Người sống sót kể lại phút sóng thần Indonesia ập đến trong đêm
Sóng thần tràn vào các bãi biển Indonesia gồm hai đợt, với đợt thứ hai mạnh hơn nhiều đợt thứ nhất, cuốn phăng xe cộ, nhà cửa và con người.
Rudi Herdiansyah, một chủ cửa hàng ở huyện Serang, tỉnh Banten. Ảnh: BBC.
Rudi Herdiansyah, một chủ cửa hàng ở huyện Serang, tỉnh Banten, cho biết bãi biển rất yên tĩnh vào tối 22/12, cho đến khi anh nghe thấy “tiếng ồn rất lớn từ biển”, theo BBC. Bức tường nước ập vào cửa hàng bên bờ biển của anh và anh bị dòng nước mạnh cuốn đi xa.
Rudi nhớ lại anh đã bị sóng nhấn chìm ba lần. “Tạ ơn Thánh Allah đã cứu tôi, để tôi có thể thoát khỏi đống hỗn độn”, anh nói. Rudi không nghe thấy cảnh báo nào nhưng anh từng tham gia một cuộc diễn tập sơ tán sóng thần.
“Nhờ từng tham gia diễn tập mà tôi biết sóng thần đang ập vào.Tôi cố bám vào bất cứ thứ gì có thể giúp tôi sống sót. Tôi bị nước cuốn đi và bám vào một băng ghế, nhờ đó tôi được an toàn”, Rudi nhớ lại. Cửa hàng của anh bị sóng thần phá hủy hoàn toàn. Rudi và gia đình sẽ sơ tán đến nhà người thân ở Cipacung, Serang, đến khi họ chắc chắn không còn nguy hiểm nào.
Azki Kurniawan, 16 tuổi, cho biết cậu đang tham gia khóa đào tạo với khoảng 30 sinh viên tại khách sạn Patra Comfort ở khu vực nghỉ dưỡng nổi tiếng của biển Carita trên đảo Java thì mọi người đột nhiên xông vào và hét lớn: “nước biển đang dâng lên”.
Azki không chắc chắn sóng thần đang xảy ra vì cậu không cảm nhận được động đất nào. Azki chạy đến bãi đậu xe để lấy xe máy nhưng nó đã bị ngập trong nước. “Đột nhiên, một đợt sống cao 1 m xô vào tôi. Tôi bị ngã xuống, nước đẩy tôi xa khỏi chiếc xe. Tôi bị xô vào hàng rào của một tòa nhà cách bờ biển khoảng 30 m, giống như sóng sắp cuốn tôi ra biển. Tôi khóc trong sợ hãi. Đó là sóng thần và tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ chết”, Azki kể lại.
Asep Perangkat nói rằng anh và gia đình đang ở trên bờ biển Carita ở đảo Java thì sóng thần tràn vào thị trấn. “Những chiếc xe ôtô và container bị cuốn trôi khoảng 10 m. Các tòa nhà ven biển bị phá hủy, cây cối và cây cột điện bị đổ. Người dân hoảng loạn chạy vào rừng”, Asep cho hay.
Alif, một cư dân ở huyện Pandeglang trên đảo Java, cho biết nhiều người dân đang tìm người thân mất tích. Tại thành phố Bandar Lampung, hàng trăm người dân phải lánh nạn trong văn phòng thống đốc.
“Tôi không thể khởi động xe máy nên đã bỏ nó lại và chạy thật nhanh. Tôi vừa chạy vừa cầu nguyện, trong đầu nghĩ phải chạy càng xa càng tốt”, Lutfi Al Rasyid, 23 tuổi, ở tỉnh Lampung trên đảo Sumatra nhớ lại khoảnh khắc sóng thần ập vào.
Khung cảnh đổ nát ở bãi biển Carita ở Indonesia sau thảm họa sóng thần hôm 22/12. Ảnh: Reuters.
Oystein Lund Andersen, nhiếp ảnh gia núi lửa người Na Uy, đang ở trên bãi biển Anyer, Tây Java khi thảm họa xảy ra. “Tôi đang ở trên bãi biển một mình, trong khi vợ và con trai ngủ trong phòng khách sạn. Tôi định chụp bức ảnh núi lửa Krakatau phun trào. Trước đó, Krakatau phun trào khá mạnh. Nhưng ngay trước khi sóng ập vào bờ biển, hoàn toàn không có hoạt động núi lửa nào”, Andersen cho hay.
“Đột nhiên tôi nhìn thấy sóng tràn vào và tôi bỏ chạy. Có hai đợt sóng. Đợt đầu tiên không quá mạnh và tôi có thể chạy thoát khỏi nó. Tôi chạy thẳng về khách sạn, đánh thức vợ và con trai. Lúc đó, tôi nghe thấy một đợt sóng lớn hơn đang đến. Tôi nhìn ra cửa sổ và thấy đợt sóng thứ hai tràn vào, nó mạnh hơn rất nhiều”, nhiếp ảnh gia nói. “Sóng thần quét qua khách sạn, ôtô bị đẩy ra khỏi con đường. Chúng tôi và những người ở khách sạn chạy thẳng vào khu rừng (nơi có bề mặt cao hơn) ngay cạnh khách sạn. Và bây giờ chúng tôi vẫn đang ở trên đồi”.
