Người Sài Gòn hưởng ứng “Mỗi quả dưa một tấm lòng”
Cùng các địa phương trong cả nước, người dân Sài Gòn đã “giải cứu” 100 tấn dưa hấu cho đồng bào Quảng Nam, Quảng Ngãi…
Người Sài thành hướng về miền Trung
Dưa được chuyển từ miền Trung vào Sài Gòn
Tối 21/4, tại trường THPT Lam Sơn (số 2A, đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp), những quả dưa hấu cuối cùng của dự án “Giải cứu nông sản” với với thông điệp “Mỗi quả dưa một tấm lòng” được tổ chức thiện nguyện The Maple (Tổ chức phi lợi nhuận vì lợi ích cộng đồng ở TPHCM) kêu gọi trên các mạng xã hội đã thu hút hàng trăm người, chủ yếu là sinh viên đăng ký tham gia làm tình nguyện viên.
Bạn Huỳnh Đăng Duy, điều phối viên Dự án cho biết, tối 18/4 chiếc ô tô tải đầu tiên chở đầy dưa hấu từ Quảng Ngãi, Quảng Nam vào đến TPHCM được tập kết tại trường Lam Sơn được đưa ra bán để ủng hộ bà con miền Trung. Hàng trăm người dân đã kéo đến mua dưa. Chỉ trong một giờ đồng hồ, 20 tấn dưa đã được bán hết.
Các bạn tình nguyện viên hỗ trợ chuyển dưa cho khách mua ủng hộ
Cao điểm là ngày chủ nhật 19/4, khi các xe dưa tiếp theo vào đến Sài Gòn, dưa hấu được đưa đến bán tại các địa điểm khác trong TP đều được tiêu thụ rất nhanh, nhiều người đến chậm không mua được dưa tỏ ra nuối tiếc.
Duy cho biết thêm tại điểm bán 134/2A đường Thành Thái, quận 10 có mạnh thường quân mua ủng hộ cả tấn dưa. Hay chị Nguyễn Hoàng Vy (nhà trên đường Phan Văn Trị, Gò Vấp) mua 20 triệu tiền dưa để gửi tặng các mái ấm, nhà mở nơi nuôi dưỡng trẻ em lang thang, cơ nhỡ.
Chị Nguyễn Minh Hiền (đến từ quận Bình Thạnh) cho biết: “Mình biết được việc mua dưa ủng hộ đồng bào miền Trung qua một người bạn và thấy rằng đây là việc làm rất có ý nghĩa cần được nhân rộng. Xã hội cần nhiều hơn những hoạt động nhân văn như thế này”.
Chụp ảnh kỷ niệm với thông điệp của dự án “Giải cứu nông sản”
Video đang HOT
Theo ghi nhận của PV Dân trí tối 20/4 , lượng người dân đổ về đây mua dưa hấu rất đông. Chỉ trong vòng ít phút, hàng trăm quả dưa hấu đã được bán hết sạch. Biết là mua ủng hộ miền Trung nên không ai trả giá, chê xấu. Ai cũng hồ hởi muốn mua thật nhiều bằng tất cả tấm lòng của mình.
Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn
Anh Vũ Tiến Dũng – Chủ nhiệm Tổ chức thiện nguyện The Maple – cho biết, trong ba ngày 18-19 và 20/4, 100 tấn dưa hấu đã được bán hết tại trường Lam Sơn và 6 địa điểm khác trên địa bàn TP. Dự án “Giải cứu nông sản” đã bước đầu thành công ngoài sự mong đợi.
Do thương lái ép giá, thu mua với giá rất thấp (chỉ 300 đến 500 đồng/kg), không bằng công hái, nhiều bà con đã quyết định bỏ dưa dù họ đã dày công chăm bón. Cảm thông với sự mất mát đó, các bạn trẻ cùng chung tay thu mua hàng trăm tấn dưa đưa vào TPHCM để sẻ chia một phần khó khăn cùng nông dân.
“Nhờ những mối quan hệ có sẵn từ những đợt tình nguyện trước, chúng tôi đã kêu gọi trên các trang mạng xã hội và liên hệ với chính quyền của nhiều xã thuộc huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) để mua dưa. Theo đó, giá mua trực tiếp tại vườn của người nông dân là 3.000 đồng/kg”. Anh Vũ Tiến Dũng cho biết.
