Người Sài Gòn ăn hủ tiếu chay Sa Đéc, ăn nhiều ít cũng chỉ 20.000 đồng
Quán hủ tiếu chay Sa Đéc ở số 330 Phan Văn Trị (phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM) không chỉ đông nghịt khách vào ngày rằm mà ngày thường cũng không ngớt. Ngày thường, quán bán hơn 150 tô, ngày cao điểm hơn 350 tô.
Hủ tiếu chay Sa Đéc luôn nóng hổi sẵn sàng phục vụ thực khách
Chạy trên đường Phan Văn Trị, nhìn tấm biển Hủ tiếu chay Sa Đéc của quán khiến ai cũng lầm tưởng là món ăn của người Đồng Tháp. Lần đầu đến quán không ít vị khách đã hỏi chủ quán: “Chị là người Đồng Tháp hả?”. Chủ quán lúc nào cũng vui vẻ: “Tôi là người gốc Sài Gòn, ông xã tôi gốc Đồng Tháp”.
Điều khiến khách trở lại nhiều lần nữa chính là ở hương vị đặc biệt của những món chay tại quán. Khách mới rồi khách cũ, từ khi mở quán đến nay hủ tiếu chay Sa Đéc chưa bao giờ ngớt khách ra vào.
Nước hầm ở quán gồm có bắp, củ cải đỏ, củ cải trắng, su, đậu hũ. Ngoài ra, còn có nấm đông cô, nấm rơm, lạc rang
Chị Thư mở quán nhưng không học nghề từ ai mà tự nấu nướng
Nguyễn Hoàng Anh Thư (36 tuổi, chủ quán) nhớ lại: “Ông xã mình là người gốc ở Sa Đéc Đồng Tháp. Sợi mì, sợi hủ tiếu được lấy trực tiếp từ Sa Đéc và chuyển lên Sài Gòn hàng ngày. Thành ra vì vậy mà mình lấy tên là Hủ tiếu chay Sa Đéc”.
Mỗi ngày, quán hủ tiếu chay Sa Đéc bán được khoảng 150 tô, nếu là ngày rằm thì hơn 350 tô. Chị Thư chia sẻ: “Mình mở quán cũng lâu rồi mà ở địa điểm này thì mới khoảng một năm rưỡi thôi. Nói đến đông khách nhất thì phải nói đến những ngày rằm, không nghỉ tay luôn”.
Nồi nước hầm ở quán gồm có bắp, củ cải đỏ, củ cải trắng, su, đậu hũ. Nấm đông cô, nấm rơm, lạc rang thì được đựng bằng đĩa riêng chứ không cho vào nồi để hầm. Tùy theo khách gọi, sợi mì và hủ tiếu sẽ được trụng ngay rồi chan nước hầm và cuối cùng là thêm nấm, đậu và vài miếng tàu hũ ky vàng ươm, dòn rụm trông bắt mắt.
Khách gọi tô nhiều bánh, mì giá vẫn không đổi
Dù quán rất đông khách nhưng một phần dù là phần ít hay nhiều sợi mì thì vẫn có giá 20.000 đồng. Đây cũng là một điểm đặc biệt của Hủ tiếu Sa Đéc.
Video đang HOT
Nếu khách gọi tô nhiều sợi mì thì giá vẫn không đổi
Chị Thư bộc bạch: “Không phải vì người ta kêu phần nhiều mà chị thêm tiền, vì có những người ăn nhiều nhưng cũng có người ăn ít coi như là bù qua bù lại thôi”. Vừa “ngon, bổ, rẻ” nhìn lại hấp dẫn nên cũng dễ hiểu khi thực khách quay lại quán sau khi đã ăn thử lần đầu tiên.
Hủ tiếu chay Sa Đéc mở bán từ 12 giờ trưa cho đến khi nào bán hết mới dọn hàng. Nồi nước hầm được hầm khoảng 7 tiếng trước khi mở hàng. Chính vì vậy, vị ngọt của nước hầm là vị ngọt từ rau củ rất đậm đà.
