“Người sót lại của Cánh đồng hoang” kể những câu chuyện cũ…
Phóng viên Dân trí đã tìm gặp được trợ lý đạo diễn của bộ phim Cánh đồng hoang để nghe ông kể lại những chuyện chưa kể về 3S (Hồng Sến Nguyễn Quang Sáng Trịnh Công Sơn) xuất sắc của bộ phim…
Người hỗ trợ quay phim và là trợ lý của đạo diễn Hồng Sến khi thực hiện bộ phim Cánh đồng hoang là NSƯT Bằng Phong. Ông năm nay tuổi cũng đã cao, sức đã yếu, cuộc sống đơn chiếc, đi lại khó khăn. Vì thế, dù tiếc thương sâu sắc khi nghe tin nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua đời, ông Bằng Phong vẫn không thể đến tiễn đưa người đồng nghiệp thân thiết, yêu kính của mình về nơi an nghỉ cuối cùng. Qua Dân trí, ông xin gửi lời chia buồn, lời tiếc thương vô hạn đến gia đình nhà văn…
Có thể nói, trong ê-kíp của đoàn phim Cánh đồng hoang, NSƯT Bằng Phong có lẽ là một trong số ít những thành viên hiếm hoi còn sót lại. Trước đó, đạo diễn Hồng Sến, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, diễn viên Lâm Tới… đều đã ra đi mãi mãi. Khán giả chỉ còn hay tin về nữ diễn viên chính Thúy An hiện đang sống tại Đức. Vì vậy, những lời tâm sự, sẻ chia của người trợ lý đạo diễn- người hiếm hoi còn “sót” lại từ Cánh đồng hoang lại càng trở nên quý giá, với chúng tôi.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng
Nhắc đến tác giả kịch bản của bộ phim Cánh đồng hoang, người trợ lý đạo diễn thuở nào không khỏi xúc động: “Với tôi, nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một người thực sự giản dị, chân chất như chính con người mang đậm phong cách Nam bộ của anh. Tôi và một số bạn bè đồng nghiệp lúc bấy giờ đã may mắn được hợp tác cùng anh Sáng trong nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh. Hơn nữa, chúng tôi cũng từng hoạt động cùng nhau trong khu kháng chiến ở rừng nên tình cảm anh em đồng nghiệp lại càng thêm quý mến”.
Được làm việc với nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua khá nhiều tác phẩm điện ảnh như Mùa gió chướng, Mùa nước nổi,… Nhưng đối với NSƯT Bằng Phong, bộ phim để lại ấn tượng sâu đậm nhất và cũng là tác phẩm điện ảnh mà sau khi làm xong, các anh em trong ê-kíp, đặc biệt chính tác giả Nguyễn Quang Sáng rất hài lòng lại là Cánh đồng hoang. Chỉ gói gọn trong khoảng 90 phút chiều dài của bộ phim nhưng tất cả những con người ấy đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn và thiếu thốn trong suốt gần một năm trời để làm nên một bộ phim để đời cho điện ảnh Việt.
Theo NSƯT Bằng Phong kể lại, nhà văn Nguyễn Quang Sáng rất tâm đắc với tác phẩm Cánh đồng hoang
Ẩn sâu trong lời kể của NSƯT Bằng Phong, có thể cảm nhận rõ được những cảm xúc khó tả mà ông và nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng như đạo diễn Hồng Sến và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã cùng nhau trải qua trong quá trình đi thực địa và tìm bối cảnh cho phim Cánh đồng hoang. Trong ký ức của người làm công tác trợ lý đạo diễn, đó là những chuyến đi lặn lội tuy xa xôi và vất vả nhưng lại vô cùng thân thiết và đầy tình cảm giữa anh em. Đó là những bữa nhậu với rượu quê và cá đồng mà nhà văn Nguyễn Quang Sáng rất “khoái”. Nhờ những bữa nhậu thân tình đó mà nhiều ý tưởng cho bộ phim đã nảy sinh và lại càng được anh em chia sẻ với nhau nhiều hơn.
Cuối cùng, nhà văn Nguyễn Quang Sáng và ê-kíp cũng đã lựa chọn vùng Mộc Hóa, Long An là nơi làm bối cảnh chính cho phim rồi chờ đến mùa nước nổi để có thể thực hiện được những cảnh quay ưng ý nhất. Sau những ngày đầu đi sát với đoàn phim và khá yên tâm về bối cảnh, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã không nén được hạnh phúc khi thành quả mà bộ phim Cánh đồng hoang mang lại nhiều hơn cả những gì mong đợi.
