Người Sài Gòn xì xụp bánh canh đầu cá ‘ăn ghiền’ của chàng trai 23 tuổi
Quán bánh canh có tên rất Huế: O Thanh, là tâm huyết khởi nghiệp của chàng sinh viên 23 tuổi ở Sài Gòn. Mỗi ngày, quán bán 300-400 tô chỉ trong vài tiếng. Đặc biệt, món đầu cá ở đây khiến thực khách mê mẩn.
Tô bánh canh cá lóc đầy ắp và bắt mắt có giá 25 ngàn đồng/tô
Bánh canh ‘ăn là ghiền’, đặc biệt món đầu cá
Quán ở địa chỉ 287/29 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM). Người dân trong hẻm này không ai không biết bởi mỗi chiều quán dọn hàng, khách ra vào nghẹt cả lối đi. Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng quán bánh canh của anh Hồ Thủy Tịnh lại được lòng nhiều người bởi công thức nấu vừa đậm chất Huế lại có thể đáp ứng khẩu vị của thực khách cả 3 miền.
Quán bánh canh khá nhỏ bởi mặt bằng là khoảng không gian anh Tịnh thuê trước cửa một gia đình. Người Sài Gòn trước giờ vẫn có thói quen lê la các quán xá vỉa hè, không có bàn chẳng sao, chỉ cần có chiếc ghế bệt, ngồi bưng tô húp sì sụp cũng được, miễn sao đồ ăn ngon. Bởi vậy, dù trời nắng gay gắt, khách vẫn ra vào quán này không ngớt.
Món đầu cá được thực khách ưa chuộng hơn cả, khách phải đến sớm mới được thưởng thức
Đều đặn mỗi ngày, gia đình anh Tịnh dọn hàng lúc 13 giờ và bán hết tầm 18 -19 giờ. Gần như đã qua giờ ăn trưa và cũng chưa đến giờ ăn chiều nhưng cứ dọn ra là khách kéo đến. Hỏi ra mới biết khách đến sớm vì sợ hết món đầu cá là “đặc sản” của quán.
Bà Phạm Thị Thuý Lan (63 tuổi, ở quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi ăn ở đây là cùng với một nhóm bạn, ăn bánh canh cùng với đầu cá rất ngon nên lần này cố tình đến sớm để ăn món đầu cá vì nó rất nhanh hết. Tôi không biết những người khác như thế nào chứ tôi thấy món ăn ở đây hợp khẩu vị của tôi”.
Cũng đồng ý với bà Lan, ông Trần Ngọc Minh (59 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) cũng là một trong những thực khách mê món đầu cá của quán: “Tôi thường ăn ở đây lắm, ngày nào quán này cũng đông khách hết, tôi thích nhất vị nước lèo và đầu cá”.
Bà Phạm Thị Thuý Lan quay lại vì mê món đầu cá
Một tô bánh canh ở đây có giá từ 25.000 – 45.000 đồng/tô tuỳ vào phần ăn của khách. Tô bánh canh đầy ắp, nhìn sơ qua đã thấy bắt mắt vì nước dùng màu vàng óng, vị đậm đà cùng với cá và hành ngò. Sợi bánh canh do nhà làm bằng bột gạo nên đặc và nấu lên có độ sánh đúng chuẩn “home made”, bên cạnh đó còn có chả cá, xương heo,…
Đặc biệt, mỗi phần ăn sẽ có một dĩa trứng cút luộc ăn kèm cùng với các gia vị như nước mắm, nước tương, chanh, sa tế…để khách nêm cho vừa miệng.
Bà Trịnh Thị Phương Hoa (56 tuổi, ngụ quận 3) là khách ruột của quán. Bà Hoa chia sẻ: “Trưa nào tôi cũng ra đây ăn bánh canh, ai cũng thấy lạ hết hỏi sao tôi hổng ngán? Tại vì món ăn ngon, sợi bánh canh được làm bằng gạo nên rất dễ ăn”.
