Người siêu lây nhiễm phát nổ ‘quả bom’ COVID-19 thế nào?
Người đàn ông mắc COVID-19 vẫn tới dự đám ma, lễ sinh nhật dẫn đến lây lan nCoV cho hàng chục người khác và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Ca siêu lây nhiễm nCoV
Khi người Mỹ vẫn chủ quan trong việc chống dịch COVID-19 hồi cuối tháng 2, một cư dân Chicago có triệu chứng nhiễm bệnh đã tới dự đám tang người bạn. Ba ngày sau, anh ta tiếp tục đi ăn sinh nhật với người thân của mình.
Người đàn ông đó không hề hay biết mình đã mắc COVID-19 và lây truyền virus cho 15 người trong đó 3 sau đó đã thiệt mạng vì dịch bệnh.
Một người đeo khẩu trang bước đi trên một con phố ở Chicago. (Ảnh: Reuters)
Mọi chuyện bắt đầu khi người đàn ông trên dùng bữa vào đêm trước đám tang. Anh ta ăn cùng đĩa thức ăn với 2 người khác. Trong bữa tối kéo dài khoảng 3 giờ và đám tang kéo dài 2 giờ, người đàn ông ôm hôn 4 người.
Ba người sau đó phát hiện các triệu chứng mắc Covid-19. Một người phải nhập viện và qua đời gần 1 tháng sau, 2 người còn lại được điều trị ngoại trú và may mắn hồi phục.
Trong thời điểm bệnh nhân xấu số được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt, 1 thành viên trong gia đình tới thăm họ. Người này không mặc đồ bảo hộ sau đó cũng xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, nhưng hiện sức khỏe đã bình thường.
Ba ngày sau đám tang, “người siêu lây nhiễm” trên tới tham dự bữa tiệc sinh nhật với 9 thành viên khác trong gia đình và tiếp xúc gần với tất cả họ trong suốt 3 giờ.
Trong vòng 1 tuần, 7 người trong số này có các triệu chứng nhiễm bệnh. 2 người phải nhập viện và sau đó không qua khỏi.
Hai người khác liên quan tới việc chăm sóc các bệnh nhân trên cũng xuất hiện các triệu chứng nCoV.
Một số người mang các triệu chứng nhiễm dịch đã tới các nhà thờ ở địa phương và lây truyền virus cho 1 chuyên gia chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Người này ngồi gần và trò chuyện với họ trong khoảng 90 phút.
Cảnh vắng vẻ khi lệnh hạn chế ra đường được ban bố do dịch COVID-19 tại Chicago, bang Illinois ngày 21/3/2020. (Ảnh: TTXVN)
‘Giãn cách xã hội’ rất quan trọng
Trong báo cáo đưa ra hôm 8/4, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nhấn mạnh, ca siêu lây nhiễm ở Chicago là ví dụ điển hành cho thấy việc tuân thủ khuyến nghị giãn cách xã hội là rất quan trọng.
Báo cáo cũng chỉ rõ, thành phố Chicago (bang Illinois) đã không áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại trong nhiều tuần cho tới ngày 21/3. Điều tương tự cũng xảy ra tại nhiều khu vực khác của nước Mỹ.
“Các cuộc gặp mặt gia đình kéo dài (bữa tiệc sinh nhật, đám tang và đi lễ ở nhà thờ), tất cả những điều đó xảy ra trước khi chính sách giãn cách xã hội được thực hiện“, CDC cho hay.
Câu chuyên về bệnh nhân “siêu lây nhiễm” ở Chicago cho thấy mức độ lây lan nhanh của virus SARS-CoV-9 và tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định giãn cách xã hội.
Video: Số người chết ở Mỹ vì COVID-19 lên tới hơn 16.000
Các chuyên gia trước đây cho rằng người mang mầm bệnh sẽ truyền virus cho người khác thông qua các giọt hô hấp, hắt hơi hoặc chạm cùng vào một bề mặt. Nhưng các nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, một người nhiễm bệnh “chỉ cần thở và nói chuyện” cũng đã đủ để truyền bệnh.
