc Đoàn 3073.
Video đang HOT
Vợ chồng ông Lưới có 6 người con đã trưởng thành và ra ở riêng. Hai ông bà canh tác khoảng 1 ha quýt đường và sống khá chất vật trong ngôi nhà tình thương mà Phòng LĐ-TBXH tỉnh Bình Phước trao tặng.
“Mấy chục năm trông nom, săn sóc hai phần mộ, điều tôi trăn trở nhất là phải đưa hai liệt sĩ Tạo và Thường về với quê hương, với gia đình. May mắn mong ước của tôi đã thành hiện thực, tôi coi như hoàn thành được trách nhiệm của những người lính với nhau”, ông Lưới chia sẻ.
Đông Dương – Bạch Long
Theo Thanhnien
Những cựu chiến binh thầm lặng chăm sóc phần mộ cho đồng đội
Là một dải đất nằm giữa 2 đầu đất nước, nhưng trong những năm tháng chiến tranh, Quảng Trị đã phải chịu đựng một lượng bom đạn khổng lồ do quân thù rải xuống, để lại hậu quả hết sức nặng nề. Chiến tranh đã đi qua 40 năm, nhưng những đau thương, mất mát vẫn chưa thể nguôi trong ký ức của người dân Việt Nam.
Ấm lòng người dưới mộ
Sẽ không có nơi nào như Quảng Trị, nơi có đến 72 nghĩa trang với hơn 54 ngàn mộ liệt sĩ được quy tập về các nghĩa trang. Cố dấu đi những đau thương của chiến tranh đang âm ỉ trong lòng, người dân Quảng Trị cũng tự hào vì được chăm sóc nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hàng chục vạn liệt sĩ các địa phương đã từng chiến đấu và anh dũng ngã xuống trên mảnh đất này.
Cứ đến dịp 27/7, các ngày lễ, tết là bà Lớn lại đến nghĩa trang dâng hương lên các liệt sĩ
Có dịp đến dâng hương tại các nghĩa trang, không khó để bắt gặp nhiều hình ảnh xúc động của các cựu chiến binh trở về viếng đồng đội của mình; những cụ già mái tóc bạc trắng đi từng phần mộ, đưa bàn tay gầy lên từng tấm bia mà nước mắt rưng rưng, dẫu người nằm dưới mộ không phải người thân yêu ruột thịt; những vị quản trang lặng lẽ chăm sóc từng phần mộ liệt sĩ...
Trong cái nắng gay gắt của miền Trung, cụ Trần Thị Lớn (80 tuổi) vẫn lọm khọm đi thắp hương lên từng phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Phong. Cụ Lớn cho biết, nhà cụ cách nghĩa trang gần chục cây số nhưng cứ đến dịp lễ, tết hàng năm, cụ đều nhờ con cháu chở ra đây dâng hương trước anh linh các liệt sĩ.
Trò chuyện với chúng tôi, cụ Lớn chia sẻ: "Tui cũng có người thân hy sinh trong chiến tranh nên tui hiểu được sự mất mát lớn lao của các gia đình. Họ không có điều kiện vào đây chăm sóc mộ phần cho người thân của mình, tui ở gần nên ra đây dâng hương cho các chú. Mong sao các chú, các anh nằm dưới mộ sẽ được yên lòng hơn".
Được biết, gia đình cụ Lớn có đến 7 người thân là liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến. 3 người cháu của cụ hiện đã được quy tập về nghĩa trang, số còn lại được gia đình đưa về chăm sóc, hương khói tại nghĩa trang gia đình.
Dọc các tuyến Quốc lộ hay tại bãi đỗ xe ở 2 nghĩa trang Quốc gia đường 9 và Trường Sơn và Thành Cổ Quảng Trị, những chiếc xe dán lên phía trước tấm băng rôn với dòng chữ: "Trung đoàn A..., Sư đoàn B..., đoàn Cựu chiến binh C..., Hội chiến sĩ D...thăm lại chiến trường xưa, tri ân các anh hùng, liệt sĩ...", gây nên nhiều xúc động. Khi những chuyến xe ấy dừng lại, các thế hệ cựu chiến binh lặng lẽ mang theo lễ vật, hương, hoa kính cẩn bước tới dâng lên các liệt sĩ.
Rồi trên từng phần mộ liệt sĩ, những nén nhang được thắp lên, cháy nghi ngút, những bông hoa tươi thắm được đặt trang trọng...Những hoạt động ấy đã làm ấm lòng những người đã khuất.
Những người sưởi ấm linh hồn đồng đội
Hơn 20 năm đảm nhận việc chăm sóc phần mộ các liệt sĩ, cựu chiến binh Lê Văn Giản (55 tuổi) nhớ rõ từng khu mộ, cũng như tên các liệt sĩ trong nghĩa trang. Hiện nay, tuy tuổi đã cao nhưng ông và cựu chiến binh Nguyễn Cư (64 tuổi) vẫn thầm lặng chăm sóc mộ phần các liệt sĩ.