Video đang HOT
Bà Trịnh Thị Phương Hoa, khách quen của quán trưa nào cũng ăn bánh canh thay cơm
Từ ‘doanh số’ 15 tô/ngày nay lên 300 tô/ngày
Tôi khá bất ngờ khi biết anh Tịnh chính là người đứng nấu còn người đứng bán là mẹ của anh. Tôi thắc mắc, anh Tịnh mới 23 tuổi mà quán bánh canh đã mở được 5 năm có nghĩa là anh mở quán khi anh học năm nhất đại học.
Nghe vậy anh cười tươi và kể: “Mình vốn dĩ là sinh viên công nghệ nhưng có đam mê mở quán. Trước khi nấu bánh canh, mình đã từng 2 lần khởi nghiệp mở quán cà phê nhưng đều thất bại. Khi đó mình còn là sinh viên năm nhất, thất bại 2 lần nên cũng nản chí lắm, còn nợ tiền nữa. Mình đã từng nghĩ là sẽ không bao giờ khởi nghiệp nhưng có lẽ cái duyên của mình là phải làm ăn”.
Mẹ của anh Tịnh bán chính, bà khởi nghiệp cùng con trai trong giai đoạn khó khăn ban đầu
Sau khi nếm trải những thất bại đầu đời, anh Tịnh quyết tâm đưa mẹ vào Sài Gòn làm lại lần nữa.
“Lúc đó mình đi ăn cũng khá nhiều và nhận ra món nước thì có nhiều nhưng đa phần được nấu với thịt chứ cá thì ít. Gia đình mình ngoài quê cũng bán đồ ăn, nên mình kết hợp công thức giống ở quê và tìm hiểu thêm để nấu bánh canh cá lóc”, anh nói.
Vạn sự khởi đầu nan, với anh Tịnh cũng không phải ngoại lệ. Anh kể tiếp: “Thời gian đầu mỗi ngày mình chỉ bán được khoảng 15-20 tô thôi, đó là khoảng thời gian thực sự khó khăn. Nhưng lạ một chỗ là dù bán không được nhưng mình chưa bao giờ nghĩ đến dẹp tiệm, một phần vì lần này đã đưa mẹ vào rồi mình không thể để mẹ phải quay về nữa”.
Anh Hồ Thuỷ Tịnh, mới 23 tuổi nhưng đã trở thành “ông chủ” của quán được 5 năm
Đứng trước khó khăn, anh Tịnh nhận ra “bán không được là do mình nấu chưa ổn”. “Mình đi hỏi phản hồi từ khách hàng xem mình chưa được ở chỗ nào. Có nhiều ý kiến lắm vì khách hàng ở đây nhiều vùng miền. Nói chung mình thay đổi theo những góp ý của khách, dần dần rồi khách hàng cũng ngày một đông, ngày xưa chỉ bán 3 tiếng, giờ phải tăng thời gian để đáp ứng nhu cầu của khách, mỗi ngày mình bán từ 13 đến 19 giờ chiều trung bình bán khoảng 300 đến 400 tô/ngày”, anh kể.
Ai cũng dễ nhầm tưởng đây là một gia đình đi ăn bánh canh nhưng thật ra không phải, họ chỉ là những thực khách vô tình ngồi cùng bàn với nhau vì quán hết chỗ
Khi được hỏi anh có tiếc khi không làm việc đúng ngành học không, anh cười xoà: “Có gì mà tiếc, mình học để có cái nghề, nhưng giờ mình tìm được một công việc khác đúng ý nguyện và có thể phát triển nó là vui rồi. Lúc mới ra trường, cũng có công ty chào mình lương tháng hơn 10 triệu đồng nhưng phải từ chối, mình đã quyết tâm vạch ra kế hoạch sẽ xây dựng thành một thương hiệu bánh canh miền Trung nữa kìa”, anh Tịnh cười tươi.
Chia sẻ với tôi được ít phút anh Tịnh phải xin lỗi để quay lại với công việc của mình vì đến giờ đông khách. Nhìn chàng trai trẻ tất bật, mê say với công việc đứng bếp, tôi tin anh sẽ thành công.