Video đang HOT
Cánh đồng hoang thu hút bằng những hình ảnh chân thật
Mặc dù vậy, khi nhắc đến điểm chưa hài lòng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng về bộ phim, NSƯT Bằng Phong chia sẻ: “Tôi còn nhớ chi tiết mà lúc phim đã quay xong, vốn bản tính kỹ càng, anh Sáng có vẻ chưa hài lòng lắm với cảnh cuối cùng khi chiếc trực thăng bay gần nhân vật nam chính Ba Đô. Nhưng mọi thứ đã hoàn thành, để làm lại thì rất khó, nên anh Sáng đã quyết định chỉnh sửa một chút kịch bản bằng việc thêm một câu thoại “Bắt sống lấy nó” cho hợp lý với cảnh quay”.
“Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một phần rất nhỏ so với thành công của bộ phim này bởi thời điểm đó, khi Cánh đồng hoang được công chiếu vào dịp 30/04/1979, chúng tôi thật hạnh phúc khi chứng kiến khán giả đã chịu khó đứng xếp hàng đến hàng trăm mét để mua vé vào xem phim. Niềm vui của anh Sáng và những người trong đoàn phim không thể nào nhiều hơn khi những ngày tháng vất vả làm phim phải ăn độn, ăn bánh mỳ và dầm dề với sông nước để có được thành quả xứng đáng như thế”, NSƯT Bằng Phong nhớ lại.
Mọi người sẽ nhớ đến nhà văn Nguyễn Quang Sáng như một đại diện tiêu biểu nhất của văn học Nam Bộ
Câu chuyện khá dài đang được NSƯT Bằng Phong bồi hồi nhớ bỗng khựng lại khi một lần nữa ông nhắc đến sự ra đi của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Vẫn biết rằng, con người khó tránh khỏi quy luật sinh – lão – bệnh – tử nhưng sự ra đi nào cũng để lại niềm tiếc thương sâu sắc. Nhất là với một người đã cùng nhau gắn bó và làm việc trong nhiều năm như NSƯT Bằng Phong và nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Sau câu chuyện về người anh đồng nghiệp quý mến Nguyễn Quang Sáng, NSƯT Bằng Phong vẫn không quên nhắn gửi mong ước của mình, “Nếu có thể, tôi mong sao bộ phim Cánh đồng hoang sẽ được đưa vào nhà trường trong những buổi ngoại khóa hoặc được xem xét đưa vào chương trình giáo dục cho học sinh như Chiếc lược ngà. Được như vậy thì hay lắm”.
Và, đó cũng là mong muốn xuất phát từ nỗi lo của NSƯT Bằng Phong về phim chiến tranh thời nay do nhiều lớp đạo diễn, tác giả trẻ đã và đang làm, khi mà những trải nghiệm sống trong thời gian khó khăn bom đạn của họ là gần như không có. Trong thâm tâm của người đã từng làm trợ lý đạo diễn ấy, Cánh đồng hoang sẽ khó lòng có được một “phiên bản” kinh điển thứ hai cũng như nhà văn Nguyễn Quang Sáng vẫn sẽ luôn là một trong những cây đại thụ đáng quý của nền văn học, điện ảnh Việt Nam qua nhiều thế hệ.
Trí Hòa
Theo Dantri
Vĩnh biệt anh Năm Sáng!
"Sức sống của Nguyễn Quang Sáng luôn là một lực hấp dẫn mạnh mẽ khiến ai cũng mong muốn bên anh, cùng anh chia sẻ" - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nói về nhà văn quá cố.
Anh Năm Sáng.
Chiều Hà Nội lạnh buốt. Tôi đang ngồi uống rượu cùng bạn bè thì đột ngột nhận được tin anh Năm Sáng (nhà văn Nguyễn Quang Sáng) vừa từ trần vào hồi 17 giờ ngày 13-2. Cái tin buồn thương ập đến khiến tất cả đều hoang mang lạ thường. Lại biết thêm chính trưa qua tại Sài Gòn, anh cũng vừa uống rượu cùng bạn bè. Vậy mà chỉ thoáng chốc, người đàn anh yêu quý của giới văn chương - nghệ thuật của chúng tôi đã chuyển cõi. Tin anh qua đời khiến trời Hà Nội như lạnh hơn.
Bản lĩnh đáng nể
Tôi thực không nhớ đã gặp anh Năm Sáng sau giải phóng từ lúc nào. Nhưng tên anh và những tác phẩm của anh, tôi đã đọc và mến mộ từ lâu, nhất là thời chống Mỹ với những Ông Năm Hạng, Quán rượu người câm, Chiếc lược ngà... Lúc ấy, tôi chỉ đọc và ngưỡng mộ.