Bước vào khuôn viên nghĩa trang, mọi người sẽ cảm nhận được sự sạch sẽ, ngăn nắp, các lối đi đều được quét dọn cẩn thận, cây cối được cắt tỉa chu đáo...tất cả đều được làm bằng lòng tận tâm lẫn trách nhiệm lớn lao của hai cựu chiến binh đã bước sang tuổi xế chiều.
Ông Cư thắp hương tri ân các liệt sĩ tại đài tưởng niệm
Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Cư vội dừng công việc cắt tỉa cây rồi nhẹ nhàng đặt cây kéo xuống ghế đá trong khuôn viên nghĩa trang. Ông Cư cho biết, ông đảm nhận việc chăm sóc phần mộ các liệt sĩ tại đây đã hơn 8 năm, còn ông Giản đã làm ở đây được 20 năm. Công việc của các ông là dọn dẹp nghĩa trang, cắt cây tỉa cành và hướng dẫn cho thân nhân liệt sĩ từ các nơi đến dâng hương...
"Kết thúc chiến tranh, tôi chuyển về công tác tại UBND xã Triệu Thượng, đến tuổi nghỉ hưu thì xin vào làm việc ở đây. Mới đó mà đã hơn 8 năm rồi. Tại nghĩa trang này cũng có rất nhiều đồng đội của tôi đang yên nghỉ. Bản thân tôi luôn tâm niệm, được đảm nhận việc chăm sóc phần mộ các liệt sĩ mỗi ngày là trách nhiệm lớn lao. Các anh đã không tiếc máu xương để chiến đấu và đem lại nền hòa bình, thống nhất cho đất nước, còn chúng tôi may mắn được sống sót, trở về đoàn tụ với gia đình nên thấy rằng cần làm một điều gì đó để tri ân công lao của các anh" - ông Cư mở đầu câu chuyện với giọng trầm buồn.
Ông Lê Văn Giản cẩn thận nhổ cỏ, tỉa cây cảnh trong khuôn viên nghĩa trang...
Từ ngày vào làm việc tại nghĩa trang, các ông không quản ngại khó khăn, vất vả, ngày ngày hương khói, dọn dẹp khuôn viên, nơi yên nghỉ của các đồng đội. Công việc gia đình đành phó thác cho vợ và các con. Thỉnh thoảng khi nào có việc cần, các ông lại thay phiên nhau trở về lo việc gia đình rồi lại thầm lặng chăm sóc nơi yên nghỉ của các liệt sĩ.
Từng tham gia chiến đấu, đương đầu với kẻ thù để bảo vệ quê hương nên các ông hiểu rõ sự tàn khốc lẫn những nỗi đau thương do chiến tranh để lại. Hàng chục vạn liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này cũng là minh chứng rõ rệt nhất. Nền hòa bình, thống nhất được đánh đổi biết bao xương máu. Chính vì vậy, dẫu những đồng phụ cấp quản trang hết sức ít ỏi (chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng) nhưng các ông luôn đề cao tình đồng chí, đồng đội, làm việc bằng tinh thần trách nhiệm với mong muốn làm yên lòng những người đã hi sinh.
Ông Lê Văn Giản cho biết, hiện nghĩa trang có trên 520 liệt sĩ đang yên nghỉ. Trong số đó, có hơn 100 mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính, tuổi, quê quán. "Dù quê quán ở đâu đi chăng nữa nhưng các anh đã chiến đấu và hy sinh cho đất nước. Người thân các anh lại ở xa và không có điều kiện để nhang khói thường xuyên. Được thay gia đình chăm sóc phần mộ của các anh, chúng tôi cũng thấy lòng mình thanh thản hơn" - ông Giản tâm sự.
Những ngày này, công việc của các ông trở nên tất bật hơn khi phải tiếp hàng chục đoàn khách trong và ngoài tỉnh cũng như thân nhân, đồng đội các liệt sĩ đến dâng hương. Những đoàn khách đến tri ân các liệt sĩ đều nhận được sự chỉ dẫn tận tình, chu đáo.
Bao nhiêu năm qua, 2 cựu chiến binh Nguyễn Cư (ảnh) và Lê Văn Giản vẫn lặng lẽ chăm sóc nơi yên nghỉ của hàng trăm đồng đội
Chia sẻ về công việc của mình, ông Cư nói: "Nhiều năm làm việc tại đây, anh em chúng tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện hết sức cảm động, đặc biệt là những thân nhân các liệt sĩ ở các tỉnh phía Bắc, phía Nam khi tìm được mộ người thân sau bấy nhiêu năm, họ vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Là người lính nên chúng tôi hiểu rõ những tình cảm ấy và nguyện sẽ gắng hết sức để tri ân công lao của các anh".
Đăng Đức
Theo Dantri
Khánh thành nghĩa trang quy tập 3.000 mộ liệt sĩ Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Nam chính thức khánh thành sáng nay 27.7, là công trình quy tập khoảng 3.000 mộ liệt sĩ. Công trình Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Nam - Ảnh: Hứa Xuyên Huỳnh Đúng 4 năm khởi công xây dựng, sáng nay 27.7 công trình Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Nam đã chính thức khánh thành tại...