Theo Thanhnien
Những quán ăn kỳ lạ nhưng hút khách bậc nhất Sài Gòn
Xôi nhà xác, cơm tấm bãi rác hay xe chè "chảnh",... là những cái tên không quá xa lạ với tín đồ sành ăn Sài Gòn. Mỗi quán ăn đều có sức hấp dẫn riêng, khiến thực khách đã ăn một lần thì phải vương vấn mãi.
Tiệm xôi nhà xác
Ai đi ngang qua con đường Trần Phú (quận 5, TP. HCM) đều không khỏi ngạc nhiên khi thấy, nằm lọt thỏm giữa nhà tang lễ và những cửa hàng kinh doanh đồ tang lại có một quán xôi nhỏ. Chính vì đặc điểm này mà thực khách "ưu ái" đặt cho quán cái tên Xôi nhà xác.
Quán ăn đã tồn tại gần 40 năm và luôn có khách nườm nượp mỗi ngày. Có người tìm đến vì bị thu hút bởi cái tên, cũng có người ghé qua vì quen vị thơm ngon của gói xôi giá 10.000 đồng.
"Xôi nhà xác" được gói trong lá chuối tươi. (Ảnh: baonguyen308)
So với các hàng quán khác thì "xôi nhà xác" không mấy nổi trội về hương vị, thậm chí còn ít lựa chọn thức ăn kèm. Quán chỉ bán duy nhất loại xôi mặn, các nguyên liệu chính gồm: xôi, lạp xưởng và chà bông (ruốc). Bên cạnh đó còn có mỡ hành và hành phi tạo mùi thơm. Bán tới đâu, chủ quán sẽ làm mỡ hành tới đó để giữ hương vị đặc trưng.
Hương vị của hàng xôi này cũng đặc biệt hơn vì có sự hòa quyện của đậu phộng giã nhỏ và nước tương được làm theo công thức gia truyền. Lạp xưởng được lấy về từ Sóc Trăng nên thực khách có thể yên tâm về độ an toàn. Thêm vào đó, xôi bán cho khách được gói trong lá chuối tươi, khi mở ra vẫn còn nghi ngút khói.
Cơm tấm bãi rác
Ở Sài Gòn, người ta có thể tìm được một đĩa cơm tấm ngon lành ở bất cứ đâu với cái giá không quá đắt đỏ. Thế nên, khi nghe đến một đĩa cơm tấm vỉa hè được bán với giá 100.000 đồng thì không ít người phải ngạc nhiên.
Các nguyên liệu có tại quán cơm tấm bãi rác. (Ảnh: belltran)
Quán cơm vốn không có biển hiệu, nhưng do nó nằm rất gần với bãi rác ở chợ Xóm Chiếu, quận 4 nên cũng được mang tên "cơm tấm bãi rác". Suốt 30 năm qua, ngày nào quán cũng đều đều khách đến ăn. Một đĩa cơm tấm ở đây có giá dao động từ 70.000 đến 100.000 đồng và có thể cao hơn tùy vào sự lựa chọn thức ăn kèm như sườn nướng, thịt quay, gà rán, mực nhồi thịt...
Đĩa cơm khiến nhiều thực khách chịu chi giá cao để thưởng thức. (Ảnh: ntnamhair)
Một điểm khiến thực khách thích thú là hạt cơm được nấu hoàn toàn bằng gạo tấm vỡ. Cơm thổi vừa chín tới, hạt không nát, không khô mà có độ dẻo và thơm. Đĩa cơm trắng luôn được rưới thêm mỡ hành xanh xanh, bóng bẩy vô cùng kích thích. Tất cả thực phẩm chế biến đều do gia đình chủ quán mua nguyên liệu chọn lọc rồi về nấu, làm dần để đồ luôn nóng khi đến tay thực khách.
Bánh canh 200.000 đồng
Gánh bánh canh nhỏ trong chợ Hòa Bình được biết tới không chỉ vì hương vị thơm ngon mà còn bởi cái giá rất "đại gia". Trung bình, một bát bánh canh ở đây khoảng 40.000 - 100.000 đồng, phần đặc biệt có giá lên tới hơn 200.000 đồng khiến nhiều người "khiếp vía".