Từ lâu, anh đã là một nhà văn tạo ấn tượng trong tôi nhưng tiếp xúc mới thấy anh bình dị và đời thường hơn những gì tôi tưởng tượng. Bình dị và đời thường như chính cuộc đời anh. Chẳng ai nghĩ Năm Sáng đã thân với Hoàng Việt thế nào mà khi cùng tập kết ra Bắc, anh là người đã từng cho Hoàng Việt mượn chiếc áo veston cũn cỡn để đi dự Đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1957.
Chẳng ai biết anh đã lọt ngay vào mắt xanh của Nguyễn Tuân để rồi trở thành một cán bộ Phòng Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam có hạng. Cũng từ đây, anh lại song hành cùng Hoàng Việt xuyên Trường Sơn vào chiến trường miền Nam ác liệt đầu năm 1966. Chính những năm tháng dấn thân lặng lẽ đã tạo cho anh Năm Sáng có một bề dày vốn sống chiến tranh đến ngập tràn tâm hồn.
Văn xuôi Nguyễn Quang Sáng là một giọng văn vừa giản dị vừa sâu sắc và đặc biệt có một nhịp điệu riêng khiến ta lay động không cùng. Cái riêng ấy đã khiến cho ta thấy ở anh một bản lĩnh đáng nể - bản lĩnh của một nhà văn hoàn toàn lấy đời thường làm nơi cất lên sự phi thường của những người dân giản dị, lấp lánh những số phận nổi chìm trong những năm tháng bất bình thường của cuộc chiến. Hình ảnh người cha cho con vào bọc ni-lông dìm xuống nước để tránh bật ra tiếng khóc ở Cánh đồng hoang là một hình ảnh độc đáo nhất của mọi cuộc chiến tranh của nhân loại, mà chỉ ở chiến tranh nhân dân Việt Nam mới có được.
Vào thời kỳ đổi mới, tôi được gần anh nhiều hơn. Có lẽ một người đã dấn thân như anh, dù rất hiểu mọi điều, cũng không bao giờ chấp nhận thực tại quan liêu, bao cấp đang diễn ra. Điều đó luôn được nhắc đến dù là khi tôi và nhà thơ Thanh Thảo ngồi nhậu cùng anh ở nhà riêng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP HCM hay khi anh cùng Nguyễn Văn Bổng ngồi nhậu tại nhà tôi ở 60 Hàng Bông, Hà Nội. Nỗi day dứt thèm khát một sự biến chuyển thực sự của đất nước luôn thường trực trong Nguyễn Quang Sáng.
Rất yêu âm nhạc
Có một tình yêu riêng cho Nguyễn Quang Sáng nhà văn: Anh rất yêu âm nhạc. Bởi thế, anh rất thân với Trịnh Công Sơn. Biết bao nhiêu cuộc tôi đã ngồi cùng anh và Trịnh Công Sơn vừa uống rượu vừa nói về âm nhạc của Trịnh. Có lẽ cuốn sách duy nhất anh viết về nhạc sĩ là cuốn Paris - Tiếng hát Trịnh Công Sơn. Anh và Trịnh Công Sơn có một tình bạn đặc biệt đến nỗi khó ai có thể lý giải nổi.
Cũng càng khó lý giải khi anh như một trung tâm thu hút anh em văn nghệ ở TP HCM và cả nước. Sức sống vập vạp của anh luôn là một lực hấp dẫn mạnh mẽ khiến ai cũng mong muốn bên anh, cùng anh chia sẻ. Anh lớn lao tới mức bình dị. Anh mạnh mẽ đến mức dịu dàng. Anh cứ thế, không cần PR (quảng bá), không cần lớn lối nhưng ai ai cũng kính trọng, nể vì. Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật của nhà nước trao tặng rất xứng đáng với anh nhưng cũng chẳng phải là điều để anh làm phách. Anh cứ sống, cứ uống, cứ viết, cứ chia sẻ như chính anh là thế.
Điều không thể giấu được là từ khi bạn bè - từ Trịnh Công Sơn, rồi Từ Huy và Bảo Phúc - ra đi khỏi cõi đời, anh Năm Sáng buồn hơn. Càng buồn, càng uống. Càng buồn, càng im lặng. Im lặng muốn nén chặt mình. Lần nào vào TP HCM uống với anh, tôi càng thấy điều ấy nhiều hơn, rõ hơn.
Còn nhớ mấy năm trước cùng nhau về Festival Dừa Bến Tre, đang nhậu rất vui, anh lại rất muốn nghe đờn ca tài tử. Anh đặc biệt rất thích dòng nhạc này. Chắc chắn đêm 12-2 vừa rồi, anh có mặt trong cuộc vinh danh đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cũng chắc chắn anh đã thỏa nguyện vì chứng kiến sự vinh danh đó trước khi về cõi vĩnh hằng.