Cũng theo anh Dũng, điều anh tâm đắc và có ý nghĩa nhất đối với dự án “Giải cứu nông sản” là tại Quảng Ngãi thương lái đã quay lại và tự nguyện nâng giá dưa lên 3.200 đồng/kg cho bà con nông dân.
Chuyển dưa hấu cho khách đặt hàng qua điện thoại
“Em thấy rất vui khi bản thân làm được điều có ích cho những người nông dân. Lần đầu tiên đi bán dưa nên lúc đầu em cũng còn lúng túng, nhưng sau đó nhanh chóng quen dần. Dưa bán được, em thấy hạnh phúc lắm. Đây cũng là cơ hội để tụi em trải nghiệm, chung tay vì cộng đồng”, bạn Nguyễn Huy Anh, học sinh trường THPT Lam Sơn tâm sự.
Đối với Nguyễn Thị Mỹ Toàn (SV năm 3 ĐH Mở TPHCM) không giấu được vẻ xúc động: “Là một người con sinh ra tại Đức Phổ (Quảng Ngãi), em rất xót thương cho bà con quê em. Em cảm ơn người dân Sài Gòn đã giúp đỡ, ủng hộ cho người dân quê em”.
Quang Đạm
Theo dantri
Cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam trở thành người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới
Đó là cụ bà Nguyễn Thị Trù, sinh năm 1893 (122 tuổi). Cụ Trù hiện đang cư trú tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM. Bí quyết sống trường thọ của cụ khá đơn giản: không ghen ghét, đố kỵ, không nặng nề toan tính...
Theo đề cử của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) từ năm 2014,ngày 20/4 vừa qua, tại Hong Kong, Hiệp Hội Kỷ lục Thế giới (World Records Association - WRA) đã chính thức công bố: Cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam, Nguyễn Thị Trù (sinh năm 1893, tức 122 tuổi), hiện đang cư trú tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM là cụ bà cao tuổi nhất thế giới.
Cụ Nguyễn Thị Trù - người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới
Liên tiếp lập kỷ lục
Sau hai kỷ lục Việt Nam và châu Á, cụ bà Nguyễn Thị Trù tiếp tục xác lập kỷ lục thế giới: "Người phụ nữ cao tuổi nhất Thế giới". Tính theo thế kỷ, cụ Trù đã sống qua ba thế kỷ (XIX, XX, XXI), tính theo tuổi, nay cụ tròn 122 - cái tuổi mà khó có ai trên đời này hưởng được.
Dự kiến, tháng 6/2015, đại diện của Hiệp Hội Kỷ lục Thế giới sẽ đến Việt Nam để trực tiếp trao bằng xác lập kỷ lục thế giới đến cụ bà Nguyễn Thị Trù.
Trước đó, theo ghi nhận của thế giới, cụ bà cao tuổi nhất là cụ Misao Okawa (117 tuổi) tại Nhật Bản đã qua đời vào ngày 1/4/2015.
Việt Nam được ghi nhận là đất nước có số lượng người trên 100 tuổi còn sống khỏe mạnh khá nhiều.
Ở cái tuổi cả thế giới phải thèm khát, cụ Trù vẫn luôn tươi cười, nhân hậu
Bí quyết sống trường thọ
Nhà cụ Trù nằm trong con hẻm nhỏ thuộc ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Khi có khách đến, trên chiếc võng ở góc nhà, cụ nằm đong đưa và đón khách bằng nụ cười móm mém, nhân hậu.
Với vóc người nhỏ bé, cụ mặc chiếc áo bà ba (bông tím), quần xa - tanh nâu (trang phục đặc trưng của phụ nữ Nam Bộ). Mái tóc ngắn bạc phơ, gương mặt nhiều vết nhăn nheo in hằn bao thăng trầm của thời gian năm tháng nhưng vẫn còn toát lên vẻ đôn hậu của người phụ nữ Việt Nam. Mặc dù ở tuổi "122 mùa xuân" nhưng đôi mắt cụ vẫn còn linh hoạt, đặc biệt cụ rất hay cười.
Cụ có tất cả 11 người con (3 trai, 8 gái) nhưng nay chỉ còn sống 2 người, họ đều đã ngoài 80 tuổi. Bà Nguyễn Thị Ba (76 tuổi) là con dâu út, hiện tại đang sống cùng cụ, sớm hôm phụng dưỡng mẹ chồng với lòng hiếu thảo và sự tôn kính. Những người con của bà Ba (cháu nội của cụ Trù) vẫn thường xuyên về thăm bà với những món quà: bánh, trái cây, sữa...