Ngoài vấn đề này, CDC nhấn mạnh tỷ lệ nhiễm bệnh không triệu chứng hiện tại ở mức rất cao, từ 25-50%. Do đó việc che mặt khi ra ngoài đường là cực kỳ cần thiết.
SONG HY
Bệnh nhân siêu lây nhiễm- người nguy hiểm nhất không ngờ đến
Mỗi dịch bệnh đều có những "phản anh hùng" riêng của nó - những nhân vật mang tiếng xấu "người gieo mầm bệnh" hoặc là "đối tượng siêu truyền nhiễm", đã cách này cách khác làm lây bệnh cho rất nhiều người mà đôi khi vẫn không ngờ rằng chính họ đang bệnh.
Trường hợp nổi tiếng nhất là Typhoid Mary hay "Mary thương hàn", người phụ nữ đã gây ra hai đợt sốt thương hàn ở New York vào đầu thế kỷ XX. Hoặc như bác sĩ Lưu Kiếm Luân (Liu Jianlun) đóng vai trò đậm nét đáng buồn trong đại dịch SARS năm 2003, khiến virus SARS-CoV lan đến bốn quốc gia cùng lúc. Có những ví dụ tương tự với đại dịch Covid-19 hiện nay.
Quy tắc 20/80
Trước đại dịch viêm nặng đường hô hấp cấp tính hay còn gọi là SARS bùng phát vào năm 2003-2004, các chuyên gia dịch tễ học thường định hướng theo quy tắc 20/80, tức là 80% các ca nhiễm trùng trong bất kỳ cộng đồng nào cũng thường xảy ra thông qua 20% người mang mầm bệnh.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong dịch SARS thì đóng vai trò chính là những cá nhân riêng lẻ, mà nếu thiếu họ có lẽ đã chẳng có gì xảy ra. Những cá nhân như vậy được gọi là "đối tượng siêu ủ bệnh", và nhiễm trùng hàng loạt từ họ là "siêu lây nhiễm". Đặc biệt nguy hiểm là khi bản thân những người này không ốm và do đó không tuân thủ cách ly, không thực hiện biện pháp an toàn.
Mary thương hàn
Mary Mallon là ca bệnh "siêu ủ và siêu lây nhiễm" nguy hiểm vì mang tác nhân gây bệnh dù không bộc lộ triệu chứng.
Hồi đầu thế kỷ XX, đầu bếp Mary Mallon đã vô tình lây bệnh cho nhiều người Mỹ, khi bà này giúp việc trong một gia đình giàu có ở New York: bà nấu ăn hàng ngày trong khi ủ bệnh sốt thương hàn. Mà bản thân Mary không hề có triệu chứng gì. Khi sau đó các bác sĩ phát hiện ra thì vi khuẩn Salmonella typhi đã sinh sôi đầy trong túi mật của bà. Vào thời đó, không ai ngờ rằng một người với vẻ ngoài khỏe mạnh rõ ràng có thể là ổ mang mầm bệnh.
Cuối cùng, người ta đã truy ra Mary và giữ bà trong một bệnh viện suốt ba năm. Mary cho rằng bà không bị bệnh và cách ly là vô ích. Bằng cách nào đó, bà đã thuyết phục các bác sĩ cho ra viện với cam kết thành thật là sẽ cực kỳ thận trọng. Nhưng vừa được giải thoát, Mary liền thay họ đổi tên và lại nhận việc nấu ăn. Năm năm sau, khi dịch bệnh thương hàn một lần nữa hoành hành ở New York, bà này bị cách ly trọn đời. Mary Mallon là ca bệnh "siêu ủ và siêu lây nhiễm" nguy hiểm vì mang tác nhân gây bệnh dù không bộc lộ triệu chứng.
Phòng 911: "Lịch trình của sát thủ hàng loạt"
Vào tháng 2/2003, bác sĩ Lưu Kiếm Luân (Liu Jianlun) 64 tuổi từ ĐHTH Trung Sơn, Quảng Châu đã tới Hồng Kông để dự một đám cưới của gia đình và nghỉ tại phòng 911 của khách sạn Metropole. Trước đó, ông từng điều trị cho các bệnh nhân có triệu chứng viêm nặng đường hô hấp cấp tính. Dù cảm thấy trong người không ổn (mà sau đó xác định là do SARS), ông bác sĩ vẫn cùng với người con rể dạo quanh Hồng Kông trong suốt 5 ngày, đến thăm các trung tâm mua sắm và nơi đông người.