Một bát bánh canh đặc biệt gồm có đầy đủ các loại nguyên liệu như chả cá, thịt, giò... và nổi bật là con cua to đùng, đỏ rực khiến bạn khó có thể cầm lòng. Tuy nhiên, bát bánh canh "đại gia" này không được bán nhiều. Phần lớn khách tới quán chỉ chọn phần nhỏ với giá chưa tới 100.000 đồng, vừa túi tiền và sức ăn với phần thịt cua được tách ra.
Cận cảnh bát bánh canh "đại gia". (Ảnh: foody)
Nước dùng của tô bánh canh có vị ngọt rất thanh và đậm đà. Thịt cua tươi, khách ăn tới đâu thì chủ quán gỡ tới đó. Bánh canh được trụng lâu trong nồi nước dùng nên thấm gia vị và hơi dai dai. Các loại thức ăn kèm như thịt giò, chả cá đều khá chất lượng. Miếng giò to, đầy thịt được ninh nhừ rất dễ ăn. Chả cá thì rất ngọt và có vị tanh của thịt cá chứ không bị trộn quá nhiều các loại phụ gia.
Xe chè ba màu
Tọa lạc ngay góc ngã tư đường Nguyễn Phi Khanh - Nguyễn Hữu Cầu (TP. HCM) hơn mấy chục năm nay là một xe chè không có gì nổi bật nhưng lại có lượng khách đến và đi không ngớt. Trong giới sành ăn ở TP. HCM, đây là một trong những quán chè được yêu thích và gắn với cái tên xe chè "chảnh".
Cốc chè được nhiều người Sài Gòn ưa chuộng. (Ảnh: Internet)
Dù khách đông từ vòng trong đến vòng ngoài nhưng người bán vẫn chẳng có vẻ gì là vội vàng, miệng ngậm thuốc, tay múc chè, tuyệt nhiên không nói, không cười. Người mua cũng kiên nhẫn chờ đến lượt chứ không thúc hối hay lớn tiếng.
Các món của xe chè gồm chè đậu xanh đánh nhuyễn, đậu đen, đậu ván, bánh lọt nước cốt dừa và sương sa hạt lựu. Menu không có món đặc trưng nhưng ai ăn chè của quán đều không thể quên những hạt đậu bùi mềm tan trên đầu lưỡi hay vị ngọt thanh.
Quán hủ tiếu bán 24h không nghỉ
Nằm trên đường Cô Bắc (quận 1), quán Thành Đạt nổi tiếng vì mở cửa 24/24 giờ. Bất kể buổi sáng hay buổi tối quán đều đông khách. Quán chỉ bán duy nhất món hủ tiếu Nam Vang với vị nước lèo đậm đà khó đâu tìm được.
Quán bán hủ tiếu cả ngày nhưng lúc nào cũng đông khách. (Ảnh minh họa)
Theo chủ quán, nước lèo được hầm từ xương nên khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh. Tô hủ tiếu thì đầy ắp thịt nạc, thịt bằm, tôm, trứng cút, gan, cật..., dĩ nhiên không thể thiếu sợi hủ tiếu dai truyền thống và hành phi thơm phức.
Rau ăn kèm luôn được đựng riêng, lúc nào cũng tươi. Nếu không thích ăn rau sống, bạn có thể yêu cầu nhân viên trụng sẵn. Điểm trừ là buổi tối quán khá đông, chỗ ngồi chật và phải đợi lâu để đến lượt, nhưng bù lại bạn sẽ được gửi xe miễn phí.
Theo Dân trí
Độc nhất vô nhị ở Sài Gòn: Quán bánh canh đỏ "nức tiếng" suốt 20 năm với giá chỉ từ 10 nghìn đồng một tô Quán bánh canh của dì Mười không phải hàng quán sang chảnh hay cao lương mĩ vị gì nhưng hương vị đậm đà, thân thuộc ấy đã trở thành món ngon với nhiều người suốt bao năm tháng. Bánh canh là món ăn không còn xa lạ gì với người Sài Gòn. Dù là ăn sáng, ăn trưa hay ăn tối, luôn có...