Người thay thế Jeff Bezos tại Amazon là ai
Nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos tự tin rằng người kế nhiệm mình sẽ là “lãnh đạo xuất sắc”.
Ngày 3/2, Jeff Bezos cho biết sẽ rời vị trí CEO Amazon và chỉ giữ chức chủ tịch. Kể từ quý III, người thay thế cho Bezos sẽ là Andy Jassy, CEO bộ phận dịch vụ đám mây Amazon Web Services (AWS).
Dù không xuất hiện nhiều như Bezos, chính Jassy đã đặt nền móng biến Amazon từ website thương mại điện tử trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất thế giới.
Trong khi Bezos từ chức một cách đột ngột, Fast Company nhận định việc Jassy trở thành CEO là không bất ngờ. Sau khi Jeff Wilke, CEO mảng kinh doanh tiêu dùng của Amazon, tuyên bố rời công ty vào đầu năm, con đường trở thành CEO của Jassy đã rõ ràng hơn.
Jassy gia nhập Amazon từ năm 1997, cùng thời điểm công ty này niêm yết trên sàn chứng khoán (IPO). Năm 2016, Jassy trở thành CEO AWS, đóng góp rất nhiều vào thành công của bộ phận này.
Video đang HOT
Ở tuổi 53, phong cách lãnh đạo của Jassy được cho là khá giống Bezos khi tập trung vào trải nghiệm khách hàng, khiêm tốn và sẵn sàng thử những điều mới dù có thể thất bại. Nhà phân tích Dan Ives mô tả Jassy là “một trong những lãnh đạo quyền lực nhất, không chỉ trong lĩnh vực đám mây và công nghệ, mà còn trong giới kinh doanh”.
“Một trong những văn hóa quan trọng tại Amazon và AWS là khuyến khích mọi người thử nghiệm. Chúng tôi muốn càng nhiều người thử nghiệm càng tốt, tránh lãng phí thời gian vào những thứ có thể không mang lại cơ hội… Nếu một thứ gì đó thất bại, chúng tôi chẳng sa thải ai vì nó”, Jassy chia sẻ năm 2017. Trong bức thư thông báo từ chức CEO, Bezos cho biết Jassy sẽ là “lãnh đạo xuất sắc”.
Bộ phận AWS mà Jassy đứng đầu mang về doanh thu rất lớn cho Amazon, 12,7 tỷ USD trong quý IV/2020. Đây cũng là con “gà đẻ trứng vàng”, chiếm 52% lợi nhuận Amazon. Một năm trước, con số này là 75%.
Nếu Bezos là một trong những gương mặt công nghệ nổi bật nhất thời gian qua, Jassy hầu như ít xuất hiện hoặc phát ngôn trước công chúng, trừ các sự kiện quan trọng của AWS. Cây viết Kevin McLaughlin từ The Information tiết lộ Jassy không xuất thân từ kinh doanh. Những năm trước, ông từng bí mật gặp nhiều CEO trong danh sách Fortune 500.
Năm 2017, Jassy từng tiết lộ các đội ngũ tại AWS hoạt động tương đối độc lập, nhưng một lãnh đạo giỏi cần nắm tình hình làm việc ở mọi cấp của tổ chức. “Bạn có thể khắc phục sai lầm miễn là nhìn thấy chúng… Nhưng nếu quá lơ là, không có cơ chế kiểm tra phù hợp thì việc tìm hiểu trong 6-12 tháng sẽ khiến viêc khắc phục khó khăn hơn vì lỗ hổng ngày càng lớn”.
Jassy là một trong những người được Amazon trả lương cao nhất. Theo Business Insider , Jassy kiếm được hơn 20 triệu USD trong 3 năm qua. Riêng năm 2016, tiền lương của ông tại Amazon là 36 triệu USD, trong khi Bezos chỉ là 1,7 triệu USD.
Jassy cũng từng được cân nhắc cho vị trí lãnh đạo các hãng công nghệ lớn. Cựu CEO Steve Ballmar của Microsoft được cho là đã tiếp cận Jassy, trong khi có thời điểm ông được đoán sẽ là CEO Uber sau khi Travis Kalanick từ chức năm 2017.
Khép lại hành trình 27 năm lãnh đạo Amazon trên cương vị CEO, Jeff Bezos gửi lá thư xúc động tới nhân viên
Jeff Bezos khép lại hành trình 27 năm làm CEO Amazon bằng một bức thư xúc động.
Nhà sáng lập Amazon vừa tuyên bố sẽ rời vị trí CEO công ty trong quý 3 của năm nay và trở thành Chủ tịch. Đi kèm thông báo này, Jeff Bezos đã gửi một bức thư cho toàn thể nhân viên.
Dưới đây là nội dung bức thư:
Gửi tất cả người Amazon,
Tôi rất vui khi tuyên bố rằng quý 3 năm nay tôi sẽ không còn là CEO Amazon và vị trí này được trao cho Andy Jassy. Trên cương vị Chủ tịch, tôi sẽ tập trung toàn bộ năng lượng và sự quan tâm của mình vào những sản phẩm và những sáng kiến mới. Andy hiểu rất rõ công ty và đã có thời gian dài ở Amazon giống như tôi. Anh ấy sẽ là một nhà lãnh đạo tuyệt vời và tôi tin tưởng tuyệt đối vào anh ấy.