Khoảng trống không thể lấp đầy
Nghe tin Nguyễn Quang Sáng mất, tôi và Đỗ Quang Hạnh cùng đến nhà Ngô Thảo - một nhà văn thân thiết với anh. Vừa gặp nhau, Đỗ Quang Hạnh đã bật khóc, còn tôi thì thấy đắng miệng nghẹn ngào.
Vẫn biết cuộc đời là hữu hạn nhưng sao vẫn muốn có thêm một tháng giêng thong thả và hồn nhiên uống cùng nhau ở Sài Gòn khi tôi đang chờ bay vào với anh. Mãi mãi chẳng bao giờ còn những giây phút bật sáng cùng anh và bạn bè quây quần. Mãi mãi chẳng còn những cười đùa, trêu chọc nhau hồn nhiên. Mãi mãi chẳng còn những băn khoăn khi cùng nhắc về Nguyễn Thi, Thủy Thủ. Mãi mãi và mãi mãi..., anh Năm Sáng ơi!
Sao anh cứ khiến anh em còn đây những cảm xúc đột ngột, những tâm sự rối bời? Có phải vì anh đã để lại trọn vẹn một Năm Sáng khiến anh em đều tin yêu, đều thương mến, đều muốn sẻ chia? Sẽ có một khoảng trống từ đây không thể lấp đầy - khoảng trống Nguyễn Quang Sáng trong văn đàn và nghệ thuật Việt Nam. Vĩnh biệt anh!
Một di sản đồ sộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (bút danh Nguyễn Sáng) đã qua đời lúc 17 giờ ngày 13-2, nhằm ngày 14 tháng giêng năm Giáp Ngọ, tại nhà riêng ở quận 7, TP HCM do tuổi già sức yếu, hưởng thọ 82 tuổi. Lê viêng băt đâu luc 10 giơ ngay 14-2 tai Nha tang lê TP HCM; lê đông quan va an tang tai Nghia trang Đa Phươc, huyên Binh Chanh, TP HCM tư 13 giơ 30 phut ngay 16-2.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932 tại xã Mỹ Luông (nay là thị trấn Mỹ Luông ), huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Từ tháng 4-1946, ông xung phong vào bộ đội tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1958. Năm 1966, ông vào chiến trường miền Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ. Năm 1972, ông trở ra Hà Nội, tiếp tục làm việc ở Hội Nhà văn Việt Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở lại TP HCM, giữ chức Tổng Thư ký Hội Nhà văn TP HCM các khóa I, II và III.
Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa II, III và là Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV.
Các tác phẩm văn xuôi của ông đã xuất bản: Con chim vàng (truyện ngắn, 1957), Người quê hương (truyện ngắn, 1958), Nhật ký người ở lại (tiểu thuyết, 1962 ), Đất lửa (tiểu thuyết, 1963), Câu chuyện bên trận địa pháo (truyện vừa, 1966), Chiếc lược ngà (truyện ngắn, 1968), Bông cẩm thạch (truyện ngắn 1969), Cái áo thằng hình rơm (truyện vừa, 1975), Mùa gió chướng (tiểu thuyết, 1975), Người con đi xa (truyện ngắn, 1977), Dòng sông thơ ấu (tiểu thuyết, 1985), Con mèo Fujita (truyện ngắn - 1991)... Kịch bản phim: Mùa gió chướng (1977), Cánh đồng hoang (1978), Pho tượng (1981), Cho đến bao giờ (1982), Mùa nước nổi (1986), Dòng sông hát (1988), Câu nói dối đầu tiên (1988)...
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, các giải thưởng ông đã giành được: Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Báo Thống Nhất (1959), Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn Nghệ Quân Đội (1959), Giải thưởng Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam (1985), Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1994...; Giải Bông Sen vàng Liên hoan Phim toàn quốc (1980) và Huy chương vàng Liên hoan Phim quốc tế ở Moscow (1981) cho phim Cánh đồng hoang, Huy chương bạc Liên hoan Phim toàn quốc (1980) cho phim Mùa gió chướng. Đặc biệt là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II do nhà nước trao tặng.
Theo Xahoi
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua đời Tác giả "Chiếc lược ngà", "Mùa gió chướng"... ra đi ở tuổi 83, để lại văn nghiệp đồ sộ, nồng thắm tình yêu quê hương, con người, đất nước Việt Nam.Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, con trai của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, đau đớn chia sẻ với VnExpress, cha anh vừa qua đời vào khoảng 17h ngày 13/2. Trên Facebook của mình,...