Người thức khuya dễ có ‘tình một đêm’
Người thích thức khuya hầu như có xu hướng thích mạo hiểm và dễ dàng cho cuộc phiêu lưu “tình một đêm” hơn. Đây là kết quả một nghiên cứu mới.
Các nhà nghiên cứu đã dùng một thuật ngữ mới gọi là “cú đêm” để ám chỉ những người thích thức khuya vào ban đêm và dậy trễ vào buổi sáng. Nhóm người này thường ở lâu trong tình trạng độc thân và có nhiều khả năng lao vào những cuộc tình ngắn hạn hơn. Khảo sát cho thấy những chàng trai thức khuya có nhiều bạn tình gấp hai lần những người có thói quen ngủ sớm dậy sớm.
Ảnh: TLHTH.
Các nhà khoa học đã thu thập mẫu nước bọt của 211 tình nguyện viên (110 nam và 91 nữ) để kiểm tra nồng độ hormone cortisol và testosterone. Họ cũng được yêu cầu trả lời câu hỏi về việc có thích mạo hiểm hay không, đặc biệt là mạo hiểm về tình ái và tài chính, bên cạnh đó họ còn điền vào bảng câu hỏi mô tả về giấc ngủ của mình.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý học tiến hóa cho thấy, những “con cú đêm” thường có mức độ cortisol cao hơn, hormone này kết hợp với năng lượng cao sẽ gây kích thích và niềm đam mê mạo hiểm.
Người đứng đầu nghiên cứu là giáo sư Dario Maestripieri, khoa So sánh và Phát triển Con người, ĐH Chicago. Ông cho biết, “cú đêm” kể cả nam và nữ, thường có xu hướng sống lâu trong tình trạng độc thân hoặc dễ dàng tham gia những cuộc phiêu lưu tình ái ngắn hạn hơn so với mối quan hệ lâu dài của những người có thói quen ngủ sớm dậy sớm.
Ngoài ra, khảo sát cho thấy các “chàng cú đêm” có nhiều bạn tình hơn gấp đôi những người đàn ông dậy sớm. Thông thường nam giới có hàm lượng cortisol và testosterone cao hơn so với nữ giới. Tuy nhiên, các “nàng cú đêm” có hàm lượng cortisol xấp xỉ nhóm “chàng cú đêm”.
Giáo sư Maestripieri cho biết, ông thực hiện nghiên cứu này vì muốn tìm hiểu lý do tại sao nam giới thích mạo hiểm hơn nữ giới. Thông qua một hiệp hội của những người có tính cách khác thường về nhu cầu và thích tìm hiểu cái mới lạ, ông muốn tìm hiểu xem giấc ngủ có ảnh hưởng gì đến xu hướng này của họ.
Nghiên cứu của giáo sư Maestripieri cho thấy nồng độ cortisol cao có thể là một trong những cơ chế sinh học giải thích cho sự thích mạo hiểm của “cú đêm”. Nhóm người này có sự trao đổi chất, năng lượng và sự kích thích cao. Hàm lượng cortisol cao có thể kết hợp với chức năng nhận thức cao. Một số nghiên cứu cho thấy nhóm người thành công và đạt những thành tích cao đều có hàm lượng cortisol cao hơn bình thường.
Nghiên cứu cũng ghi nhận, đàn ông ngủ ít có xu hướng tự xem mình là “cú đêm” nhiều hơn nữ giới. Giáo sư Maestripieri cho biết thói quen thức hay ngủ của “cú đêm” hoặc người bình thường là một phần của vấn đề sinh học và sự thừa kế di truyền, song nó cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường như làm việc theo ca hoặc phải nuôi con.
Sự khác biệt giới tính ảnh hưởng đến giấc ngủ xuất hiện sau tuổi dậy thì và suy giảm dần hoặc biến mất sau khi phụ nữ mãn kinh. Giáo sư Maestripieri tin rằng mối liên hệ giữa “cú đêm” và hành vi mạo hiểm có nguồn gốc từ các chiến lược tiến hóa trong việc tìm kiếm bạn tình.
Ông nói: “Từ quan điểm thuyết tiến hóa, có ý kiến cho rằng &’cú đêm’ có thể đã tiến hóa để tạo thuận lợi hơn cho giao phối ngắn hạn. Đó là sự tương tác tình dục vợ chồng hoặc tình một đêm bên ngoài. Điều đó có thể lý giải rằng trong lịch sử tiến hóa trước đây của sinh vật, thói quen làm việc ban đêm sẽ giúp tăng cơ hội tham gia vào các hoạt động xã hội và hoạt động giao phối. Đó là thời điểm con người ít bị gánh nặng công việc hoặc chăm sóc con cái”.
Theo VNE