Ngày rằm hủ tiếu chay Sa Đéc bán được gấp 2 lần rưỡi ngày thường
Tuy được hầm trong khoảng thời gian dài nhưng giữ lửa đều và không để lửa quá lớn nên rau củ không bị nhừ quá. Sợi mì dai và mềm, không khô và cứng. Trên bàn có để sẵn dĩa rau lớn, chanh, sa tế… phục vụ thực khách.
Bà Cao Thị Vân (55 tuổi) sinh sống tại quận Gò Vấp là khách quen của quán. Bà Vân tấm tắc: “Tôi chưa có ăn cái quán nào mà ngon như vậy, giá thành rẻ, ngon. Tôi biết được quán này là vì đi ngang thấy nên vào ăn thử. Ăn xong, thấy rất ngon. Cái mà làm tôi thấy thu hút nhất là vị rất đậm đà mà không bị ngọt quá, cái kiểu chay rất nhẹ nhàng”.
Trước đây, quán Hủ tiếu chay Sa Đéc nằm ở số 336B Phan Văn Trị nhưng vì một số lý do nên quán phải dời đi đến đầu một con hẻm cách địa chỉ cũ khoảng 100m. Tuy quán đổi địa điểm nhưng không vì thế mà lượng khách đến quán giảm đi. Một vị khách đang ăn hủ tiếu ở quán nói đùa: “Quán này là quán khiến người ta phải đi tìm”.
Theo Thanhnien
Bún cua 'thối', ai lỡ ăn dễ ghiền
Nồi nước dùng lớn chứa nước đen sánh sệt, bên trong có măng, hột vịt. Bếp tăng nhiệt, nồi sôi ùng ục. Bạn có tin không? Đấy là nồi nước dùng cho món bún cua thối của phố núi Gia Lai, khiến biết bao người mê mẩn.
Chủ quán giải thích về tên gọi cũng như hương vị của món ăn này: "Tại vì do mình ủ qua đêm nó bay mùi lên nên gọi là bún cua thối"
LÊ NAM
Từ đầu hẻm, mùi mắm, mùi cua đã dậy lên khá nồng như cuốn chân thực khách bước vào quán. Cả dãy phố Phùng Hưng ở TP. Pleiku nổi tiếng với món này bởi rất nhiều nhà bán bún cua thối. Chúng tôi quyết định bước vào quán cô Chi, nằm tại số 02 Phùng Hưng - quán được nhiều người giới thiệu là 22 năm tuổi.
Một nồi nước dùng lớn chứa loại nước đen sánh sệt, bên trong có măng, hột vịt. Thỉnh thoảng bà chủ cho thêm dầu vàng đã nấu vào nồi rồi khuấy đều lên. Bếp tăng nhiệt, nồi nước sôi ùng ục.
Cận cảnh nồi nước dùng có màu đen sánh đặc trưng
Một tô bún chỉ có một nhụm bún, nước dùng nóng hổi chan trực tiếp lên bún. Thêm bì heo chiên giòn, hành phi thơm, khi ăn kèm với rau sống... Ai nấy đều xì xụp thưởng thức một cách ngon lành. Liệu "bún cua thối" có "thối" thật như lời đồn?
Người Gia Lai rất mê bún cua thối.
Thực khách Trần Thị Thành (hiện đang làm việc tại Đà Nẵng nhưng về thăm nhà ở Gia Lai) cho biết: "Lần nào em cũng phải ăn mấy tô. Hôm qua em cũng ăn hôm nay em cũng ăn. Ngày nào em cũng ăn hết, ăn cho đỡ ghiền". Nói về mùi đặc trưng như lời đồn đại của mọi người với du khách phương xa, Thành cười vui vẻ: "Em ăn quen rồi nên em không thấy mùi gì hết".
Cận cảnh một tô bún cua thối
Ngồi đối diện, bà Mai Thị Vương (khách quen của quán bún cua Chi) nhận định: "Cô không nghe mùi thối mà cô vẫn nghe thơm thơm nhưng những người họ không ăn họ kêu thum thủm, thối thối".