Bà Nguyễn Thị Đê (82 tuổi), con gái thứ 8 của cụ Trù, sau khi tiếp chúng tôi đã đến gần cụ, bóc cho cụ chiếc bánh. Cụ cười, rồi ăn bánh rất ngon lành. Bà Đê cho biết, cụ rất thích ăn bánh và uống sữa. Buổi sáng cụ thường ăn một tô cháo thịt, đến trưa ăn chừng một bát cơm lưng với thức ăn là thịt, cá, rau, củ, quả được nấu mềm và xé nhỏ. Đến chiều cũng thế, xen lẫn trong ba bữa ăn chính luôn có cốc sữa hoặc bánh trái. Cứ như vậy, mấy chục năm nay cụ sống vui cùng con cháu.
Bà Đê cho biết thêm, hiện nay cụ Trù không còn nhớ chút gì về thời xưa cũ nữa. "Ba mẹ tôi xưa kia chỉ là những người nông dân thuần túy thôi", bà Đê tâm sự.
Theo lời kể của bà Đê, thời ấy, hằng ngày, cụ Trù cùng chồng chăm lo mảnh ruộng gần nhà. Sau vụ lúa, cụ lại đi lưới cá dưới sông, cắt bồn bồn, hái rau về ăn và bán. Chính cuộc sống gần gũi thiên nhiên khiến tinh thần của cụ thoải mái và không có nhiều tính toán, lo âu. Bữa ăn của gia đình cụ Trù luôn là những thực phẩm do chính sức lao động của những người trong gia đình làm ra như gạo ở ruộng nhà, rau quả ở trong vườn, cá ở dưới sông... Nhờ vậy mà cụ ít khi bệnh tật, sức khỏe lại được rèn luyện, bồi đắp bởi thói quen lao động hằng ngày.
Bí quyết sống trường thọ của cụ khá đơn giản: không ghen ghét, đố kỵ, không nặng nề toan tính...
Theo bà Ba (con dâu út), điều quan trọng khiến mẹ sống lâu là nhờ tính tình thuần hậu, rộng lượng, không ghen ghét, đố kỵ ai bao giờ. Điều này giúp cụ thanh thản, không nặng nề toan tính với cuộc đời. Cụ cũng không màng đến những thứ xa hoa, vật chất đối với cụ chỉ là vật ngoài thân, lòng cụ nhẹ nhàng, tâm cụ thảnh thơi, thanh thản.
Các con cụ cho biết, thời trẻ, cụ là một phụ nữ thôn quê khỏe khoắn, lao động như mấy anh cửu vạn vạm vỡ mà người ta thường thấy ở các bến cảng, khu bốc vác. Hòa chung không khí vừa lao động vừa chiến đấu, cụ cũng tham gia đào hầm, nấu cơm tiếp tế cho bộ đội.
Đã 122 tuổi mà răng cụ vẫn còn nhiều cái chưa rụng, chỉ bị mòn, còn lại chân răng. Có lẽ, ngày xưa do cụ nhai trầu nên răng khỏe như vậy. Một điều đặc biệt là từ trước tới nay, cụ chưa một lần nào nhập viện vì bệnh nặng.
Bà con láng giềng xung quanh nơi cụ Trù ở cũng nhận xét, cụ sống rất chan hòa với mọi người, chưa bao giờ thấy cụ bực tức với ai, con cháu trong nhà rất đoàn kết, luôn thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Có lẽ với bí quyết sống giản đơn trong tình yêu thương với mọi người, mà tình cảm đó như sợi dây chắc chắn neo giữ cụ ở lại với gia đình, với cuộc đời cho đến ngày hôm nay.
Công Quang - Lâm Viên
Theo Dantri
Tình người sưởi ấm người trồng dưa miền Trung Từ đầu tháng 4 đến nay, hàng trăm tấn dưa hấu của nông dân miền Trung phải nằm lại đồng vì thương lái "bỏ của chạy lấy người" do lượng dưa không thông quan qua cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn). Đằng sau nước mắt trắng tay của nông dân là tình người sẻ chia trên khắp cả nước. Tri ân triệu...