Hậu quả là ít nhất 16 vị khách khác tạm trú trong khách sạn cùng tầng với ông Lưu đã nhiễm virus gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng. Họ mang theo mầm bệnh ra về và virus SARS-CoV đã xuất hiện cùng lúc ở Canada, Việt Nam, Đài Loan và Singapore. Trong 4 tháng kế tiếp, đã có khoảng 4.000 người mắc SARS và 550 trường hợp tử vong. Chẳng hạn, nữ du khách Canada 78 tuổi, khi trở về Toronto, đã lây bệnh cho người con trai đang điều trị tại bệnh viện, dẫn đến hơn 100 ca mới. Ở Singapore, tất cả chẩn đoán với 94 trường hợp mà các nhà dịch tễ học theo dõi đều dẫn về "nguồn" là phòng 911.
WHO công nhận ông Lưu Kiếm Luân, người sau đó đã chết vì SARS trong bệnh viện Hồng Kông, là "bệnh nhân số 0", thủ phạm trong hầu hết các trường hợp lây nhiễm SARS ở 29 đất nước bên ngoài Trung Quốc. Một trang có thông tin chi tiết về vụ siêu lây nhiễm này trên trang web của WHO có tiêu đề là "Lịch trình của sát thủ hàng loạt".
Bệnh viện siêu lây nhiễm
Siêu lây nhiễm thường xảy ra trong các bệnh viện. Đó là trường hợp trong đại dịch SARS 2003-2004 và năm 2015 trong đợt bùng phát hội chứng viêm hô hấp cấp Trung Đông MERS ở Hàn Quốc, khi một người nhiễm virus MERS-CoV đã lây cho 82 người - bệnh nhân, khách thăm và các nhân viên y tế. Và đó không phải là trường hợp cá biệt. Ở một bệnh viện khác, một người bệnh đã truyền nhiễm cho 44 người và ghi nhận tổng cộng 5 trường hợp lây nhiễm rộng virus MERS-CoV tại các cơ sở y tế. Trong tình huống như vậy, yếu tố rủi ro chính yếu nhất là tiếp xúc gần với đối tượng siêu lây nhiễm.
Bài học từ Ebola
Các nhà khoa học cho rằng siêu bội nhiễm là tính chất đặc trưng của tất cả các đại dịch truyền nhiễm. Các đợt nhiễm trùng hàng loạt từ một người mang mầm bệnh là lao, sởi và nhiều bệnh khác. Trong đại dịch Ebola thảm khốc những năm 2014-2015 ở Tây Phi, khoảng 3% những người nhiễm bệnh cuối cùng chịu trách nhiệm về việc lây nhiễm sang 61% tất cả các bệnh nhân. Chủ yếu đó là những người trẻ tuổi chăm sóc người bệnh, cởi mở và hòa đồng.
Bài học từ của Ebola chỉ ra rằng hành vi xã hội đóng vai trò quan trọng trong sự lây lan nhiễm trùng. Chẳng hạn, vào năm 2014, tại Guinea, hàng trăm người đã đến dự đám tang của một thầy lang dân gian nổi tiếng đã có tài "chữa khỏi" bệnh Ebola, rồi nhiễm bệnh và qua đời. Vài ngày sau, hơn 300 chẩn đoán virus được thực hiện ở cả Guinea và vùng lân cận Sierra Leone.
Covid-19
Tổ chức Y tế Thế giới hiện thời chưa sử dụng thuật ngữ "siêu lây nhiễm" trong tương quan đại dịch SARS-CoV-2.
Trên trang web của WHO có thể đọc thấy: "Có giả thiết cho rằng số sinh sản của chủng virus corona mới - nhiễm trùng thứ cấp do một người nhiễm bệnh gây ra, là từ 2 đến 2,5. Nhưng trong một vài trường hợp, chỉ số này cao hơn".