Trong khi đó, bạn Ngô Quang Mẫn (học sinh trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.Pleiku) thì công nhận: "Em thấy 50 thối - 50 thơm, chưa ăn thì hơi... có mùi thật".
Nước dùng đặc trưng từ cua tươi ủ chua
Giải thích về tên gọi cũng như hương vị của món ăn này, bà Châu Thị Chi, 51 tuổi, chủ quán nói: "Tại vì do mình ủ qua đêm nó bay mùi lên nên gọi là bún cua thối. Cua mình mua cua sống. Cua chết sẽ làm hỏng nồi nước. Mình xay đi lọc lấy nước, để qua đêm bỏ muối, qua ngày mai mình nấu. Dầu nấu bằng cách phi hành, bỏ vào cho thơm".
Bà Chi cho biết thêm, loại cua để nấu là cua đồng ở Gia Lai: "Chỉ có cua Gia Lai mới làm ngon, còn có chỗ khác làm không ngon bằng".
Bà Châu Thị Chi, 51 tuổi, chủ quán bún cua thối nổi tiếng ở TP.Pleiku, Gia Lai suốt 22 năm qua
Thoạt nhìn, tôi không biết ăn món này ra sao. Lại mạnh dạn ra hỏi bà chủ. Bà cho hay: "Tô bún trộn đều lên với ớt, mắm nêm, thêm chả ram và trứng. Món ăn sẽ ngon hơn với rau sống. Tại đây luôn có sẵn rất nhiều loại rau để ăn kèm".
Bà Nguyễn Thị Thu Hương (66 tuổi, khách quen của quán bún cua Chi) thích ăn bún cua thối từ nhỏ. Bà cho biết đã bị mê mẩn món này đến độ không ăn không chịu được.
"Nói chung là món đồng quê nhưng cái này cô ăn không biết bao nhiêu năm nay rồi. Bình quân tuần nào cũng ăn vài lần, còn mua cho cả nhà ăn luôn", bà Hương chia sẻ.
Em Ngô Quang Mẫn thưởng thức bún cua thối nhưng vẫn công nhận món ăn có phần hơi... nặng mùi
Trẻ em ở đây cũng rất yêu thích món ăn này
Tâm sự nhỏ to với mẹ khi ăn bún cua thối vào bữa chiều
Thích thú khi được mẹ dẫn đi ăn
Quả vậy, không chỉ bà Hương mà nhiều người ở Gia Lai cũng bị "nghiện" bún cua thúi. Cứ chiều đến là lại rủ nhau ra bún cua thối Phùng Hưng. Mà đã ăn là phải ăn liền 2, 3 tô chứ không ăn 1 tô bún như thông thường.
Quán mở mỗi ngày từ 11 giờ trưa đến khi trời bắt đầu tối, như bữa tôi ghé quán, mới có 5 giờ chiều, cô Chi đã trút những giọt nước dùng cuối cùng cho tô bún cuối để mời tôi thưởng thức. Lúc bưng ra, khách ăn ngoài hẻm vẫn kéo đến nhưng đành ngậm ngùi tìm quán khác vì bún cô Chi đã hết hàng.
Nếu bạn muốn có một trải nghiệm ẩm thực thú vị khi lên phố núi Gia Lai - hãy nhớ ghé bún cua thối ở số 02 Phùng Hưng cùng thưởng thức nhé!
Theo Thanhnien
Về Sa Đéc ăn hủ tiếu sáu ngàn Dân du lịch " bụi" có dịp ngao du đến "vương quốc hoa Sa Đéc" ở miền Tây (Đồng Tháp ), đều hết sức hào hứng khi "khám phá" ra một địa chỉ bán hủ tiếu Sa Đéc thứ thiệt mà giá mỗi tô chỉ có... 6.000 đồng. Nhiều người còn lên mạng khen hết lời món hủ tiếu ngon mà quá rẻ...