Hành trình này bắt đầu từ 27 năm trước. Amazon chỉ là một ý tưởng và thậm chí nó còn không có một cái tên. Câu hỏi tôi luôn đặt ra nhiều nhất thời điểm đó là: Internet là gì? Thật may tôi đã sớm lý giải được câu trả lời đó.
Hiện tại, công ty chúng ta đang có 1,3 triệu nhân tài, những người luôn tận tâm phục vụ hàng trăm triệu khách hàng và doanh nghiệp. Chúng ta được xem là một trong những công ty thành công nhất trên thế giới.
Để đạt được thành quả như vậy tất cả là nhờ đổi mới. Đổi mới là gốc rễ thành công của Amazon. Chúng ta đã cùng nhau làm những điều điên rồ và biến nó trở thành bình thường. Chúng ta đi tiên phong trong các bài đánh giá của khách hàng, sáng kiến 1-Click, hệ thống giao hàng cực nhanh của Prime, mua sắm Just Walk Out, Climate Pledge, Kindle, Alexa, cơ sở hạ tầng điện toán đám mây, Career Choice, và nhiều hơn nữa. Nếu làm đúng, một vài năm sau một phát minh gây ngạc nhiên, điều mới đã trở thành bình thường. Mọi người sẽ tỏ ra kinh ngạc và đó là lời khen lớn nhất mà một nhà phát minh có thể nhận được.
Tôi chưa thấy công ty nào có những kỷ lục sáng tạo như Amazon và tôi tin rằng chúng ta đang ở thời kỳ sáng tạo nhất từ trước tới nay. Tôi hy vọng bạn tự hào về tinh thần sáng tạo của công ty như tôi. Tôi tin là như vậy.
Khi Amazon trở nên đủ lớn, chúng ta quyết định sử dụng quy mô và phạm vi của mình để giải quyết những vấn đề xã hội quan trọng. 2 ví dụ điển hình nhất là: Mức lương tối thiểu 15 USD và Cam kết cho hoạt động chống biến đổi khí hậu. Trong cả 2 trường hợp, chúng ta đều đã nắm vị trí dẫn đầu và sau đó yêu cầu những công ty khác chung tay. Cả 2 vấn đề đều đang được giải quyết ổn thoả. Những công ty lớn khác cũng đang làm như vậy. Tôi hy vọng các bạn cũng sẽ tự hào về điều đó.
Tôi luôn cảm thấy sự vui vẻ và ý nghĩa trong công việc mình làm. Tôi làm việc với những người tài năng nhất, thông minh nhất và những đội nhóm sáng trí nhất. Trong giai đoạn tốt, các bạn khiêm tốn, lúc rơi vào khó khăn, các bạn trở nên mạnh mẽ và giúp đỡ hết mình, và rồi tất cả chúng ta cùng cười. Đó là niềm vui trong công việc mà chúng ta cùng nhau làm.
Tôi rất hào hứng với việc chuyển giao vị trí CEO lần này. Hàng triệu khách hàng đang dùng dịch vụ của chúng ta và hơn 1 triệu nhân viên phụ thuộc vào chúng ta để kiếm sống. Là CEO của Amaon là một trọng trách đặc biệt nặng nề và nó chi phối nhiều thứ. Khi bạn nắm trong tay trọng trách như vậy, rất khó để có thể bận tâm tới những việc khác. Vì vậy trên cương vị Chủ tịch, tôi sẽ tập trung vào những cải tiến quan trọng của Amazon và cũng có thời gian và năng lượng cần thiết để tập trung cho những công ty và dự án khác như Day 1 Fund, Bezos Earth Fund, Blue Origin, The Washington Post... Tôi chưa bao giờ có nhiều năng lượng hơn thế và việc rời vị trí CEO không phải là nghỉ hưu. Tôi đang rất hứng khởi với tiềm năng những ảnh hưởng có thể tạo ra cho công ty trong tương lai.
Chúng ta sẽ tiếp tục mang đến cho thế giới những thứ gây kinh ngạc. Chúng ta đã phục vụ các cá nhân và doanh nghiệp và đi tiên phong trong hai ngành công nghiệp hoàn chỉnh và một loại thiết bị hoàn toàn mới. Chúng ta dẫn đầu trong các lĩnh vực đa dạng như máy học và hậu cần. Và nếu các ý tưởng của người Amazon đòi hỏi thêm một kỹ năng mới khác, chúng ta đủ linh hoạt và đủ kiên nhẫn để học hỏi.
Hãy tiếp tục sáng tạo, và đừng tuyệt vọng khi ý tưởng ban đầu có vẻ điên rồ. Hãy đi lang thang và luôn giữ đức tính tò mò về mọi thứ. Hãy luôn xem ngày nào cũng như Ngày đầu tiên.
Vì sao ông chủ Amazon sẽ từ chức vào năm 2021? Đây là một tin làm dư luận khá bất ngờ khi Amazon vẫn đang trên đà "ăn nên làm ra". Tỷ phú Jeff Bezos vừa thông báo vào cuối năm nay ông sẽ từ chức CEO của Amazon, một trong những tập đoàn có giá trị cao nhất thế giới. Ông Jeff Bezos cho biết sẽ vẫn tiếp tục tham gia các sáng...