Và được biết những trường hợp như vậy:
- Người Anh 53 tuổi nhiễm coronavirus mới tại hội nghị ở Singapore. Bỏ qua khâu cách ly, vào ngày 22 tháng 1, anh này bay thẳng từ Singapore đến khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở Pháp, nơi anh truyền virus cho 11 người: 5 người Anh, 5 người Pháp và 1 người Tây Ban Nha. Toàn bộ chuỗi lây nhiễm này được mô tả trong báo cáo của WHO;
- Trong tháng 1, các thông báo từ Vũ Hán đã đề cập rằng từ 1 bệnh nhân, có 13 y bác sĩ đã bị nhiễm bệnh.
Trường hợp đặc biệt xảy ra ở Hàn Quốc.
Bệnh nhân số 31
Lúc đầu, bệnh dịch Covid-19 ở Hàn Quốc phát triển khá chậm, cho đến trung tuần tháng 2 chỉ có 30 chẩn đoán dương tính. Mọi thứ thay đổi đột ngột bởi người được gọi là bệnh nhân thứ 31 - nữ tín đồ 61 tuổi theo giáo phái Shincheonji (Tân Thiên địa) của Lý Vạn Hi (Lee Man-hee) từ thành phố Daegu.
Không biết chính xác bà này nhiễm bệnh ở đâu, nhưng chỉ trong vẻn vẹn 3 ngày, bà ta đến 2 bệnh viện, dự 2 buổi lễ trong nhà thờ, mỗi cuộc có hơn 500 người tham gia, rồi lại còn một bữa tiệc buffet trong khách sạn, và thế là bà ta đã lây bệnh cho hàng trăm người. Trong số 4.400 tín đồ của giáo phái Tân Thiên Địa được xét nghiệm, chẩn đoán dương tính là 544 trường hợp, còn 9.000 người khác phải cách ly. Theo tin đưa của Reuters dẫn nguồn từ Trung tâm phòng chống dịch bệnh của Hàn Quốc, từ bệnh nhân số 31 đã có vài nghìn người bị ảnh hưởng.
Các nhân vật "siêu lây nhiễm" từ đâu tới?
Ngoài hành vi xã hội, yếu tố sinh học cũng là quan trọng. Rõ ràng, một số lây lan virus cấp tập hơn nhiều. Điều đó tuỳ thuộc vào độc lực của nhiễm trùng trong cơ thể vật chủ với sự nhạy cảm và các đặc điểm từ hệ thống miễn dịch. Có giả định cho rằng ở những người như vậy, xảy ra đột biến hoặc thay đổi trình tự bộ gen của virus, làm nhân lên khả năng sao chép phân chia của nó.
Đôi khi, "siêu lây nhiễm" lại là những người chịu mầm bệnh cực bền - họ không phát lộ triệu chứng gì trong khoảng thời gian dài. Và đôi khi, ngược lại, là những người có hệ thống miễn dịch yếu hơn, trong đó virus nhân lên đặc biệt mau lẹ. Cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ điều này. Các triệu chứng dễ thấy, chẳng hạn như ho hoặc hắt hơi, cũng làm tăng tốc độ lây nhiễm.
Để ngăn ngừa lây nhiễm hàng loạt từ một người, điều quan trọng là phải sớm phát hiện đối tượng siêu lây nhiễm càng sớm càng tốt và xác định những người từng tiếp xúc với nhân vật này. Đó là việc đã được thực hiện từ thế kỷ XIX. WHO đã thi hành chiến lược tương tự khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003-2004.
Tuấn Anh
Thái Lan nguy cơ có bệnh nhân 'siêu lây nhiễm' do không khai báo Người đàn ông Thái Lan nhập viện sau khi trở về từ Nhật Bản có nguy cơ trở thành người 'siêu lây nhiễm', các quan chức cho biết 26/2. Ngày 26/2, Thái Lan báo cáo 3 trường hợp nhiễm virus corona mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 40. Hai trong số bệnh nhân mới - đều là công dân...