Quầy hàng của Rani bên bờ biển ở Anyer, đảo Java đã bị sóng thần phá hủy. “Mọi thứ đã bị phá hủy và chúng tôi không có tiền để xây dựng lại. Đây là đợt cao điểm nghỉ lễ trong năm và chúng tôi sống chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập này”, cô nói.
Trong một đoạn phim được chia sẻ trên mạng xã hội, sóng thần tràn vào sân khấu một khu nghỉ dưỡng, nơi ban nhạc rock nổi tiếng Seventeen của Indonesia đang biểu diễn. Các thành viên ban nhạc bị cuốn đi khi sóng phá hủy sân khấu.
Trong đoạn video đầy nước mắt trên Instagram, ca sĩ Riefian Fajarsyah cho biết tay trống và quản lý của ban nhạc đã chết, trong khi ba thành viên khác và vợ của anh đang mất tích. Riefian chia sẻ bức ảnh chụp cùng vợ ở Paris lên Instagram và viết: “Hôm nay là sinh nhật của em. Nhanh về nhà nhé”.
Sóng thần cuốn trôi sân khấu khi ban nhạc Seventeen đang biểu diễn. Video: Twitter.
Thành viên Zack của ban nhạc chia sẻ rằng anh đã sống sót nhờ bám vào một phần sân khấu và trong những giây cuối cùng, anh gần như ngạt thở vì ngập nước. “Sóng dâng lên và nhấn chìm tất cả mọi thứ. Không may, khi nước rút, các thành viên của chúng tôi không thể tự cứu mình, trong khi một số người khác không tìm được gì để bám víu”, thông báo của ban nhạc cho hay.
Hoạt động của núi lửa Anak Krakatau được cho là nguyên nhân dẫn đến trận sóng thần tối 22/12 tại eo biển Sunda, ảnh hưởng tới các bãi biển ở Pandeglang, Serang và Nam Lampung, khiến ít nhất 281 người thiệt mạng, 1.016 người bị thương và 57 người đang mất tích. Các chuyên gia và giới chức Indonesia cảnh báo sóng thần có thể tiếp diễn vì núi lửa Krakatau đang hoạt động mạnh.
Vị trí núi lửa Anak Krakatau và những vùng bị ảnh hưởng bởi sóng thần hôm 22/12. Đồ họa: BBC.
Huyền Lê
Theo VNE
Việt Nam khuyến cáo công dân không đến vùng sóng thần ở Indonesia
Sứ quán Việt Nam tại Indonesia chưa có thông tin về người Việt bị ảnh hưởng bởi sóng thần nhưng sẵn sàng hỗ trợ người mắc kẹt.
Thi thể nạn nhân được tập hợp ở tỉnh Banten, Indonesia chiều 23/12. Ảnh: AFP.
Tối 22/12, các vùng ở khu vực eo biển Sunda của Indonesia như Serang, Pandeglang và Nam Lampung hứng chịu cơn sóng thần khiến 168 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương. Nguyên nhân nhiều khả năng là hệ quả từ hoạt động của núi lửa Anak Krakatau, ngọn núi phun trào 24 phút trước khi sóng thần diễn ra.
Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Indonesia để tìm hiểu thông tin và được biết tính đến 10h30 hôm nay chưa ghi nhận thông tin người Việt bị ảnh hưởng trong thảm họa.
Sứ quán "đề nghị người Việt tại Indonesia không di chuyển tới vùng ảnh hưởng của sóng thần", thông cáo của cơ quan nhấn mạnh.
Cộng đồng người Việt định cư tại Indonesia dao động từ 70 đến 100 người, tập trung chủ yếu ở Jakarta, Bali, Bandung, Surabaya và Batam. Trong trường hợp cần sự trợ giúp khẩn cấp, liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia qua đường dây nóng: 62 21 31907165 hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân: 84981848484.
Số người chết trong sóng thần Indonesia tăng lên hơn 200
222 người đã chết, 843 người bị thương và 28 người đang mất tích. Con số này sẽ còn tăng cao do nhiều nạn nhân không được sơ tán, các trung tâm y tế chưa báo cáo về số người đang điều trị và nhiều khu vực chưa có thống kê đầy đủ", AFP dẫn lời Sutopo Nugroho, người phát ngôn Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia, hôm nay cho biết.
Liên đoàn các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) nhận định số nạn nhân sẽ tăng cao khi tình hình tại các vùng thảm họa trở nên rõ ràng hơn. "Số người chết có thể tiếp tục thay đổi trong vài ngày, thậm chí nhiều tuần tới", Kathy Mueller, quan chức IFRC, cho biết.
Sóng thần tràn vào một số khu vực của eo biển Sunda, gồm các bãi biển ở Pandeglang, Serang và Nam Lampung vào tối 22/12. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ hoạt động của núi lửa Anak Krakatau, khi nó phun trào chỉ 24 phút trước khi sóng thần diễn ra.
Theo Vũ Anh (VNE)
Video: Sóng thần cuối trôi ban nhạc rock trước mắt người xem Khoảnh khắc trận sóng thần nhấn chìm cả ban nhạc đang biểu diễn vào rạng sáng Chủ nhật (ngày 23.12) đã được chia sẻ rộng rãi trên trang mạng Twitter. Sóng thần ở Indonesia khiến 168 người thiệt mạng. Vào rạng sáng Chủ nhật, ngày 23.12, một trận sóng thần đã bất ngờ ập vào eo biển Sunda, Indonesia, gây thiệt hại nặng...