Người Sài Gòn lặng lẽ rơi nước mắt trước di ảnh Đại tướng
Vừa thấy di ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt trang trọng trên bàn thờ trong Hội cựu chiến binh quận 1, TP HCM, quân nhân già bật khóc. Chậm rãi lấy bài thơ đã chuẩn bị từ trước, giọng ông run rẩy.
Thượng tá Nguyễn Đình Bật khóc khi đọc những vần thơ chính tay mình viết để tiễn Đại tướng về nơi an nghỉ. Ảnh: Nguyễn Loan
“Trở về cõi Phật/ Nụ cười mênh mông/ Hoa cỏ – ruộng đồng/ Tỏa hương thơm ngát/ Biển xanh dào dạt/ Nghiêng mình bác ơi…”
Nhà ở quận Tân Bình, nhưng khi biết Hội cựu chiến binh quận 1 lập bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiều 9/10, Thượng tá Nguyễn Đình Bật vội quần áo chỉnh tề tìm đến thắp hương tiễn biệt. “Hay tin Đại tướng mất, tôi không cầm được nước mắt. Mấy hôm nay thấy người dân đến Hà Nội và Quảng Bình viếng bác, tôi không đi được thấy áy náy lắm. Lễ viếng bác ở TP HCM mấy ngày nữa mới bắt đầu nên tôi xuống đây thắp nhang trước”, vị cựu quân nhân nói.
Ông Bật kể từng được nhìn thấy Đại tướng khi còn học ở Học viện kỹ thuật quân sự Hà Nội, nhân dịp khai giảng cả trường đã được đón ông về thăm. “Dù chưa từng làm việc chung, cũng chưa lần nào được trò chuyện với Đại tướng, nhưng bác đã là người mà toàn thể quân nhân và nhân dân yêu quý. Thế nên khi bác mất, tim tôi đau nhói như đã mất đi một điều gì đó rất lớn lao”, ông Bật tâm sự.
Video đang HOT
Căn phòng nơi đặt bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp vốn là phòng truyền thống của Hội cựu chiến binh quận 1. Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hội cho biết, bàn thờ được lập ra từ tâm nguyện của những người cựu chiến binh. “Không phải ai cũng có điều kiện để ra Hà Nội viếng Đại tướng, nên mấy anh em chúng tôi bàn nhau lập bàn thờ để mọi người có nơi thắp hương”, ông Trung nói.
Ông Trung bảo đã rất may mắn khi 2 lần được gặp Đại tướng. Lần đầu, khi ông còn làm ở Bộ tư lệnh hải quân thì Đại tướng đến thăm đơn vị. “Lúc đó tôi vừa lái tàu xong, còn chưa kịp tháo găng tay thì Đại tướng đã tới bắt tay. Thấy tôi ái ngại vì đôi găng tay đã quá bẩn, Người nở nụ cười hiền lành động viên. Nhiều năm sau, tôi cùng đoàn Hội cựu chiến binh thành phố ra Hà Nội tham quan và được tới nhà riêng của Người. Dù tiếp xúc chưa nhiều, nhưng với tôi Đại tướng như một người cha. Ông mất đi là một mất mát lớn của cả dân tộc”, giọng ông Trung trùng hẳn.
Những tấm ảnh chung của các cựu chiến binh cùng đại tướng được treo trang trọng trong phòng truyền thống. Ảnh: Tư liệu
Nghe tin bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lập ở TP HCM, không chỉ những người mặc áo lính, mà rất nhiều người dân đã tìm đến viếng.
Trời đã xế chiều, song bà Bùi Thị Thơm (ngụ quận 12) vẫn đứng lặng trước di ảnh của Đại tướng. “Thương bác quá, hôm bác mất tôi đã bảo các con tìm cho tấm ảnh của người để thờ nhưng vẫn muốn xuống đây để thắp nén hương tiễn biệt người”, bà Hương nói.
Đưa bà Hương vượt hơn chục cây số đến đây, anh xe ôm ngập ngừng mãi mới bày tỏ cũng muốn được vào thắp hương cho Đại tướng. Anh ngại ngùng vì quần áo mình không được chỉnh tề. Được các thành viên Hội cựu chiến binh quận 1 niềm nở mời vào trong, anh kính cẩn thắp nén hương, đôi tay đen xạm run run, khoé mắt đỏ hoe.
Bắt đầu từ 7h30 ngày 12/10, Lễ viếng Đại tướng được TP HCM tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, lễ truy điệu bắt đầu từ 7h ngày 13/10. Ban tổ chức có chuẩn bị vòng hoa luân lưu để các tập thể và cá nhân đến viếng.
Nguyễn Loan
Theo VNE
Người lính già đeo máy trợ tim đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Cụ Nguyễn Tiến Thuyết, 83 tuổi, trú tại khu dân cư Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội, mặc dù đang đeo máy trợ tim nhưng đã một mình tự thuê xe ôm đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tư gia.
Cụ Nguyễn Tiến Thuyết được các tình nguyện viên dìu vào trong viếng Đại tướng
Cụ Nguyễn Tiến Thuyết chia sẻ: Những năm 1949-1952, cụ may mắn là 1 trong số những người lính đóng quân ở Bắc Cạn, ở Bộ Tổng tư lệnh, lúc đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. 5 năm là lính dưới sự chi huy của Tướng Giáp, cụ Thuyết vô cùng tự hào.
Trước khi tham gia quân ngũ, cụ Nguyễn Tiến Thuyết cũng là một thầy giáo dạy ngữ văn, và vợ của cụ cũng từng là học sinh của thầy Giáp, ở trường Tiểu học Thăng Long.
Sau khi rời quân ngũ, cụ bị bệnh tim, sức khỏe ngày càng yếu đi. 20 năm qua, cụ Thuyết sống nhờ chiếc máy trợ tim được gắn bên trong cơ thể.
Khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy của mình năm xưa đã mất, khóe mắt cay cay, cụ Thuyết đã tự thuê xe ôm, một mình đến viếng Đại tướng tại tư gia, với bóa hoa tươi thắm trên tay.
Nhóm PV
Theo ANTD
Phục vụ nhân dân, không có việc gì được xem là nhỏ Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội đã nêu ra yêu cầu trên với các đồng chí chỉ huy công an phường, đồn, trạm, thị trấn, công an các quận, huyện, thị xã và phòng nghiệp vụ, tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo ANTT quý III, triển khai nhiệm vụ trọng tâm...